Nguồn: Copernicus dies, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1543, nhà thiên văn học người Ba Lan, Nicolaus Copernicus, đã qua đời tại Frombork, Ba Lan. Được xem là cha đẻ của thiên văn học hiện đại, ông là nhà khoa học châu Âu hiện đại đầu tiên đề xuất rằng Trái Đất và các hành tinh khác xoay quanh Mặt Trời.
Trước khi Copernicus công bố tác phẩm thiên văn chính của mình – “Six Books Concerning the Revolutions of the Heavenly Orbs” (1543) – thì các nhà thiên văn học châu Âu vẫn lập luận rằng Trái Đất nằm ở trung tâm của vũ trụ, đây cũng là quan điểm của các triết gia cổ đại và những người viết Kinh thánh.
Ngoài việc đưa ra chính xác trật tự của các hành tinh mà con người đã biết được vào thời đó, bao gồm cả Trái Đất, trong hệ Mặt Trời, và ước lượng chu kỳ quỹ đạo tương đối chính xác, Copernicus cũng lập luận rằng hàng ngày Trái Đất đều quay trên trục của nó, và sự chuyển đổi dần dần của trục này đã tạo ra các mùa luân phiên nhau.
Copernicus mất vào cùng năm mà công trình quan trọng nhất của ông được xuất bản, nhờ thế ông đã thoát khỏi sự phỉ báng của một số nhà lãnh đạo tôn giáo – những người sau đó lên án quan điểm nhật tâm của ông về vũ trụ là dị giáo. Đến cuối thế kỷ 18, quan điểm của Copernicus về hệ Mặt Trời hầu như đã được chấp nhận rộng rãi.