Tác giả: Nguyễn Duy Chính
Ðầu thế kỷ thứ XX, lịch sử Việt Nam có một bước ngoặt lớn. Lần đầu tiên, một bộ quốc sử với tên là Việt Nam Sử lược [VNSL] của nhà giáo Trần Trọng Kim, được biên soạn tương đối khoa học, tuy ngắn gọn nhưng đến nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn đánh giá là một bộ sách có giá trị “qua thử thách của thời gian và sự mến mộ của độc giả” (1). Ngoài nội dung tuy giản lược nhưng khá đầy đủ, Lệ Thần Trần Trọng Kim lại có thêm những phần nghị luận khúc chiết, đưa ra được những lập trường minh bạch đi ngược hẳn với chủ trương của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ, có thể nói là một cuộc cách mạng trong tư tưởng học thuật.
Mở đầu chương XI viết về “Nhà Nguyễn Tây-Sơn”, tác giả đã dành ra hai trang phân tích về lẽ “chính thống” và “ngụy triều” để bác bỏ quan niệm trong hơn 100 năm qua lúc nào cũng coi Tây Sơn là một bọn giặc, chỉ vì cái tội đã chống lại chúa Nguyễn. Ðoạn mở đầu đó vẫn được coi như lời biện hộ đanh thép mà hầu hết những người đọc sử đều chấp nhận.
Thế nhưng tổng kết lại trong gần 40 trang viết về triều đại Tây Sơn không phải không có những khuyết điểm. Tác giả VNSL đã sử dụng lẫn lộn chính sử và dã sử, kể cả tiểu thuyết với nhiều chi tiết không được kiểm chứng tạo thành một nếp suy nghĩ rất khó gột rửa cho người đi sau. Theo chân Lệ Thần Trần Trọng Kim, những tác giả nghiên cứu về thời đại Tây Sơn cho tới nay vẫn không tách rời văn bản ngoại sử ra khỏi tài liệu nghiên cứu.
Với kinh nghiệm tự thân về những ngụy tạo và bóp méo lịch sử rất tinh vi đã chứng kiến trong vài chục năm qua, nhiều chi tiết trong tài liệu của triều Nguyễn viết về đối phương cần đặt vào khu vực “tồn nghi” phải đối chiếu kỹ lưỡng trước khi sử dụng. Ðó là lý do chủ yếu đưa tới những suy nghĩ trong bài viết này.
Tên vua Quang Trung là gì?
Theo sử, tên ông là Nguyễn Huệ hay Nguyễn Văn Huệ [Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện (LT) XXX, tr. 17a], khi xin phong vương thì đổi tên là Nguyễn Quang Bình {LT XXX, 37b]. Ðến gần đây, nhiều người lại cho rằng ông còn có những tên tục khác như Hồ Thơm, chú Ba Thơm … Những chi tiết đó không có chứng cớ gì chắc chắn.
Người Việt Nam thường không chỉ có một tên nhất định mà có tên gọi hàng ngày nôm na và tên chữ để ghi trên giấy tờ. Nhiều người vì lý do thi cử hay chính trị cũng đổi tên, đổi họ khiến người không quen chẳng còn biết đâu là tên thật, đâu là bí danh. Việc Nguyễn Huệ đổi tên thành Nguyễn Quang Bình khi giao thiệp với nhà Thanh được sao chép theo sử triều Nguyễn một cách máy móc. Có người còn cho rằng đây chỉ là tên giả theo thông lệ của các đời vua trước khi liên lạc với Trung Hoa.
Thực ra tên Nguyễn Quang Bình hay Nguyễn Văn Bình đã xuất hiện ở những tài liệu có cơ sở trước khi Nguyễn Huệ xin phong vương:
1- Theo Phủ Biên Tạp Lục do Lê Quí Ðôn (1726-1784) soạn năm Cảnh Hưng 37 (1776) thì “Việp Quận công còn cho em Nguyễn Văn Nhạc là Nguyễn Văn Bình (về sau là vua Quang Trung) làm chức Tướng quân Tiền phong” (2). (năm Ất Vị 1775) [Nguyên văn: 曄公復許…授其弟文平(後爲光中)爲先鋒將軍) (PBTL quyển I, tr. 49) (3).
