Nguồn: William Hershel discovers Uranus, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1781, nhà thiên văn học người Anh gốc Đức, William Hershel, đã khám phá ra Thiên Vương tinh, hành tinh thứ bảy trong Thái Dương hệ. Phát hiện mới này của Herschel là phát hiện đầu tiên được thực hiện trong thời hiện đại, và cũng là phát hiện đầu tiên được thực hiện bằng cách sử dụng một kính thiên văn, cho phép Herschel xác định Thiên Vương tinh là một hành tinh, chứ không phải một ngôi sao như các nhà thiên văn học trước đó lầm tưởng.
Herschel, người sau này được phong tước nhờ khám phá mang tính lịch sử của ông, đã đặt tên cho hành tinh mới là Georgium Sidus, hay “Hành tinh của George” nhằm vinh danh vua George III của nước Anh.
Tuy nhiên, nhà thiên văn học người Đức Johann Bode đã đề xuất cái tên Uranus (Thiên Vương) theo truyền thống đặt tên các hành tinh theo tên các vị thần trong thần thoại. Uranus, vị thần Hy Lạp cổ đại cai quản các tầng trời, chính là tiền thân của các vị thần trên đỉnh Olympic. Đến giữa thế kỷ 19, tên gọi này cũng là tên gọi phổ biến rộng rãi của hành tinh thứ bảy trong Thái Dương hệ.
Thiên Vương tinh là một khối khí khổng lồ, giống như Mộc tinh và Thổ tinh, được tạo thành từ khí hydrogen, helium, và methane. Là hành tinh lớn thứ ba [trong Thái Dương hệ], Thiên Vương tinh quay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo dài 84 năm Trái Đất, và là hành tinh duy nhất quay vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo mặt trời của nó. Tháng 01/1986, tàu vũ trụ không người lái Voyager 2 của Mỹ đã tới hành tinh này và khám phá 10 vệ tinh bổ sung ngoài 5 vệ tinh đã biết, cùng với một hệ thống vành đai xung quanh khối khí khổng lồ.