Nguồn: First draft of Constitution debated, History.com
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1787 tại Philadelphia, các đại biểu tham dự Hội nghị Lập hiến bắt đầu tranh luận về dự thảo hoàn chỉnh đầu tiên của bản Hiến pháp được đề xuất của Hoa Kỳ.
Các Điều khoản Hợp bang (Articles of Confederation), được phê chuẩn vài tháng trước khi người Anh đầu hàng tại Yorktown vào năm 1781, đã tạo tiền đề cho một liên minh lỏng lẻo của các tiểu bang Hoa Kỳ, vốn có chủ quyền trong hầu hết các công việc của họ. Trên giấy tờ, Quốc hội – cơ quan thẩm quyền trung ương – có quyền quản lý các vấn đề đối ngoại, tiến hành chiến tranh và điều tiết tiền tệ, nhưng trên thực tế, các quyền hạn này bị hạn chế mạnh mẽ bởi Quốc hội không được trao thẩm quyền để thực thi các yêu cầu của mình đối với các tiểu bang liên quan đến vấn đề tiền bạc hay quân đội.
Đến năm 1786, rõ ràng là Liên minh sẽ sớm tan vỡ nếu các Điều khoản Hợp bang không được sửa đổi hoặc thay thế. Năm tiểu bang đã nhóm họp tại Annapolis, Maryland, để thảo luận về vấn đề này, và tất cả các tiểu bang được mời cử đại biểu đến một hội nghị lập hiến mới được tổ chức tại Philadelphia.
Vào ngày 25 tháng 5 năm 1787, các đại biểu đại diện cho tất cả các tiểu bang, trừ Rhode Island, đã tập trung tại Tòa nhà Bang Pennsylvania ở Philadelphia để tham dự Hội nghị Lập hiến. Tòa nhà, mà ngày nay được gọi là Hội trường Độc lập (‘Independence Hall’), trước đó đã chứng kiến việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập và lễ ký các Điều khoản Hợp bang. Hội nghị đã ngay lập tức bác bỏ ý tưởng sửa đổi các Điều khoản Hợp bang và bắt đầu xây dựng một hiến pháp mới cho chính phủ. Người hùng Cách mạng George Washington, đại biểu của tiểu bang Virginia, được bầu làm chủ tịch hội nghị.
Trải qua một cuộc tranh luận gay gắt, các đại biểu đã nghĩ ra một hệ thống liên bang vững chắc được đặc trưng bởi một hệ thống kiểm soát và cân bằng phức tạp. Hội nghị bị chia rẽ vì vấn đề đại diện của các tiểu bang trong Quốc hội, vì các tiểu bang đông dân hơn yêu cầu có một hệ thống đại diện lập pháp theo tỷ lệ, và các tiểu bang nhỏ hơn muốn có một hệ thống đại diện bình đẳng. Vấn đề đã được giải quyết bởi Thỏa hiệp Connecticut, theo đó đề xuất một cơ quan lập pháp lưỡng viện với đại diện theo tỷ lệ tại Hạ viện và đại diện bình đẳng ở Thượng viện.
Ngày 17 tháng 9 năm 1787, Hiến pháp Hoa Kỳ đã được ký bởi 38 trong số 41 đại biểu có mặt vào thời điểm kết thúc hội nghị. Theo quy định tại Điều VII, văn kiện này sẽ không có hiệu lực ràng buộc cho đến khi nó được 9 trên 13 tiểu bang phê chuẩn.
Bắt đầu từ ngày 07 tháng 12, năm bang – Delaware, Pennsylvania, New Jersey, Georgia và Connecticut – đã lần lượt nhanh chóng phê chuẩn Hiếp pháp. Tuy nhiên, các tiểu bang khác, đặc biệt là Massachusetts, phản đối văn kiện này, vì Hiến pháp không bảo lưu các quyền chưa được phân cấp cho các tiểu bang và thiếu cơ chế bảo vệ hiến định đối với các quyền chính trị cơ bản, chẳng hạn như tự do ngôn luận, tôn giáo và báo chí. Vào tháng 2 năm 1788, một thỏa hiệp đã đạt được, theo đó Massachusetts và các tiểu bang khác sẽ đồng ý phê chuẩn văn kiện này với điều kiện bảo đảm rằng các tu chính án sẽ phải được đề xuất ngay lập tức. Hiến pháp do đó đã được phê chuẩn với tỉ lệ phiếu chênh lệch sát sao tại Massachusetts, tiếp theo là Maryland và Nam Carolina. Vào ngày 21 tháng 06 năm 1788, New Hampshire trở thành bang thứ chín phê chuẩn văn kiện này, và sau đó chính phủ theo Hiến pháp Hoa Kỳ đã được thống nhất là sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 04 tháng 03 năm 1789. Vào tháng 6 năm đó, Virginia đã phê chuẩn Hiến pháp, tiếp theo là New York vào tháng 7.
Vào ngày 25 tháng 09 năm 1789, Quốc hội đầu tiên của Hoa Kỳ đã thông qua 12 tu chính án Hiến pháp – hay còn được gọi là Bản Tuyên ngôn Nhân quyền – và gửi đến các tiểu bang để phê chuẩn. Mười trong số các tu chính án này đã được phê chuẩn vào năm 1791. Vào tháng 11 năm 1789, Bắc Carolina trở thành tiểu bang thứ 12 phê chuẩn Hiến pháp Hoa Kỳ. Rhode Island, phản đối chính sách kiểm soát tiền tệ của liên bang và chỉ trích sự thỏa hiệp về vấn đề nô lệ, đã phản đối việc phê chuẩn Hiến pháp cho đến khi chính phủ Hoa Kỳ đe dọa cắt đứt quan hệ thương mại với tiểu bang này. Vào ngày 29 tháng 05 năm 1790, Đảo Rhode đã phê chuẩn văn kiện này với chênh lệch chỉ 2 phiếu, và cũng là tiểu bang cuối cùng trong số 13 thuộc địa ban đầu gia nhập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ngày nay, Hiến pháp Hoa Kỳ là bản hiến pháp thành văn lâu đời nhất vẫn còn hiệu lực trên thế giới.