Nguồn: Shlomo Ben-Ami, “Iran, the Hollow Hegemon”, Project Syndicate, 24/01/2018.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Các lãnh đạo Israel và Ả Rập đã cảnh báo về sự trỗi dậy của một đế chế Hồi Giáo Shia do Iran lãnh đạo bao trùm phần lớn Trung Đông trong nhiều năm qua. Giờ đây, khi Iran được kết nối với Địa Trung Hải nhờ một hành lang xuyên qua Iraq, Syria, và Lebanon, nhiều lãnh đạo trong số đó đã cho rằng mình đúng. Nhưng những mối lo ngại về một Iran làm bá chủ khu vực thực ra đã bị thồi phồng quá mức.
Không thể phủ nhận rằng Trung Đông là nơi đầy rẫy những xung đột cục bộ, thường bị thúc đẩy bởi những xung khích giữa các lãnh đạo phiến quân. Nhưng một cuộc xung đột lớn không phải là điều có lợi cho bất kỳ một phe phái nào trong khu vực. Điều này đặc biệt đúng với Iran, vì họ không đủ năng lực triển khai sức mạnh quân sự ra ngoài biên giới.
Sự thật là chương trình hạt nhân của Iran được phát triển là nhằm bù đắp cho những yếu kém của lực lượng quân sự thông thường, trong một khu vực mà họ có nhiều thù hơn là bạn. Nhưng bằng việc thúc đẩy cộng đồng quốc tế áp đặt những lệnh trừng phạt đau đớn, nỗ lực phát triển hạt nhân của Iran lại làm suy yếu đà tiến triển của họ hơn nữa, bằng việc ngăn cản các tiến bộ công nghệ và đầu tư quân sự. Cùng lúc đó, những kẻ thù của họ, đặc biệt là Israel và Ả Rập Saudi, những quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn hơn nhiều, lại đang sắm sửa những trang thiết bị quân sự tối tân của phương Tây.
Do điểm yếu này, hành lang trên đất liền của Iran, cái đã gây nên nhiều lo ngại từ các nước láng giềng trong khu vực, bị phụ thuộc vào những đồng minh địa phương thiếu tin cậy. Đó là chưa nhắc đến khả năng dễ bị tổn thương của hành lang này trước các đòn không kích của người Mỹ.
Iraq, một mắt xích quan trọng trong hành lang này, được cho là lãnh địa dòng Shia vô điều kiện của Iran. Nhưng chấm dứt ảnh hưởng của Lực Lượng huy động nhân dân (Popular Mobilization Forces), tổ chức dân quân dòng Shia được Iran tài trợ, tại những khu vực bị Nhà nước Hồi Giáo (ISIS) bỏ lại, đang là ưu tiên hàng đầu của thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, người được hậu thuẫn bởi lãnh tụ tối cao dòng Shia ở Iraq, Ali al-Sistani.
Tình hình ở Syria phức tạp hơn, nhưng cũng không thuận lợi hơn cho Iran, khi họ nhận ra rằng sau nhiều năm chống lưng cho chế độ của Tổng thống Bashar al-Asad, bá chủ thực sự ở đất nước này lại là Nga. Tổng thống Vladimir Putin biết rằng việc thuyết phục các nhóm phiến quân Sunni hạ vũ khí như là một phần của một thỏa thuận hòa bình hiệu quả sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu Iran vẫn duy trì một sự hiện diện lớn ở đất nước này. Assad cũng biết rằng ông ta không thể hy vọng xây dựng được cầu nối với người Sunni chiếm đa số ở Syria nếu chế độ của ông điều hành đất nước như là một lãnh thổ được Iran bảo hộ.
Nhưng những vấn đề lớn nhất của Iran ở Syria lại chính là nước Mỹ và Israel. Mỹ đã duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria, thậm chí sau khi đã đánh bại ISIS, nhầm ngăn Iran củng cố sự kiểm soát. Và lực lượng không quân hùng mạnh của Israel sẽ không bao giờ cho phép Iran có sự hiện diện quân sự có ý nghĩa ở Syria. Giới lãnh đạo Iran biết rằng việc liều lĩnh gây chiến ở đó sẽ khiến cho hệ thống cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran gặp nhiều nguy hiểm.
