Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại (P4)

Tng hp: Mai Nguyễn

21 – Nguyễn Hữu Có và Đặng Văn Quang, hai tướng quyết liệt chống lại giải pháp “nửa chừng xuân”

Đại sứ Cabot Lodge khuyến cáo Nguyễn Cao Kỳ và hội đồng kỷ luật của quân đội Sài Gòn hãy dè chừng dân chúng và báo chí Mỹ. Vì lần này đem xét xử không chỉ một mình Nguyễn Chánh Thi mà cùng lúc những 4 tướng nữa: Tôn Thất Đính, Phan Xuân Nhuận (chống đối, ly khai), Nguyễn Văn Chuân, Huỳnh Văn Cao (đào tẩu, thiếu trách nhiệm…).

Nếu cả 5 tướng đều bị lột lon cách chức, đưa về vườn một lượt, sợ sẽ gây chấn động trong quân đội. Tiếng đồn về mối bất hòa dai dẳng giữa các tướng lĩnh Sài Gòn một lần nữa sẽ vang ra ngoài và thế nào báo chí Mỹ cũng xoáy vào đàm luận.

Khi ấy, một số có xu hướng phản chiến trong báo giới Mỹ có thể nhân đó công kích Tổng thống Johnson đang ủng hộ một chính phủ mất đoàn kết, không đáng tin cậy như Thiệu – Kỳ và hâm nóng bầu khí chống chiến tranh Việt Nam vốn sôi bỏng cách đó hơn nửa năm vào tháng 11.1965 với 25.000 người biểu tình kéo về đài tưởng niệm Washington tố cáo Johnson leo thang chiến tranh.

Chiến tranh Việt Nam 1965-1966 đã khiến phải rút giảm các quỹ xã hội Mỹ. Ngân sách giáo dục và chương trình cung cấp sữa cho học sinh bị cắt đầu tiên. Mục sư Martin Luther King hỏi: “Chúng ta thích cuộc chiến chống nghèo khó hay chúng ta thích chiến tranh ở Việt Nam?”. Một luật gia Mỹ bảo: nền kinh tế không thể cùng lúc đưa lại cả súng và bơ! Vậy cần chọn lựa một trong hai. Nhưng Tổng thống Johnson đã cột Mỹ vào hai cuộc chiến tranh cùng một lúc: chiến tranh chống nghèo khó và chiến tranh Việt Nam. Làn sóng phản đối dâng cao tràn ra Đại lộ số 5 New York diễu hành, la ó, ném trứng, đốt thẻ quân dịch… Đó là những hình ảnh nhức đầu mà Cabot Lodge không muốn chúng tiếp tục diễn ra từ “một đám cháy” tận Việt Nam. Nên Lodge khuyên “dè dặt”, nhất là “đối với Nguyễn Chánh Thi”. Để chiều đại sứ Cabot Lodge, Nguyễn Cao Kỳ muốn phạt quân kỷ cả 5 tướng vài tháng, rồi “tính bước nữa” chả muộn. Nhưng Nguyễn Hữu Có nằng nặc đòi giải ngũ Thi lập tức, đưa về làm dân không dính gì tới quân đội nữa:

– Cho nên ông (Thi) còn mang trung tướng mà không phải một người dân thì ông còn sử dụng cấp bực trung tướng, khi mình ra biện pháp này những người tay chân bộ hạ của ông, về chính trị cũng như trong quân đội, vẫn còn nuôi hy vọng là ông Thi vẫn còn là một vị trung tướng. Cho nên ở trong đó còn “réserver” (dành riêng) cho một cái “carte” (lá bài) để sau này ông sử dụng lại. Họ còn ủng hộ, còn tiếp tục liên lạc với ông Thi thì các ảnh hưởng đó gây khó khăn cho mình nữa! Theo ý kiến tôi hết sức khách quan không vì cá nhân, vì tư thù nói rằng bây giờ tôi còn cầm quyền; có quyền hạn ăn nói ở đây để buộc tội người ta, làm cho người ta sợ (sợ không thôi cũng chưa đủ) mà trên thực tế nếu mình biết ông là người “dangereux” (nguy hiểm) mà mình còn giữ cho ông lá bài, không giải ngũ ông thì “half and half ” lấy biện pháp nửa chừng xuân, thì cái hậu quả đó có nguy hại đến cho mình không? Có lợi không?

Câu hỏi báo động đỏ chưa tắt, ông Có ném cái “phao dỏm” chen mấy tiếng Tây cố hữu:

– Mình muốn “réserver” (dành chỗ) cho ông còn trung tướng để “sauver” (cứu) ông là người tư cách đối với anh em chúng mình, đối với miền Trung. Nếu thấy ông Thi hoàn toàn không lỗi (mà chỉ) vì chỉ bị người ta lợi dụng – (thì) tôi nói thật với anh em, tôi xin nhường chức vụ của tôi cho ông Thi để “sauver” (cứu) ông, để cho ông có một “avenir” (tương lai) đường hoàng (!!!), chớ đừng bắt bỏ tù ông (!!!). Nếu nói ông Thi là người “capable” (có khả năng) và không tội gì, một người xứng đáng, có tư cách, thì tôi sẵn sàng nhường chỗ tôi cho ông!

Cái “phao dỏm” muốn “cứu” ông Thi của Nguyễn Hữu Có vừa ném ra, một trung tướng trong hội đồng quân lực đã tức tốc nhào lên phát pháo, đâm lủng tòe loe, không cho “nổi” lên một chút gió:

– Xin phép anh em suy nghĩ lại cái nguy hiểm cho tương lai (….) ông Thi sẽ trả thù từng đứa (…) tôi ơn ớn chuyện đó (…).

Còn cả một tràng dài bồi đắp cái “nấm mộ” tố khổ đã cao càng cao thêm, trù dập chôn Thi chết đứng giữa phiên tòa. “Ngài trung tướng” có công “bồi thêm” đòn chí tử kia là Đặng Văn Quang. Hồi ký Đỗ Mậu viết:

Quang là: “người con nuôi tinh thần của bà Ấm, chị ruột tổng thống Diệm và là thân mẫu của giám mục Nguyễn Văn Thuận. Vợ Quang là em ruột cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Văn Lương thời Diệm (…). Quang cũng là người điều động hệ thống buôn thuốc phiện lậu để chia lời với Thiệu như Ngô Đình Nhu trước kia buôn thuốc phiện lậu để làm giàu mà Mac Coy đã nói rõ trong The Politics of Heroine in Southeast Asia”.

Đặng Văn Quang tai tiếng vì tham nhũng thời còn làm Tư lệnh Quân đoàn 4 đóng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thiệu đắc cử tổng thống năm 1967 dùng Quang làm phụ tá đặc biệt về quân sự, an ninh, tình báo. Ở chức vụ sinh sát đó, Quang lấn tới kiểm soát luôn lực lượng đặc biệt để tung về Kontum, Pleiku đột kích sang những vùng thuốc phiện nằm sâu tận hạ Lào vơ vét. Đứng chân được ở miền cao, Quang quay dòm con đường thủy tiến vào lãnh thổ Campuchia, chuyển ma túy từ Phnom Penh đến Niếc Lương qua Tân Châu, Bình Thủy, về Sài Gòn bằng các giang thuyền của lực lượng hải quân – với sự thỏa hiệp của Lâm Ngươn Thanh và của đô đốc Chung Tấn Cang.

Chung Tấn Cang, bạn ông Thiệu, Tư lệnh Hải quân từng được Thiệu che chở khỏi cơn bĩ cực một dạo, nên phục tùng Thiệu, nhập với Quang thành “liên minh ma quỷ”. Mỉa mai là, khi Mỹ than phiền thuốc phiện lậu “chảy” xiết vào Sài Gòn, Quang cử Chung Tấn Cang làm trưởng ban bài trừ ma túy của hải quân Sài Gòn! Đặng Văn Quang nắm trong tay nguồn lợi khổng lồ từ thuốc phiện. Trần Văn Đôn viết: “Đặng Văn Quang là người đứng sau Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm và Cao Văn Viên về quyền uy, nhưng đứng hàng đầu về tham nhũng” như chúng tôi sẽ nhắc đến ở ngay sau đoạn mở đầu.

22 – Tại sao TT Marcos khuyên Nguyễn Cao Kỳ “để sẵn va-li đầu giường ngủ” và câu chuyện về “Quế tướng công”?

Do khi làm Tư lệnh Sư đoàn 2 đóng trên miền núi phía Nam Đà Nẵng, tướng Toàn đã thèm thuồng và phù phép vơ không nguồn lợi từ những rừng quế đắt giá ở đó. Ông ta sai linh lấy trộm cả “núi” bán chợ đen. Quế được chở lén lút bằng xe nhà binh xuống thị trong những đêm “hành quân ma”. Việc vỡ lỡ thì Toàn đã no bụng.

Nguyễn Cao Kỳ viết: “ông ta (tướng Toàn) đã tạo được một tài sản lớn nhờ đánh cắp loại cây gia vị rất quý giá này”. Theo Đỗ Mậu, tướng Toàn là người có công với Thiệu Kỳ vì “từng chỉ huy thiết giáp đàn áp Phật tử trong biến cố 1966”. Có lẽ nhờ vậy, Toàn được Kỳ làm ngơ vụ đó, nhưng dân làng báo đương thời chơi ác, phong Toàn cái danh bất hư truyền: “Quế tướng công” từ đó. Mãi sau Toàn vẫn phây phây bon tới chức Tư lệnh quân đoàn III Vùng III chiến thuật, nơi đóng quân và hoạt động của 3 sư đoàn tinh nhuệ, 7 lữ đoàn biệt kích, gần 700 xe bọc thép và hàng trăm máy bay, bao gồm cả “thủ đô” Sài Gòn trong tầm phòng thủ!

Nắm trong tay lực lượng quân sự lớn, Toàn với cấp bậc trung tướng nằm trong Hội đồng An ninh quốc gia của Thiệu bên cạnh những tay tham nhũng khét tiếng như phụ tá quân sự Đặng Văn Quang, Tổng giám đốc Công an Nguyễn Khắc Bình…

Nay, hắc danh “Quế tướng công” vẫn thấy nhắc đến trong các sách báo của người Việt xuất bản ở nước ngoài!

Lúc Toàn biết “ăn” quế, Kỳ mới lên làm thủ tướng, chưa mảy may kinh nghiệm việc “nước”. Ngay chuyện nhậm chức đứng đầu chính phủ là “quốc gia đại sự” mà Kỳ phải chạy về hỏi vợ có nên nhận không rồi mới làm. Nghe tưởng đùa, nhưng thật 100%. Kỳ thuật lại, hôm hội đồng tướng lĩnh chỉ định Kỳ làm “thủ tướng”, ông ta dùng dằng một hồi rồi đưa thêm điều kiện vào cuối phiên họp:

“- Tôi phải xin phép vợ tôi đã!

Phản ứng của vợ tôi là “cấm không cho”! Lúc ấy chúng tôi (Kỳ và Tuyết Mai) là cặp vợ chồng trẻ, chúng tôi không muốn bận bịu bởi chuyện chính trị. Tuy nhiên sau khi nghe giải thích, vợ tôi đã hiểu và đồng ý với việc tôi quyết định đứng ra thành lập chính phủ. Ngày hôm sau tôi trở lại phòng họp của hội đồng quân lực để xác nhận quyết định này!”.

