Nguồn: Soviet Union rejects Marshall Plan assistance, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1947, Ngoại trưởng Liên Xô V. M. Molotov đã rời khỏi cuộc họp với đại diện của hai chính phủ Anh và Pháp, nhằm thể hiện sự từ chối của Liên Xô đối với Kế hoạch Marshall. Hành động của Molotov chỉ ra rằng Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga đang gia tăng.
Ngày 04/06/1947, Ngoại trưởng George C. Marshall đã phát biểu rằng Mỹ sẵn sàng hỗ trợ kinh tế cho các quốc gia bị chiến tranh tàn phá ở châu Âu để giúp họ phục hồi kinh tế. Kế hoạch Marshall, tên gọi của chương trình này, sau cùng đã cung cấp hàng tỷ USD cho các nước châu Âu và giúp ngăn chặn thảm hoạ kinh tế ở nhiều nước trong số đó. Phản ứng của Liên Xô trước bài phát biểu của Marshall là một sự im lặng sắt đá. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mołotov đã đồng ý họp vào ngày 27/06 với những người đồng cấp Anh và Pháp của ông để thảo luận về phản ứng của châu Âu đối với đề xuất của Mỹ.
Molotov ngay lập tức đã làm rõ những phản đối của Liên Xô đối với Kế hoạch Marshall. Thứ nhất, nó bao gồm cả hỗ trợ kinh tế cho Đức, và Liên Xô không thể chấp nhận việc giúp đỡ một kẻ thù vừa mới tàn phá đất nước họ. Thứ hai, Molotov khăng khăng yêu cầu Liên Xô có quyền kiểm soát hoàn toàn và tự do hành động đối với bất kỳ khoản viện trợ nào mà Kế hoạch Marshall sẽ có thể cho Đức. Cuối cùng, vị Ngoại trưởng muốn biết chính xác số tiền mà Mỹ sẽ dành cho từng quốc gia. Và khi rõ ràng là các đại diện của Pháp và Anh không chia sẻ sự phản đối của ông, Molotov đã rời khỏi cuộc họp vào ngày 02/07.
Trong những tuần tiếp theo, Liên Xô đã gây áp lực buộc các đồng minh Đông Âu từ chối tất cả mọi hỗ trợ từ Kế hoạch Marshall. Hành động gây áp lực đó đã thành công và không có quốc gia vệ tinh nào của Liên Xô tham gia vào Kế hoạch Marshall. Báo chí Liên Xô đưa tin rằng chương trình của Mỹ là “một kế hoạch can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước khác.” Nhưng Mỹ đã ngó lơ hành động của Liên Xô, và vào năm 1948, họ chính thức tiến hành Kế hoạch Marshall và bắt đầu cung cấp viện trợ cho nhiều quốc gia châu Âu.
Một cách công khai, các quan chức Mỹ lập luận rằng quan điểm của Liên Xô là một dấu hiệu khác cho thấy nước này có ý định cô lập Đông Âu khỏi phương Tây, cũng như áp dụng các học thuyết cộng sản và toàn trị trong khu vực đó. Tuy nhiên, theo quan điểm của Liên Xô, việc từ chối tham gia vào Kế hoạch Marshall đã cho thấy mong muốn thoát khỏi “chính sách kinh tế đế quốc chủ nghĩa” và sự thống trị của Mỹ.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]