Sự nguy hiểm khi Trump giao toàn quyền cho quân đội

Nguồn: Stephen Holmes, “Trump’s Dangerous Blank Check”, Project Syndicate, 19/04/2017.

Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Việc Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định thả siêu bom nặng 11 tấn, vốn được mệnh danh là “Bom mẹ”, xuống một vị trí nhỏ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) ở khu vực hẻo lánh của Afghanistan cho thấy sự thiếu gắn kết trong chính sách chống khủng bố của Mỹ. Như nhiều nhà bình luận đã chỉ ra, đó là một trường hợp nữa mà tính chiến thuật đã nuốt chửng chiến lược – kiểu làm chính sách đã được diễn tập một tuần trước đó tại Syria và có thể dẫn tới thảm họa nếu tiếp tục được thử, ví dụ như với bán đảo Triều Tiên.

Cụ thể hơn, vụ tấn công tại Afghanistan là một minh chứng của việc để phương tiện quân sự quyết định mục đích của chính sách. Thay vì xác định các mối đe dọa an ninh quốc gia khẩn cấp và cân nhắc cách thức đối phó, các tư lệnh quân đội Mỹ dường như đã nghiên cứu kỹ về kho vũ khí chưa được sử dụng của Mỹ, tìm thấy “Bom mẹ”, và tìm kiếm một địa điểm để phô trương sức mạnh của nó.

Dĩ nhiên họ phải tìm một mục tiêu không có dân thường, nhưng không nhất thiết là nơi gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng, hay là một căn cứ quan trọng của lực lượng nổi dậy Afghanistan. Lý do căn bản để thả “Bom mẹ” tại vùng đồi núi của Afghanistan chính là vì sau 8 năm bị cho là yếu đuối của Barack Obama, sử dụng quả bom phi hạt nhân lớn nhất của Mỹ sẽ “phục hồi sự răn đe”. Người ta không quan tâm đến việc mạng lưới các phần tử cực đoan phi tập trung toàn cầu sẽ hầu như không bị răn đe bởi một vụ nổ lớn tại vùng đất khô cằn hẻo lánh.

Bộ Quốc phòng là cơ quan an ninh quốc gia duy nhất chưa nếm trải tính khí thất thường khủng khiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng dù quân đội rõ ràng có vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực, chính quyền Trump đã sai khi để Lầu Năm Góc toàn quyền quyết định.

Cách làm đó nguy hiểm vì hai lý do. Thứ nhất, các quan chức Lầu Năm Góc chủ yếu có thiên kiến khi nói về các mối đe dọa an ninh quốc gia. Họ có khuynh hướng đánh giá quá cao tính hiệu quả của các biện pháp quân sự để loại bỏ các mối đe dọa, trong khi lại đánh giá thấp vai trò của ngoại giao, tình báo và lực lượng hành pháp.

Lý do thứ hai đến từ chính Tổng thống Trump. Ông đã lảng tránh khi được hỏi về quyết định đưa “Bom mẹ” ra khỏi kho. Ông nói: “Mọi người biết chính xác điều gì đã xảy ra. Và việc tôi làm là cho phép quân đội của mình. Chúng ta có quân đội mạnh nhất trên thế giới và họ đang làm việc của mình như thường lệ. Thế nên, chúng tôi cho họ toàn quyền xử lý.”

Việc được trao toàn quyền từ vị Tổng tư lệnh đầy thách thức về địa chính trị có nghĩa là Lầu Năm Góc hiện đang hoạt động mà không bị giám sát, và cũng không bị trừng phạt. Rõ ràng việc trao chính sách an ninh quốc gia cho một cơ quan luôn bị kích động mà không phải chịu trách nhiệm giải trình cho quyết định sử dụng vũ lực của mình sẽ không thể có kết thúc tốt đẹp.

Để hiểu hơn về các rủi ro, hãy nhìn lại phản ứng của cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld trước vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Quyết định phản ứng lại cuộc tấn công của al-Qaeda bằng sức mạnh quân sự, họ đã tìm kiếm một chiến trường cho quân đội phô diễn sức mạnh.

Hàng loạt các địa điểm thành thị nơi các đối tượng tấn công vụ 11/9 đã lên âm mưu và chuẩn bị, chẳng hạn như Hamburg, rõ ràng không thích hợp cho việc phô diễn sức mạnh quân sự “gây sốc và kinh sợ” của quân đội Mỹ. Do đó Mỹ đã nhắm vào Iraq, nơi Cheney miêu rả hết sức phi lý là “một căn cứ của những tên khủng bố vốn đã tấn công chúng ta trong nhiều năm qua, mà cụ thể nhất là vụ 11/9”. Họ không quan tâm việc Saddam Hussein không liên quan gì đến vụ 11/9, hay việc lật đổ một nhà độc tài Ả rập lâu đời sẽ không có tác dụng gì trong việc ngăn cản các chủ thể phi nhà nước cực đoan về tôn giáo.