Việc “nước” việc “nhà” của “tướng trẻ” cứ lẫn vào nhau như quyền và lợi của họ. Mới nắm quyền, Kỳ lúng túng nhờ cố vấn Bùi Diễm lo gánh vác nhưng đâu xuể. Trần Văn Đôn viết: “Nguyễn Cao Kỳ ưa chơi đá gà, đánh mạt chược, chuyện quốc gia lơ là nên tham nhũng càng lúc càng trầm trọng. Những tên tham nhũng buôn bán gạo chợ đen, đầu cơ tích trữ, những tay thầu lớn, đều là tay chân thân tín, bà con với những người đang cầm quyền lãnh đạo lúc bấy giờ”.

Càng về sau, cái thế “gia đình ta” cùng làm cùng ăn càng rõ tợn. Như Tổng trưởng Nội vụ Trần Thiện Khiêm (sau cùng là thủ tướng, 1969) đưa cả nhà vào cuộc. Em ruột Khiêm là Trần Thiện Khởi nắm quyền kiểm tra xuất nhập khẩu tại sân bay Tân Sơn Nhất với mối lợi béo bở nhờ việc che chở các đầu mối buôn lậu vàng và thuốc phiện. Người em nữa là trung tá Trần Thiện Phương làm Giám đốc Cảng Sài Gòn. Một người nắm quyền lên trời, một người vùng vẫy dưới nước, toàn ở vị trí có nhiều cơ hội làm ăn lớn. Thêm em bên vợ là tướng Trần Thanh Phong làm giám đốc tổng nha cảnh sát; em rể là Đỗ Kiến Nhiễu làm Đô trưởng Sài Gòn; thế mạnh như cọp mọc sừng!

Ở những vị thế cao ngất cỡ Kỳ, chỉ ngồi “nhà” cũng “thường xuyên được các công ty nước ngoài đến thăm dò ý kiến”. Một công ty Nhật bắn tiếng nếu Kỳ đồng ý “cho phép thành lập xí nghiệp ráp xe hơi” họ sẽ biếu Kỳ “1 triệu đô-la tiền mặt và 300 chiếc xe hơi để tặng bè bạn” như chính Kỳ kể về thời mới nắm quyền thủ tướng. Với cương vị đó, tại hội nghị lãnh đạo chính phủ các nước Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Hàn Quốc, Thái Lan nhóm họp tại thủ đô Manila vào cuối năm 1966, Kỳ gặp Tổng thống Marcos của Philippines và Marcos kéo ông ra riêng để khuyên:

–         Anh nên nghĩ đến nguy cơ của một cuộc đảo chính để lo trước cho tương lai của mình!

Lo cách nào? Kỳ viết: “Có lẽ tất cả các tổng thống tại các nước không ổn định đã tìm cách làm ra tiền cho riêng họ để đề phòng khi bị mất chức”. Marcos nói về mình song hàm ý mách nước để Kỳ làm theo:

–         Tôi luôn luôn để sẵn hai va-li bên giường ngủ của tôi.

Chỉ hai va-li? Thua “tông tông” Thiệu! Kỳ viết: “Người ta nói là Thiệu đã mang theo những 5 va-li chứa đầy đô-la” chạy ra nước ngoài cùng “tẩu tướng” Trần Thiện Khiêm vào cuối tháng 4.1975 (chưa kể vàng tấn chuyển ra Tân Sơn Nhất).

Dưới Thiệu và Kỳ, các tư lệnh cùng, tỉnh trưởng, quận trưởng đều có 1.001 cách tham nhũng, vòi hối lộ. Ăn cắp thì có hệ thống “quân giai” – như cả nửa triệu tấn gạo biến mất khỏi các kho lương thực trong năm 1967. Ngoài tủ lạnh, ti vi, xe gắn máy…súng cũng được bán với giá 25 đến 30 đô-la một khẩu. Vài tay liều mạng đánh cắp lựu đạn rao bán và bị theo dõi còng tay ở chợ Qui Nhơn. Nguyễn Cao Kỳ viết:

“Nếu ai muốn mua một xe bọc thép hoặc một máy bay lên thẳng thì việc đó cũng có thể dàn xếp được!”. Mặt hàng này đặc biệt hấp dẫn đối với mafia châu Á cùng những đội quân thuốc phiện ở vùng “Tam giác vàng”! Chúng được đưa ra khỏi các kho vũ khí bởi các VIP KK.

Trung tướng Vĩnh Lộc hối lộ cho ai?

Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ nêu trường hợp: “Nguyên tư lệnh các lực lượng Nam VN ở đồng bằng sông Cửu Long đã lấy cắp 8.000 đài vô tuyến và 24.000 vũ khí cá nhân do Hoa Kỳ trang bị” và sớm tiêu thụ chúng sạch sành sanh. Tài liệu mật từ Tòa đại sứ Mỹ cho biết “Việt cộng” đã sở hữu phần lớn số đó! Không có điều kiện vẫy vùng, dậy sóng như các VIP KK nhưng các sĩ quan và quan chức địa phương cũng rất ấm túi nhờ các món tiền lo lót để được miễn dịch (khỏi đi lính) chẳng hạn. Việc mua quan bán chức có giá ấn định theo từng cấp, từng vùng, thậm chí từng quận. Ví dụ ở Sài Gòn, quận 5 sáng giá. Kỳ kể hồi nhóm tướng trẻ mới nổi, các người bạn lái máy bay của Kỳ nói đùa:

–         Này Kỳ, nếu sau này có lúc nào đó anh lên làm thù tướng và muốn tìm việc cho bạn bè cũ thì xin anh đừng băn khoăn nghĩ đến chuyện bố trí chúng tôi vào một chức bộ trưởng nào trong nội các của anh cả! Mà anh chỉ cần cho một người trong chúng tôi làm trường ty cảnh sát quận 5 là đủ!.

Muốn làm quận trưởng ở đó phải hối lộ đúng chỗ 15 triệu đồng nhưng người ta yên chí chồng tiền vì sẽ thu gấp ba lần số bỏ ra chỉ sau 2 năm tại chức do nhiều nguồn thu nhập như “hợp tác” làm ăn, hiếu hỷ “vượt mức” v.v…Riêng khoản chạy chọt giấy tờ miễn dịch đưa tới hàng năm một món khá to rồi. Vì Chợ Lớn với 90% dân Hoa kiều thời đó không ai muốn bị đẩy ra chiến trường bom đạn, chết chóc nên “hầu hết những người cha trong gia đình đều cố trả những món tiền hối lộ thật lớn để cho con của họ được miễn dịch”.

Giấy miễn dịch được những người có thẩm quyền cấp phát dưới sự mách nước lắm khi từ các …bà vợ của họ. Một đoạn hồi ký khá hóm hỉnh viết:

Số tiền 100.000 đồng mà các bà vợ nhận được mỗi khi họ (bảo chồng mình) giúp cho con của bè bạn được khỏi bị gọi đi lính – đã trở thành một món tiền phổ biến đến mức các bà đánh xì-phé trong các canh bạc lớn mỗi lần đi tiền thêm đã hô:

–         Tôi tố thêm một tân binh quân dịch!”.

“Một tân binh” nghĩa là đặt thêm 100.000 đồng nữa (theo Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, 1 đô-la Mỹ ăn 118 đồng tiền Sài Gòn vào giữa năm 1965-1966). Ngoài giấy miễn dịch, các loại giấy khác để hoàn tất thủ tục xuất ngoại, hoặc môn bài, bằng cấp…đều cần nạp lễ bằng tiền, hoặc bánh trung thu nhân hột xoàn. Dân hối lộ quan chức và các tướng tá là sự thường, tướng tá hối lộ dân có không? Có. Chắc bạn đọc còn nhớ chuyện trung tướng Vĩnh Lộc (người kết án Nguyễn Chánh Thi rất gay gắt) dan díu với ca sĩ Minh H. bị dư luận “pha đèn”. “Rét” quá, Vĩnh Lộc sai người khệ nệ ôm một bó bạc bọc giấy hoa, khiêng dàn máy Akai loại “đời mới” thời đó, thêm hai chiếc đồng hồ Seiko sáng chói khép nép đến làm lễ ra mắt một…nhà báo. Mục đích xin đừng viết về “mối tình nghệ sĩ” của ông trung tướng nữa.

Nhưng trung tướng hoàng gia đã “lầm địa chỉ”.

23 – Trung tướng Nguyễn Chánh Thi bị xử 60 ngày biệt cấm tại …Mỹ!

Trung tướng Nguyễn Chánh Thi (ngồi giữa) – ảnh chụp năm 1964

Người mà ông Vĩnh Lộc “tặng không” dàn máy âm thanh, đồng hồ, bạc bó là một ký giả có vai vế ở báo Quật Cường. Tờ đó do Hoàng Đức Nhã và các cán sự thông tin báo chí của ông Thiệu lập ra với sự thường xuyên hỗ trợ của Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia kiêm Đặc ủy trưởng tình báo trung ương Nguyễn Khắc Bình

Sự “phối hợp nghệ thuật” giữa họ đề ra ban biên tập sẵn sàng “quật” đối lập, trong đó có một số cây bút quân đội kéo từ “Cây đèn cầy” về. “Cây đèn cầy” tức vùng 1 chiến thuật. Con số “1” đính nơi áo giống hình cây đèn cầy thắp lên giữa vùng hỏa tuyến, xui lắm! Binh nhì đưa ra tác chiến ở đó dễ thành “cố binh nhất” vĩnh viễn. Đã bị đẩy trú quân vùng 1 mà được chuyển về Sài Gòn coi bằng thoát miền tử địa, khỏi ăn cháo lú. Nhưng bù lại, các cây bút hưởng “ân huệ” đó cần quên mình, viết theo chỉ thị đưa ra từ phủ đầu rồng.

Dạo đó có tin Quật Cường chuẩn bị “quật” chuyện tình vụng trộm của mình lên mặt báo, trung tướng Vĩnh Lộc lo lắm. Tuy là tờ báo hẻo lánh, ít bạn đọc so với các tờ khác trong làng báo Sài Gòn, nhưng tướng Lộc sợ các tờ khác xía vô “nổ dây chuyền” phiền phức.

Cũng thời điểm đó, ký giả “có vai vế” mà tướng Lộc muốn nhờ đỡ đang bị “hạ tầng công tác” vì việc gì không rõ và em rể của nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan (người họ Trịnh) được đưa về thay thế. Không biết việc thay đổi về nhân sự trên, ông Lộc cứ truyền lễ lạc mang tới. Ký giả kia bảo mình không có quyền hạn chi. Nhưng phía ông trung tướng tưởng quà cáp còn ít cứ nài nỉ “xin nhận cho”…Việc cũng qua, trung tướng Vĩnh Lộc băng băng lên tới Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn nhưng chỉ tại chức có …1 ngày, vào 29.4.1975 theo quyết định muộn màng của đại tướng Dương Văn Minh, ông Vĩnh Lộc được các tướng tá viết hồi ký nhắc đến là sĩ quan “có học vấn cao” (Đỗ Mậu), thuộc hàng “tướng lĩnh thâm niên nhất” (Trần Văn Đôn). Còn Nguyễn Chánh Thi ghép ông với các tướng tham nhũng cạnh nhau, gọi bằng “chúng nó”.

