Nguồn: George Marshall calls for aid to Europe, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1947, trong một trong những bài phát biểu quan trọng nhất của Chiến tranh Lạnh, Ngoại trưởng George C. Marshall đã kêu gọi Mỹ hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế của Châu Âu sau chiến tranh. Bài phát biểu của ông đã cung cấp động lực cho cái được gọi là Kế hoạch Marshall, theo đó Mỹ gửi hàng tỷ USD đến Tây Âu để xây dựng lại những quốc gia bị chiến tranh tàn phá.
Trong năm 1946 sang năm 1947, thảm họa kinh tế đã bao trùm Tây Âu. Thế chiến II đã gây ra thiệt hại to lớn. Nền kinh tế tê liệt của Anh và Pháp không đủ sức gầy dựng lại hoạt động kinh tế của khu vực. Đức, đất nước từng là động lực công nghiệp của Tây Âu, nay đã nằm trong đống đổ nát. Tình trạng thất nghiệp, vô gia cư, và thậm chí là nạn đói trở nên rất phổ biến.
Đối với người Mỹ, tình hình tại Tây Âu cần được đặc biệt quan tâm vì hai lý do. Thứ nhất, hỗn loạn kinh tế của Tây Âu sẽ tạo ra cơ sở cho sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Thứ hai, nền kinh tế Mỹ, vốn đã nhanh chóng trở lại trạng thái dân sự sau nhiều năm chiến tranh, cần đến thị trường Tây Âu để duy trì sự tồn tại của chính nó.
Ngày 05/06/1947, Ngoại trưởng George C. Marshall, trong bài phát biểu tại Đại học Harvard, đã chỉ ra tình hình thảm khốc ở Tây Âu và kêu gọi sự hỗ trợ của nước Mỹ cho các quốc gia trong khu vực đó. “Cốt lõi vấn đề,” Ngoại trưởng tuyên bố, “là nhu cầu của châu Âu đối với thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu khác từ nước ngoài – chủ yếu từ Mỹ – trong ba hoặc bốn năm sắp tới sẽ lớn hơn rất nhiều so với khả năng chi trả hiện tại của họ; do đó, họ cần được hỗ trợ để đối phó với suy sụp kinh tế, xã hội và chính trị nghiêm trọng.” Marshall tuyên bố, “Chính sách của chúng ta sẽ không trực tiếp chống lại bất kỳ quốc gia hay học thuyết nào mà là chống lại nạn đói, nghèo khổ, tuyệt vọng và hỗn loạn.” Bằng cách nhắc khéo về mối đe dọa cộng sản, ông đã hứa “các chính phủ, đảng phái chính trị, và các nhóm tìm cách duy trì sự đau khổ của con người để thu lợi về mặt chính trị, hoặc thu lợi về mặt nào khác, sẽ gặp phải sự phản đối từ Mỹ.”
Tháng 03/1948, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Hợp tác Kinh tế (được biết đến nhiều hơn với tên gọi Kế hoạch Marshall), để dành 4 tỷ USD viện trợ cho Tây Âu. Vào thời điểm chương trình này kết thúc gần bốn năm sau đó, Mỹ đã viện trợ hơn 12 tỷ USD để phục hồi kinh tế châu Âu. Ngoại trưởng Anh Ernest Bevin khi đó đã so sánh Kế hoạch Marshall với một “sợi dây cứu hộ được quăng cho kẻ đang chìm” (lifeline to sinking men).