Nguồn: Hitler suspends euthanasia program, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1941, Adolf Hitler đã ra lệnh ngừng chương trình giết các bệnh nhân tâm thần và người khuyết tật một cách có hệ thống để ngăn chặn làn sóng biểu tình ở Đức.
Năm 1939, Tiến sĩ Viktor Brack, người đứng đầu chương trình Euthanasia (an tử) của Hitler, đã giám sát việc thiết lập chương trình T.4, với mục đích ban đầu là giết hại một cách có hệ thống các trẻ em bị coi là “khiếm khuyết về tinh thần.” Những đứa trẻ được đưa từ khắp nước Đức đến một Trại Thanh niên Tâm thần Đặc biệt và bị giết.
Sau này, một số tiêu chí đã được thiết lập cho trẻ em không phải người Do Thái. Các em này phải “được chứng nhận” mắc bệnh tâm thần, tâm thần phân liệt, hoặc không có khả năng làm việc vì một lý do này hay lý do khác. Còn trẻ em Do Thái nào đã bị chuyển đến các bệnh viện tâm thần, bất kể vì lý do hay tiên lượng bệnh nào, đều tự động trở thành đối tượng của chương trình. Nạn nhân sau đó sẽ bị tiêm chất gây chết người hoặc bị đưa đi vào các “phòng tắm” nơi khí gas sẽ phun ngập căn phòng qua đường ống nước. Chương trình sau đó được mở rộng sang cả người lớn.
Biểu tình, đặc biệt là bởi các bác sĩ và giáo sĩ, đã nhanh chóng nổ ra sau đó. Một số người rất can đảm viết thư trực tiếp cho Hitler, trong đó gọi T.4 là một chương trình “dã man,” số khác bày tỏ ý kiến một cách kín đáo hơn. Heinrich Himmler, người đứng đầu lực lượng cảnh sát mật SS, đồng thời là người chỉ đạo việc tiêu diệt có hệ thống người Do Thái trên toàn châu Âu, chỉ có một tiếc nuối duy nhất là SS đã không được giao trách nhiệm xử lý vụ việc. “Chúng tôi biết làm thế nào để giải quyết mọi chuyện mà không gây ra những xáo động không cần thiết trong người dân.”
Cuối cùng, vào năm 1941, Giám mục – Bá tước Clemens von Galen đã lên tiếng tố cáo chương trình Euthanasia ngay từ bục giảng đạo của ông. Và Hitler không muốn bị chỉ trích công khai như vậy. Ông đã ra lệnh đình chỉ chương trình này, ít nhất là ở Đức. Nhưng 50.000 người đã trở thành nạn nhân của nó. Euthanasia sau này được “hồi sinh” ở nước Ba Lan bị chiếm đóng.