04/01/1950: Cuốn ‘The God That Failed’ được xuất bản

Nguồn: The God That Failed published, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1950, cuốn sách The God That Failed, một tuyển tập tiểu luận của sáu nhà văn và trí thức, những người hoặc tham gia hoặc có cảm tình với cộng sản trước khi từ bỏ ý thức hệ này, đã được Harpers cho xuất bản.

Cuốn sách cung cấp cái nhìn sâu sắc về lý do tại sao chủ nghĩa cộng sản ban đầu lại rất có sức hút, nhưng sau lại gây thất vọng, cho rất nhiều người ủng hộ ở Mỹ và Châu Âu, đặc biệt là trong những năm 1920 và 1930. Các bài tiểu luận cũng cho thấy nhiều cá nhân với lương tâm và ý định tốt đẹp đã hy vọng hết mực rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ mang lại trật tự, công lý và hòa bình cho một thế giới mà họ lo là đang nằm trên bờ vực thảm họa.

Sáu tác giả tham gia cuốn sách đều là nhà văn hoặc nhà báo. Hai trong số đó là người Mỹ (Louis Fischer và tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Phi Richard Wright); những người còn lại đến từ châu Âu (Andre Gide từ Pháp, Arthur Koestler và Stephen Spender từ Anh, và Ignazio Silone từ Ý). Trong sáu người này, Spender, Wright, Koestler và Silone đã là thành viên của Đảng Cộng sản suốt một thời gian dài. Gide và Fischer, dẫu có cảm tình với ý thức hệ cộng sản, nhưng chưa bao giờ chính thức gia nhập đảng. Dù vậy, tất cả họ cuối cùng đều quay lưng lại với tư tưởng cộng sản.

Theo biên tập viên của tuyển tập này, chính trị gia người Anh và nhà phê bình Richard Crossman, chính việc những cá nhân xuất sắc và giàu tình thương này bị cuốn vào chủ nghĩa cộng sản là “một bản cáo trạng về lối sống nước Mỹ” và bằng chứng cho “một sự bất cập đáng sợ trong nền dân chủ châu Âu.” Tất cả các nhà văn – đặc biệt là trong thập niên 1920 và 1930, khi chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa toàn trị đang trên đà phát triển nhưng các chế độ dân chủ phương Tây dường như không thể hoặc không muốn can thiệp – đã tìm đến với chủ nghĩa cộng sản như là nguồn hy vọng cho một thế giới tốt đẹp hơn, dân chủ hơn và hòa bình hơn.

Tuy nhiên, cuối cùng họ lại từ bỏ ý thức hệ cộng sản. Một số bị ngạc nhiên bởi Hiệp ước Liên Xô – Đức Quốc xã năm 1939; những người khác thì đến thăm Liên Xô chỉ để rồi phải kinh hoàng bởi sự nghèo đói và chính sách đàn áp ở đó.

Cuốn sách, được xuất bản cùng năm với sự kiện viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ Alger Hiss bị buộc tội khai man về vai trò của mình trong một đường dây gián điệp cộng sản tại Mỹ, là một đóng góp thú vị cho cuộc tranh luận vốn đang diễn ra khắp nước Mỹ liên quan đến chủ nghĩa cộng sản.

Liên Xô chi phối Đảng Cộng sản Mỹ như thế nào?