2- Theo một tờ biểu của Nguyễn Huệ gửi lên vua Càn Long giữa năm Mậu Thân [1788] khi ông sai quan trấn thủ Văn Uyên (文淵) là Hoàng Ðình Cầu (黃廷球) và Nguyễn Ðình Liễn (阮廷璉) đem lễ vật lên tiến cống cũng đã ký tên là Nguyễn Quang Bình (阮光平) (4).
Hai tài liệu này đều được viết trước khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, do đó chắc chắn không phải để đến khi xin cầu phong ông mới đổi tên thành Nguyễn Quang Bình.
Một chứng cớ khác cũng cần xem xét. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc, ông được vua Thái Ðức phong là Bình Vương. Trước đây các tài liệu gọi ông là Bắc Bình Vương nhưng trong các thư từ gửi Nguyễn Thiếp thì ông tự xưng là Ðại Nguyên Soái Tổng Quốc Chính Bình Vương [đại nguyên soái kiêm nhiệm quốc chính Bình Vương]. Chữ Bắc trong danh hiệu này chắc là do người ngoài thêm vào chứ không phải nguyên thủy trong tước vị. Cũng vì thế mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng đã nhầm, tưởng ông được phong làm Chính Bình Vương [thực ra chữ Chính là nhiệm vụ Tổng Quốc Chính – lo hết mọi việc hành chánh]. Các chúa Trịnh, chúa Nguyễn cũng dùng tước Vương một chữ là vương vị cao quí nhất. Một thông lệ đời Lê và cả đời Nguyễn sau này là các tước hiệu thường dùng tên của chính người đó chẳng hạn như Minh Vũ Hầu Vũ Ðình Minh, Hiệp Ðức Hầu Nguyễn Phúc Hiệp, Kỷ Thiện Hầu Trần Văn Kỷ… (5). Việc Nguyễn Quang Bình được phong là Bình Vương có thể cũng theo tập tục đó.
Vậy tên Huệ do đâu mà có?
Theo chúng tôi, Huệ là tên thông tục gọi hàng ngày, thuộc loại tiểu danh hay nhũ danh [tên gọi lúc còn bé] có thể thân mật nhưng không được dùng với ý nghĩa kính trọng (6). Sử nhà Nguyễn khi chép về vua Quang Trung có chủ tâm hạ thấp, từ cách gọi xách mé đến chỗ xuyên tạc (7) nên thường gọi trổng là “Huệ”. Ngược lại, nhà Tây Sơn khi gọi chúa Nguyễn không dùng Nguyễn Phúc Ánh mà là “Chủng” cũng với mục đích tương tự. Trong các văn thư của nhà Thanh khi còn đối đầu với triều đình An Nam cũng gọi là Nguyễn Huệ nhưng trong những văn thư chính thức gửi sang nhà Thanh, dù cho cấp địa phương hay triều đình thì ông đều xưng tên mình là Nguyễn Quang Bình.
Một trong những cách để kiểm chứng là xem những chữ kỵ húy. Theo Ngô Ðức Thọ, sách vở tài liệu đời Tây Sơn thường thấy kiêng các chữ Bình, chữ Phúc nhưng không kiêng chữ Huệ nên tác giả suy đoán rằng “dưới triều Tây Sơn, trong phạm vi văn thư giấy tờ dâng vua ngự lãm vẫn có quy định kiêng húy, ít nhất là đối với một số trường hợp như chữ Bình đã thấy trong sắc phong ở đền Hai Bà Trưng” (8). Ngô tiên sinh cũng phân tích rõ ràng về ba chữ Huệ, Bình và Phúc và cho rằng việc kiêng chữ Phúc là vì khi ra Thăng Long ông đã dùng con dấu “Phụng Thiên Phạt Bạo Nguyễn Phúc” (Vâng mệnh trời trừng phạt bạo chúa [họ] Nguyễn Phúc) nhằm “thể hiện ý căm ghét” mà chữ gọi là “ố ý tị húy” (9). Lý giải này cũng khiến cho chúng ta không dám tin rằng tên cha của anh em Nguyễn Nhạc là Phúc như ghi trong Liệt Truyện.
