Nguồn: Senate approves U.S. participation in United Nations, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1945, trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo 65 trên 7, Thượng viện Mỹ đã chấp thuận sự tham gia đầy đủ của nước này vào Liên Hiệp Quốc. Liên Hiệp Quốc đã chính thức ra đời vào ngày 24/10/1945, khi Trung Quốc, Pháp, Liên Xô, Anh, Mỹ và đa số các nước ký khác đã phê chuẩn hiến chương của tổ chức này. Sự chấp thuận của Thượng viện có nghĩa là Mỹ có thể tham gia cùng hầu hết các quốc gia trên thế giới trong tổ chức quốc tế này, vốn có mục đích phân xử các mâu thuẫn giữa các quốc gia và ngăn chặn xâm lược quân sự.
Trong quá trình chấp thuận sự tham gia vào Liên Hiệp Quốc, Thượng viện đã tranh cãi gay gắt về một số vấn đề. Một số thượng nghị sĩ đề xuất một nghị quyết nhằm buộc Tổng thống phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội trước khi phê chuẩn việc đưa quân đội Mỹ vào bất cứ lực lượng gìn giữ hòa bình nào của Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết này đã thất bại. Thượng viện cũng không chấp nhận đề xuất của Thượng nghị sĩ Robert Taft rằng đại diện của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc phải tìm kiếm “hành động ngay lập tức” trong việc kiểm soát vũ khí và cấm các vũ khí như bom nguyên tử.
Hành động của Thượng viện đánh dấu một sự thay đổi to lớn trong thái độ của Mỹ đối với các tổ chức quốc tế. Trong thời kỳ hậu Thế chiến I, Thượng viện đã ngăn cản sự tham gia của Mỹ vào Hội Quốc Liên mới được thành lập. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh hoàn của Thế chiến II, Thượng viện và nhân dân Mỹ dường như đã sẵn sàng đặt một mức độ tin cậy nhất định vào một tổ chức thậm chí còn mạnh hơn Hội Quốc Liên, đó là Liên Hiệp Quốc.
Liên Hiệp Quốc đã cung cấp một diễn đàn cho một số những giai đoạn kịch tính nhất trong lịch sử Chiến tranh Lạnh. Vào năm 1950, Hội đồng Bảo an, bị thao túng bởi Mỹ, còn đại diện của Liên Xô thì vắng mặt, đã thông qua một lực lượng gìn giữ hòa bình cho Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cam kết tham gia xung đột vũ trang.
Liên Hiệp Quốc cũng cho phép các nhà lãnh đạo thế giới quan sát nhau – điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, như trong sự cố năm 1961 khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev có một hành động không thể nào quên khi ông gỡ bỏ một trong hai chiếc giày của mình và đập nó lên bàn để nhấn mạnh trong một cuộc tranh luận ở Liên Hiệp Quốc.