Nguồn: Sean Mcmeekin, “Was Lenin a German Agent?”, The New York Times, 19/06/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Ngày 16/04/1917, sau gần hai thập niên sống lưu vong ở nước ngoài, Vladimir Ulyanov, nhà cách mạng Nga thường được biết đến với bí danh Lenin, đã đến Ga Phần Lan của thành phố St. Petersburg sau một hành trình vòng vèo từ Thụy Sĩ. Ông đã ngay lập tức có một bài phát biểu mạnh mẽ và một chương trình chính trị cấp tiến gọi là “Luận cương Tháng Tư” (April Theses). Nước Nga, thế giới, và chính trị sẽ chẳng còn như trước.
Mối liên hệ của Lenin với Đức
Do Lenin đã trở về Nga qua ngả Đức – và rõ ràng là có sự hợp tác từ Bộ Tư lệnh Tối cao Đức, vốn khi ấy đang chiến đấu chống lại Nga và phe Hiệp ước (Pháp, Anh và, từ ngày 06/04, Mỹ) – các đối thủ của ông đã cáo buộc rằng Lenin là gián điệp của Đức, một cáo buộc vẫn còn gây tranh cãi cho đến ngày nay.
Nếu có thể chứng minh được rằng Lenin đã hành động thay mặt cho Chính phủ Hoàng gia Đức vào năm 1917, chúng ta sẽ thu được các hàm ý sâu sắc hơn về Cách mạng Tháng Mười và về chế độ cộng sản Liên Xô sinh ra từ cuộc cách mạng đó và kéo dài đến năm 1991. Điều này sẽ tương đương với một chiến dịch gián điệp gây ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại, khiến cho mọi quan ngại trong hiện tại về sự can thiệp của Nga vào các cuộc bầu cử ở phương Tây, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, trở thành quá nhỏ bé nếu so sánh với chiến dịch đó. Liệu điều đó có đúng hay không?
Theo nghĩa nào đó, không có gì đặc biệt mới về một âm mưu của Đức nhằm phá hoại chính phủ của kẻ thù trong thời chiến. Suốt nhiều thế kỷ, các cường quốc đều đã từng chơi trò này. Trong Chiến tranh Napoléon, Pháp đã giúp đỡ quân Ireland nổi dậy để làm suy yếu nước Anh, và giúp những người Ba Lan theo chủ nghĩa dân tộc chống lại Nga. Còn Anh lại ủng hộ các du kích Tây Ban Nha chống lại lực lượng chiếm đóng của Pháp. Và dù là những kẻ đến sau trên chiến trường, người Đức đã biết học theo rất nhanh sau khi nước Đức thống nhất năm 1871. Họ thậm chí còn đặt ra một thuật ngữ cho hoạt động này: “Revolutionierungspolitik,” hay chính sách cách mạng hoá.
Trong Thế chiến I, nếu chính phủ Anh hoặc Pháp yếu hơn, họ có lẽ đã bị những “Lenin” khác làm suy yếu. Thực ra, Đức cũng đã nhắm tới họ, dù sự hỗ trợ của Đức đối với các nhà dân tộc chủ nghĩa Ireland và những người chủ trương hòa bình ở Pháp là không lớn.
Nước Nga, từ lâu đã luôn gặp rắc rối với các cuộc nổi dậy của công nhân và nông dân, là một mắt xích yếu của phe Hiệp ước, và cũng không ngạc nhiên khi người Đức đã nỗ lực rất nhiều để phá hoại chính quyền Sa hoàng. Với chủ trương ủng hộ mọi nhóm cách mạng Nga, Đức không chỉ hỗ trợ cho đảng Bolshevik của Lenin, mà còn cho cả các đối thủ xã hội chủ nghĩa của ông như Leon Trotsky, khi đó là một người Menshevik, người đã xuất bản các bài báo chống chiến tranh ở Paris và sau đó là New York.
Tầm quan trọng của Lenin
Dù Lenin không phải là người duy nhất nhận được sự hỗ trợ từ Đức, nhưng ông vẫn là người quan trọng nhất. Dù hầu hết mọi người ngày nay nghĩ rằng Chủ nghĩa Cộng sản là một chương trình Marxist chủ trương bãi bỏ quyền tư hữu, áp dụng quyền sở hữu nhà nước đối với các phương tiện sản xuất và kinh tế kế hoạch hóa, nhưng không phải chương trình được các nhà Marxist châu Âu ủng hộ này là điều đã đưa Lenin đến với Chính phủ Hoàng gia Đức.
