Nguồn: Ukraine signs peace treaty with Central Powers, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1918, lúc 2 giờ sáng tại Berlin, hòa ước đầu tiên của Thế chiến I đã được ký khi Ukraine – đất nước vừa mới tuyên bố độc lập –chính thức chấp nhận hòa hoãn với phe Liên minh Trung tâm.
Theo nội dung hòa ước, Liên minh Trung tâm (gồm chính phủ các nước Áo-Hung, Bulgaria, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ chính thức công nhận nền độc lập của Ukraine khỏi Nga. Họ cũng đồng ý viện trợ và bảo vệ quân sự cho Ukraine trước lực lượng Bolshevik đang xâm chiếm lãnh thổ nước này. Đổi lại, Cộng hòa Ukraine sẽ cung cấp 100 triệu tấn thực phẩm đến Đức.
Hành trình đến thời kỳ độc lập – tuy khá ngắn ngủi – của Ukraine bắt đầu ngay sau khi chế độ quân chủ Nga hoàng sụp đổ vào tháng 03/1917. Đứng đầu là Thủ tướng Vladimir Vinnichenko và Bộ trưởng Chiến tranh Simon Petlura, các nhà lãnh đạo chính trị Ukraine đã tuyên bố thành lập một nước cộng hòa thuộc Đế quốc Nga. Tuy nhiên, sau Cách mạng Tháng Mười, khi chế độ quân chủ tạm thời của Nga bị lật đổ, Vinnichenko đã tuyên bố Ukraine độc lập hoàn toàn vào tháng 01/1918.
Lực lượng Bolshevik đã tiến vào để lấy lại lãnh thổ Ukraine, nhưng sau khi hòa ước giữa Ukraine và Liên minh Trung tâm được ký, quân Nga đã bị quân Đức đẩy lùi. Trong vòng một tháng sau đó, Nga đã chính thức công nhận nền độc lập của Ukraine theo một điều khoản của Hiệp ước Brest-Litovsk mà nước này ký với Liên minh Trung tâm vào ngày 03/03/1918.
Tuy nhiên, vào năm 1919, trong Nội chiến Nga, Liên Xô đã giành lại lãnh thổ Ukraine và biến nước này trở thành một trong những nước cộng hòa ban đầu của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]