03/02/1950: Bắt điệp viên tiết lộ về bom nguyên tử cho Liên Xô

Nguồn: Klaus Fuchs arrested for passing atomic bomb information to Soviets, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1950, Klaus Fuchs, một nhà khoa học Anh sinh ra ở Đức, người đã giúp phát triển bom nguyên tử, đã bị bắt tại Anh vì tội tiết lộ các thông tin tuyệt mật về vũ khí cho Liên Xô. Sự kiện này là khởi đầu cho hàng loạt vụ việc có liên quan đến một đường dây gián điệp, mà đỉnh điểm là vụ bắt giữ và xử tử Julius và Ethel Rosenberg.

Năm 1933, Fuchs và gia đình rời Đức để tránh sự khủng bố của Đảng Quốc xã. Họ đến Vương quốc Anh, nơi Fuchs giành được học vị Tiến sĩ Vật lý. Trong suốt Thế chiến II, chính phủ Anh đã sớm nhận ra khuynh hướng thiên tả của Fuchs và cha mình. Tuy nhiên, vì khả năng chuyên môn nên cuối cùng Fuchs vẫn được mời tham gia chương trình phát triển bom nguyên tử của Anh (Dự án “Tube Alloys.”)

Sau khi dự án bắt đầu, các đặc vụ Liên Xô đã liên lạc với Fuchs và ông bắt đầu chuyển thông tin về tiến độ của người Anh cho họ. Cuối năm 1943, Fuchs trở thành một thành viên trong nhóm các nhà khoa học Anh đến Mỹ làm việc trong Dự án Manhattan, chương trình phát triển bom nguyên tử của Mỹ. Và ông vẫn tiếp tục gặp gỡ bí mật với đặc vụ Liên Xô. Khi chiến tranh kết thúc, Fuchs trở lại Anh và tiếp tục công việc của mình trong dự án Tube Alloys.

Vụ bắt giữ Fuchs vào năm 1950 được thực hiện sau nhiều đợt kiểm tra an ninh đối với cha ông, người đã chuyển tới nước Đông Đức cộng sản vào năm 1949. Khi tiến hành khám xét người cha, chính quyền Anh đã nhận được thông tin từ Cục Điều tra Liên bang (FBI) về việc giải mã một thông điệp ám chỉ rằng Fuchs là một điệp viên Liên Xô. Ngày 03/02, cảnh sát Anh đã bắt Fuchs và buộc tội ông vi phạm Luật Bí mật Nhà nước (Official Secrets Act.) Fuchs cuối cùng cũng nhận tội và bị kết án 14 năm tù giam; tuy nhiên ông đã được giảm án và được thả vào năm 1959. Sau đó ông sống hết phần đời còn lại của mình với cha ở Đông Đức.

Vụ bắt giữ Fuchs là khởi đầu cho một loạt các vụ bắt giữ khác. Harry Gold, người mà Fuchs ám chỉ là trung gian giữa ông và các đặc vụ Liên Xô, đã bị bắt tại Mỹ. Ngay sau đó, Gold chỉ điểm David Greenglass, một trong các đồng nghiệp của Fuchs trong Dự án Manhattan. Sau khi bị bắt, Greenglass đã khai ra chị dâu và anh trai của mình, Ethel và Julius Rosenberg. Họ đã bị bắt tại New York vào tháng 07/1950, bị kết tội âm mưu làm gián điệp, và bị giam ở nhà tù Sing Sing vào tháng 06/1953.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]