Điều làm Lenin khác biệt với những nhà xã hội chủ nghĩa người Nga khác là việc ông nhiệt liệt phản đối chiến tranh, đồng thời ủng hộ Ukraine giành độc lập, vốn là một mục tiêu chính của phe Liên minh Trung tâm. Trong khi các nhà xã hội chủ nghĩa chống chiến tranh khác như Trotsky thực sự ghét việc chém giết và cố gắng để ngăn chặn cuộc chiến bằng cách ủng hộ biểu tình và tổ chức kháng chiến, Lenin lại lập luận trong bài luận “Chủ nghĩa Xã hội và Chiến tranh” (Socialism and War, 1915) rằng các nhà cách mạng nên thâm nhập vào quân đội và biến họ trở thành người cộng sản, kích động bạo loạn và chủ động gây thất bại cho chính quyền của họ”.
Tác động từ của chương trình của Lenin, được gọi là tư tưởng “chủ bại cách mạng” (revolutionary defeatism), lớn đến mức Bộ Ngoại giao Đức đã can thiệp để ngăn chặn phát tán chương trình này cho những người lính ở tiền tuyến, sợ rằng nó sẽ khiến chính phủ Sa hoàng bắt giữ các thành viên đảng Bolshevik vì tội phản quốc. Vì những lý do tương tự, Berlin đã tạo ra một vụ lùm xùm xung quanh hành trình của Lenin trên đất Đức, đó là câu chuyện nổi tiếng về đoàn tàu được niêm phong – một huyền thoại cho Lenin, đồng thời cũng giúp Lenin bác bỏ sự bảo trợ của Đức. Thực ra, đoàn tàu không hề được niêm phong: Lenin đã lên xuống vài lần, và ở lại qua đêm trong một khách sạn của Đức tại Sassnitz. Theo các nhân chứng, Lenin thậm chí còn có những bài phát biểu chính trị trên đất Đức tại các trại tù binh chiến tranh người Nga.
Lenin cũng không che giấu quan điểm chống chiến tranh của mình sau khi trở về Nga. “Luận cương Tháng Tư” ủng hộ lật đổ chính phủ lâm thời, vốn lên nắm quyền sau cuộc Cách mạng tháng Hai. Trong cuộc đảo chính Những Ngày Tháng Tư, xảy ra hai tuần sau khi Lenin trở về, các thành viên Bolshevik đã cầm những tấm áp phích chống chiến tranh, trên đó kêu gọi đoàn kết với kẻ thù (“Người Đức là anh em của chúng ta”).
Sau âm mưu đảo chính thứ hai, được gọi là Những Ngày Tháng Bảy, Lenin và 10 người Bolshevik khác bị buộc tội “phản bội và nổi dậy có vũ trang.” Hàng loạt nhân chứng đã đưa ra lời khai về: việc chuyển tiền từ Stockholm, rửa tiền thông qua một doanh nghiệp nhập khẩu của Đức, việc Đức tài trợ cho tờ báo Pravda của Bolshevik (bao gồm cả các phiên bản dành cho quân đội tiền tuyến), về mức trợ cấp khi họ cầm áp phích Bolshevik trong các cuộc biểu tình đường phố (10 rúp) hoặc tham gia chiến đấu trong Hồng Quân (40 rúp/ngày). Trong khi Lenin trốn sang Phần Lan, phần lớn các đồng đội của ông đã bị bắt. Tình hình đã sẵn sàng để chuẩn bị cho một phiên tòa lớn.
Nhưng nó đã không xảy ra. Vào cuối tháng 08/1917, khi cáo buộc của chính phủ lâm thời được minh chứng nhờ lời khai của các nhân viên cảnh sát đột nhập vào trụ sở của Lenin, thủ tướng Alexander Kerensky đã ân xá cho hầu hết các phần tử Bolshevik bị bắt (ngoại trừ Lenin) để lôi kéo họ chống lại một vị tướng, Lavr Kornilov, người mà Kerensky tin là đang mưu toan một cuộc đảo chính quân sự cánh hữu. Trong một động thái thiếu cân nhắc, Kerensky đã cho phép tổ chức quân sự Bolshevik được tái vũ trang, nên họ đã có được thứ vũ khí mà họ sẽ dùng để lật đổ ông hai tháng sau đó.
Gián điệp của Đức?
Lenin, với những tờ lệnh truy nã lan tràn trên toàn nước Nga vào đêm trước Cách mạng Tháng Mười, đã không bỏ lỡ cơ hội của mình. Khi lên nắm quyền, thay vì cẩn trọng trong quan hệ với những người bảo trợ Đức, một trong những hành động đầu tiên của ông là gửi một bức điện đến trụ sở quân đội Đức ở mặt trận phía đông, đề nghị một lệnh ngưng bắn vô điều kiện. Khi các điều khoản khắc nghiệt của Hiệp ước Brest-Litovsk được công bố tại Cung điện Tauride ở Petrograd vào năm 1918 – bao gồm việc tách Ukraine và các quốc gia vùng Baltic khỏi Nga – Lenin đã được ‘chào đón’ trong tiếng la ó “Đả đảo tên phản bội”, “Judas!” và “Tên gián điệp Đức!”
