Một trong những thiếu sót lớn trong lĩnh vực Việt Nam Học của khoảng một thế hệ qua là không có một ghi chép đầy đủ hoặc thực sự uy tín về hiện tượng lịch sử Đổi Mới (Renovation trong tiếng Anh).
Dù đây là định hướng chính sách tháo khoán nhờ đảng-nhà nước khởi xướng ở Đại hội Đảng 6 hay tinh thần cải tổ chung trong cả nước cuối thập niên 1980, thì Đổi mới rõ ràng lực đẩy quan trọng trong đời sống trí thức, văn hóa, chính trị, kinh tế Việt Nam trong hơn 30 năm qua.
Tuy nhiên, các học giả nước ngoài quan tâm chủ đề này có xu hướng chỉ tập trung hạn hẹp vào một số góc cạnh Đổi Mới mà lại không xem xét toàn bộ hiện tượng.
Khi các sinh viên hỏi tôi tư liệu về Đổi Mới, tôi thường giới thiệu tác phẩm của Adam Fforde về kinh tế, Carlyle Thayer chính trị, Tường Vũ ý thức hệ, Ben Kerkvliet nông nghiệp, Hy Văn Lương văn hóa làng xã, Pam McElwee chính trị môi trường, Nguyễn Võ Thu Hương quan hệ giới, John Schafer văn học…
Nhưng thật khó tìm ra một bài báo, sách, hay một học giả nào cung cấp tổng quan về Đổi Mới – bao gồm lịch sử về nguồn gốc của nó, diễn trình thay đổi theo thời gian, và ảnh hưởng khác nhau lên các lĩnh vực đời sống người Việt.
Cái nhìn toàn cảnh
Một trong những thành tựu của sách Bên Thắng Cuộc (tác giả Huy Đức) là đem lại ghi chép tốt nhất, ở bất kỳ ngôn ngữ nào, về lịch sử và tầm quan trọng của Đổi Mới. Cuốn sách xem xét kỹ lưỡng cuộc khủng hoảng trong nước đã thúc đẩy đòi hỏi xã hội muốn có những cải tổ sâu rộng trong thập niên sau kết thúc Chiến tranh Đông dương lần hai.
Sách kể lại quá trình tiến hành cải tổ theo kiểu “tiến một bước, lùi hai bước”. Sách cũng mô tả các lý do cắt bỏ đột ngột nghị trình cải cách, đặc biệt về văn hóa và chính trị.
Tóm lại, Bên Thắng Cuộc cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về Đổi mới – giúp khám phá và giải thích những thành công và thất bại của nó.
Bên Thắng Cuộc xác định nguồn gốc Đổi mới là trong khủng hoảng tự tạo ra khiến Việt Nam khó khăn trong giai đoạn hậu chiến 1975-1986. Khủng hoảng này gồm bảy thành tố chủ chốt, được Huy Đức viết trong bảy chương:
- Giam cầm không qua xử án hàng trăm ngàn người miền Nam trong các trại cải tạo khắc nghiệt sau chiến tranh
- Đảng-Nhà nước đàn áp thành phần tư sản miền Nam, đóng cửa, hoặc quốc hữu hóa doanh nghiệp của họ, tịch thu của cải
- Trừng phạt dân số gốc Hoa. Ban đầu chính sách này chỉ là một phần của cuộc tấn công tư sản miền Nam, nhưng sau nó phát động lên thành một phần chiến dịch riêng loại bỏ “gián điệp” ở Việt Nam trong cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc
- Quân đội Việt Nam tiến vào và chiếm đóng Campuchia từ 1978
- Hàng trăm ngàn người chạy trốn qua đường biển, trên bộ vào cuối 1970, đầu 1980, hy vọng thoát khỏi sự cai trị của người cộng sản và định cư ở nước ngoài
- Nỗ lực chính thức của chính phủ nhằm chuyển hóa miền Nam thông qua xóa bỏ văn hóa “suy đồi”. Các biện pháp gồm đốt sách, cấm “tác giả phản động”, kiểm soát việc mặc gì, thời trang, kiểu tóc, kiểm duyệt khắt khe về nghệ thuật, ưu tiên cho con em người lao động và cách mạng, phân biệt các gia đình từng làm cho chính thể cũ
- Miền Bắc chiến thắng áp đặt hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa kém cỏi lên miền Nam bị đánh bại
Thẳng thắn
Một trong những điều phi thường về Bên Thắng Cuộc là sự thẳng thắn đáng ngạc nhiên trong các phần này của sách, nhất là khi ta biết sách là của một nhà báo sống trong nước. Huy Đức mô tả các viên chức cộng sản nói dối thản nhiên và liên tục về thời hạn cải tạo. Ông mô tả các thành viên gia đình được khuyến khích khai báo về người thân. Ông liệt kê điều kiện khổ sở trong các trại, và sự đối xử tệ bạc với gia đình người bị giữ. Ông mô tả làn sóng chống tư sản, chống người Hoa là chiến dịch tham lam của ăn cướp, bóp nặn, cưỡng ép ra đi.
