24/05/1943: ‘Sứ giả Thần chết’ Josef Mengele đến trại Auschwitz

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Auschwitz gets a new doctor: “the Angel of Death”, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1943, trại tập trung Auschwitz, Ba Lan đã đón một bác sĩ mới – Josef Mengele, 32 tuổi – người đàn ông sau này sẽ nhận biệt danh là “Sứ giả Thần chết” (Angel of Death).

Sinh ngày 16/03/1911 ở Bavaria, Mengele theo học triết học với Alfred Rosenberg và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi lý thuyết chủng tộc của ông này. Năm 1934, khi đã là một thành viên của Đảng Quốc Xã, ông gia nhập đội ngũ nghiên cứu viên của Viện Sinh học Di truyền và Vệ sinh Chủng tộc (Institute for Hereditary Biology and Racial Hygiene).

Hăm hở đến Auschwitz với hy vọng được thăng tiến trong sự nghiệp y khoa nhờ vào việc công bố những công trình “đột phá,” Mengele đã bắt đầu thử nghiệm trên các tù nhân người Do Thái. Lấy cớ “điều trị” y tế, ông ta đã tiêm, hoặc ra lệnh cho người khác tiêm, cho hàng ngàn tù nhân bằng mọi thứ “thuốc,” từ xăng dầu đến chloroform. Ông ta cũng có xu hướng nghiên cứu các cặp song sinh, những người mà ông dùng để phân tích so sánh.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Mengele đã tìm được cách trốn thoát khỏi cảnh bị xét xử và bỏ tù, đầu tiên là bằng cách giả làm một nông dân trang trại ở Bavaria, sau đó thì di chuyển tới Nam Mỹ. Ông trở thành công dân Paraguay vào năm 1959. Sau đó ông lại tiếp tục chuyển đến Brazil, nơi ông gặp một thành viên khác của Đảng Quốc Xã, Wolfgang Gerhard. Năm 1985, một nhóm chuyên gia pháp y đa quốc gia đã tới Brazil để tìm kiếm Mengele. Họ xác định rằng một người đàn ông dù có tên Gerhard, nhưng được cho là Mengele, đã chết vì đột quỵ trong khi bơi vào năm 1979. Hồ sơ nha khoa sau này khẳng định rằng Mengele đã sử dụng danh tính của Gerhard và chính là người đã mất vì đột quỵ.

Một câu chuyện hư cấu về cuộc đời Josef Mengele thời hậu chiến đã được mô tả trong bộ phim Boys from Brazil, trong đó Gregory Peck thủ vai Mengele.

Phim tài liệu về cuộc đời Mengele và quá  trình truy tìm ông sau Thế chiến II. Nguồn: Youtube.