Và phiên tòa của “chúng nó” như chữ ông Thi gọi, tiếp tục cuối chiều đó bằng phát biểu của Nguyễn Cao Kỳ sau khi nghe Nguyễn Hữu Có và Đặng Văn Quang chống lại hướng xử “nửa chừng xuân”:

“Tôi quên không nói rõ là cá tính của ông Thi thù hằn ghê lắm. Phải mường tượng ngày hôm nay hội đồng kỷ luật từng này người mà phạt ông 60 ngày trọng cấm, ngày nào ông ngồi ông xét xử lại, ông kể lại từng tên một này ra, không xót một tên nào! (…) Tôi xin kể anh em nghe câu chuyện: Thiếu tá Phan Phụng Tiên lái máy bay cho ông đi trốn ở Cao Miên chỉ vì sang đó (1960) nó hành động này nọ, nó chỉ trích rồi nó không chơi với ông nữa. Thì hôm đầu tiên ông về đây (1963) gặp tôi ông bảo, thằng Tiên nó đâu rồi mày. Hôm đó ông định giết nó. Tôi phải can ông mãi trong hành lang Tổng tham mưu. Tôi bảo nó là đàn em, dầu nó có tội mà nó có công lái máy bay nếu không làm sao anh trốn được. Thằng Tiên sợ quá xanh mặt về nói với tôi thôi rồi ông Thi về đây tôi chết. Vì ông đó là ông ghê gớm lắm!

Ghi lại các phát biểu trên, Hoàng Đại Minh, người đưa tài liệu đặc biệt về phiên xử lên mặt báo Tia Sáng, đã nhận xét: “Dẫu sao lúc này sau những tháng rối ren đẫm máu mà (nguyên cớ) cũng tại việc ông (Kỳ) cách chức tướng Thi nên đứng ở địa vị thủ tướng chính phủ đứng đầu ngành hành pháp…ông Kỳ phải thận trọng. Lần kết tội này đối với tướng Thi nếu suôn sẻ không nói chi ngược bằng rối ren lại ầm ầm dấy lên thì chưa chắc ông còn giữ vững được ngôi vị…”. Đoán ý Nguyễn Cao Kỳ tuy có chuyển sau những lời kết tội mạnh mẽ của hai ông Có và Quang nhưng vẫn còn dè dặt, chờ đợi, thiếu tướng Vỹ tiếp thêm:

–         “Tôi e rằng nếu không giải ngũ ông Thi là mình tự thổi phồng ông lên…”. Tướng Lê Nguyên Khang thì: “Sở dĩ ông Thi được coi là thần tượng trong thời gian vừa rồi vì nhiều người thấy ông hò hét như vậy nể nang, riêng mình phải nhận một phần lỗi, chứ nếu mình đã đưa ông đi an trí với những biện pháp, rồi cắt đứt tất cả sợi dây liên lạc rồi thì tôi tin rằng ông không còn cái gì nữa…”.

Phiên xử lấn cấn chỗ nên “cắt đứt tất cả sợi dây liên lạc ngay” (biệt cấm) đồng lúc với giải ngũ hay hoán từng giai đoạn. Lui tới “phe ông Có” đòi “bứng gốc” bị can Nguyễn Chánh Thi khỏi đất Việt Nam quăng ra nước ngoài. Một lần cuối, ông Kỳ cố thuyết phục hãy chầm chậm chút đỉnh:

–         Nếu trên thực tế mình chấp nhận ông ấy phải ra khỏi quân đội, thì bây giờ (như đòi hỏi gấp gáp của tướng Có) hay hai tháng sau, cũng vậy. Vì từ giờ đến hai tháng nếu mình chấp nhận mọi hình phạt trọng cấm hay biệt cấm xong là 60 ngày thì trong 60 ngày ông không “contacter” (tiếp xúc) được với ai!

Phiên xử đến hồi phải gút. Đến 17 giờ 5 phút ngày 9.7.1966 (ông Thi ghi 14.7). Hội đồng kỷ luật quân đội Sài Gòn do ông Thiệu đứng đầu tuyên án 60 ngày biệt cấm, hưu trí đối với tướng Thi. Hồi ký Nguyễn Chánh Thi viết:

Cuộc hỏi tội chấm dứt lúc nào tôi cũng không biết. Tôi bâng khuâng bước ra khỏi phòng hội Bộ Tổng tham mưu, đầu óc trống rỗng”. Ông và Tôn Thất Đính, Phan Xuân Nhuận bị áp giải về lại số 2 đường Tú Xương. Cơm tối xong, ông Đính hối hả chạy sang gặp Nguyễn Chánh Thi, bảo:

–   Anh có nghe radio không? Chúng nó loan báo phạt mình và đuổi ra khỏi quân đội rồi!

Ông Đính quát tháo, chửi bới Thiệu – Kỳ – Có toáng lên. Lính gác ngỡ có xô xát ôm súng chạy đến. Họ đứng nghe, im lặng “im lặng nhìn nhau rồi bỏ đi”.

Mấy hôm sau, Nguyễn Hữu Có cho xe đến đón Nguyễn Chánh Thi vào nơi làm việc tại Bộ Quốc phòng. Ông Thi thuật lại buổi nói chuyện cuối cùng với ông Có tại Sài Gòn hôm đó:

Gặp tôi hắn có vẻ ngài ngại, cố làm ra vui vẻ, hỏi:

–         Anh có được mạnh khỏe không?

Tôi không trả lời. Hắn nói tiếp: Chính phủ (?-Ông Thi đánh dấu hỏi) và người Mỹ đã chịu điều kiện anh đòi hỏi, anh nghĩ sao?

– Điều kiện ấy là gì?

– Thì anh sẽ chịu đi ra ngoại quốc với điều kiện là thả tất cả những người phạm tội trong vụ biến động miền Trung.

Tôi cố làm ra vui vẻ nói đùa với Nguyễn Hữu Có:

–         Té ra tôi cũng quan trọng thế hả? Bứng được tôi chắc các anh mừng lắm hỉ?…

Có lặng thinh nhẫn nhịn. Tôi trêu thêm:

–         Hôm nay tôi cứ tưởng anh gọi đến chia tiền bán thuốc phiện, mừng quá…”

Không đợi đến “60 ngày biệt giam” mà khoảng hơn 10 ngày sau, vào ngày 20.7.1966, đại tướng Samuel Wilson, “Giám đốc cải cách điền địa” mà ông Thi biết là người của CIA đến nhà giam thúc: “đã đến lúc tôi phải đi khỏi nước càng sớm càng tốt”!

24 – Nguyễn Văn Thiệu hứa cuội với Nguyễn Chánh Thi và hạ đo ván tướng Kỳ lần đầu tiên ra sao?

Đích thân vào ‘thăm” Nguyễn Chánh Thi tận nơi giam giữ, đại tướng Mỹ Samuel Wilson thông báo chính ông ta đứng ra “dàn xếp như ý muốn” của ông Thi. Nghĩa là “những anh em can dự vào biến động miền Trung sẽ được thả”. Phần tướng Thi, còn được một tuần đến 10 ngày để chuẩn bị rời khỏi Việt Nam vô thời hạn.

Theo ông Thi, ông không có trương mục gửi nhà băng Thụy Sĩ hoặc các ngân hàng khác. Hội đồng quân lực Sài Gòn phải trợ giúp ông 5.000 đô la, may cho 5 bộ đồ lớn tại hiệu may Tân Tân đường Tự Do và mua “tặng” tấm vé máy bay Sài Gòn đi Hoa Thịnh Đốn không đăng ký khứ hồi. Một trời tâm sự của Nguyễn Chánh Thi viết:

Ngày 29.7.1966, tôi và hai đứa nhỏ, Nguyễn Chánh Hiển 9 tuổi và Hoàng Thị Hoàng Yến 7 tuổi được đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất đi Mỹ”.

Số ông lận đận, ngay chuyến bay biệt xứ đó cũng gặp trắc trở. Theo một tờ báo đương thời: “Tướng Thi cùng 2 trong 4 đứa con (vợ ông sống với người khác từ hồi ông bị Ngô Đình Diệm kết tội “phản nghịch” phải trốn sang Campuchia năm 1960-1963) và một hầu cận (?) rời Sài Gòn đi Hoa Thịnh Đốn nhưng một cuộc đình công của nhân viên hàng không làm họ kẹt ở Honolulu”. Cả bốn người chuyển sang chiếc phản lực cơ Air Force One đi nhờ đoạn đường còn lại. Ông Thi viết:

Chuyến lưu đày nào mà không buồn! Đi thì đi nhưng tôi không ngờ lại bị giam hãm ở nước này (Mỹ) lâu đến thế!”

Bốn năm sau, vào giữa tháng 12.1970, tờ Baltimore Sun tiết lộ “phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ trong chuyến sang Mỹ đã gặp tướng Thi” nhưng cuộc gặp gỡ này đầy kịch tính và được nữ phái viên Rose Kusnher tường thuật khá sinh động:

Ông Kỳ “ngồi hàng ghế đầu ở câu lạc bộ quốc gia báo chí tại Hoa Thịnh Đốn ghì lấy lưng ghế rồi quay lại ra lệnh một cách vội vàng … Liền đó, ông Đặng Đức Kh. (tuân lệnh) đi nhanh đến dãy bàn nằm đối diện diễn đàn rồi ngồi mọp xuống bên cạnh chiếc ghế của một người Việt Nam khác cũng có bộ râu như ông Kỳ là trung tướng Nguyễn Chánh Thi để chuyển lời mời tướng Thi đến ngồi với phó tổng thống Kỳ tại bàn tiệc đặt ở hàng đầu, tướng Thi đã từ chối”.

Đến bữa cơm được dọn ở trụ sở trên, những người biểu tình thuộc nhiều phe nhóm hò hét bên ngoài, ông Kỳ được bảo vệ kỹ lưỡng, nhưng hẳn nhiên không thoải mái lắm bởi hàng rào an ninh chìm nổi vây quanh, trong lúc “tướng Thi tự do đi đi lại lại trong phòng tiệc đầy người, ngưng lại nói chuyện với thân hữu cũ như tướng Lewis Walt, cựu tư lệnh bộ chỉ huy thủy quân lục chiến Mỹ tại Đà Nẵng thời miền Trung biến động. (…) Tướng Thi phà khói sau khi hít những hơi thuốc trong chiếc ống điều ngà cũ xì và thuật lại những diễn biến đưa đến việc ông bị hạ bệ”.

Ông nói vào lúc đó (1966), Mỹ tung một lúc quân lính và đô la ào ào vào Nam Việt Nam. Đô la Mỹ làm mờ mắt nên không ai muốn từ bỏ quyền hành của mình đang nắm, vì “có quá nhiều cơ hội để trở nên giàu có”, ngược lại họ lanh lùng loại trừ những tiếng nói phản kháng. Thậm chí họ đành tâm nghe theo ý kiến ngấm ngầm chỉ vẽ của “đại sứ Cabot Lodge và vị phụ tá là ông Philip Habib cho phi cơ Mỹ dội bom Đà Nẵng khi dân chúng nổi dậy phản đối …”!