Phần viết về cuộc xâm phạm Campuchia nhấn mạnh sự trớ trêu trong quan hệ lịch sử gần gũi giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Pol Pot. Mô tả về làn sóng ra đi sau 1975 bộc lộ vai trò của giới an ninh địa phương thoái hóa khi họ tạo điều kiện và kiếm lời từ đợt chạy trốn. Ông cũng không ngần ngại mô tả việc “Bắc hóa” tai hại trong kinh tế miền Nam, là một chiến dịch xuất phát từ kiêu ngạo, ngu dốt và bám vào ý thức hệ.
Huy Đức trách Lê Duẩn về việc “Bắc hóa” nhưng ông cũng ngụ ý về vai trò Hồ Chí Minh khi đặt cạnh nhau phần nói về chính sách (chương 8) với đoạn về “Con đường của Bác”.
Trong “Con đường của Bác”, Huy Đức mô tả Hồ Chí Minh ủng hộ tập thể hóa kinh tế miền Bắc giai đoạn 1950 – trong đó có cuộc Cải cách Ruộng đất 1953-56 tai tiếng, tấn công tư sản miền Bắc là tiền đề cho tấn công tư sản miền Nam sau 1975.
Ở đây, Huy Đức vượt khỏi cách giải thích ngày càng phổ biến về chính trị cộng sản Việt Nam giai đoạn 1950, 60 xem Lê Duẩn quá khích khác Hồ Chí Minh trung dung (một cách nghĩ được phim tài liệu mới đây của Ken Burns áp dụng).
Huy Đức không phải là cây bút đầu tiên trong nước nhắc đến những phần tiêu cực này trong lịch sử hậu chiến Việt Nam. Nhưng đáng kinh ngạc là cách ông từ bỏ bút pháp quen thuộc của giới cầm bút trong nước (dùng uyển ngữ, nói tránh nói giảm).
Điểm tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ghi chép của Huy Đức về khủng hoảng hậu chiến thật quan trọng không chỉ vì sự bộc trực, không úp mở mà còn vì cách nó giúp giải thích sự xuất hiện của chính sách Đổi mới giữa thập niên 1980.
Giống như phần mô tả về khủng hoảng dẫn tới Đổi mới, phần viết về quá trình cải cách của Huy Đức cũng bao gồm nhiều yếu tố phức tạp.
- Tường thuật các thử nghiệm về làm ăn tư nhân không được trên cho phép – thường gọi là phá rào – ở nhiều địa phương cuối 1970, tạo ra tăng trưởng và năng động trái ngược với trì trệ và thiếu hiệu quả của kinh tế xã hội chủ nghĩa
- Mô tả các lãnh đạo đảng bắt đầu ủng hộ các thử nghiệm tại Đại hội Đảng lần 6
- Tường thuật Việt Nam rút quân khỏi Campuchia nhằm tạo điều kiện quốc tế thuận lợi hơn giúp Việt Nam mở rộng và củng cố cải tổ kinh tế
- Mô tả nỗ lực thành công phần nào trong cuối thập niên 1980 mở rộng tinh thần cải cách kinh tế sang lĩnh vực trí thức và văn hóa, thông qua giải phóng cho truyền thông và giảm kiểm duyệt nghệ thuật
- Mô tả thất bại của cố gắng mở rộng tinh thần cải tổ sang chính trị thông qua cổ vũ các hình thức đa nguyên và dân chủ đa đảng
Khủng hoảng 1975-1986 cung cấp bối cảnh rộng lớn cho Đổi mới được mô tả trong sách, ngoài ra, Huy Đức cũng chỉ rõ những yếu tố khác tác động việc áp dụng nghị trình cải cách. Một trong đó là môi trường toàn cầu mới có lợi bất ngờ cho cải cách ở Việt Nam. Môi trường này bao gồm giới lãnh đạo đổi mới ở Trung Quốc và Liên Xô, Bức tường Berlin sụp đổ, các đồng minh xã hội chủ nghĩa ngừng viện trợ, các tổ chức đa phương và phi chính phủ sẵn sàng giúp đỡ, và môi trường ngoại giao thay đổi trong Asean, EU và Mỹ.
Truyền thống đổi mới
Một yếu tố nữa là lịch sử lâu dài từ trước của cải cách kinh tế, hoạt động kinh doanh trong dân, đã đem lại truyền thống để từ đó Đổi mới phát triển.