Vua Quang Trung có mấy anh em?
Theo LT, quyển XXX [tr. 1a, b] phần Nguyễn Văn Nhạc có chép:
Nguyễn Văn Nhạc là người huyện Phù Ly [nay là Phù Cát], tỉnh Qui Nhơn [nay là Bình Ðịnh]. Tổ tiên vốn là người ở Hưng Nguyên, Nghệ An. Ðời Lê Thịnh Ðức (10), ông tổ bốn đời bị quan quân bắt đưa vào Qui Ninh [nay là Hoài Nhơn], ấp Nhất [Tây Sơn có hai ấp Nhất và Nhị, nay là An Khê, Cửu An hai phủ].
Cha y là Phúc, dọn sang ở ấp Kiên Thành [nay là thôn Phú Lạc, huyện Tuy Viễn], sinh được ba con trai, con trưởng là Nhạc, con thứ là Lữ, dưới nữa là Huệ làm nghề buôn trầu thường mua bán với người mọi …
Những chi tiết về thân thế, danh tính và thứ tự anh em Tây Sơn chép trong sử triều Nguyễn thường không ăn khớp với những tài liệu khác, kể cả của một số người ngoại quốc có mặt ở nước ta thời gian đó. Nói chung, những chi tiết về thân thế của Nhạc, Huệ, Lữ rất mơ hồ, khó kiểm chứng.
Trong Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược (ANKL) [tập hợp văn thư của nhà Thanh trong giao thiệp qua lại với Tây Sơn] quyển XIX, ở một tấu thư của Phúc Khang An, Tôn Sĩ Nghị, Tôn Vĩnh Thanh và Hải Lộc tâu lên vua Càn Long ngày mồng 3 tháng 5 năm Kỷ Dậu [1789] sứ thần nước ta là Nguyễn Quang Hiển khai về thân thế của mình như sau:
… Nguyễn Quang Hiển nói rằng tôi là đích trưởng điệt [cháu lớn nhất thuộc dòng chính], Nguyễn Huệ nuôi dạy như con. Cha tôi là Nguyễn Quang Hoa [阮光華] mất sớm, chú thứ hai là Quang Nhạc [光岳], hiện ở Quảng Nam, chú thứ ba là Quang Bình [光平] tức Nguyễn Huệ, chú thứ tư là Quang Thái [光泰] cũng sống ở Quảng Nam, trên núi Tây Sơn (11).
Xét theo văn bản, đây là chi tiết đầu tay quan trọng nhất do một người trong gia đình khai ra mà chúng ta có thể kiếm được, cũng phù hợp với những chi tiết khác trong ngoại sử. Tác giả Tạ Chí Ðại Trường trong một biên khảo tương đối đầy đủ về gia đình Nguyễn Nhạc cũng nêu lên những bất nhất trong sách vở về thứ bậc và nguồn gốc anh em Tây Sơn (12).
Về thân thế của mình, trong nhiều biểu văn trần tình Nguyễn Huệ khẳng định rằng không có liên hệ quân thần với nhà Lê mà chỉ có ràng buộc hôn nhân. Vua Quang Trung cũng nhắc đi nhắc lại gia đình ông đã “chín đời” vào ở đất Tây Sơn và đôi khi còn tiết lộ mình thuộc hoàng tộc Chiêm Thành, trong nhà còn giữ được quốc ấn các đời trước được phong (13).