Những lời bộc trực cứng cỏi đó chắn hẳn phải gây khó cho ông trong chuyện ông xin hồi hương về Việt Nam vào đầu năm 1972. Ông Thiệu bắn tin qua báo Sóng Thần (một tờ báo “thông thạo nhất về tin tức của phía chính quyền”) là “sự trở về của ông Thi có một vài khiếm khuyết về thủ tục, ông (Thiệu) cũng sẽ ra lệnh cho các viên chức thừa hành thông qua”.

Thế là sau 6 năm sống lưu vong, sáng 23.2.1972 ông Thi về đến phi thường Tân Sơn Nhất trên chuyến phi cơ 747 của hãng PANAM. Dư luận báo chí hết sức ngạc nhiên, như Mạc Kinh viết: “Nhiều lầnông (Thi) vẫn tuyên bố chống chính sách can thiệp của Mỹ, điều làm cho Hoa Kỳ không mấy hài lòng. Mới đây ông cũng xác nhận quan điểm đó cho nên người ta đã ngạc nhiên làm sao tướng Thi lại được Hoa Kỳ chấp thuận cho trở về Việt Nam. Một vài nguồn tin còn đi xa hơn cho rằng chính Hoa Kỳ đã áp lực tổng thống Thiệu, yêu cầu ông Thiệu để cho ông Thi về với một sứ mạng đặc biệt nào đó trong tương lai” (!)

Thật ra chẳng có “một sứ mạng” nào cả mà thực tế xảy ra khác hẳn với lời Nguyễn Văn Thiệu hứa. Nghĩa là thay vì đón mừng, theo Hiếu Chân thuật lại, sáng sớm hôm đó một đại đội cảnh sát dã chiến nai nịt gọn gàng, trang bị lựu đạn cay, súng M-16, ma trắc và cả lá chắn được tung đến phục sẵn quanh chỗ máy bay sắp hạ cánh. Hỗ trợ bên trong các phòng hành chánh của phi trường còn có cảnh sát áo trắng chở tới đông ngót hàng chục xe túc trực với đồ nghề cầm tay gồm máy truyền tin liên lạc, máy đánh chữ và súng lục bên hông.

Tất cả đợi khi chiếc máy bay có chở tướng Thi vừa đáp xuống thì cùng một lượt hướng tầm mắt về phía cầu thang lên xuống … Ở đó, theo hãng UPI, có giám đốc cảnh sát đô thành Trang Sĩ Tấn. Trang Sĩ Tấn xuất hiện chặn tướng Thi lại, yêu cầu ông không được bước vào phòng khách của Tân Sơn Nhất và ngồi yên tại chỗ để quay trở về Mỹ trong vòng 10 phút nữa!

Vào lúc đó, từ đại sảnh của phòng trà sân bay, hàng trăm thân hữu của ông Thi nhướng mắt chờ đợi ông với bữa tiệc hứa hẹn sẽ đầy đủ các chính khách quan trọng đến dự ngay trưa ấy tại Sài Gòn. Nhưng ngoài kia ông bị giữ lại. Cuối cùng, chiếc phi cơ phản lực khổng lồ gầm rú và hối hả cất cánh quay về Mỹ với người khách độc nhất là tướng Nguyễn Chánh Thi.

Như vậy chuyến hồi hương về Việt Nam đó ông chỉ được nhìn khung cảnh Sài Gòn qua cửa máy bay, rồi bị buộc phải độc hành viễn xứ lập tức. Báo chí Sài Gòn lại rộ lên dư luận chỉ trích Thiệu – Kỳ xử sự với ông Thi không công bằng và đưa tin hãng PANAM chưa đồng ý về khoản bồi thường 200.000 đô la cho “sự cố” trên.

Qua vụ đó, người ta liên tưởng đến việc ông Thiệu hạ đo ván tường Kỳ thời kỳ vận động tranh cử tổng thống 1967. Lúc đầu, Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu đều muốn ghi danh. Song Kỳ bảo: “Nếu hai chúng tôi cùng ganh đua để tranh ghế tổng thống thì điều này có thể sẽ được người ta coi là một sự rạn nứt trong quân đội”. Để giải quyết, tướng Cao Văn Viên với tư cách “bộ trưởng bộ quốc phòng” triệu tập 48 tướng lãnh bàn cãi một ngày dài. Nhưng không tới đâu, và hai bên quay mặt choảng nhau. Màn ngoạn mục đầu tiên là Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố ứng cử tổng thống để Thiệu làm phó nhưng …

25 – Thiệu – Kỳ và cuộc chạy đua “có người lái” vào Dinh Độc Lập

Thật ra không đợi đến cuộc bầu cử tổng thống năm 1967 mà ngay giai đoạn thành lập nội các chiến tranh hồi 1965 đã nảy sinh va chạm ngấm ngầm giữa “cái ngã” của hai ông Thiệu và Kỳ.

Lúc mới đầu, Thiệu và tôi (Nguyễn Cao Kỳ) đã đối xử với nhau khá hòa thuận nhưng có sự rắc rối tế nhị giữa chúng tôi. Trong địa vị quốc trưởng, Thiệu không nắm bất cứ quyền hạn gì trên thực tế. Chính tôi đã phải chịu lấy trách nhiệm về các quyết định và việc này khiến Thiệu đâm ra ghen tỵ. Tôi có thể hiểu chuyện này dễ dàng hơn nếu Thiệu đã không từ chối thành lập một chính phủ trước đó bởi vì Thiệu sợ vướng trách nhiệm. Thiệu muốn có quyền lực và danh vọng, nhưng lại không muốn nhận những công việc nặng nhọc khó khăn. Thiệu là hạng người như vậy”.

Dẫu không ưa “hạng người như vậy” nhưng ông Kỳ vẫn phải chung sống một cách khổ sở chỉ vì cả hai đang cùng hợp sức quật ngã những tướng tá có máu khinh bạc như Thi. Thi đi rồi, đến lượt Nguyễn Hữu Có bị “chiếu tướng”. Do bệnh “công thần”, lại cậy mình là phó thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng, nên tướng Có hớ hênh, nhiều lời. Biết Thiệu – Kỳ để tâm. Có thổ lộ với Trần Văn Đôn muốn làm đảo chánh cho “yên bề”. Nhưng chưa kịp động thủ, cuối năm 1966 Có đi thăm Đại Hàn và Đài Loan về đến Hồng Kong bất ngờ nhận được lệnh của Thiệu – Kỳ cấm không cho trở lại Việt Nam, phải sống lưu vong dài hạn ở nước ngoài! Dòm trong nước, các “tướng già” Đôn – Đính – Kim – Xuân đã bị loại bằng nhiều cách. Như Đôn và Kim thì bị lấy cớ “25 năm ở trong quân đội” phải “hưu”. Dương Văn Minh “công du” biệt tăm, về Bangkok thì chặn lại, mãi đến 1970 mới hồi hương. Nguyễn Khánh thì khỏi nói – làm “đại sứ lưu động suốt đời”… Thế là thoáng. Nhóm “tướng trẻ” do Kỳ và Thiệu đứng đầu giờ đây nắm quyền, cả chính trị lẫn quân sự. Không còn ai đối thủ, Kỳ và Thiệu đối mặt nhau, tranh ghế tổng thống.

Như nói trên, 48 tướng lĩnh thuộc hội đồng quân lực Sài Gòn họp nhằm giải quyết hai vụ ông Kỳ và Thiệu đều là người của quân đội lại đứng ra lập 2 liên danh riêng để tranh phiếu coi không được. Binh lính sẽ ủng hộ ai? Lối thoát vạch ra là yêu cầu ông Thiệu rút lui khỏi quân đội và sau đó ra ứng cử với tư cách dân thường.

Nhưng ông Thiệu nêu “hai không”:

–         Thứ nhất, không rút khỏi quân đội, vì nếu rút khỏi đó ông sẽ mất phiếu!

–         Thứ hai? (nói sau).

Bàn đi cãi lại mãi không ngã ngũ, 40 tướng lĩnh nhường quyền quyết định cuối cùng cho hội nghị cấp cao nhất của họ và rút ra khỏi phòng họp chờ đợi. Thiệu và Kỳ cũng vậy, cùng ngồi ngoài hành lang xem 7 thành viên ủy ban lãnh đạo quốc gia sẽ công bố gì. Kết quả, ủy ban gạt những bất đồng để cùng đòi hỏi ông Thiệu giải ngũ trước, ra ứng cử sau. Thiệu sừng sộ:

–         Quý vị không thể buộc tôi rút lui khỏi quân đội.

Dường như tới đó ông Thiệu làm lung lay lòng kiên nhẫn của ông Kỳ khi ông ta lặp đi lặp lại cái “không rút lui” đó. Nghệ sĩ tính nơi Kỳ nổi dậy vừa đủ để thấy “một nỗi chua chát dâng lên” và sau đó buông một câu trong hồi ký:

– Thật là hèn hạ hết chỗ nói!

Đoạn tiếp theo là “tự bạch” thời xâu xé vất vả:

Trước đây tôi đã thực sự không ưa thích gì hoạt động chính trị dầu cho tôi từng giữ chức thủ tướng. Nhưng tôi phải trải qua nhiều tháng với sự thách thức để giành lấy quyền hành tối cao, với những tranh chấp về chức vụ hoặc địa vị và bỗng nhiên tôi cảm thấy ghê tởm và mệt mỏi”. Rồi bằng sự buông bỏ tự tâm, ông Kỳ khiến hội đồng quân lực trố mắt bởi tuyên bố:

 Nếu ông Thiệu muốn là ứng cử viên của quân đội thì hãy để ông ta làm một mình. Tôi sẽ quay về với nhiệm vụ trước đây của tôi trong không quân.

Bầu khí lúc đó được ghi nhận là “yên lặng đầy kinh ngạc”, trước sự hy sinh của Kỳ. Không đợi lâu, tướng Hoàng Xuân Lãm (được Kỳ giao chức tư lệnh vùng I sau xáo trộn miền Trung) la lớn lên:

– Vì ông đã hy sinh để giúp củng cố tình đoàn kết trong quân đội, vậy thì tại sao ông không thể hiện sự hy sinh ấy tới cùng!

Lý do Kỳ phải “hy sinh” là ông Thiệu ứng cử một mình chưa chắc thắng nổi các đối thủ dân sự. Vậy nên ông cần đứng chung liên danh với Thiệu. Lúc đầu, nói như Trần Văn Đôn “phiên họp tiền hội nghị quyết định ông Kỳ là ứng cử viên tổng thống và ông Thiệu ứng cử viên phó tổng thống”. Tới đó Thiệu lòi ra cái “không” thứ hai:

– Không làm “phó” cho Kỳ!

