Nguồn: Yassin al-Haj Saleh, “A Wary Return to Raqqa”, Project Syndicate, 13/11/2017
Biên dịch: Đinh Tỵ ~ Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Vào trung tuần tháng 10, Lực lượng Dân chủ Syria do Hoa Kỳ hậu thuẫn, gồm chủ yếu dân quân người Kurd có quan hệ mật thiết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) Thổ Nhĩ Kỳ, “đã giải phóng” thành phố Raqqa, nơi chôn rau cắt rốn của tôi, khỏi các tay súng Nhà nước Hồi giáo (ISIS). Trong khi đó, người Ả Rập vốn chiếm đa số ở đây, lại đóng góp không nhiều vào việc lật đổ ISIS. Tại một thành phố nơi cư dân bản địa từ lâu bị nếm mùi đày ải và bị xem như công dân hạng hai, việc Đảng Liên đoàn Dân chủ (PYD) – chi nhánh Syria của PKK – ca khúc khải hoàn chiến thắng đã làm người dân tại đây nơm nớp lo âu bi kịch lịch sử sẽ lặp lại.
Các nhà hoạt động tại Raqqa từ lâu đã hàm ý xem thành phố hoang phế của chúng tôi như là một “thuộc địa trong nước,” chủ yếu vì giới chính trị cầm quyền Syria bao đời nay luôn không quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của thành phố này. Đầu thập niên 1970, Raqqa, khi ấy còn nhỏ bé và xác xơ, đã hồi sinh và tiến tới đà hưng thịnh. Số học sinh đăng ký đông đúc và trường học mọc lên như nấm. Các dịch vụ công khác cũng ngày được cải thiện và các bậc phụ huynh lòng tràn trề hy vọng con em họ sẽ có được đời sống phồn vinh hơn hẳn thế hệ họ trước đây.
Đây là thực tế đối với cha mẹ tôi, vốn đã hy sinh rất nhiều để nuôi nấng 9 anh chị em chúng tôi. Lòng họ muộn phiền vì trong thập niên 1970, các anh trai tôi theo cộng sản, chống đối quyết liệt chế độ cai trị hà khắc của Hafez al-Assad, cha của đương kim tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng đây không phải là một chuyển biến khó tưởng tượng tại một thành phố nơi người ta hình thành những bản sắc mới – như những người theo chủ nghĩa Nasser, người theo Đảng Baath, người theo chủ nghĩa hồi giáo hay chủ nghĩa cộng sản – tất cả họ đều dần coi nhẹ nguồn gốc quê hương và xuất xứ bộ lạc của mình.
Tuy nhiên, vào thời điểm tôi bị bắt giữ năm 1980 khi đang là sinh viên đại học tại thành phố Aleppo, tương lai tươi đẹp mà cha mẹ tôi đã hằng tưởng tượng đã dần tan biến. Năm năm sau đó, đến lượt một người con trai khác của cha mẹ tôi bị bắt giam, tiếp đó là người thứ 3 bị bắt 6 tháng sau. Mẹ chúng tôi mất vì bệnh ung thư trong khi 3 anh em chúng tôi đang trong lao tù, đây không phải là trường hợp hiếm tại Syria thời điểm đó. Chúng tôi ở trong số nhiều người thuộc nhiều nhóm chính trị và ý thức hệ khác nhau bị bắt giam và bị tra tấn chỉ vì dám bày tỏ thái độ chống đối chế độ độc tài Assad. Người Syria phải chịu đựng các chính sách đàn áp hà khắc, mọi người không có quyền tụ họp hoặc thậm chí thảo luận các vấn đề bức bách một cách công khai, đất nước dần biến thành một “sa mạc chính trị”.
Mãi đến tận năm 1996 tôi mới được trả tự do khi bước sang tuổi 35. Trở về Raqqa sau 16 năm ở sau song sắt, tôi đau đớn trước những gì chế độ Assad – lúc đó đã cầm quyền được 26 năm – đã gây ra cho quê hương tôi. Đời sống chính trị không hiện hữu, tranh luận công khai bị cấm đoán, thanh niên không được bày tỏ ý kiến về những cuốn sách họ đọc hoặc bộ phim họ xem. Trước khi tôi bị ở tù, Raqqa có 3 rạp chiếu phim.Thời điểm tôi ra tù, chỉ còn lại một, nhưng thường chỉ được dùng trong các lễ cưới.
