Nguồn: Ali Al Shihabi, “Why is Saudi Arabia at War in Yemen?” Project Syndicate, 06/12/2016.
Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Ả Rập Saudi gần đây phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì vai trò dẫn đầu của mình trong cuộc chiến chống lại phe nổi dậy Houthi ở Yemen. Một số người chế nhạo vương quốc giàu nhất trong các nước Ả Rập này vì đã chống lại đất nước nghèo nhất. Số khác cho rằng cuộc chiến chống lại phe Houthi – một phong trào chính trị-tôn giáo của người Hồi giáo Shia phái Zaidi – chỉ là một phần của một cuộc chiến lớn hơn chống lại người Shia mà Ả Rập Saudi được cho là đang tiến hành. Những cáo buộc này quá đơn giản, phản ánh sự hiểu lầm cơ bản về vai trò của Ả Rập Saudi ở Yemen – và, trên thực tế, ở toàn bộ thế giới Ả Rập.
Ả Rập Saudi không chống lại phái Zaidi. Trên thực tế, Ả Rập Saudi đã nhiệt tình ủng hộ hoàng gia Zaidi trong nội chiến Yemen những năm 1960. Điều mà Ả Rập Saudi phản ứng ở Yemen là những nỗ lực đáng ngờ của Iran nhằm lợi dụng mâu thuẫn nội bộ của Yemen để xây dựng một liên minh quân sự với phe nổi dậy Houthi – một liên minh với một mục tiêu rõ ràng duy nhất: Ả Rập Saudi.
Nhưng khi các quan chức Ả Rập Saudi cố gắng cảnh báo cộng đồng quốc tế về các hoạt động của Iran ở Yemen thì họ lại gặp phải sự phủ nhận. Đặc biệt, các nhà bình luận phương Tây đã tự làm khó mình khi tránh công nhận bất cứ sự can dự nào của Iran trong cuộc xung đột, thậm chí khi đã có bằng chứng chứng minh điều ngược lại.
Trong 18 tháng qua, Hải quân Mỹ đã chặn bốn lô vũ khí từ Iran đến Yemen. Bản thân Iran đã tuyên bố nhiều lần rằng nước này kiểm soát thủ đô bốn nước Ả Rập, trong đó có Sana’a (thủ đô Yemen), và phe nổi dậy Houthi đã trở nên gắn bó mật thiết với Hezbollah, lực lượng chính trị và quân sự do Iran ủy nhiệm ở Libăng.
Trên thực tế, nhà lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah đã tuyên bố lý tưởng của phe Houthi là lý tưởng của mình, cho phép truyền thông Houthi được thiết lập ở ngoại ô phía Nam Beirut, và công khai chào đón các chiến binh Houthi tập luyện với các lực lượng của mình. Các khẩu hiệu chính trị, tuyên truyền, và cách làm việc của phe Houthi đều học theo Hezbollah.
Chính phủ Ả Rập Saudi đã tham chiến ở Yemen một cách tỉnh táo. Từng chiến đấu với phe Houthi năm 2009, Ả Rập Saudi không ảo tưởng rằng đây là một cuộc chiến dễ dàng. Ả Rập Saudi cũng không mong đợi đạt được một tác động tức thời với các chiến thuật “gây sốc và kinh hoàng” (“shock and awe”) như một cựu đại sứ Mỹ tại Yemen tuyên bố. Ả Rập Saudi thấy trước một cuộc chiến lộn xộn, lâu dài, và tốn kém, và đó thực sự là những gì mà Ả Rập Saudi đã trải qua.
Sự can thiệp của Ả Rập Saudi do đó đã nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của mối đe doạ mà nước này phải đối diện khi phe Houthi đã lật đổ chính phủ hợp pháp của Yemen và giành quyền kiểm soát Sana’a. Nếu Iran được phép củng cố quan hệ đồng minh với phe Houthi mà không bị cản trở, Bắc Yemen có lẽ đã trở thành một Nam Libăng khác, với một phe ủy nhiệm Iran tích cực hoạt động nhằm phá hoại an ninh quốc gia của Ả Rập Saudi.
Ả Rập Saudi có hai mục tiêu quân sự được xác định một cách rõ ràng ở Yemen. Thứ nhất là cản trở việc vận chuyển vũ khí, khiến cho việc Iran tiếp tế vũ khí cho Yemen trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn nhiều – hoặc lý tưởng hơn là trở nên bất khả thi. Thứ hai là gửi một thông điệp rõ ràng tới phe Houthi và các đồng minh rằng liên minh với Iran sẽ khiến họ phải trả giá đắt.