Trong khi sử triều Nguyễn miêu tả gia đình Nguyễn Nhạc thuộc hạng bần dân, vốn là tù binh bị đi đày, còn theo những văn bản của Tây Sơn thì họ đã vào định cư ở Qui Nhơn khá lâu [chín đời tính ra cũng khoảng 200 năm] và nếu đúng thì chưa hẳn họ đã hoàn toàn thuần chủng Việt.
Một điểm đáng chú ý khác là Nguyễn Huệ luôn luôn xưng rằng mình là kẻ bạch đinh [nguyên bản bố y mà chúng ta thường dịch là áo vải, nghĩa là người dân không có quan tước, quần áo không có phẩm phục] như để phủ nhận mọi liên hệ với triều đình An Nam, dù trong nam hay ngoài bắc, xác định rằng họ đứng ngoài mọi tranh chấp quyền lực của các triều đại.
Với lời khai của Nguyễn Quang Hiển, chúng ta thấy rằng Nguyễn [Quang] Nhạc không phải là con trưởng mà còn đứng sau Nguyễn Quang Hoa. Nguyễn Quang Bình là anh của Nguyễn Quang Thái [tức Nguyễn Lữ] chứ không phải là em như ghi chép trong Liệt Truyện. Cho đến năm 1789, Nguyễn Quang Thái [Lữ] còn sống, ẩn cư trên núi Tây Sơn đúng như những gì được ghi nhận trong sách vở, nhưng ông ta chết năm nào thì không rõ.
Việc cha ông có tên là Phúc mà sau này nhiều người cho rằng gốc họ Hồ, anh em Nguyễn Nhạc đổi sang họ Nguyễn để thu phục nhân tâm, cũng không đáng tin cậy. Việc tị húy chữ Phúc đời Tây Sơn không phải vì đó là tên cha của vua mà vì lý do căm ghét.
Vua Quang Trung lên ngôi lúc nào?
Từ trước đến nay, sử nước ta vẫn cho rằng Nguyễn Huệ lên ngôi để cho “chính vị”. Lý do đó hàm ý bản tâm ông không (hay chưa) muốn lên ngôi nhưng đành phải miễn cưỡng vì nhu cầu quân sự và chính trị. Việc vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế để danh chính ngôn thuận ra đánh quân Thanh được chấp nhận như một “lý sở đương nhiên”, không ai dị nghị mặc dù một số tác giả có đặt câu hỏi về ngày giờ chính xác ông đăng quang ở núi Bân.
Thực ra, Nguyễn Huệ không phải không muốn lên ngôi mà ông đã có ý tự lập ngay từ khi đem quân ra Bắc Hà lần thứ hai vào tháng 5 năm 1788. Cũng vào thời gian này, ông gặp Ngô Thì Nhậm và người bầy tôi mới lập tức khuyên ông lên ngôi hoàng đế đồng thời chủ trì việc đi “xin chữ ký” để suy tôn ông cho hợp cách.
Sau ba bức thư “suy tôn” [do Ngô Thì Nhậm soạn] (chưa kể một chiếu trưng cầu dân ý do chính Nguyễn Huệ hỏi dân Bắc Hà) nhưng tình hình chưa thuận lợi khiến Nguyễn Huệ hậm hực bỏ về Phú Xuân. Ở đây, Bình Vương đã chủ động việc lên ngôi, bỏ qua những hình thức bề ngoài mà ông thấy rằng không còn cần thiết nữa.
Hiện tại có ba tài liệu với ba nhật kỳ đăng quang khác nhau: chính sử triều Nguyễn (LT), Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC), và chi tiết trong thư của Hội Truyền Giáo Bắc Hà. Ngoài ra còn một nhật kỳ có hơi chênh lệch một chút với chính sử là bài Chiếu Lên Ngôi (Tức Vị Chiếu) (14) chép trong Hàn Các Anh Hoa.