Ảnh hưởng của Iran giờ cũng đã suy giảm ở Lebanon. Sau nhiều năm giúp sức cho triều đại Assad, Hezbollah bây giờ đang cố gắng khôi phục tính chính danh của họ ở trong nước. Thậm chí họ còn thúc đẩy việc khôi phục chức thủ tướng cho Saad Hariri, lãnh đạo người Sunni của Liên minh 14/3 có tư tưởng bài Iran. Điều này phản ánh mong muốn mạnh mẽ về việc duy trì trật tự bộ máy ở Lebanon, và nó cũng cho thấy rằng khác với Iran, chiến tranh với Israel không phải là điều có lợi cho Hezbollah.
Phải nói rằng Iran, như Liên Xô trước kia, từ lâu đã coi việc bành trướng ra nước ngoài là cách tốt nhất để bảo vệ những thành quả cách mạng trong nước. Nhưng, như những trải nghiệm của Liên Xô và Iran cho thấy, sự thất bại trong việc giải quyết các thách thức trong nước mới là mối nguy lớn hơn cho tính chính danh của chế độ. Trong khi tương lai của hành lang đường bộ nối với Địa Trung Hải của Iran phụ thuộc vào những đồng minh nước ngoài, tương lai của chế độ Hồi giáo tại Iran lại phụ thuộc vào khả năng đáp ứng người dân của các lãnh đạo ở trong nước.
Nhưng giới lãnh đạo Iran dường như lại đặt các đồng minh của họ lên trên người dân. Dù thỏa thuận hạt nhân năm 2015 không thể đáp ứng được những kỳ vọng lớn lao về kinh tế, giới cầm quyền tiếp tục bơm hàng tỷ đô la cho Hezbollah, Hamas ở Palestine, và nhóm Houthi ở Yemen. Iran cũng đã chi gần 10 tỷ đô la Mỹ chỉ ở Syria để chống lưng cho Assad.
Gánh nặng tài khóa đi theo đó đã buộc Iran phải cắt giảm một số những khoản trợ giá hào phóng được dùng để củng cố sự ủng hộ chế độ từ người dân. Những cuộc biểu tình được tổ chức đa phần bởi giới lao động trẻ chống lại việc cắt giảm trợ giá thực phẩm và nhiên liệu nhanh chóng biến thành những cuộc biểu tình chống chế độ thần quyền ở Iran, điều được phản ánh qua khẩu hiệu “Ali Khamenei chết đi!”. Ali Khamenei là lãnh tụ tối cao của Iran.
Ba thế hệ là một khoảng thời gian dài cho bất kỳ một “thiên đường” cách mạng nào, bất kể là Cộng hòa Hồi giáo Iran hay là Liên bang Xô-viết, để có thể sống sót, khi mà người dân ngày càng trở nên xa rời, thậm chí hoài nghi về chính nghĩa ban đầu của cách mạng. Điều này ngày càng trở nên đúng hơn trong thế giới hiện tại, khi mà công nghệ số đã đào sâu cách biệt giữa các thế hệ.
Trong thập niên 1980, khi đối diện với một cuộc tấn công tàn bạo từ Iraq của Saddam Hussein, người Iran đã tập hợp nhau lại đằng sau chế độ để đảm bảo sự sống còn của đất nước. Ngày nay, họ sẽ không chấp nhận những khó khăn tương tự nhân danh việc duy trì các tiền đồn ở Syria và Yemen, hay là một hành lang đường bộ đến Địa Trung Hải. Với khoảng một nửa dân số Iran dưới 30 tuổi, và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức khoảng 25%, không có gì bất ngờ khi mà một số những người biểu tình gần đây hô hào rằng, “Hãy rời bỏ Syria! Hãy nghĩ cho chúng tôi!”
Việc Iran muốn tránh chiến tranh tổng lực nên là tin tốt cho những kẻ thù của họ, những nước cũng không có thế đứng tốt để có thể quản lý được các xung đột vũ trang thêm nữa ở nước ngoài. Đặc biệt, Ả Rập Saudi đang đối mặt với những cải cách quốc nội đầy khó khăn, bao gồm nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, trong khi vẫn đang vướng vào những can thiệp quân sự ở Syria và Yemen.
Iran có thể là một kẻ phá bĩnh ở Trung Đông, nhưng họ không phải là bá chủ. Nếu các lãnh đạo Israel và Ả Rập cho rằng điều ngược lại là đúng, như họ thường làm, thì điều này chỉ khiến một cuộc xung đột đẫm máu, gây tàn phá và tạo bất ổn ở mức kinh hoàng mà các bên đều muốn tránh có khả năng xảy ra cao hơn mà thôi.
Shlomo Ben-Ami, cựu Ngoại trưởng Israel, là phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế Toledo vì Hòa bình. Ông là tác giả cuốn sách Scars of War, Wounds of Peace: The Israel-Arab Tragedy.