Nguồn: Joseph S. Nye, “Xi Jinping’s Marco Polo Strategy,” Project Syndicate, 12/06/2017.
Biên dịch: Trần Thị Ngọc Thúy | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì diễn đàn “Vành đai và Con đường” được dàn dựng kỹ lưỡng tại Bắc Kinh. Sự kiện kéo dài hai ngày đã thu hút 29 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, và 1.200 đại biểu từ hơn 100 nước. Ông Tập gọi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc là “dự án thế kỷ.” 65 nước có liên quan trong sáng kiến này chiếm hai phần ba diện tích đất liền thế giới và có số dân khoảng 4,5 tỷ người.
Bắt đầu được thông báo vào năm 2013, kế hoạch của ông Tập nhằm kết nối lục địa Á-Âu thông qua việc đầu tư hàng nghìn tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng trải dài từ Trung Quốc đến châu Âu, mở rộng sang cả Đông Nam Á và Đông Phi, đã được gọi là Kế hoạch Marshall mới của Trung Quốc, cũng như là một nỗ lực nhằm đạt được một đại chiến lược của nước này. Một số nhà quan sát còn nhìn nhận diễn đàn này là một phần nỗ lực của ông Tập nhằm lấp đầy khoảng trống sau khi Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương của Barack Obama.
Sáng kiến đầy tham vọng của Trung Quốc sẽ cung cấp đường cao tốc, đường sắt, đường ống, cảng biển, và các nhà máy năng lượng vốn vô cùng cần thiết ở các nước nghèo. Nó cũng khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống cảng biển và đường sắt của châu Âu. “Vành đai” sẽ bao gồm một mạng lưới khổng lồ các tuyến đường cao tốc và đường sắt qua Trung Á, còn “Con đường” là một chuỗi các tuyến đường biển và cảng biển giữa châu Á và châu Âu.
Marco Polo hẳn sẽ rất tự hào.[1] Và nếu Trung Quốc quyết định sử dụng nguồn dự trữ tài chính thặng dư của mình để xây dựng cơ sở hạ tầng giúp đỡ các nước nghèo và thúc đẩy thương mại toàn cầu thì nước này sẽ cung cấp cái có thể được xem là hàng hóa công toàn cầu.
Tất nhiên, động cơ của Trung Quốc không đơn thuần là từ thiện. Việc tái phân bổ số dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc từ trái phiếu kho bạc Mỹ lợi nhuận thấp sang đầu tư cơ sở hạ tầng màu mỡ hơn là điều dễ hiểu, và tạo nên các thị trường thay thế cho hàng hóa Trung Quốc. Với việc các doanh nghiệp thép và xi măng Trung Quốc đang khổ sở vì thừa năng suất, các doanh nghiệp xây dựng nước này sẽ được hưởng lợi từ sự đầu tư mới. Và khi các ngành chế tạo của Trung Quốc chuyển đến các tỉnh khó tiếp cận hơn, các mối liên kết cơ sở hạ tầng được cải thiện với các thị trường quốc tế sẽ phù hợp với các nhu cầu phát triển của Trung Quốc.
Nhưng BRI có hiệu quả về mặt đầu tư như nó được quảng cáo? Theo tờ Financial Times, đầu tư vào sáng kiến của ông Tập đã giảm vào năm ngoái, làm dấy lên nghi ngại về mức độ cam kết của các doanh nghiệp thương mại so với chính phủ. Mỗi tuần có năm đoàn tàu hỏa chở đầy hàng xuất phát từ Trùng Khánh tới Đức, nhưng chỉ có một đoàn tàu chở đầy hàng quay trở lại.
Vận tải hàng hóa bằng đường bộ từ Trung Quốc tới châu Âu vẫn đắt gấp đôi so với vận tải bằng đường biển. Như Financial Times đã viết, BRI “không may là giống một tầm nhìn chính trị rộng lớn hơn là một kế hoạch đầu tư thực tế.” Hơn nữa còn có mối nguy hiểm từ các khoản nợ và cho vay chưa được trả từ các dự án hóa ra chỉ là những “con voi trắng” (gây lãng phí – NBT) và các cuộc xung đột an ninh có thể ảnh hưởng xấu đến các dự án trải dài qua quá nhiều đường biên giới chủ quyền. Ấn Độ không mấy vui vẻ khi phải chứng kiến sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và Iran cũng có chương trình nghị sự của riêng mình ở Trung Á.