Ả Rập Saudi đã đạt được cả hai mục tiêu. Các sân bay Yemen đã phải đóng cửa và các hải cảng thì bị phong toả. Với việc Iran đang rất khó khăn để đưa vũ khí vào Yemen, dòng chảy vũ khí đã giảm đi đáng kể. Trong khi đó, Ả Rập Saudi đã duy trì một chiến dịch không kích mạnh mẽ nhằm chống lại phe Houthi. Cái giá của quan hệ đồng minh của họ với Iran không thể rõ ràng hơn nữa.
Nhưng thắng lợi trong chiến tranh không bao giờ đến mà không có sự hy sinh. Và, thật không may, thường dân Yemen đã phải trả một cái giá đắt, với ước tính khoảng 10.000 người thiệt mạng từ khi xung đột nổ ra. Với một chiến dịch không kích được triển khai trong gần hai năm chống lại một quân đội phi truyền thống, con số này không phải là đặc biệt cao. Những mất mát này không là gì so với Syria chẳng hạn, khi chiến dịch không kích do các lực lượng của Nga, Iran, và Syria tiến hành đã khiến 10.000 người chết chỉ trong vài tuần.
Hơn nữa, những cáo buộc rằng liên minh Ả Rập Saudi đã cố tình nhắm vào dân thường – hoặc cơ sở hạ tầng – đã không được các bên trung lập chứng minh. Bất kỳ ai tiếp cận được chiến trường đều thông qua sự giám sát hoặc kiểm soát của phe Houthi. Và, trên thực tế, tàn phá Yemen sẽ không đem lại lợi ích cho Ả Rập Saudi. Suy cho cùng, Ả Rập Saudi có thể sẽ phải viện trợ đáng kể cho Yemen một khi chiến tranh kết thúc và phần còn lại của thế giới chuyển hướng quan tâm đến những nơi khác.
Nhưng không lập luận nào trên đây giảm nhẹ bi kịch của các thương vong dân sự này. Đây thực sự là một tình huống kinh khủng, nêu bật sự cấp bách của việc đánh bại phe Houthi và chấm dứt xung đột ở Yemen. Nhưng thật vô lý nếu đổ lỗi cho Ả Rập Saudi, nước tham chiến không để triển khai quyền lực, mà để vô hiệu hóa một mối đe doạ an ninh cấp thiết – thậm chí sống còn.
Nhiều người khác có thể đơn giản hoá những mối đe doạ mà Ả Rập Saudi phải đối diện, nhưng những người cai trị Ả Rập Saudi biết rõ hơn. Họ thấy những gì Iran đã làm đối với Libăng, Syria, và Iraq, và họ nghe được những gì Iran và đồng minh nói với báo chí địa phương (không bao giờ đến tai phương Tây) về những ý định thù địch đối với Ả Rập Saudi và các nhà lãnh đạo vương quốc này. Thậm chí, Ả Rập Saudi từng để cho các mối đe doạ lên tới một ngưỡng rất cao – cao hơn rất nhiều so với ngưỡng mà một cường quốc như Mỹ cho phép – trước khi hành động quân sự.
Để tự bảo vệ chính mình, Ả Rập Saudi sẽ phải đảm bảo lệnh cấm vận Iran hỗ trợ quân sự cho phe Houthi ở Yemen được thực thi. Nếu Liên Hiệp Quốc đồng ý gánh vác trách nhiệm đó chẳng hạn, chiến tranh ở Yemen có thể sẽ kết thúc rất nhanh chóng, bảo vệ dân thường khỏi thương vong lớn hơn. Nhưng nếu thế giới tiếp tục phủ nhận sự can dự của Iran ở Yemen, và mối đe dọa mà điều này gây ra cho Ả Rập Saudi, vương quốc này sẽ có ít lựa chọn ngoài việc phải tiếp tục ở lại Yemen. Sự an toàn của chính Ả Rập Saudi phụ thuộc vào điều đó.
Ali Al Shihabi là giám đốc điều hành của Arabia Foundation, một viện nghiên cứu mới thành lập và tập trung vào địa chính trị của Bán đảo Ả Rập. Ông là tác giả của The Saudi Kingdom: Between the Jihadi Hammer and the Iranian Anvil và Arabian War Games.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Why is Saudi Arabia at War in Yemen?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]