Liệt Truyện, quyển XXX chép:
Huệ được tin quát lớn: “Sao bọn chó Ngô dám càn rỡ làm vậy?”. Lập tức ra lệnh xuất quân. Các tướng đều khuyên nên lấy ngôi vị cho chính để nối kết lòng người. Huệ mới xây đàn ở phía nam Bình Sơn, lấy ngày 25 tháng 11 tự lập làm hoàng đế, đổi niên hiệu thành Quang Trung, ngay hôm đó đem hết tướng sĩ thủy lục cùng tiến … (15).
Hoàng Lê Nhất Thống Chí (Ngô Gia Văn Phái) thì viết như sau:
… Ngày 20 tháng ấy, Sở lui về Tam Ðiệp thì ngày 24 (tháng 11), Tuyết đã vào đến thành Phú Xuân, Bắc Bình Vương được tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay. Nhưng các người đến họp đều nói:
– Chúa công với vua Tây Sơn có sự hiềm khích, đối với ngôi chí tôn, lòng tôn phò của mọi người chưa thực vững bền, nay nghe quân Thanh sang đánh càng dễ sinh ra ngờ vực, hai lòng. Vậy xin trước hết hãy chính vị hiệu, ban lệnh ân xá khắp trong ngoài, để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người, rồi sau sẽ cất quân ra đánh dẹp cõi Bắc cũng chưa là muộn.
Bắc Bình Vương lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân (ở địa phận xã An Cựu, huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế), tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn, mũ miện, lên ngôi Hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Ðức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong hạ lệnh xuất quân. Hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788) (16).
Theo thư của các giáo sĩ có mặt tại Việt Nam còn lưu lại trong Nhật Ký Về Những Sự Kiện Ðáng Ghi Nhớ, Nha Văn Khố Quốc Gia Paris (Paris, Archives Nationales số F5; A 22) thì :
… Bắc vương đã ấn định ngày 11 tháng Mười [âm lịch] tức ngày mồng 8 tháng Mười Một là ngày ông tự phong mình làm Hoàng đế dưới danh hiệu “Quang Trung” (có nghĩa là ánh sáng trung ương tức là theo sự giải thích có lẽ đúng nhất, mặt trời của vũ trụ) đồng thời ông đang bận tính một kế hoạch vĩ đại theo như sắc lệnh ban bố ngày 6 tháng Mười [âm lịch] hay ngày 3 tháng Mười Một gởi cho Ðại thần Ðại tư Mã và tất cả các quan hay sĩ quan Tây Sơn làm việc tại Bắc Kỳ … (17).
Những tài liệu trên, tài liệu nào gần với sự thực nhất vẫn còn là một câu hỏi chưa có trả lời đích xác mặc dù nếu theo văn bản thì thư của các thừa sai của Hội Truyền Giáo là tài liệu của chính thời đó còn để lại trong khi DNCBLT và Hoàng Lê Nhất Thống Chí chỉ được biên soạn và ấn hành vài chục năm sau khi sự việc xảy ra.
Hiện nay trong Hàn Các Anh Hoa còn chép một bài Chiếu Lên Ngôi của vua Quang Trung do Ngô Thì Nhậm soạn, trong đó có một câu như sau:
天位惟艱,朕誠慮不克堪,而四海億兆環歸于朕一人。玆乃天意夫豈人事,朕應天順人,不可牢執遜讓以今年十一月二十二日即天子位,紀年為光中元年。咨爾百姓萬民惟皇極之敷言,是訓是行仁義中正。
Thiên vị duy gian, trẫm thành lự bất khắc kham, nhi tứ hải ức triệu hoàn qui ư trẫm nhất nhân. Tư nãi thiên ý, phù khởi nhân sự, trẫm ứng thiên thuận nhân, bất khả lao chấp, tốn nhượng dĩ kim niên thập nhất nguyệt nhị thập nhị nhật tức thiên tử vị kỷ nguyên vi Quang Trung nguyên niên.
