23/10/1941: Liên Xô thay chỉ huy để chặn người Đức

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Soviets switch commanders in drive to halt Germans, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1941, tổng tham mưu trưởng của Liên Xô, Georgi K. Zhukov, đã trở thành chỉ huy các chiến dịch của Hồng quân, nhằm ngăn chặn sự tiến quân của Đức vào trung tâm Liên Xô.

Sự nghiệp quân sự của Zhukov bắt đầu kể từ Thế chiến I, khi ông phục vụ trong Quân đội Hoàng gia Nga. Sau đó ông gia nhập Hồng quân vào năm 1918, dành thời gian nghiên cứu khoa học quân sự ở cả Liên Xô và Đức. Khi Thế Chiến II bùng nổ, Zhukov là chỉ huy của lực lượng Liên Xô đóng quân tại biên giới Mãn Châu và dẫn đầu cuộc phản công đánh bại cuộc xâm lược của Nhật Bản vào năm 1939.

Vào thời điểm Đức xâm lược Liên Xô, Zhukov đã được thăng chức từ tổng tham mưu của quân đội Liên Xô trong “Chiến tranh Mùa Đông” chống lại Phần Lan, lên làm tổng tư lệnh mặt trận phía Tây. Trên cương vị này, ông đã chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại quân xâm lược Đức, đầu tiên là khỏi Moskva, và sau đó là khỏi miền Trung nước Nga. Cuối cùng ông sẽ được thăng cấp và trở thành một nhân tố chủ chốt trong việc lập kế hoạch tiến hành gần như tất cả các trận đánh chính của Liên Xô cho đến khi kết thúc chiến tranh. Cuối cùng, ông đại diện cho Liên Xô tiếp nhận đầu hàng chính thức của Đức và nắm quyền chỉ huy tại các khu vực ở Đức do Liên Xô kiểm soát.

Quyết định của Stalin trong việc trao rất nhiều quyền hạn và trách nhiệm vào tay người đàn ông này đã khiến Stalin hối hận sau chiến tranh, khi sự nổi tiếng của Zhukov đã đe dọa chính nhà lãnh đạo. Stalin đã “khen thưởng” vị đại tướng với những vị trí mơ hồ khiến tài năng của ông bị lãng phí và giữ ông ở bên ngoài ánh đèn sân khấu. Zhukov cuối cùng cũng trở thành Bộ trưởng Quốc phòng sau cái chết của Stalin vào năm 1953, trong chính phủ mới của Thủ tướng Nikita Krushchev. Tuy nhiên, khi quân đội cố gắng thoát khỏi đấu đá chính trị nội bộ của Đảng Cộng sản, Zhukov, người ủng hộ quyền tự trị cho quân đội, đã đối đầu với Thủ tướng, người muốn giữ Hồng quân dưới quyền kiểm soát của Ủy ban Trung ương.

Trớ trêu thay, khi Đoàn Chủ tịch Soviet Tối cao (tương đương Thường vụ Quốc hội ở Việt Nam – NBT) – phe “bảo thủ” theo tư tưởng Stalin vốn chống lại một số cải cách “dân chủ” do Krushchev đề xuất – cố gắng phế truất vị Thủ tướng, Zhukov đã đưa các Ủy viên Trung ương tới Moskva để cân bằng quyền lực và giữ cho vị trí của Krushchev được an toàn.

Zhukov được tưởng thưởng bằng cách trở thành một thành viên chính thức của Đoàn Chủ tịch, là sĩ quan chuyên nghiệp đầu tiên từng giữ một vị trí như vậy. Điều này cũng có ích cho Khrushchev khi có một người đã đã chứng minh lòng trung thành với ông trong một cơ quan thù địch như vậy. Nhưng nỗ lực mới của Zhukov để giải phóng quân đội khỏi sự kiểm soát của đảng đã dẫn đến việc ông bị Krushchev sa thải. Zhukov lại một lần nữa rơi ra ngoài tầm mắt của công chúng – cho đến khi Krushchev mất đi quyền lực vào năm 1964. Zhukov cuối cùng đã được trao huân chương Lenin (1966) và xuất bản cuốn tự truyện của mình (1969).

Xem thêm:

Georgi Zhukov – Nguyên soái lỗi lạc của Liên Xô

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]