Vậy Lenin có phải là gián điệp của Đức?
Trong suy nghĩ của ông, Lenin có thể và đã biện minh rằng những hành động của mình là các bước đi chiến thuật nhằm phục vụ mục đích cao hơn của Chủ nghĩa Cộng sản, chứ không phải phục vụ các mục tiêu chiến tranh tàn nhẫn của Chính phủ Hoàng gia Đức. Nghe cũng có lý. Nhưng thật khó để tưởng tượng được lời biện minh này lại có thể được bảo vệ ở một phiên toà với bồi thẩm đoàn gồm những thường dân Nga trong khi ngoài kia cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Các chứng cứ do Bộ Tư pháp của Kerensky thu thập, hầu hết trong số đó gần đây đã được phát hiện trong các kho lưu trữ của Nga, đều buộc tội Lenin. Cho dù ý định thực sự của Lenin là gì đi chăng nữa, thì không thể chối cãi rằng ông đã nhận được sự hỗ trợ hậu cần và tài chính từ Đức vào năm 1917, và các hành động của ông, từ việc kích động phản chiến trong quân đội Nga, cho đến yêu cầu ngừng bắn vô điều kiện, đều đã phục vụ cho lợi ích của các kẻ thù thời chiến của Nga tại Berlin. Các hành động này cũng gây ra những hậu quả thảm khốc cho chính nước Nga, từ sự chia cắt lãnh thổ vào năm 1918 cho tới hàng thập niên đau đớn dưới chế độ độc tài Bolshevik.
Cách mạng Nga đã mở đầu một kỷ nguyên mới cho các chiến dịch gây ảnh hưởng ở nước ngoài. Chính Lenin đã giúp thành lập Quốc tế Cộng sản, mà gần một phần tư thế kỷ sau đó đã luôn cố gắng lật đổ các chính phủ tư bản trên toàn thế giới. Đức Quốc xã đã chơi một trò chơi tương tự ở Áo và Tiệp Khắc năm 1938, chỉ để rồi từ bỏ lớp vỏ gây ảnh hưởng của mình mà theo đuổi vũ lực thẳng thừng, khi cùng với Hồng Quân Liên Xô từ phía đông, họ xâm chiếm Ba Lan từ phía tây vào năm 1939. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ đã biến Revolutionierungspolitik thành một loại nghệ thuật, cố gắng làm suy yếu các đồng minh và các quốc gia vệ tinh của nhau bằng mọi thủ đoạn phá hoại ngầm và lật đổ.
Bối cảnh ngày nay
Ngày nay, có vẻ như một thời kỳ Chiến tranh Lạnh mới đã xuất hiện, mặc dù với một ý thức hệ khác, khi Điện Kremlin thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc dân túy ở châu Âu và Mỹ, cho dù các nhà lãnh đạo phương Tây và các nhà hoạt động dân chủ vận động chống lại Nga và các chế độ thân Putin, như Viktor Orban ở Hungary – những chế độ sau đó đàn áp các nhà hoạt động xã hội với lý do họ là “gián điệp cho nước ngoài.” Revolutionierungspolitik đã xuất hiện trên toàn cầu.
Trước khi chúng ta hoảng loạn, tốt hơn là nên cân nhắc về sự khác biệt trong mức độ, và hình thức, của hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài hiện tại so với trong quá khứ. Việc bóp méo thông tin của các phương tiện truyền thông nhà nước, các ứng dụng trực tuyến và những trò đùa trên Twitter là một sự phiền toái nghiêm trọng, lợi dụng sự cởi mở của các xã hội phương Tây để làm suy yếu niềm tin vào các thể chế dân chủ; tấn công qua mạng và hacker đang ngày càng nghiêm trọng. Về phần mình, Putin và những người bảo vệ ông lại tố cáo các can thiệp chính trị từ bên ngoài, ở những nơi như Ukraine, tuyên bố rằng các động thái của Nga chỉ là để phản ứng trước sự can thiệp của phương Tây.
Tuy nhiên, không có hoạt động gây ảnh hưởng nào lại có thể đem ra so sánh, về quy mô hoặc ảnh hưởng địa chính trị, với việc Đức chơi lá bài Lenin, hay những gì mà Mỹ và Liên Xô đã làm trong Chiến tranh Lạnh. Không giống như nước Nga vào năm 1917, chính quyền của các cường quốc hiện đại, dù là ở Washington, Paris, Berlin hay Moskva, đều quá bảo thủ để trở thành nạn nhân của một Lenin khác. Chúng ta hãy hy vọng là vậy!
Sean McMeekin, Giáo sư Lịch sử tại Đại học Bard, là tác giả của cuốn The Russian Revolution: A New History.
Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài Thế kỷ Đỏ
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]