Tiếp tục hục hặc. Mỹ nhảy vào làm “trọng tài”…bênh Thiệu: “Tối đó, Mỹ đi tìm một số tướng lãnh để bàn thảo, thuyết phục các tướng rằng Nguyễn Cao Kỳ bồng bột, bốc đồng v.v…” Bảo các tướng hãy để Thiệu đứng tên ứng cử viên tổng thống. Kỳ làm phó. Sáng ra, hội đồng quân lực chung quyết. Rốt cuộc, sau nhiều ngày lao tâm, Kỳ “hy sinh” hết điều này đến điều nọ, để cuối cùng chịu làm “ứng cử viên phó tổng thống đứng dưới ông Thiệu”.

Tạo màu sắc dân chủ, Tòa đại sứ Mỹ khuyến khích hình thành một số liên danh tranh cử với Thiệu – Kỳ như các liên danh của: Phan Khắc Sửu – Phan Quang Đán, Trần Văn Hương, Mai Thọ Truyền, Hà Thúc Ký – Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Hòa Hiệp – Nguyễn Thế Truyền, Vũ Hồng Khanh – Nguyễn Văn Đang, Hoàng Cơ Bình – Lưu Quang Khình, Nguyễn Đình Quát – Lê Ngọc Chấn, Phạm Huy Cơ – Lý Quốc Sỉnh, Trần Văn Lý – Nguyễn Văn Đương, và có cả liên danh đối lập của Trương Đình Dzu. Như thế, Mỹ trở thành “người cầm lái” cho cuộc chạy đua vào dinh Độc Lập, Ở nước rút, Kỳ thừa hiểu khi đứng vai ứng cử viên “phó”, vai trò “toàn quyền” của mình ở vị thế thủ tướng trong hai năm 1965 – 1967 sẽ chuyển sang tay Thiệu (với vị thế tổng thống). Điều đó được quyết định từ sân sau của tòa đại sứ Mỹ.

Để chia sẻ quyền hành, không thả hết cho Thiệu, các tướng mưu lập một hội đồng giám sát hành pháp. Hai tướng Nguyễn Đức Thắng và Linh Quang Viên soạn nội quy với sự chấp nhận của Thiệu: “Sau này dầu là Tổng thống nhưng Nguyễn Văn Thiệu lại là hội viên của Hội đồng tướng lãnh (quân ủy hội) nên phải chịu sự giám sát của Nguyễn Cao Kỳ”!

Liệu “một tổ chức bí mật, ngoài quy định hiến pháp” kiểu như vậy được Mỹ để cho thành cơm, thành cháo không? Nội tình chính trường Sài Gòn đang loay hoay quanh dinh Độc Lập thì ngoài kia, xa hút phía ngoại ô, những cơn sấm sét sắp về theo ngọn đông phong 1967.

26 – Những dấu hiệu “Không bình thường” trước Tết Mậu Thân 1968

Trước ngày “hy sinh”tuột xuống vị trí ứng cử viên phó tổng thống để Thiệu nổi lên, Nguyễn Cao Kỳ đã tìm gặp Trần Văn Đôn và dịu giọng:

– Tôi tiếc rằng hiến pháp không cho anh ứng cử tổng thống hoặc phó tổng thống. Nếu không tôi đã mời anh ra phó tổng thống với tôi. Tôi cần một phó tổng thống người miền Nam.

Hiến pháp mà ông Kỳ nhắc trên soạn thảo xong cuối năm 1966 theo đòi hỏi nóng bỏng của cuộc tranh đấu ngoài Trung. Khác hiến pháp dưới thời Ngô Đình Diệm cho phép người “có quốc tịch Việt Nam liên tục ít nhất 10 năm” quyền ghi danh ứng cử tổng thống, phó tổng thống.

Hiến pháp “đệ nhị cộng hòa” soạn thảo thời Thiệu – Kỳ nắm quyền bắt buộc “có quốc tịch Việt Nam từ lúc mới sinh” nên Andre Trần Văn Đôn (sinh 1917 tại Pháp) bị loại. Tuy vậy, ông có quyền ứng cử quốc hội nên đã cùng Tôn Thất Đính và 8 người khác đứng chung một liên danh và đắc cử vào Thượng viện Sài Gòn qua cuộc bầu cử tổ chức trước đó, tháng 5.1967. Nay, tuy không ra tranh cử tổng thống, phó tổng thống được, nhưng ông Đôn đã có ghế nghị sĩ, nghĩ “đúng lúc phải ngồi lại với nhau” nên giới thiệu với Kỳ luật sư Nguyễn Văn Lộc thay mình. Kỳ đồng ý.

Khi ráp với Thiệu, Kỳ nêu yêu sách sau trúng cử sẽ để Nguyễn Văn Lộc làm thủ tướng. Ông Thiệu chấp thuận. Và giữa tháng 11.1967, ông Lộc trình diện nội các với các tổng trưởng: bác sĩ Trần Văn Đỗ (ngoại giao), trung tướng Nguyễn Văn Vỹ (quốc phòng), trung tướng Linh Quang Viên (nội vụ), trung tướng Nguyễn Đức Thắng (xây dựng nông thôn), ông Trương Thái Tôn (kinh tế), ông Lưu Văn Tính (tài chính), giáo sư Tăng Kim Đồng (văn hóa giáo dục), giáo sư Phó Bá Long (lao động), bác sĩ Trần Lữ Y (y tế), ông Bửu Đôn (công chánh), ông Huỳnh Đức Bửu (tư pháp), ông Paul Nur (phát triển sắc tộc), ông Tôn Thất Trình (canh nông, điền địa), bác sĩ Nguyễn Phúc Quế (xã hội và tỵ nạn), ông Lương Thái Siêu (giao thông vận tải) và hai tổng trưởng phụ trách các lĩnh vực khác. Thứ trưởng có ông Phạm Đăng Lâm (ngoại giao), ông Trần Lưu Cung (giáo dục; đặc trách đại học và chuyên ngành), giáo sư Lê Trọng Vinh (giáo dục; đặc trách đệ nhất, đệ nhị cấp và phổ thông), luật sư Hồ Thới Sang (giáo dục; đặc trách thanh niên học đường), giáo sư Bùi Xuân Bào (văn hóa), ông Nguyễn Chánh Lý (thương mại), ông Võ Văn Nhung (công kỹ nghệ). Giáo sư Nguyễn Văn Tường và ông Đoàn Bá Cang giữ chức bộ trưởng phủ thủ tướng.

Nhìn vào danh sách trên, chính giới Sài Gòn thời ấy nhận xét nội các Nguyễn Văn Lộc bớt “mùi thuốc súng” hẳn so với nội các chiến tranh của Nguyễn Cao Kỳ. Song cơ cấu nặng “tính chất chuyên viên” đó tự thân đã chuyển động chậm, lại bị lực cản từ phía Thiệu đón đầu, nên chẳng nhích được tý nào trên đường hành pháp. Ngay từ thai nghén, Thiệu chẳng mặn mà gì, vì là nội các do người của Kỳ đưa ra (thủ tướng Lộc). Nhân cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 của “đối phương”, Thiệu mượn đà hất ngã luôn “phe mình”, đưa tướng Trần Thiện Khiêm thay Nguyễn Văn Lộc làm thủ tướng và lập nội các mới. Tướng tá cánh Kỳ bị bắn tan hàng.

Thế cô lực kém, Kỳ không làm sao bắt Thiệu tuân theo “tổ chức bí mật” gọi là Hội đồng tướng lãnh (Quân ủy hội) do Kỳ làm chủ tịch được. Ngược lại, Thiệu sổ toẹt hội đồng ma đó, xóa lời hứa “chịu sự giám sát” trước kia, một mình tự tung tự tác. Nhiều lần “chủ tịch” Kỳ nhắc nhở, mời họp, Thiệu giả điếc không nghe. Kỳ đành đưa cái hội đồng lãng mạn đó vào…hồi ký, trách: “Ông Thiệu mánh khóe xảo quyệt giành lấy thêm nhiều quyền hành cho ông ta”. Kỳ, với danh hờ “phó tổng thống”, bị hất đứng bên lề từ đó. Thiệu lên.

Việc chính quyền Thiệu gây “ấn tượng mới” là hủy bỏ lệnh cấm đốt pháo vào những ngày đầu xuân 1968. Mấy năm trước cấm hẳn. Thiệu vui, nhưng Mỹ rất lo, Westmoreland kiểm lại các diễn biến quân sự đáng để ý vào cuối năm: “Mùa thu đã trôi qua, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy (Việt cộng) đang hình thành thế thay đổi chiến thuật nào đó, mà thay đổi lớn! Điều này đã được thể hiện ở Lộc Ninh trong tháng 10 và ở Dakto trong tháng 11.1967 với tính chất khác thường. Số lượng các trận tấn công ở mức trung bình nhưng tăng đều khắp cả nước (…). Lực lượng đối phương ở khu phi quân sự tăng lên. Số xe vận tải phát hiện được dọc đường Hồ Chí Minh tăng lên khoảng 200%!”.

Một dấu hỏi lớn màu đỏ được chấm đằng sau con số kia. Câu trả lời phỏng đoán của Westmoreland là việt cộng đang nỗ lực chuyển quân nhằm “đánh tràn vào”. Nhưng đánh ở đâu? Và khi nào?

CIA ở Sài Gòn cố thu lượm và tập hợp các bằng chứng để củng cố thêm “về một chiến lược đánh tới”, đánh quyết liệt của “đối phương” sắp đến. Nhưng tướng Võ Nguyên Giáp từ Hà Nội tuyên bố tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài và kêu gọi bảo toàn lực lượng. So với thực tế chiến trường, lời nói tướng Giáp đăng trên báo tháng 9.1967 khác xa. Vì qua tháng 11.1967,  lữ đoàn dù bắt được tài liệu “nêu lên những nét lớn cho đợt tiến công quy mô” và rằng “Bộ chỉ huy miền Trung (của Việt cộng) kết luận là đúng lúc phải có một cuộc cách mạng (do các lực lượng quần chúng) trực tiếp hành động và đến thời cơ tổng tấn công, nổi dậy”. Phải chăng lời kêu gọi “bảo toàn lực lượng” của tướng Giáp chỉ nhằm đánh lạc hướng đối thủ? Westmoreland viết: “Sau những trận đánh mùa thu, tôi kết luận rằng (lời tướng Giáp) là một cách ngụy trang, một lối tỏ vẻ như thất vọng có tính toán”.

Với những nhận định trên, Westmoreland về Washington tháng 11.1967 để gặp tổng thống Mỹ. Người phụ tá ở Sài Gòn là tướng Abrams đã điện cho Westmoreland tài liệu bắt được gần Dakto kêu gọi “có một nỗ lực tấn công tập trung phối hợp với các đơn vị khác ở khắp chiến trường miền Nam Việt Nam!”. Westmoreland đem tài liệu đó thảo luận ngay với Lầu Năm Góc. Tuy có bàn tới, nhưng cuộc tổng tiến công vẫn bất ngờ, hết sức bất ngờ đối với Westmoreland vào Tết Mậu Thân nhằm ngày 31.1.1968. Trước đó nửa tháng, Westmoreland lúng túng:

“Như tôi đã báo cáo trước Hội đồng phái bộ Mỹ ngày 15.1.1968, tôi thấy khả năng là 60 đến 40% đối phương sẽ đánh trước Tết, có thể vào ngày 25.1. Ngược lại, tướng Davidson, sĩ quan tình báo của tôi, lại thấy khả năng là 40 đến 60% đối phương sẽ vận động, chuẩn bị trong thời gian ngưng bắn và sẽ đánh sau Tết”.