Huy Đức mô tả các thử nghiệm quan trọng của Kim Ngọc với chủ trương “khoán hộ” ở Vĩnh Phú thập niên 1960, việc phá rào ở Long An của Bùi Văn Giao, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính những năm 1970. Ở chương 16, ông kể thêm về sự nghiệp các doanh nhân thành đạt như Bạch Thái Bưởi giai đoạn thực dân, sự bền gan của thương nhân tơ lụa Trịnh Văn Bô trong Chiến tranh Đông dương lần một và những ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Những ví dụ này báo trước sự lớn dậy tự phát của doanh nghiệp nhỏ thành công ở miền Nam trước thời Đổi mới, như vá ép áo mưa rách, bơm mực ruột bút bi, tái chế dép nhựa cũ, nấu xà bông. Số liệu ở đây cân đối thú vị với phần về bối cảnh toàn cầu để chứng tỏ năng lượng đổi mới cũng được dựng xây từ nền tảng trong nước trước đó. Nó cũng gợi ý rằng phát triển kinh tế thị trường giai đoạn 1980 có cả việc học lại tư duy đã lãng quên chứ không phải là phát triển những thói quen này từ điểm số không.
Theo Huy Đức, một yếu tố nữa định hình và khuyến khích cải tổ là việc giới trí thức Việt Nam tiếp xúc với các phiên bản quá khích của xã hội cộng sản châu Á từ giữa tới cuối 1970.
Ví dụ, ông cho rằng sau khi Nguyên Ngọc quan sát Campuchia thời hậu Khmer Đỏ bị tàn phá, ông đã đặt câu hỏi căn bản về tính chất của các hệ thống cộng sản: “Tại sao chỉ có các quốc gia cộng sản mới có cách mạng văn hóa và những cánh đồng chết?”
Hay cái nhìn tiêu cực về chủ nghĩa cộng sản của nhà báo đổi mới Kim Hạnh là do sau khi dự “Liên hoan Thanh niên, Sinh viên” tại Bình Nhưỡng trở về năm 1989, bà thấy Bắc Hàn “như một thứ trại tập trung có quy mô toàn quốc”.
Huy Đức cũng viết những người miền Bắc chứng kiến sự phồn thịnh vật chất của các đô thị miền Nam sau 1975 đã đặt câu hỏi về tuyên truyền nhà nước xoay quanh đời sống miền Nam. Sự say mê của người Bắc về tủ lạnh, xe máy khiến họ quan tâm đến cách làm của kinh tế tư bản miền Nam. Sự tiếp xúc với miền Nam đã “đánh thức nhu cầu văn hóa của người dân miền Bắc”.
Mới lạ
Với tôi, một phần bất ngờ khi đọc Huy Đức kể về sự trổi dậy của cải cách là vai trò của sinh viên đại học. Trong chương về Đa nguyên, ông kể lại lịch sử hoạt động sinh viên mà ít người biết trong thập niên 1980, khá giống với phong trào sinh viên chống độc đoán lúc đó ở Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Cuối cùng, cách Huy Đức giải thích về sự xuất hiện của Đổi mới tỏ ra chú ý khác lạ về các vai trò phức tạp của nhóm chóp bu trong Đảng. Điều này trái ngược với hầu hết ghi chép về Đổi mới ở phương Tây. Do thiếu dữ liệu về nguồn gốc gia đình, lịch sử nghề nghiệp, tính cách, xu hướng chính trị, triết lý, kết nối xã hội của các thành viên Bộ chính trị, các nghiên cứu cũ thường đặt các lãnh đạo cộng sản vào các nhóm thô sơ mang tính chất cố định, nhị nguyên.
Họ mô tả quan hệ chính trị ở Việt Nam cộng sản là cuộc đấu tranh nhị nguyên giữa các đại biểu của phe “bắc và nam”, “quốc gia, quốc tế”, “thân Trung, thân Liên Xô”, “ủng hộ cải cách, chống cải cách”. Sự trái ngược của Bên Thắng Cuộc thật kinh ngạc.
Cuốn sách mô tả thật chi tiết về tính cách, tiểu sử nhiều lãnh đạo cộng sản như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng, Phan Văn Khải, Nguyễn Phú Trọng.
Một chương 15 hấp dẫn chỉ nói về các cuộc đấu tranh liên quan đời tư, sự nghiệp và chính trị của Võ Nguyên Giáp.
Chương 14 thì so sánh hệ thống về sự nghiệp, gia đình, phong thái của Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt. Chương 18 lại tìm hiểu quan hệ và cạnh tranh giữa Lê Đức Anh, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt. Dữ liệu tiểu sử tập thể này cung cấp một phần quan trọng giúp ta hiểu về tiến trình cải tổ vì tính cách và quan hệ đóng vai trò lớn trong hệ thống chính trị khép kín.
