Nguồn: The Belfort Ruse, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1918, tại Belfort, Pháp, một thị trấn nhỏ gần biên giới với Đức, Đại tá Arthur L. Conger thuộc Lực lượng Viễn chinh Mỹ (American Expeditionary Force, AEF) đã ném bản sao một chiến dịch tấn công giả của Đồng Minh vào một thùng rác. Đúng như dự định, nó sau đó được tìm thấy và mang đi bởi một điệp viên Đức.
Âm mưu Belfort là một mồi nhử bắt nguồn từ đề xuất của Philippe Petain, Tổng Tư lệnh Pháp, người đã lo lắng về tình trạng thiếu an ninh xung quanh cuộc tấn công sắp tới của Đồng Minh gần St Mihiel, Pháp. Được lên kế hoạch vào ngày 09/09/1918, cuộc tấn công là chiến dịch đáng kể đầu tiên trong chiến tranh dưới sự chỉ huy của Mỹ; Pháp cũng dự định tham gia.
Việc Đức chiếm đóng một pháo đài gần St. Mihiel, phía nam của Verdun, đã gây cản trở quân Đồng Minh ở Pháp. Nó đã cản trở việc vận chuyển quân đội và đồ tiếp tế trên tuyến đường sắt giữa Paris và Nancy, trong khi gây nguy hiểm cho bất cứ cuộc tấn công nào của Pháp tại khu vực Meuse-Argonne ngay phía tây của pháo đài và cung cấp cho người Đức một cơ sở phòng thủ giúp bảo vệ các kho dự trữ than đá và sắt quan trọng của họ. Người Pháp đã thất bại nhiều lần trong việc chiếm pháo đài, nhưng bây giờ là thời gian cho một nỗ lực khác.
Sau khi biết kế hoạch tấn công đã được thảo luận ở Paris, Petain đã viết một lá thư riêng cho Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ, tướng John J. Pershing, đề xuất tung ra cho người Đức một kế hoạch giả mạo về các chi tiết của cuộc tấn công sắp tới. Pershing đồng ý, và với sự hỗ trợ của Pháp, người Mỹ đã đặt kế hoạch giả ở một khách sạn ở Belfort, có lẽ là nơi mà người Pháp biết rằng có một gián điệp Đức đang trà trộn làm nhân viên.
Âm mưu Belfort được viết để đánh lừa Bộ Tư lệnh Tối cao Đức khiến họ tin rằng cuộc tấn công của Đồng minh – vốn sẽ bắt đầu chưa tới hai tuần sau đó, vào ngày 12/09, nhằm vào pháo đài St. Mihiel – sẽ được chuyển qua thực hiện từ Belfort và nhắm vào thị trấn Mulhausen (Mulhouse) của Đức ngay bên kia biên giới. Mức độ thành công của âm mưu này vẫn còn gây tranh cãi; một số sư đoàn của Đức thực sự đã chuyển hướng đến khu vực Belfort, nhưng các đoàn quân này không đến từ St. Mihiel. Vị Tư lệnh của Đức, nhận ra cuộc tấn công sắp xảy ra ở pháo đài, nên đã quyết định không chiến đấu để giữ nó mà rút lui khỏi khu vực. Việc rút quân này vẫn đang được tiến hành khi Mỹ tấn công vào ngày 12/09, và đến ngày 16/09, AEF đã kiểm soát khu vực này.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]