Nhưng cuộc tổng tiến công nổ ra không phải “trước” hoặc “sau” mà đúng vào ngày Tết! Westmoreland và Davidson đều đoán sai! Trong lúc các tướng chỉ huy cao cấp nhất của Mỹ ở Việt Nam đang điên đầu vì các dự đoán, thì ông Thiệu sắm sửa chuẩn bị về quê vợ tại Mỹ Tho ăn Tết và ông Kỳ trầm trồ về “dinh tổng thống Việt Nam rộng lớn không kém gì Nhà Trắng ở Washington!”.

27 – Vụ đánh bom Dinh Độc Lập năm 1962 và tướng Kỳ “hạ cánh không an toàn”

Bà Trần Lệ Xuân tại hiện trường vụ ném bom Dinh Độc lập năm 1962

Cuối năm 1967, với “33 phần trăm số phiếu bầu” liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu cuộc chạy đua “có người lái” vào dinh Độc Lập.

Một lần nữa, dinh Độc Lập thành nơi tập trung quyền lực cao nhất của nhà cầm quyền Sài Gòn với danh xưng mới: nền “đệ nhị cộng hòa”. Nơi đó diễn ra những cuộc họp tối quan trọng do Tổng thống Thiệu triệu tập.

Ai ngờ những dự án quốc gia, những tin tức chiến lược đem ra bàn bạc tại đó được nhanh chóng thu thập, phúc trình về Hà Nội bởi cụm tình báo A.22 và bởi “cố vấn Tổng thống Thiệu”: tướng Vũ Ngọc Nhạ cài ngay trong dinh.

Phía Mỹ thì tìm cách “nghe trộm”. Phương pháp của họ dựa vào kỹ thuật “cách không truyền âm” như Trần Văn Đôn kể qua hồi ký Việt Nam nhân chứng. Theo đó, vào những ngày quân đội Sài Gòn bắt đầu rơi vào tình trạng hoảng loạn trước cuộc tiến công xóa sổ của quân giải phóng, ông Đôn được phái ra nước ngoài thăm các nước phi liên kết, điện đàm với Thủ tướng Pháp Chirac và gặp đại sư Mỹ ở Hồng Kông là Robert “tham khảo” tình hình và giải pháp cho Sài Gòn.

Về đến Tân Sơn Nhất ngày 5.4.1975, ông Đôn đi thẳng tới dinh Độc Lập gặp ông Thiệu trình bày những điều mà 2 ông Chirac và Robert tán đồng. Không ngờ văn phòng CIA tại Singapore “nghe rõ ràng tiếng tôi (Trần Văn Đôn) và ông Thiệu nói chuyện với nhau”. Ông Đôn biết điều đó nhờ một người bạn tên T.P.L tiết lộ sau ngày 30.4.1975 tại Mỹ.

Ông L. bảo trưa đó (5.4) ông có mặt tại văn phòng CIA ở Singapore (để liên lạc với CIA ở Sài Gòn sắp xếp cho gia đình rời Việt Nam) nên tình cờ nghe được những mẩu đối thoại truyền về từ Sài Gòn. Ông Đôn viết: “Thì ra lúc dinh Độc Lập được sửa lại sau vụ ném bom năm 1962, trong mấy năm trời xây cất (đến năm 1965 hoàn tất), Mỹ đã đặt máy ghi âm để nghe tất cả những gì xảy ra trong dinh”. 

Vụ ném bom năm 1962 (thời Ngô Đình Diệm) mà ông Đôn nhắc tới đã phá hủy bên trên nơi làm việc của ông Ngô Đình Nhu nằm phía trái dinh Độc Lập. Đó cũng là sự kiện được nhắc đến trong nhiều hồi ký Đỗ Mậu viết:

“Sáng ngày 27.2.1962, khoảng 7 giờ, tôi đang chuẩn bị đến văn phòng thì bỗng nghe tiếng nổ dữ dội, rồi một vùng khói đen nghịt cuồn cuộn từ phía dinh Độc Lập tỏa lên cao, trong lúc trên bầu trời quận một và quận nhì thành phố, 2 chiếc chiến đấu cơ đang bay lượn theo đội hình tác chiến. Không cần phải kiểm chứng tôi cũng biết được dinh Độc Lập đã bị ném bom…”.

Khi Đỗ Mậu đến dinh thấy cửa ngoài đóng kín, xung quanh quân phòng vệ phủ tổng thống bố trí sẵn sàng chiến đấu. Ông Nhu không hề gì dù mục tiêu cuộc bỏ bom nhằm vào ông. Bà Nhu bị xây xát nhẹ ở mặt vì bị gạch vỡ văng trúng. Người nhà ông Diệm chạy vào trú tại căn phòng xây vững chắc nhất nằm dưới cầu thang đại sảnh “mọi người im thin thít, mặt xanh như tàu lá chuối”.

Ông Diệm, gia đình ông Nhu và cả giám mục Ngô Đình Thục cũng có mặt tại đó. Đỗ Mậu (và Nguyễn Khánh) chào và quay ra, lát sau nhận tin: “Hải quân đã bắn hạ một chiếc phóng pháo cơ của không quân (vừa tấn công dinh Độc Lập) trên sông Nhà Bè, cách công xưởng hải quân chỉ độ một cây số và đã biết được viên phi công là trung úy Phạm Phú Quốc, còn chiếc máy bay thứ hai thì đã mất dạng”.

Vài giờ sau, “ông Diệm ra lệnh dời phủ tổng thống về dinh Gia Long tức khắc” và gọi ông Mậu đi theo. Ông Diệm ngồi sững sờ đến năm phút mới hỏi:

– “Mậu có biết thằng Quốc không?”

– “Thưa cụ, nếu nói là Phạm Phú Quốc thì y là người Quảng Nam thuộc dòng dõi cụ Phạm Phú Thứ”.

Ông Diệm chau mày, Đỗ Mậu quan sát nơi bom thả, đoán hai phi công bỏ bom dinh Độc Lập chỉ muốn giết vợ chồng Ngô Đình Nhu chứ không có ý sát hại ông Diệm nên tìm cách nói xa gần nhận định trên để ông Diệm nghe… Rời dinh Gia Long, ông Mậu về Nha An ninh quân đội. Tại đó, Cục An ninh hải quân bắt trung úy Nguyễn Văn Đính (anh ruột của trung úy phi công Nguyễn Văn Cử. Cử trực tiếp ném bom dinh Độc Lập và đã bay thoát qua Campuchia) giải về điều tra, khai thác nguyên do, đầu mối “tạo loạn” và đánh cả hai người “mặt mày thâm tím, sưng vù trông rất đáng thương”.

Đỗ Mậu viết: “Tôi ra lệnh ngừng ngay cuộc hỏi cung và cho dẫn Quốc, Đính về phòng giam tạm của nha. Ba hôm sau, bà mẹ của Phạm Phú Quốc từ Đà Nẵng vào xin gặp tôi để được phép thăm con” và “chính tôi đích thân dẫn bà cụ vào phòng giam thăm Quốc”.

Bà cụ bình tĩnh giữ gương mặt cười thản nhiên và hỏi con:

-Vì sao mặt con sưng lên như thế?

Quốc trả lời:

-Thưa mẹ, khi máy bay rớt xuống nước, mặt con đụng vào thân phi cơ.

Chứng kiến, nghe và viết lại những cảnh, những lời đó, Giám đốc Nha An ninh quân đội Đỗ Mậu biết rằng “nét mặt bình tĩnh và nụ cười trên môi bà cụ chỉ là thái độ gượng gạo bên ngoài để che giấu lòng dạ đang héo hon của bà. Cũng như việc Quốc không nói lên sự thật đã bị tra tấn cũng chỉ là lời che giấu để mẹ được yên tâm. Tôi khâm phục mẹ Quốc (…). Tôi liền thưa với bà cụ:

-Thưa bác, anh Quốc muốn giấu bác đó, chính nhân viên điều tra của tôi đã tra khảo anh ta đến nỗi mang thương tích nặng nề. Tôi xin lỗi bác…

Bà Thiệu lập vườn hoa tren nóc dinh Tổng thống để… chống Nguyễn Cao Kỳ 

Khi Phạm Phú Quốc bị bắt, chiếc máy bay thứ hai cùng đánh bom dinh Độc Lập hôm đó do phi công Nguyễn Văn Cử lái cũng trúng đạn phòng không. Nhưng may mắn nhẹ hơn và Cử cố lái bay thoát về hướng biên giới, vào vùng trời Campuchia. Ngày đó, Nguyễn Chánh Thi cũng đang tị nạn chính trị vì đảo chính hụt chế độ Diệm và tá túc trong căn nhà thuê gần sân bay Po Cheng Tong kể lại:

“Hôm 27.2.1962, ông Thi đi xuống phố thăm dò những tin tức thử xem Sài Gòn có biến động gì không. Và khi “đi vừa gần sân bay Po Cheng Tong thì chợt thấy một chiếc máy bay khu trục có cờ Việt Nam đang sửa soạn hạ cánh. Chiếc máy bay bị trúng nhiều đạn, tỏa ra một loạt khói đen ngắt trông thật dễ sợ. Sau đó được biết thêm viên phi công là Nguyễn Văn Cử ném bom vào dinh Độc Lập và bay sang Cao Miên xin tị nạn. Ngày hôm sau tôi đến công an Miên xin phép được vào thăm Cử, đem theo một vài thứ cần dùng cho anh ta. Nguyễn Văn Cử người (tầm vóc) trung bình, rất là bình tĩnh, không một chút dao động, Anh đưa ý kiến muốn được như ý, ra ngoài cùng Nguyễn Chánh Thi, thường thường “đi ăn tại những cái quán nhỏ xíu, chúng tôi vừa ăn uống vừa bàn chuyện phiếm, trào lộng, thậm chí có lúc tiền túi sạch bách mà vẫn tui nhộn vô cùng”!

Căn cứ vào các tài liệu và lời kể của người đương thời, Trần Văn Đôn viết là khi đến Campuchia máy bay Nguyễn Văn Cử bị trúng đạn hỏng hóc nhiều “chỉ còn sử dụng được một bánh xe, mất thăng bằng” nên chao đảo, rất khó hạ cánh. Ông Cử phải “bay vòng cho hết xăng” và với “sự khéo léo tuyệt cùng” đưa chiếc máy bay tật nguyền đáp xuống an toàn trong tiếng vỗ tay của nhiều người Mỹ có mặt trên sân bay Po Cheng Tong.

Vụ ném bom nằm trong kế hoạc đảo chính bất khả thi do cụ Nguyễn Văn Lực, thân phụ phi công Nguyễn Văn Cử, chủ trương. Ông Đôn viết: “Vụ ném bom làm cho một người giúp việc của bà Nhu chết (…). Vài tháng sau phủ tổng thống gửi thông tư đến các nơi đề nghị yểm trợ xây cất lại dinh Độc Lập. Lần xây cất này trang bị tối tân, quy mô hơn dinh cũ nhưng cũng chính vì chuyện này mà Mỹ (…) cho người len lỏi vào đám chuyên viên để đặt đường dây truyền tin” khiến văn phòng CIA ở Sài Gòn, rồi Singapore, nghe hết những báo cáo tối mật bằng miệng cho Tổng thống Thiệu tại dinh Độc Lập suốt thời gian cầm quyền”.