Trẫm nghĩ: nghiệp lớn rất trọng, ngôi trời khó khăn, trẫm thật lòng lo không đương nổi. Nhưng ức triệu người trong bốn bể trông cậy vào một mình trẫm. Ðó là ý trời, há phải việc người? Trẫm ứng mệnh trời, thuận lòng người, không thể cố chấp nhún nhường mãi, lấy ngày 22 tháng 11 năm nay lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung nguyên niên (18).
Phân tích một số chi tiết trong bài Chiếu Lên Ngôi chúng ta ngờ rằng bài này được soạn trước khi nghe tin quân Thanh sang chiếm nước ta, nếu không đồng thời với tờ biểu “suy tôn” lần thứ ba thì cũng chỉ sau đó một thời gian ngắn [mặc dù ngày đăng quang có thể được điền vào sau].
Văn trong bài chiếu tức vị này hoàn toàn là văn chương thời bình, không phải thời chiến, không nhắc đến xa gần gì về việc quân Thanh xâm chiếm nước ta và lên ngôi để thu phục nhân tâm như sử đã chép. Chính vì thế, một số câu văn sáo mòn đầy giả tạo, chẳng hạn: “Bản ý chỉ muốn quét trừ loạn lạc, cứu dân trong chốn nước lửa, rồi trả nước cho họ Lê, trả đất cho Ðại huynh, ung dung áo gấm hài thêu, ngắm cảnh yên vui ở hai cõi đất mà thôi. Nhưng việc đời dời đổi, rốt cuộc trẫm không được như chí nguyện.” hay “Người làm quan hãy giữ phong độ hoà mục, người làm dân yên trong lệ tục vui hoà, trị giáo mở mang hưng khởi đến chỗ rất thuận, để vãn hồi thời thịnh trị của Ngũ đế, Tam vương, khiến cho tông miếu xã tắc được phúc không cùng, há chẳng đẹp đẽ sao?” (19) vẫn còn hiện diện trong bài chiếu.
Qua những sự kiện nêu trên, việc Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ít nhất cũng đã được dự tính từ tháng 8 năm Mậu Thân khi ông phong vương cho Nguyễn Quang Toản (20), nghĩa là tách riêng ra thành một vương triều mới không còn lệ thuộc vào vua Thái Ðức ở Qui Nhơn. Việc phong cho con lên tước vương đồng nghĩa với việc xác định người cha lên ngôi hoàng đế nên lễ đăng quang của vua Quang Trung chỉ là hợp thức hóa một sự việc đã công khai.
Theo nhật ký của các giáo sĩ trong Hội Truyền Giáo Bắc Hà thì Nguyễn Huệ lên ngôi là ngày 11 tháng 10 năm Mậu Thân (8-11-1788), tính ra trước cả khi Tôn Sĩ Nghị ra khỏi Nam Quan (28-10 Mậu Thân) (21). Cho nên, khi quân Thanh vào Thăng Long (cuối tháng 11 năm Mậu Thân), Nguyễn Huệ đã là hoàng đế Quang Trung rồi, không còn phải bận bịu gì về việc đăng quang hay sắp đặt triều chính trong ngoài nữa.
Chúng ta cũng có thể tin rằng trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 năm Mậu Thân, tin tức về việc quân Thanh sang đánh nước ta được loan truyền rộng rãi tại Bắc Hà và Nguyễn Huệ muốn sớm lên ngôi để ông còn có thì giờ chuẩn bị chiến tranh, đúng như bản hịch văn kêu gọi tướng sĩ mà các nhà truyền giáo đã dịch sang tiếng Pháp [đề ngày 3 tháng 10 âm lịch, Thái Ðức 11 (1788)] năm ngày trước khi lên ngôi theo tin tức của các nhà truyền giáo (22).
