Câu chuyện của một nữ y tá Việt Cộng trong chiến tranh

Nguồn: Tong Thi Xuyen, “A Frontline Nurse for the Vietcong”, The New York Times, 21/03/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đối với nhiều người Việt Nam, ký ức về những gì đã diễn ra vẫn rất sinh động. Gần đây, tôi đã đến thăm bà Nguyen Thi Do, một cựu y tá của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, hay còn được gọi là Việt Cộng. Sau 10 năm phục vụ trong chiến tranh, bà chuyển về Qui Nhơn, một thành phố ven biển ở quê bà, nằm trên bờ biển miền Trung Việt Nam. Tại đây, bà làm quản lý của một công ty đánh bắt cá cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1989. Bà mời tôi vào phòng khách với nội thất được trang trí bằng gỗ sang trọng, tay rót hai cốc trà xanh, và bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình.

Khi tôi 17 tuổi, những người tuyển quân từ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã đến làng tôi, làng Lộ Diêu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Người dân xung quanh gọi Lộ Diêu, vùng đất nằm cách 130 dặm về phía nam thành phố Đà Nẵng, là “cái nôi của cách mạng,” bởi vì tất cả mọi người ở đây đều tận tụy cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

Những người trong độ tuổi của tôi đều được ghi danh, và như vậy, vào ngày 01/01/1966, tôi trở thành một phần của cách mạng. Khi ấy, tôi còn trẻ và ngây thơ đến nỗi điều duy nhất tôi có thể làm là nấu ăn cho các sĩ quan và bộ đội bị thương ở khu trại trong khu rừng gần đó. Cái nồi quá nặng so với sức của tôi, và mỗi khi nấu cơm, tôi phải dùng cái xẻng to để đảo. Nhưng tôi vẫn làm tốt phần việc của mình, vậy nên cấp trên quyết định tôi đã sẵn sàng để trở thành một y tá.

Sau vài tháng huấn luyện, tôi được phân về làm việc tại Trung Đoàn 22. Mặc dù công việc chính là cứu thương, tôi cũng thu hoạch lúa, và đôi khi còn tham gia các trận đánh, chiến đấu giống như một người lính thực sự. Dù anh là ai, nhiệm vụ của anh là phải cống hiến cho cách mạng bằng mọi cách.

Trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, các y tá khác và tôi đã ra tiền tuyến cùng với những người lính, cứu chữa những chiến sĩ và dân thường bị thương ngay giữa trận chiến. Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh đồng đội của mình, một y sĩ 22 tuổi quê Yên Bái, đã chết ngay trước mắt tôi khi một quả bom Mỹ nổ tung trong hầm của chúng tôi. Anh chỉ cách tôi một bước chân khi quả bom xé xác anh, còn mái nhà thì đổ ụp xuống cả hai chúng tôi. Một mảnh vỏ bom găm vào đầu tôi, và tôi đã ngất đi. Có lẽ ai đó đã tìm thấy và đưa tôi đến bệnh viện dã chiến để điều trị. Vết thương trên đầu tôi đã lành, nhưng vết thương trong lòng tôi sẽ chẳng bao giờ hồi phục mỗi khi tôi nghĩ về bạn mình.

Khi đã khỏe lại, tôi trở về làm y tá, lần này là trong một bệnh viện ở hậu phương, vậy nên tôi đã không phải chiến đấu. Không bao giờ có đủ thức ăn cho đơn vị chúng tôi và các thương binh. Có những ngày chúng tôi chẳng có gì để ăn ngoài một nắm gạo rang khô. Mọi người cố gắng uống nhiều nước nhất có thể để lấp đầy dạ dày của mình, dù biết rằng người Mỹ đã thả các hóa chất độc hại như chất độc da cam làm nhiễm độc các dòng suối và nước ngầm của chúng tôi. Bởi lựa chọn thay thế là chết vì khát.

Sau Tết Mậu Thân, tình hình trở nên rất căng thẳng. Có thời điểm, 1.000 quân tiếp viện gia nhập đơn vị của chúng tôi, nhưng chỉ sau hai ngày chiến đấu, toàn bộ họ đã bị giết sạch.

Khi đơn vị cạn kiệt thuốc men, tôi đã được phái đi một mình trên hành trình suốt một ngày băng rừng để nhận đồ tiếp tế. Những đồng đội ở nhà kho đã cho tôi thuốc, kèm theo là hai củ khoai mì để ăn tối. Trên đường về, mưa tuôn xối xả. Khi trời tối dần, tôi nghe thấy tiếng động lớn và đoán biết rằng nó đến từ một con thú lớn. Tôi sợ chết cứng và đã đứng bất động cho đến lúc nó rời đi. Khi ấy, tôi mới dám đi tiếp, tim vẫn đập thình thịch.