Anh hùng rõ rệt trong Bên Thắng Cuộc là nhà cải cách Võ Văn Kiệt, nhưng người ủng hộ bất ngờ Đổi mới lại là Trường Chinh. Ông thay đổi suy nghĩ từ một nhà bảo thủ Marxist-Leninist thành người ủng hộ đổi mới vững chắc là chủ đề chương 10.
Dù đã 80, nhân vật linh động này thành thật nghiên cứu các vấn đề miền Nam và rồi ủng hộ, đề xuất giải pháp đổi mới. Nghiên cứu trước đây xem cải tổ bắt đầu khi Trường Chinh qua đời và Nguyễn Văn Linh lên làm lãnh đạo đảng năm 1986, nhưng Huy Đức ghi nhận đóng góp quyết định của Trường Chinh cho cải tổ.
Mặt khác, một số học giả phương Tây từng xem Nguyễn Văn Linh là thủ lĩnh đổi mới, nhưng ông này, trong sách Huy Đức, là nhân vật dao động và rốt cuộc thành người bảo thủ, đã bỏ lỡ cơ hội thúc đổi mới tiến lên sau tiến bộ ban đầu. Xu hướng hiện nay của Việt Nam – kinh tế thị trường gắn với hệ thống độc đảng không nhân nhượng, lạc hậu – đã củng cố từ thời Nguyễn Văn Linh.
Hạn chế của Đổi Mới
Hạn chế của đổi mới được xem xét trong các chương 12, 13 đánh giá số phận phức tạp của cải cách về tự do trí thức và thúc đẩy dân chủ. Sau khi mô tả sự cởi trói báo chí ngắn ngủi của Nguyễn Văn Linh cuối 1980, chương 12 kể nhiều về sự đàn áp phong trào Nhân văn Giai phẩm thập niên 1950.
Sự bịt miệng phong trào này dường như tương tự câu chuyện Huy Đức kể về việc Nguyên Ngọc mất chức lãnh đạo tạp chí Văn Nghệ cuối thập niên 1980.
Chương 13 bắt đầu với câu chuyện tích cực về giới thiệu bầu cử dân chủ trong trường đại học, nhưng giọng văn tối dần khi Đảng đối diện sự xuất hiện của Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan, và sau đó là sự biến mất đột ngột của chính thể cộng sản Đông Âu. Sau khi ghi lại phản ứng lúng túng, lạc lõng của ban lãnh đạo trước tiến trình dân chủ hóa ở Đông Âu, chương này mô tả thăng trầm của những người cổ vũ dân chủ như chính khách Trần Xuân Bách, nhà báo Bùi Tín, và tướng quân đội Trần Độ.
Trong các chương sau đó, những người cải cách rơi vào thế thủ, dính vào bê bối, mâu thuẫn nội bộ, không thể thúc đẩy nghị trình bên ngoài kinh tế. Đánh giá thấp của Huy Đức dành cho những lãnh đạo sau này như Lê Khả Phiêu và Nguyễn Tấn Dũng mang lại không khí bi quan trong các chương cuối. Sau hứa hẹn của cuối thập niên 1980, cải cách tại Việt Nam đã kẹt trong sa lầy của chính trị độc đoán trong nhà nước độc đảng.
Kiến thức từ bên trong ít người sánh bằng của Huy Đức về chính trị cấp cao cho phép ông mô tả các cuộc phiêu lưu cải tổ thời hậu chiến. Cuốn sách nổi trội nhờ chi tiết và sự sâu sắc hơn mọi ghi chép đã có.
Thật đáng tiếc các nhà xuất bản ngoại quốc lại thấy sách quá dài, quá chi tiết nên không muốn cho dịch. Nhưng tôi tin rằng một khi được ra mắt bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, Bên Thắng Cuộc sẽ thay đổi căn bản cách những nhà quan sát Việt Nam ở Tây phương suy nghĩ về giai đoạn quan trọng này trong lịch sử hiện đại của Việt Nam.
Đây là bài phát biểu trong buổi thảo luận về sách Bên Thắng Cuộc hôm 24/3, tại Hội thảo hàng năm của Hội nghiên cứu châu Á (Association for Asian Studies) ở Washington DC, Mỹ. Đây là hội thảo học thuật lớn nhất về châu Á ở Bắc Mỹ, với hơn 400 nhóm thảo luận các chủ đề, hơn 3.000 người dự.
Hình: Tác giả Huy Đức phát biểu tại buổi thảo luận về sách của ông hôm 24/3
Nguồn: BBC