Trong ba nhật kỳ, của các giáo sĩ, trong tờ chiếu lên ngôi và trong HLNTC thì nhật kỳ 25 tháng 12 Â.L. trong HLNTC phải loại ra vì xem ra quá sít sao, không thể thực hiện được [25-12 lên ngôi ở Phú Xuân, 30-12 đã kéo quân ra đến Nghệ An]. Nhật kỳ trong chiếu lên ngôi và trong Liệt Truyện khá gần [25-11 Â.L. và 22-11 Â.L.], tuy khác nhau nhưng cũng có cơ sở. Có thể ông đã đăng quang ngày 11 tháng 10 Â.L. [theo báo cáo của các giáo sĩ] nhưng khi nghe tin quân Thanh sang đánh, vua Quang Trung đã tổ chức một đại lễ ở núi Bân mà sách vở gọi là đại sư (大師) hay thân chinh để đích thân nhà vua đem quân đi vào ngày 22-11 Â.L. như Liệt Truyện ghi nhận.
Với những mốc nhật kỳ tương đối chính xác theo ghi nhận của những nhà truyền giáo thì sau khi lên ngôi, vua Quang Trung còn mất một thời gian tuyển mộ binh lính, thu góp lương thực để chuẩn bị cho một đại chiến dịch đối phó với quân Thanh. Khi đến Thanh Hóa, vua Quang Trung lại tổ chức một đại lễ xuất quân [hay đại duyệt] ở Thanh Hóa cuối tháng 12 để cho quân ăn Tết trước mà tin loan truyền qua lại khiến dân chúng Bắc Hà nhầm rằng đây là lễ đăng quang. Ðại lễ xuất quân này còn được ghi chép trong nhiều sách vở điển hình là Lịch Triều Tạp Kỷ của Ngô Cao Lãng:
… Huệ không nghe, liền chỉnh đốn binh tượng, làm lễ ra quân ở Thọ Hạc. Huệ ngồi trên đầu voi, ra lệnh rằng:
“Trong các quân của ta, ai muốn đánh thì phải vì ta mà giết cho hết lũ chó Ngô. Nếu không muốn đánh, hãy xem ta chỉ trong một trận giết hàng mấy vạn mạng người cho coi, không phải là nói khoác đâu”.
Nói xong các quân đều dạ ran như sấm, núi rừng rung động, chiêng trống vang rền, hành quân tiến gấp (23).
Xét như thế, chúng ta thấy rằng trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 (Â.L.) năm Mậu Thân, không phải chỉ có một lễ đăng quang của vua Quang Trung mà có tới ba lễ khác nhau, lễ đăng quang tháng 10 ở trong cung (theo đúng thủ tục mà bên ngoài ghi nhận), lễ thân chinh tháng 11 ở núi Bân để cho quân sĩ biết rằng ông sẽ đích thân cầm quân ra Bắc (như sử triều Nguyễn ghi nhận), và sau cùng là lễ đại duyệt ở Thanh Hóa (như dân Bắc Hà ghi nhận) để khẳng định rằng ông sẽ đánh cho địch “chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn”. Ðối với một nhà quân sự tài ba như Nguyễn Huệ, chúng ta khó có thể tin rằng ông làm việc tùy tiện mà luôn luôn dự liệu để đối phó với những biến cố bất thường. Ông cũng đã thu xếp ổn thoả mọi vấn đề kể cả việc bố trí những cánh quân dàn trải đều trên khắp vương quốc để phòng ngự tấn công.
