Intifada là gì?

Nguồn:What is an intifada”, The Economist, 24/01/2017.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tình  trạng bạo lực đang diễn ra tại Israel có tạo thành một cuộc intifada mới không?

Vào ngày 08/01/2017, một người dân Palestine ở Đông Jerusalem đã tông một chiếc xe tải vào một nhóm binh lính Israel không xa khu Phố cổ. Bốn binh sĩ đã thiệt mạng trước khi người lái xe, Fadi Qunbar, bị bắn chết. Loại sự cố như thế này đã trở nên phổ biến một cách nghiêm trọng: hàng trăm người Palestine đã tiến hành các cuộc tấn công tương tự kể từ tháng 09/2015. Trên thực tế, một số đã nhanh chóng coi cuộc tấn công như một phần của một chiến dịch rộng lớn hơn. Một phát ngôn viên của Hamas đã ca ngợi Qunbar, nói rằng hành động của anh ta là một phần của một “intifada”. Vậy như thế nào là một “intifada”, và nó thực sự là gì?

Theo ý nghĩa cơ bản nhất, intifada là một biến thể của động từ tiếng Ả Rập, nghĩa là “làm rung chuyển”. Trong thời hiện đại, nó được gắn với một cuộc nổi dậy của người dân: intifada lần đầu tiên được sử dụng theo cách này vào năm 1952, để mô tả việc người Iraq biểu tình chống lại nhà vua của họ. Thuật ngữ này vẫn phổ biến khắp Trung Đông, từ Tây Sahara đến khu bán tự trị của người Kurd. Nhưng từ này gắn bó chặt chẽ nhất với vấn đề Palestine. Người Palestine đã tiến hành hai cuộc intifada toàn diện, chủ yếu là chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây và dải Gaza.

Bạo lực là một đặc điểm tiêu biểu của intifada. Trong cuộc nổi dậy lần đầu tiên (1987-1993, xem ảnh), các đòn đánh của binh sĩ Israel đã làm bị thương hàng ngàn trẻ em Palestine, một số trẻ em chỉ mới mười tuổi. Trong cuộc nổi dậy lần thứ hai (2000-05), các chiến binh Palestine đã đánh bom các xe buýt và hộp đêm của người Israel.

Số thương vong gần đây cũng đã tăng cao: 40 người Israel và hơn 200 người Palestine đã thiệt mạng kể từ tháng 09/2015. Tuy nhiên, đổ máu không phải là đặc trưng duy nhất của intifada. Một thước đo thứ hai của intifada là mức độ hỗ trợ có tính tổ chức. Cuộc intifada đầu tiên được giám sát bởi một nhóm ủy ban của người dân. Trong cuộc thứ hai, các nhóm chiến binh đã tiến hành các trận đánh có kế hoạch tổ chức từ trước chống lại binh sĩ Israel.

Cả hai cuộc intifada đều có những nguyên nhân cụ thể. Cuộc nổi dậy đầu tiên bắt đầu sau khi một chiếc xe tải của quân đội Israel đâm trúng một nhóm người Palestine ở Gaza, giết chết bốn người. Cuộc nổi dậy thứ hai được châm ngòi bởi việc Ariel Sharon (Thủ tướng Israel lúc đó) đến thăm các địa điểm linh thiêng ở Jerusalem.

Không giống như hai cuộc intifada chính thức, chuỗi các cuộc tấn công mới lần này thiếu một nguyên do cụ thể. Thay vào đó, nó được quy là do các nguyên nhân chung, bao gồm sự tức giận đối với sự chiếm đóng của Israel, căng thẳng về quyền tiếp cận các địa điểm linh thiêng, và sự kích động trực tuyến. Loạt bạo lực mới nhất cũng thiếu kế hoạch. Mặc dù các nhóm như Hamas ca ngợi những kẻ tấn công sau các sự kiện thực tế, thường không có bằng chứng cho thấy những kẻ tấn công không là gì khác ngoài “những con sói đơn độc”. Và không giống như các cuộc intifada chính thức, các cuộc tấn công mới nhất dường như không có mục đích thực tế nào ngoài việc làm bị thương người Israel.

Có bằng chứng cho thấy một số kẻ tấn công ít quan tâm đến chính trị: những người Palestine tuyệt vọng xem việc “tử vì đạo” dưới tay của một người lính Israel là một hình thức tự tử được xã hội chấp nhận. Trong bối cảnh này, các cuộc tấn công cô lập rất khó ngăn chặn.

Cuối cùng, bạo lực đã gần như lắng xuống vào mùa hè, mặc dù thi thoảng một vài cuộc tấn công vẫn tiếp tục nổ ra. Và mức độ bạo lực đã thấp hơn đáng kể so với những cuộc tấn công trước đó. Bất chấp những nỗ lực lớn của các nhóm như Hamas nhằm miêu tả chúng như một cuộc intifada, nhưng những hoạt động bạo lực gần đây nhất không đủ điều kiện để trở thành một cuộc nổi dậy mang tên gọi như vậy.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]