Tầm nhìn của ông Tập thật ấn tượng, nhưng liệu nó có thành công với tư cách một đại chiến lược hay không? Trung Quốc đang đánh cược vào một quan điểm địa chính trị cũ. Một thế kỷ trước, nhà lý luận địa chính trị người Anh Halford Mackinder đã lập luận rằng bất cứ ai nắm quyền kiểm soát lục địa Á-Âu sẽ kiểm soát được cả thế giới. Trái lại, chiến lược của Mỹ từ lâu vẫn luôn coi trọng những hiểu biết địa chính trị của đô đốc hải quân thế kỷ 19 Alfred Mahan, người nhấn mạnh quyền lực trên biển và các vùng vành đai ven biển (rimlands).
Cuối Thế chiến II, George F. Kennan đã áp dụng cách tiếp cận của Mahan để xây dựng chiến lược kiềm chế Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh của mình, lập luận rằng nếu liên minh với các đảo quốc Anh và Nhật và bán đảo Tây Âu ở hai đầu lục địa Á-Âu thì Mỹ sẽ tạo được thế cân bằng quyền lực toàn cầu có lợi cho Mỹ. Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn được tổ chức theo dòng quan điểm này, với ít sự chú ý dành cho Trung Á.
Nhiều điều đã thay đổi trong thời đại Internet, nhưng địa lý vẫn quan trọng, bất chấp “cái chết của khoảng cách địa lý.” Trong thế kỷ 19, phần lớn sự đối đầu địa chính trị xoay quanh “Vấn đề phương Đông” là ai sẽ kiểm soát khu vực nằm dưới sự cai trị của Đế chế Ottoman đang suy tàn. Các dự án cơ sở hạ tầng như tuyến đường sắt từ Berlin đến Baghdad đã kích động căng thẳng giữa các siêu cường. Liệu các cuộc đấu tranh địa chính trị ấy có bị thay thế bởi “Vấn đề Á-Âu”?
Với BRI, Trung Quốc đang đặt cược vào Mackinder và Marco Polo. Nhưng tuyến đường bộ qua Trung Á sẽ làm hồi sinh “Ván cờ Lớn” giành ảnh hưởng trong thế kỷ 19 của Anh và Nga, cũng như các đế chế trước đây như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đồng thời, “con đường” trên biển xuyên qua Ấn Độ Dương cũng sẽ làm trầm trọng thêm sự đối đầu vốn đã khốc liệt của Trung Quốc với Ấn Độ, với những căng thẳng về các cảng biển và tuyến đường của Trung Quốc qua Pakistan.
Mỹ đang đặt cược nhiều hơn vào Mahan và Kennan. Châu Á có cán cân quyền lực của riêng mình, và Ấn Độ, Nhật Bản, và Việt Nam đều không muốn Trung Quốc thống trị. Họ xem Mỹ là một phần giải pháp. Chính sách của Mỹ không phải là kiềm chế Trung Quốc – nhìn dòng trao đổi thương mại và sinh viên giữa hai nước là thấy. Nhưng khi Trung Quốc, bị mê hoặc bởi một tầm nhìn về sự vĩ đại quốc gia, dính líu vào những tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trên biển, nó có khuynh hướng đẩy các nước này vào vòng tay Mỹ.
Quả thật, vấn đề thực sự của Trung Quốc là “tự kiềm chế.” Ngay cả trong thời đại Internet và truyền thông xã hội, chủ nghĩa dân tộc vẫn là thế lực quyền lực nhất.
Nhìn chung, Mỹ nên hoan nghênh BRI của Trung Quốc. Như Robert Zoellick, cựu Đại diện Thương mại Mỹ và chủ tịch Ngân hàng Thế giới, đã lập luận, nếu một Trung Quốc đang trỗi dậy có thể góp phần cung cấp hàng hóa công cho thế giới thì Mỹ nên khuyến khích Trung Quốc trở thành một “cổ đông có trách nhiệm.” Hơn nữa, các công ty Mỹ cũng có cơ hội được hưởng lợi từ đầu tư của BRI.
Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được nhiều lợi ích từ việc hợp tác trong một loạt các vấn đề xuyên quốc gia như ổn định tiền tệ, biến đổi khí hậu, quản trị mạng, và chống khủng bố. Và dù BRI sẽ mang đến những được mất về địa chính trị cho Trung Quốc, nó ít có khả năng trở thành một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong đại chiến lược như một số nhà phân tích vẫn tin. Một câu hỏi khó hơn là liệu Mỹ có hoàn thành tốt phần nhiệm vụ của mình hay không.
Joseph S. Nye, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, là Giáo sư tại Đại học Harvard. Ông là tác giả cuốn Is the American Century Over?
Copyright: Project Syndicate 2017 – Xi Jinping’s Marco Polo Strategy
————-
[1] Marco Polo là một thương nhân người Ý từng du hành bằng đường bộ tới châu Á và Trung Hoa hồi thế kỷ 13. Ông được coi là người đầu tiên ghi chép lại một cuộc hành tình từ châu Âu tới Trung Hoa như vậy (NBT).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]