Bên trong dinh là vậy. Nóc dinh cũng đụng chuyện, lần này dính đến… bà Thiệu. Khi ông Thiệu làm tổng thống, ông Kỳ phó tổng thống, cả hai được quyền ở trong dinh. Riêng ông Kỳ tiếp tục ở lại nhà cũ nằm trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Vợ ông, bà Tuyết Mai, nhất định không chịu rời mái nhà xưa. Bà bảo đó là tổ ấm bén hơi từ khi hai người lấy nhau, chẳng cần dời đi đâu.

Hằng ngày “tôi đi làm và trở về căn cứ không quân bằng máy bay lên thẳng thuộc quyền sử dụng của tôi”. Ông Kỳ kể tiếp, thời gian đầu mỗi sáng ông lái máy bay đáp xuống một bệ sân bay trực thăng được thiết lập trên mái nhà của dinh tổng thống và“không hề hay biết là sân bay nằm ngay bên trên phòng ngủ của Tổng thống Thiệu ở tầng thứ tư”. Ông Thiệu hay dậy muộn, rất khó chịu vì bị đánh thức bởi tiếng máy bay trực thăng đáp xuống vào mỗi sớm. Nhưng, Kỳ bảo “Thiệu không tự nêu lên vấn đề”,mà đi mượn bà vợ Nguyễn Thị Mai Anh của ông nói ra. Bà Mai Anh “nói với tôi (Kỳ) theo một kiểu nói quanh co, bà ta nói rằng bà ta đang thực hiện một vườn bông trên mái nhà để bà có thể lên hóng gió mát vào những đêm nóng nực”. Xong, bà tiếp một cách buồn rầu:

– Tôi e sợ sẽ khó mà thực hiện được. Luồng gió cuồn cuộn quá sức mạnh mỗi khi chiếc trực thăng của ông đáp trên mái sẽ quạt hư hết các cây cỏ tôi trồng!

Ông Kỳ: ?!!!!

28 – Nguyễn Cao Kỳ và Trần Văn Đôn thuật lại cuộc tấn công mùa xuân 1968

Bà Mai Anh ( vợ ông Thiệu) nói bóng gió về sự bất tiện của việc máy bay Kỳ làm ồn cái “vườn địa đàng” của bà mỗi sớm. Vì nó đáp ngay trên mái phòng ngủ Tổng thống Thiệu tại tầng 4 dinh Độc Lập. Rồi ra cánh quạt không kiêng nể gì của nó sẽ khiến vườn hoa non nớt mà bà sắp trồng trên đó phải tả tơi vì gió!

Nghe chuyện, Kỳ làm thinh, hiểu chuyện và mấy bữa sau thôi không hạ cánh trên bệ trực thăng ở nóc dinh nữa. Ông đáp xuống bãi cỏ dưới đất, phía đại sảnh nhìn ra. Kỳ gọi “đây là trường hợp điển hình của Thiệu; dù cho tiếng ồn ào đã làm cho ông ấy thức giấc, ông đã không tự mình nêu lên” mà đùn vợ ra nói! Với Kỳ, từ “chuyện nhỏ” đó tới “chuyện lớn” ông Thiệu luôn là người đưa đẩy công việc khó khăn cho kẻ khác, bo bo lo lấy thân mình, như hồi 26.4.1975 đã chạy trước khỏi Sài Gòn và chấm dứt 9 năm cầm quyền ở dinh Độc Lập.

Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay) từng bị tiến công bất ngờ lúc 1 giờ khuya mồng một rạng ngày mồng hai Tết Mậu Thân 1968. Cụm biệt động thành thuộc đơn vị F.100 bí mật di chuyển từ hướng khu vực đường Trần Quý Cáp (tức đường Võ Văn Tần, quận 3 hiện nay) về phía trung tâm trong đêm tối.

Đúng giờ nói trên, họ đột ngột xuất hiện trước cổng dinh Độc Lập phía trổ ra đường Nguyễn Du và nổ súng, bắn hạ ngay toán lính gác. Lực lượng phòng vệ phủ tổng thống sau phút đầu hoảng hốt, quay ra đánh trả. Hai bên giao tranh quyết liệt suốt đêm. Qua sáng mồng hai, quân Sài Gòn tăng cường từ các ngả vây đánh, có xe tăng yểm trợ. Hỏa lực từ trong dinh bủa ra càng mạnh. Thấy tình thế bất lợi, cụm biệt động rút vào các dãy lầu, cố thủ trên tầng cao nhà 56 đường Thủ Khoa Huân, tiếp tục chiến đấu đến khuya mồng hai Tết. Bắn hết đạn, 8 người hy sinh, đội biệt động còn lại 7 người, chuyền qua các mái nhà lân cận về khu chợ Bến Thành, nhưng họ bị bắt tại khu vực đường Gia Long cũ …

Khi cuộc tiến công nổ ra, Thiệu đang ở Mỹ Tho. Westmoreland ở Sài Gòn sửng sốt dẫu đoán biết chắc chắn “có cuộc tiến công quan trọng được địch trù tính mở trong dịp Tết”, nhưng một trong những vị tướng tài ba nhất này của nước Mỹ thật sự kinh hoàng trước quy mô toàn miền, khí tiết đương đầu cảm tử trong những trận đánh rung chuyển Sài Gòn để chiếm Tòa đại sứ Mỹ chẳng hạn. Tòa đại sứ Mỹ bị đánh vỗ mặt khiến dư luận nước Mỹ rúng động, Westmoreland có mặt tại chỗ sau khi trận đánh kết thúc và lính nhảy dù Mỹ được tung xuống nóc nhà đại sứ, đã kể lại trong hồi ký:

“Các nhà báo và các nhà quay phim vô tuyến truyền hình Mỹ hình như có mặt khắp mọi nơi. Nét mặt họ ánh lên nỗi buồn bực và tâm trạng không tin tưởng như thể giờ tận cùng của thế giới đã đến nơi rồi”.

Vào thời điểm đó, Westmoreland muốn che giấu tâm trạng đang có, thậm chí “nói trái ngược với tin đồn: không một Việt Cộng nào vào được trong sứ quán (!). Sứ quán chỉ hư hại nhẹ (!!)”. Những lời đó thật vô ích, bị dư luận công kích, như Don Oberdorfer báo Washington Post viết: “Cuộc tấn công vào sứ quán hình như đã bác bỏ những lời dự đoán có tình chất tô hồng và những lời khoe khoang thắng lợi mà Westmoreland và những người khác đã tung ra”.

Oberdorfer nói các nhà báo khó mà tin ở lỗ tai mình nữa. Westmoreland đã phải đứng trước cảnh đổ nát và nói mọi việc đao to búa lớn! Chính Westmoreland đưa nhận xét đó của Oberdorfer  vào hồi ký của mình sau này: “Thái độ của nhà báo Mỹ chắc chắn đã góp phần vào thắng lợi tâm lý mà địch đã giành được ở Mỹ”.

Không chỉ Tòa đại sứ Mỹ và Dinh Độc Lập, hai cơ quan đầu não của Mỹ nhà nhà cầm quyền Sài Gòn, mà còn 7 mục tiêu nữa tại nội thành được Bộ Chỉ huy Miền chỉ thị đánh chiếm, hoặc làm tê liệt một thời gian, chờ lực lượng mũi nhọn bên ngoài vào tiếp ứng.

Tất cả gồm 9 mục tiêu: 1/ Dinh Độc Lập, 2/ Đài Phát thanh, 3/ Bộ tổng tham mưu Sài Gòn, 4/ Đại sứ quán Mỹ, 5/ Sân bay Tân Sơn Nhất, 6/ Tổng nha Cảnh sát, 7/ Biệt khu thủ đô, 8/ Bộ tư lệnh Hải quân, 9/ Khám Chí Hòa. Các đội biệt động đồng loạt ra quân theo giờ quy định. Súng nổ khắp nơi, Nguyễn Cao Kỳ viết: “Khi đó ông Thiệu không có mặt ở Sài Gòn và với tư cách là phó tổng thống, tôi đã lãnh trách nhiệm đối phó với cuộc tấn công này. Vào 4 giờ sáng, chỉ huy trưởng căn cứ không quân đã báo cho tôi biết như sau: Bộ đội Cộng sản hiện đang có mặt ngay cả bên trong căn cứ. Tôi không nghĩ rằng tôi có thể ngăn chặn họ lâu hơn nữa; phó tổng thống và gia đình nên rời khỏi nơi đây”.

Kỳ lại càng luýnh quýnh hơn khi được báo: “Cộng quân đã nổ súng vào cổng Phi Long của Bộ tổng tham mưu từ lúc 2 giờ khuya” (31.1.1968). Theo tài liệu của ban nghiên cứu lịch sử Đảng TP. Hồ Chí Minh, 2 cánh quân biệt động thành đánh vào Bộ Tổng tham mưu do Ba Phong, Ba Tâm và Đức chỉ huy, gồm 27 người thuộc cụm số 679. Cả hai cụm lợi dụng địa hình khu vực đường Trương Quốc Dung, chiến đấu từ khuya mồng Tết tới sáng mồng hai. Không đẩy lùi cụm 679 ra khỏi khu vực nổi, Bộ tham mưu Sài Gòn điều lực lượng thiết giáp và tăng thêm bộ binh đến đánh. Hồi ký Trần Văn Đôn viết:

Mồng một Tết, lính Việt Cộng vào đến Bộ tổng tham mưu mà không ai hay. Ở Tổng tham mưu, cổng chính trước  là nơi dành cho sĩ quan ra vô. Việt Cộng đã tìm hiểu kỹ nên cho một toán vào cổng sau hô lớn: Đảo chánh! Đảo Chánh!”. Lính gác ở Tổng tham mưu tưởng thật, để lọt vào trong”.