Nạn sùng bái Hafez đến lúc đó đã thay thế cho ý chí tự do của người Syria. Chân dung của cha Tổng thống Assad được treo khắp mọi nơi, trong số ấn tượng đầu tiên chào đón tôi khi tôi ra tù là một bức tượng cực lớn của vị cố tổng thống. Các bức tường được treo đầy các câu chữ nhạt nhẽo được trích từ các bài diễn văn rỗng tuếch của “nhà thông thái của đất nước.”
Raqqa bị xuống cấp thê thảm kể từ đó, và hiện trạng tuyệt vọng của thành phố hẳn sẽ còn kéo dài qua thập niên kế tiếp. Năm 2007, Abdullah Dardari, khi đó là đương kim phó thủ tướng đặc trách lĩnh vực kinh tế đồng thời là kiến trúc sư trưởng chương trình cải cách kinh tế Syria (bị chấm dứt vào năm 2011 do nội chiến) mô tả Raqqa như là thành phố từ lâu bị lãng quên. Sự xuất hiện của ISIS chỉ khiến quá trình “thuộc địa hóa” thành phố đoản mệnh của tôi tăng tốc nhanh hơn mà thôi.
Đáng buồn thay, thậm chí sau khi ISIS bị đánh bại, cảm giác bị vây hãm vẫn còn ngự trị. Lực lượng quân sự phương Tây và dân quân PYD được họ uỷ thác, vốn trung thành với các thủ lĩnh của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ, hiện thời đang kiểm soát Raqqa. Một trong những điều đầu tiên mà PYD làm sau lễ tuyên bố giải phóng (hay chiếm đóng!) thành phố là thể hiện bản sắc ngoại quốc của họ bằng cách dựng lên bức chân dung khổng lồ của lãnh tụ PKK, Abdullah Ocalan, hiện đang bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cầm tù. Không một biểu tượng Syria nào được tôn vinh ngang hàng. Tệ hơn nữa, sau một chiến dịch quân sự phá huỷ 90% thành phố và cướp đi sinh mạng của khoảng 1.800 cư dân, những kẻ cai trị mới thậm chí vẫn chưa bắt đầu di dời thi thể những nạn nhân bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Thay vào đó, những cư dân lâu nay của thành phố bị ngăn cản không cho về nhà.
Với những ai có ký ức đủ lâu, không thể nào không so sánh những kẻ cai trị hiện nay với những kẻ cai trị trước đây – chế độ Assad và Nhà nước Hồi giáo ISIS. (Tổ chức phát xít mà truyền thông phương Tây gọi là ISIS – một cái tên mang lại cho tổ chức này danh tính Hồi giáo – được thế giới Ả-rập gọi là Daesh, một cái tên được đặt ra bởi người em Khaled của tôi, người bị giam chung với tôi trong những năm 1980.)
Điều khác biệt lần này là việc xung đột sắc tộc dường như là điều không thể tránh khỏi. Các nạn nhân trước đây cũng chính là các nạn nhân mới nhất của xung đột này. Những người dân bị bóc lột, nghèo đói, không được đại diện bởi chính quyền, bị rẻ rúng, bị đối xử vô nhân đạo đang phải sống trong điều kiện thậm chí còn tồi tệ hơn, bị gạt ra bên lề đến mức chưa từng thấy. Người dân địa phương đang bị đối xử như các bộ tộc, theo mô hình thuộc địa kiểu hiện đại.
“Sự giải phóng” Raqqa không đồng nghĩa với sự giải phóng cho chúng tôi. Dân cư bị bóp nghẹt hơn bao giờ hết. Các cuộc tranh đấu trước đây của chúng tôi cho tự do và công bằng đang bị phớt lờ. Những cư dân từng chiến đấu chống ISIS và những người biến mất dưới bàn tay chúng (gồm em trai Feras của tôi, bị bắt cóc vào tháng 7/2013) vẫn đang bị mất tích. Và ISIS đóng vai trò như một “quái thú lý tưởng” cho những kẻ thực dân mới vốn háo hức tỏ vẻ ít ghê tởm hơn chúng trước đây.
Yassin al-Haj Saleh, một nhà hoạt động người Syria, viết bài cho Al-Jumhuriya.net, một tạp chí chuyên về các vấn đề chính trị được đồng bảo trợ bởi Quỹ Dân chủ Châu Âu.
Copyright: Project Syndicate 2017 – A Wary Return to Raqqa