Vai trò quyết định của cuộc xâm lược Iraq dẫn tới sự nổi dậy của ISIS, cũng như sự sụp đổ đang diễn ra của trật tự quốc tế tự do, cần được xem như một cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách vốn trao quyền về an ninh quốc gia Mỹ cho những người ra quyết định mà không chịu trách nhiệm giải trình về chính trị. Rõ ràng, điều đó đã không diễn ra.

Thực tế, thậm chí Obama cũng không tránh được cái bẫy cho phép các giải pháp quân sự quyết định mục tiêu chính sách đối ngoại. Phóng viên Jeffrey Goldberg của tạp chí The Atlantic gần như chính xác khi nói rằng Trump đã loại bỏ hoàn toàn sự thận trọng của Obama. Tuy nhiên, với việc quá phụ thuộc vào máy bay không người lái trong chống khủng bố, Obama đã tạo ra một tiền lệ nguy hại cho quyết định thả “bom mẹ”.

Chắc chắn là Obama đã có một số lý do hợp lý khi dựa vào máy bay không người lái. Khác với bộ binh luôn phải đưa ra những quyết định rất nhanh dưới làn đạn sinh tử, những người điều khiển máy bay không người lái ít bị tổn thương trước sự sợ hãi và sự ác liệt có thể dẫn tới các vụ thảm sát thường dân hay trên chiến trường. Nhưng Obama cũng sử dụng máy bay không người lái đơn giản vì có chúng. Chính sự tồn tại của loại vũ khí này đóng một vai trò, dù chưa đong đếm được, trong quyết định triển khai chúng.

Bởi vì máy bay không người lái gần như loại bỏ rủi ro thương vong cho người Mỹ, chúng có thể được sử dụng cho các mục tiêu không trực tiếp đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Mỹ. Đó chính xác là những gì đã diễn ra dưới thời Obama: Cách Mỹ chiến đấu quyết định nơi nào và tại sao họ chiến đấu. Khi sự tiện lợi của máy bay không người lái đã dẫn tới các nhiệm vụ ghê sợ, chính quyền Obama đã cho phép giết-chứ-không-cần-bắt-giữ tại những khu vực trên thế giới nơi mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Mỹ là không đáng kể.

Cũng có thể nói điều tương tự về việc sử dụng “bom mẹ” để xóa sổ vài chục chiến binh tàn ác nhưng khá ít quan trọng ẩn nấp trong một tổ hợp hầm ngầm tại dãy núi Spin Ghar. Nếu mục tiêu là để gửi thông điệp “Mỹ đã quay lại”, người ta chỉ có thể tự hỏi rằng chính xác là ai nhận thông điệp đó và phản ứng của họ sẽ như thế nào.

Một câu trả lời là truyền thông Mỹ. Như trong kỳ bầu cử Tổng thống 2016 đã cho thấy một sự thật đáng buồn, “tự do báo chí” của Mỹ ít được dùng để kiềm chế sức mạnh chính trị mà chủ yếu được dùng cho việc đánh lạc hướng và các thủ đoạn mưu mô phi nguyên tắc. Theo sau vụ tấn công bằng “bom mẹ”, báo chí Mỹ đã thỏa mãn vai trò đó, đưa ra các tin tức giật gân đúng lúc.

Cụ thể, các kênh truyền hình cáp – thậm chí cả các kênh có “thiên hướng tự do” như người ta thường nói – cũng không thể cưỡng lại việc loan báo các điều bịa đặt phi lý và huênh hoang của Trump. Nhưng khi các trò hề của Trump không còn sự mới lạ, chính quyền sẽ phải tìm những cách mới để hướng sự chú ý của chúng ta khỏi các vụ bê bối trong quá khứ và hiện tại của Trump. Đáng tiếc là, quân đội Mỹ dường như đã sẵn sàng và sẵn lòng để tiên phong trong công việc đó.

Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng vụ tấn công kế tiếp của quân đội Mỹ – dù ở Triều Tiên hay Vịnh Ba Tư – sẽ không châm ngòi cho một mối đe dọa an ninh quốc gia thực sự. Thật không may là nếu điều đó xảy ra, Trump với bộ máy an ninh quốc gia thiếu nhân lực, quân sự hóa quá mức và bất khả xâm phạm sẽ thiếu sẵn sàng một cách đáng sợ để đương đầu với thách thức đó.

Stephen Holmes là giáo sư tại Trường luật, Đại học New York và là tác giả của tác phẩm gần đây nhất The Matador’s Cape: America’s Reckless Response to Terror.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Trump’s Dangerous Blank Check
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]