Chú thích:
- Trần Anh Tuấn, “Niềm Vui và Nỗi Buồn Trong Một Cuộc Ra Mắt Sách”
http://www.diendantheky.net/2010/06/niem-vui-va-noi-buon-trong-mot-cuoc-ra.html
- Lê Quý Ðôn, Phủ Biên Tạp Lục (tập I: quyển 1, 2 & 3) bản dịch Lê Xuân Giáo (Sai Gòn: Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa, 1972) tr. 132
- Phủ Biên Tạp Lục (phần chữ Hán) tr. XCIX
- Bản sao tấu thư của Tôn Sĩ Nghị đề ngày mồng 8 tháng 7 năm Càn Long 53 (1788). Trang Cát Phát (莊吉發), Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武 功研究) tr. 353
- Lê Nguyễn Lưu, “Văn Khắc Thời Tây Sơn ở Huế” Phú Xuân Thuận Hóa thời Tây Sơn [Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học – lưu hành nội bộ] (Huế:2001) tr. 177
- Nguyễn Ngọc Huy [di cảo 7], Tên Họ Người Việt Nam (San Jose: Mekong-Tynan, 1998) tr. 47-9
- Chẳng hạn dùng chữ cô [姑] thay vì chữ [孤] khi tự xưng
- Ngô, Ðức Thọ, Nghiên Cứu Chữ Húy Việt Nam Qua Các Triều Ðại (Hà Nội: Văn Hóa, 1997) tr. 111.
- Ngô Ðức Thọ, sđd. tr. 108-9
- Tức đời Lê Thần Tông [1653-1658]
- Bản dịch Nguyễn Duy Chính (chưa xuất bản)
- Tạ Chí Ðại Trường, “Góp thêm về phổ hệ Tây Sơn và chân dung anh em họ”. Tập San Sử-Ðịa [9-10/1968]: Ðặc Khảo Về Quang-Trung tr. 112-133
- Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (bản dịch Hoa Bằng, Hoàng Văn Lâu) [q. VI] (Hà Nội: KHXH, 1995) tr. 586
- Ngô Thì Nhậm tác phẩm (quyển I) Mai Quốc Liên [chủ biên] (Hà Nội: nxb Văn Học, 2001) tr. 172
15.惠得報大罵何物吳狗敢爾猖狂。即下令舉兵。諸將咸勸請先正位號以繫人心。惠乃築壇于屏山之南,以十一月二十五日自立為帝,改元光中即日大率將士水陸齊進 …
Huệ đắc báo đại mạ: “Hà vật Ngô cẩu cảm nhĩ xương cuồng?”. Tức hạ lịnh cử binh. Chư tướng hàm khuyến thỉnh tiên chính vị hiệu dĩ hệ nhân tâm. Huệ nãi trúc đàn vu Bình sơn chi nam dĩ thập nhất nguyệt nhị thập ngũ nhật tự lập vi đế, cải nguyên Quang Trung tức nhật đại suất tướng sĩ thuỷ lục tề tiến …
- Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê Nhất Thống Chí (bản dịch Nguyễn Ðức Vân – Kiều Thu Hoạch) (Hà Nội: nxb Văn Học, 2002) tr. 371-2
- Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc-tiến của Nguyễn Huệ” (Tập san Sử-Ðịa 9-10, 1968) tr. 214
- Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2001) sđd. bản chữ Hán trang 513-517, bản dịch Mai Quốc Liên trang 173.
- Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2001), sđd. tr. 172, 173.
- Ngày 18 tháng Mười Một tôi đọc một lá thư đề ngày 20 tháng Chín của đức ông La Bartette gữi cho ông Le Breton trong đó Ðức ông cho biết rằng: Tiếm vương Phú Xuân hay Bắc vương vừa mới phong cho con trai ông làm Nam vương lúc đó mới có bảy tuổi, nhưng hoàng tử được coi như được mười hai tuổi vì theo như lời đồn, các quan muốn nịnh người cha nên tăng cho người con nhiều tuổi hơn. Ðặng Phương Nghi, tlđd. tr. 213-4
- Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị (Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược, quyển VI)
- Ðặng Phương Nghi, tlđd. tr. 214-6
- Ngô Cao Lãng, sđd tr. 586
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay