12/01/1943: Liên Xô chọc thủng cuộc bao vây Leningrad

Nguồn: Soviet forces penetrate the siege of Leningrad, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1943, quân đội Liên Xô đã chọc thủng cuộc bao vây Leningrad của quân Đức, vốn đã kéo dài một năm rưỡi. Lực lượng của Liên Xô đã tạo ra “một lỗ hổng” phá vỡ vòng vây của Đức, cho phép đưa thêm nhiều hàng tiếp viện dọc theo hồ Ladoga.

Sau khi xâm lược Liên Xô vào tháng 06/1941, Đức đã tiến thẳng đến Leningrad, thành phố lớn thứ hai ở Liên Xô. Trong tháng 8, quân Đức tiếp cận từ phía tây và phía nam, bao vây thành phố và vô hiệu hóa đường sắt Leningrad – Moskva. Người Đức đã cố gắng chiếm Leningrad nhưng thất bại. Trước tình hình đó, Hitler đã quyết định tiến hành bao vây, không cho bất cứ ai ra vào thủ đô của nước Nga cổ.

Hitler dự định sẽ chờ người Liên Xô đầu hàng, sau đó san bằng thành phố và giao lãnh thổ cho các đồng minh của mình ở Phần Lan, những người đang tiến vào Leningrad từ phía bắc. (Phần Lan không muốn chiếm Leningrad và đủ vui mừng với việc giành lại được phần lãnh thổ đã mất vào tay Liên Xô năm 1939.)

Cuộc bao vây chính thức bắt đầu vào ngày 08/09/1941. Người dân Leningrad đã xây dựng nhiều công sự chống tăng và đã thành công trong việc tạo ra một hệ thống quốc phòng ổn định cho thành phố, nhưng họ cũng bị cắt đứt mọi đường liên lạc đến các nguồn quan trọng khác ở Liên Xô.

Năm 1942, 650.000 người dân Leningrad chết vì đói, bệnh tật, và bị thương do đợt bao vây và bắn phá liên tục bằng pháo binh của quân Đức. Các xà lan cứu trợ sẽ đến vào mùa hè và xe trượt băng sẽ tiếp tế trong mùa đông. Một triệu người, gồm bệnh nhân, người già, và trẻ em tại Leningrad đã âm thầm sơ tán. Chỉ còn khoảng 2 triệu người ở lại, trông chờ vào khẩu phần thức ăn có sẵn và dùng tất cả các vùng đất trống để trồng rau.

Vào ngày 27/01/1944, một đợt phản công của Liên Xô đã đẩy người Đức về phía tây, chính thức chấm dứt đợt bao vây Leningrad sau 872 ngày.