Khoảng nửa đêm, khi tôi đang nằm trên võng thì một anh lính xuất hiện. Nhưng khi chúng tôi nói chuyện, tôi bắt đầu thấy lo. Tôi đang ở một mình giữa một nơi xa lạ, với một người đàn ông không quen biết, kẻ đã xa vợ suốt một thời gian dài. Tôi cao giọng và bắt đầu nói chuyện với anh ta về các giá trị đạo đức. “Chị là đàn bà,” anh nói, “nhưng cay nghiệt quá.” Bình minh đến, một nhóm bộ đội hành quân qua và tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi có thể theo họ trở về đơn vị. Thật khó tin nổi là tôi đã từng mạnh mẽ như thế.

Ngày hôm sau, khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản.

Năm 1972, tôi được chọn vào một chương trình đào tạo bác sĩ kéo dài ba năm. Tôi và các bạn đã đi bộ suốt ba tháng rưỡi theo đường mòn Hồ Chí Minh để tới Hà Nội.

Sợ nhất là mấy con vắt. Chúng có rất nhiều khắp dọc đường. Chúng tôi không cảm nhận được chúng bám trên người mà chỉ biết khi chúng đã hút no máu và rơi khỏi người chúng tôi.

Nói ra thì thật xấu hổ, nhưng chúng tôi thậm chí còn chẳng có đủ quần áo để mặc. Mỗi người chỉ có hai bộ quần áo tối màu. Chúng tôi băng rừng suốt cả ngày, tới đêm mới dừng lại để tắm ở sông suối. Sau đó, chúng tôi thay quần áo, cố gắng vắt chúng thật khô để có thể dùng làm chăn giữ ấm. Nhiệt độ cơ thể của chúng tôi cũng giúp quần áo khô nhanh hơn.

Những chiến sĩ nữ thậm chí còn không có đồ lót, chứ đừng nói là băng vệ sinh. Chúng tôi luôn xấu hổ mỗi khi tới tháng. Bất cứ khi nào đến được bờ suối, chúng tôi sẽ chờ cho những người khác băng qua trước, còn mình thì dừng lại và rửa sạch hết mức có thể.

Chúng tôi đã bị đói suốt cả hành trình. Đôi khi chúng tôi phải ăn lá hoặc rễ cây. Con đường đã đưa chúng tôi qua các trạm thông tin, nơi chúng tôi hy vọng có thể tìm thấy thực phẩm cho chặng đường kế tiếp. Nhưng thường thì chẳng có gì ngoài khoai mì. Có một lần, ở tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được cho thêm một gói đồ khô to bằng hai ngón tay, thay vì chỉ có khoai mì. Tôi vẫn nhớ lúc đó mình đã nghĩ “Cuộc sống vẫn còn đẹp lắm.”

Cuối cùng chúng tôi cũng đến được miền Bắc “hòa bình,” nơi chúng tôi được chào đón như những anh chị em miền Nam, và được mọi người đối xử rất tử tế. Chúng tôi được ăn tôm, thịt và rau mỗi ngày.

Khi tôi đang học năm thứ ba thì miền Nam được giải phóng. Tôi hạnh phúc lắm và chỉ muốn về nhà ngay. Chồng chưa cưới của tôi đã viết thư nói rằng tôi không cần phải cố  gắng kết thúc khóa học – mà có thể về ngay. Và lần này, tôi đã có thể đi xe đò thay vì đi bộ. Nhà trường đã cho tôi 50.000 đồng, bằng khoảng 2,5 USD hiện tại, nhưng vào lúc đó, số tiền ấy lớn đến nỗi tôi không biết phải làm gì với nó.

Mãi tới sau khi giải phóng, khi nhìn thấy những người Mỹ ăn mừng trên truyền hình, tôi mới biết rằng người dân Mỹ đã phản đối chiến tranh. Giờ đây, ngày càng có nhiều cựu chiến binh Mỹ quay lại Việt Nam. Hai nước cũng đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ lâu. Nhiều người Mỹ hối tiếc về những gì họ đã làm, và tôi cũng chẳng có mong muốn trả thù. Với tôi, hòa giải dân tộc là điều quan trọng nhất.

Tuy nhiên, có một vấn đề khiến tôi lo lắng. Thế hệ trẻ ở Việt Nam bây giờ không quan tâm đến lịch sử, hay những gì mà cha mẹ và ông bà họ đã trải qua. Anh con trai 39 tuổi của tôi là một sĩ quan trong quân đội, nhưng cậu ấy chưa bao giờ thắc mắc về câu chuyện của tôi, hoặc tỏ ra quan tâm đến nó. Tôi lo rằng khi bạn bè, đồng đội và cả tôi chết đi, lịch sử và câu chuyện của chúng tôi cũng sẽ bị lãng quên.

Tong Thi Xuyen là một nhà văn ở Lebanon, bang New Hamshire, người lớn lên ở Hà Nội.

Hình: Bà Nguyen Thi Do. Nguồn: Christian Berg – The New York Times

Xem thêm: Các bài khác trong series Vietnam 1967

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]