27/04/1521: Magellan bị giết ở Philippines

Nguồn: Magellan killed in the Philippines, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1521, sau khi đã đi qua ba phần tư quãng đường vòng quanh thế giới, nhà hàng hải người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan đã bị giết trong một cuộc giao tranh với bộ lạc trên Đảo Mactan ở Philippines. Đầu tháng đó, tàu của ông đã thả neo tại đảo Cebu của Philippines, và Magellan đã gặp gỡ người tù trưởng địa phương, một người sau khi chuyển sang Kitô giáo đã thuyết phục người châu Âu trợ giúp ông trong việc chinh phục một bộ tộc đối thủ trên đảo Mactan lân cận. Trong trận chiến tiếp theo, Magellan bị trúng một mũi tên tẩm độc và bị bỏ mặc đến chết khi các đồng đội của ông rút lui.

Magellan, một quý tộc Bồ Đào Nha, đã chiến đấu cho đất nước của mình chống lại sự thống trị của người Hồi giáo trên khu vực Ấn Độ Dương và Ma-rốc. Ông tham gia vào một số trận đánh quan trọng và năm 1514 đã yêu cầu Vua Manuel của Bồ Đào Nha tăng tiền phụ cấp cho mình. Nhà vua từ chối sau khi nghe những tin đồn vô căn cứ về hành vi không đứng đắn của Magellan sau cuộc bao vây Ma-rốc. Năm 1516, Magellan một lần nữa đưa ra yêu cầu và nhà vua lại từ chối, vì vậy Magellan đã tới Tây Ban Nha vào năm 1517 để phục vụ dưới trướng Vua Charles I, sau đó là Hoàng đế La Mã Thần thánh Charles V.

Năm 1494, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, với sự thúc đẩy của Giáo hoàng Alexander VI, đã giải quyết tranh chấp về các vùng đất mới được phát hiện ở châu Mỹ và các nơi khác bằng cách phân chia thế giới thành hai phạm vi ảnh hưởng. Một đường phân giới đã được đồng ý thiết lập ở Đại Tây Dương – tất cả những khám phá mới nằm ở phía tây của đường phân giới thuộc về Tây Ban Nha, và tất cả ở phía đông thuộc về Bồ Đào Nha. Do đó, Nam và Trung Mỹ bị người Tây Ban Nha chi phối, ngoại trừ Brazil, do được phát hiện bởi nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Pedro Alvares Cabral vào năm 1500 và phần nào nằm ở phía đông của đường phân giới. Những khám phá khác của Bồ Đào Nha vào đầu thế kỷ 16, chẳng hạn như Quần đảo Moluccas – còn gọi là Quần đảo Gia vị nay thuộc Indonesia – đã khiến người Tây Ban Nha ghen tị.

Magellan đề nghị với vua Charles được đi thuyền buồm về phía tây, tìm một eo biển xuyên qua châu Mỹ, và sau đó tiếp tục đi về phía tây tới Moluccas, điều này chứng minh rằng Quần đảo Gia vị nằm ở phía tây của đường phân giới và do đó thuộc phạm vi quản lý của Tây Ban Nha. Magellan biết rằng trái đất tròn nhưng đã đánh giá thấp kích thước của nó, ông nghĩ rằng Moluccas phải nằm ngay phía tây châu Mỹ, chứ không phải ở phía bên kia của một đại dương mênh mông nữa chưa được thám hiểm. Nhà vua chấp nhận kế hoạch, và vào ngày 20/09/1519, Magellan khởi hành từ Tây Ban Nha với quyền chỉ huy năm tàu ​​và 270 người.

Magellan đi thuyền đến Tây Phi và sau đó đến Brazil, nơi ông tìm kiếm một eo biển trên bờ biển Nam Mỹ sẽ đưa ông đến Thái Bình Dương. Ông đã tìm kiếm tại Rio de la Plata, một cửa sông lớn ở phía nam Brazil, để tìm đường đi qua; thất bại, ông tiếp tục đi về phía nam dọc theo bờ biển Patagonia. Vào cuối tháng 03/1520, đoàn thám hiểm đã thiết lập trại nghỉ đông tại Cảng St. Julian. Vào lúc nửa đêm ngày lễ Phục sinh, các thuyền trưởng Tây Ban Nha đã làm một cuộc binh biến chống lại thuyền trưởng người Bồ Đào Nha của họ, nhưng Magellan đã nghiền nát cuộc nổi dậy, hành hình một trong những vị thuyền trưởng và để mặc một người khác ở lại trên bờ khi thuyền của ông rời St. Julian vào tháng 8.

Vào ngày 21 tháng 10, cuối cùng ông đã phát hiện ra eo biển mà ông đang tìm kiếm. Eo biển Magellan như tên gọi sau này của nó, nằm gần mũi Nam Mỹ, chia tách quần đảo Tierra del Fuego và lục địa chính Nam Mỹ. Chỉ có ba thuyền tiến vào tuyến đường này; một chiếc đã bị đắm và một chiếc khác đã bị bỏ rơi. Phải mất 38 ngày để vượt qua eo biển nguy hiểm này, và khi nhìn thấy đại dương ở đầu bên kia Magellan đã òa khóc với niềm vui sướng. Ông là nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên đến Thái Bình Dương từ Đại Tây Dương. Hạm đội của ông đã hoàn thành việc đi qua phía tây của đại dương trong 99 ngày, băng qua vùng biển yên tĩnh một cách kỳ lạ đến mức nó được đặt tên là “Thái Bình Dương”, từ từ gốc Latin “pacificus”, có nghĩa là “yên tĩnh”. Cuối cùng, thủy thủ đoàn bị cạn kiệt thức ăn và phải ăn các bộ phận da của đồ dùng để sống sốt. Vào ngày 06/03/1521, đoàn thám hiểm ghé vào đảo Guam. Mười ngày sau, họ đến Philippines – chỉ cách Quần đảo Gia vị khoảng 400 dặm.

Sau cái chết của Magellan, những người sống sót, trên hai chiếc thuyền, đã đi đến Moluccas và chất đầy gia vị lên tàu. Một con tàu đã cố gắng, nhưng không thành công, trong việc trở về qua ngả Thái Bình Dương. Con tàu kia, Victoria, tiếp tục đi theo hướng tây dưới sự chỉ huy của hoa tiêu người Basque tên là Juan Sebastian de Elcano. Con tàu đi qua Ấn Độ Dương, vòng qua Mũi Hảo Vọng, và đến Seville vào ngày 09/09/1522, trở thành con tàu đầu tiên đi vòng quanh thế giới.

Magellan có phải là người đầu tiên đi vòng quanh thế giới?