Lọt vào trong cổng số 4 Bộ tổng tham mưu Sài Gòn lúc 7 giờ 5 phút sáng 1.2.1968 là một mũi tiến quân khác của tiểu đoàn bộ binh số 2 tức tiểu đoàn Gò – Môn (Gò Vấp – Hóc Môn) từ ngoại ô bôn tập ép sát mục tiêu từ 4 giờ sáng hôm đó. Mũi này khống chế ngay khu vực đã chiếm. Tới 9 giờ, Bộ tổng tham mưu Sài Gòn buộc phải tung tiểu đoàn 8 nhảy dù thuộc lực lượng tổng trù bị với thiết giáp xa yểm trợ mở cuộc phản công lấy lại cho được khu cổng số 4 vừa mất. Bộ binh quân giải phóng sử dụng ngay đại liên vừa tịch thu được và tựa vào thế phòng thủ từ các công sự đào sẵn, hất ngược các đợt phản kích trong ngày. Quân dù Sài Gòn không tiến lên nổi. Để chiếm ưu thế tỏa rộng tầm hỏa lực, tiểu đoàn số 2 Gò – Môn chế ngự các cao ốc đường Võ Di Nguy quét co cụm lại và bắn cháy một tăng M41 trên đường. Qua ngày hôm sau, tiểu đoàn 2 chiến đoàn B thủy quân lục chiến bổ sung từ Cai Lậy về tham chiến cũng bị quân giải phóng đánh bật. Lần này, Bộ tổng tham mưu  Sài Gòn tung thêm một tiểu đoàn nhảy dù nữa, tiểu đoàn 6 thuộc lực lượng tổng trù bị vào mặt trận! Westmoreland viết:

Đáng lo ngại về mặt quân sự hơn hết là các cuộc tấn công vào Tân Sơn Nhất, khu Bộ tổng tham mưu cạnh đó …”. Mặc dù trực thăng Mỹ tuôn đạn xối xả khu vực, cuộc tấn công vẫn tiếp tục “ngoài dự kiến” như nhận xét của Westmoreland.

29 – Westmoreland và vành đai phòng thủ Sài Gòn 1968

Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ viết: “Ngay trước khi biết được những gì đã xảy ra, chúng tôi phải chiến đấu cho mạng sống của chúng tôi trên các đường phố Sài Gòn, Huế tại khoảng 12 tỉnh khác”.

Theo cuốn Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định kháng chiến (1945-1975) do Ban Tổng kết chiến tranh Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo biên soạn (Trần Hải Phụng – Lưu Phương Thanh chủ biên). NXB TP. Hồ Chí Minh 1994, thì: “Giờ G ngày N trên toàn miền được qui định là 00 giờ đến 2 giờ ngày 31 tháng 1 năm 1968 tức đêm mồng 1 sáng mồng 2 tết theo lịch cũ. Các tư lệnh quân khu, các chỉ huy các cụm biệt động đã được phổ biến 48 giờ trước giờ G. Một việc đáng tiếc là do đổi lịch ở miền Bắc, khu 5 và Tây nguyên nổ súng trước, theo lịch cũ (có nhận được lệnh hoãn nhưng quân đã ém nên xin đánh trước. B2 nhận được lệnh hoãn, nổ súng đúng lịch mới)” (trang 479).

Cuốn Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn – Gia Định của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, NXB TP. Hồ Chí Minh 1995, viết: “Do thời gian nổ súng tấn công trên toàn miền không thông nhất (Khu 5, Tây nguyên tấn công trước) – vì lịch ta và lịch Trung Quốc không thống nhất, có khác nhau (chệch đi một ngày). Vì vậy ở Sài Gòn địch tăng cường bố phòng chặt chẽ hơn” (trang31).

Từ Sài Gòn, tại Bộ Chỉ huy MACV của Mỹ, tướng Tư lệnh Westmoreland nhận tin cấp báo dồn dập điện về ngay đêm giao thừa. Westmoreland viết:

“Lúc 0 giờ 35 phút sáng 30.1.1968, nghĩa là hơn nửa giờ sau khi năm con khỉ (Mậu Thân) bắt đầu, các pháo thủ của Cộng sản đã bắn 6 phát súng cối vào trung tâm huấn luyện hải quân Việt Nam tại Nha Trang (…). Một giờ sau, lúc người ta đang còn dạo lễ Tết trên đường phố Buôn Ma Thuột, đốt những tràng pháo dài, thì một loạt súng cối và rốc-kết nã vào thành phố mở màn cuộc tấn công bằng bộ binh. Cũng khoảng thời gian ấy, một tiểu đoàn địch đánh vào quận lỵ Tân Cảnh, kế cận Dakto.

Nửa giờ sau, ba tiểu đoàn Việt Cộng tiến đánh thị xã Kon Tum, trong khi đó một tiểu đoàn khác tấn công thành phố Nha Trang. Chưa đầy một giờ sau đó, một cuộc tấn công trên bộ diễn ra tại Hội An, một thành phố cổ nằm ở phía Nam Đà Nẵng. Ngay tại Đà Nẵng, Việt Cộng với một đại đội bất thần đánh vào doanh trại sở chỉ huy Quân đoàn I của Việt Nam. Đến 4 giờ 10 phút sáng (mồng một Tết), hai tiểu đoàn Việt cộng tấn công vùng ngoại ô Qui Nhơn, ở đây nhờ đã có báo động trước đó hai ngày nên viên chỉhuy địa phương cấm đốt pháo, tuy nhiên quân thâm nhập vẫn nhanh chóng chiếm lĩnh đài phát thanh chính phủ tại địa phương…”

Những tin tức chiến sự rối bời như trên liên tục báo về suốt đêm. Rạng sáng 31.1.1968, Westmoreland rã rời trước tin doanh trại cố vấn Bộ Chỉ huy MACV của mình tại Huế bị bao vây và “phần lớn Huế đã nằm trong tay địch, kể cả hầu hết khu vực thành nội! Lá cờ màu xanh và đỏ với ngôi sao vàng của Việt Cộng đã bay trên cột cờ thành Huế!”.

Westmoreland viết rằng đây là lần đầu tiên cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên kỳ đài cố đô trong cuộc chiến tranh. Và khắp nơi: “Quân địch đã vào Sài Gòn, Quảng Trị, Đà Nẵng, Nha Trang, Qui Nhơn, Kon Tum, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt, Phan Thiết, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bến Tre, … đánh vào 36 thành phố, thị xã của 44 tỉnh lỵ, 64 quận lỵ và 50 ấp…. Đó là cuộc tiến công trên một mặt trận rộng lớn!”.

Có thánh mới biết trước đích xác ngày giờ nổ súng ở từng nơi. Riêng “cuộc tấn công mà người ta chờ đợi từ lâu vào Pleiku” theo ghi nhận của Westmoreland trong hồi ký đã diễn ra ngay lúc 4 giờ 40 phút sáng mồng một Tết nhằm 30.1.1968 dương lịch. Khi ấy, tư lệnh cao nguyên không có mặt tại trận địa; mãi sau này nhắc đến giờ phút nguy ngập đó Westmoreland vẫn còn cay cú. Ông viết khi hay tin Pleiku bị tấn công “tướng Vĩnh Lộc từ Sài Gòn vội vã quay về (Pleiku), hình như để lo cho biệt thự của ông hơn là cho trận đánh đang diễn ra”.

Không chỉ Vĩnh Lộc, mà với hàng tướng tá Sài Gòn, kể cả Nguyễn Văn Thiệu, Westmoreland tỏ thái độ “kinh ngạc và thất vọng” vì họ có vẻ lo chuyện “ăn Tết” nhiều hơn là quan tâm đến lời cảnh báo. Trong khi ngược lại, thời điểm đó, những sĩ quan tình báo của ông nằm trong Bộ chỉ huy MACV như tướng Davidson luôn trong tâm trạng lo lắng.

Khoảng 10 ngày trước Tết, Davidson đã tự ý bỏ cuộc hẹn gặp với vợ, bà Jeanne, tại Hawaii như dự định để dán mắt dán mũi vào các dấu hiệu khả nghi về cuộc lui quân của đối phương quanh Sài Gòn. Gấp tới nỗi Davidson nhờ “ nói hộ cho Jeanne biết làtôi không thể gặp bà ta. Nhờ giải thích, trong phạm vi bí mậtlà tình hình trực chiến căng thẳng không cho phép tôi đến chỗ hẹn được. Xin cám ơn”. 

Vậy mà Thiệu và Cao Văn Viên không để tâm đúng mức đến các tin tình báo về khả năng Sài Gòn là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đại tấn công. Dường như, Bộ tổng tham mưu Sài Gòn quá tin vào ba tuyến vành đai ngăn chặn các lực lượng vũ trang cách mạng thâm nhập nội đô. Theo Ban tổng kết chiến tranh Thành ủy TP.HCM qua cuốn Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định kháng chiến 1945-1975 (do Trần Hải Phụng – Lưu Phương Thanh chủ biên) thì lực lượng bảo vệ Sài Gòn trước Tết Mậu Thân “tương đương 4 sư đoàn Mỹ, 4 sư đoàn ngụy, 8 tiểu đoàn dù và thủy quân lục chiến, 1tiểu đoàn an ninh thủ đô, 20 vạn biệt động quân, bảo an, dân vệ, cảnh sát…tại các tuyến phòng thủ Sài Gòn”.

Đó là tuyến bảo vệ vòng ngoài với căn cứ Đồng Dù, cách Sài Gòn 30 km có sư đoàn bộ sư đoàn 25 “tia chớp nhiệt đới” Mỹ, thêm lữ 1 và 2 của sư đoàn này; cộng sư đoàn 25 bộ binh Sài Gòn cùng biệt động quân, bảo an. Ở hướng Bắc, sư đoàn 1 bộ binh Mỹ chốt Lai Khê; cạnh đó là sư đoàn 5 bộ binh, mấy chục tiểu đoàn biệt động quân, đại đội bảo an, dân vệ án ngữ; từ Bến Cát qua Ba Ri, Tân Quy đến Lái Thiêu, Tân Uyên. Hướng đó còn có trung đoàn 11 thiết giáp Mỹ hoạt động ở Bến Cát cách Sài Gòn 50 km. Phía Đông và Đông Bắc có lực lượng quân Nam Triều Tiên chốt ở Dĩ An, lữ đoàn dù Mỹ ở Biên Hòa, quân Úc ở Long Bình, sư đoàn 18 đóng Xuân Lộc… Hướng Nam, hải quân với sự sẵn sàng chi viện của lực lượng tổng trù bị bao gồm sư đoàn thủy quân lục chiến và lữ đoàn dù Sài Gòn. Phía Tiền Giang và Bắc sông Hậu, sư đoàn 9 Mỹ sẵn sàng tiến về Long An bảo vệ phía Nam Sài Gòn.

Vào sâu nữa có tuyến phòng thủ bên trong gần lực lượng bảo vệ trị an lãnh thổ của Biệt khu thủ đô, cảnh sát dã chiến và biệt động quân. Phải kể thêm sư đoàn không quân số 7 Mỹ ở Tần Sơn Nhất và lực lượng đồn trú tại các yếu khu quân sự như trại Đống Đa, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Tô Hiến Thành… Các tuyến phòng thủ trên không ngăn chặn được sự thâm nhập của quân giải phóng như Westmoreland nêu trong hồi ký:

Khi thâm nhập, lính của Việt Cộng dùng căn cước giả giống dân thường không thểphát hiện được trong đám người đông đúc đi chơi Tết”. Trong lúc đó, biệt động nội thành “mở những cuộc tấn công cảm tử vào các mục tiêu như đài phát thanh, các khu doanh trại, các công sở của chính phủ, (…) hoặc ngôi nhà mới đồ sộ 6 tầng ở đườngThống Nhất – Sài Gòn: sứ quán Mỹ!”.

Westmoreland viết gì về trận đánh đại sứ quán đó?

(Còn tiếp)

Ngun: Nghiên cứu Lịch sử tng hp t Một thế giới

Hình: Tướng Nguyễn Hữu Có và nhiều tướng khác sợ nếu không lột lon tướng Thi sẽ bị trả thù..

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]