29/08/1914: Phụ nữ tham gia chiến tranh ở Anh

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Women join British war effort, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1914, khi Thế chiến I nổ ra được một tháng, Quân đoàn Phụ nữ Cứu viện (Women’s Defense Relief Corps) đã được thành lập ở Anh.

Mặc dù các tổ chức vì quyền phụ nữ ở Anh đã phản đối việc nước này tham gia vào Thế chiến I, nhưng họ đã nhanh chóng đảo ngược quan điểm của mình, nhận ra tiềm năng của chiến tranh trong việc giúp đạt được tiến bộ cho phụ nữ Anh ở trong nước. Ngay từ ngày 06/08/1914, chỉ một ngày sau khi Anh tuyên chiến với Đức, một bài báo đăng trên tờ Common Cause của phụ nữ đã khẳng định rằng: “Trong thời điểm khủng hoảng và lo âu khủng khiếp này, sẽ thoải mái hơn đôi chút khi nghĩ rằng tổ chức lớn của chúng ta, vốn được xây dựng trong những năm qua để thúc đẩy quyền bầu cử của phụ nữ, nay có thể được sử dụng để giúp đất nước chúng ta vượt qua giai đoạn căng thẳng và buồn phiền.”

Ngoài hai tổ chức điều dưỡng đã có từ năm 1914 – là Tổ chức Y tá Cấp cứu (First Aid Nursing Yeomanry, FANY) và Tổ chức Phụ nữ Tự nguyện (Voluntary Aid Detachments, VADs) – các tổ chức phụ nữ mới đã được thành lập trong cuộc chiến. Với sự hỗ trợ của Bộ trưởng Chiến tranh Anh Quốc, Horatio Herbert Kitchener, Quân đoàn Phụ nữ Cứu viện đã được thành lập vào cuối tháng 08/1914. Quân đoàn gồm hai sư đoàn: một sư đoàn dân sự, có mục tiêu đưa phụ nữ vào thay thế cho nam giới trong các nhà máy và các nơi làm việc khác để nam giới có thể vào phục vụ quân đội; và một sư đoàn “bán quân sự” hay “công dân tốt,” nơi phụ nữ được tuyển mộ tích cực cho lực lượng vũ trang. Nhóm thứ hai được cho huấn luyện, diễu binh và sử dụng vũ khí; các thành viên của họ đã được kêu gọi bảo vệ không chỉ bản thân họ mà còn cả những người thân yêu của họ trên mặt trận trong nước, trong trường hợp kẻ thù xâm lược.

Một tổ chức khác được thành lập trong Thế chiến I là Quân đoàn Trợ tá Phụ nữ (Women’s Army Auxiliary Corps, WAAC), được thành lập vào tháng 07/1917. Các thành viên của WAAC ủng hộ cuộc chiến một cách trực tiếp hơn, họ tham gia quân đội để làm các công việc như nấu ăn, cơ khí và văn thư cùng các việc nhỏ khác. Lần đầu tiên, phụ nữ Anh được đưa đến chiến trường Mặt trận phía Tây để phục vụ đất nước của họ, do đó tạo điều kiện cho thêm nhiều quân nhân nam đến chiến đấu trong các chiến hào chống lại quân đội Đức. Vào cuối cuộc chiến, khoảng 80.000 phụ nữ đã từng phục vụ nước Anh với tư cách nhân viên không chiến đấu, cả ở trong nước lẫn trên các tiền tuyến ở Pháp và Bỉ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]