Tác giả: Trần Trọng Dương
Lịch sử Việt Nam nếu nhìn từ thân phận đàn bà thì đó là những tiếng nói vô thanh, tức là không có (hoặc rất ít) giọng nói cất lên từ phía phụ nữ, mà chỉ là những tiếng lồng đa thanh của những kẻ đàn ông cho những khuôn mặt đàn bà đã phôi pha theo dòng chảy thời gian. Hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga trong lịch sử là một trong những điển hình cho điều đó. Trong khi Đinh Tiên Hoàng hiện lên như là một biểu tượng đa năng, như là câu chuyện của những đại tự sự với những xu hướng chính trị cùng chiều; thì Dương hậu được kiến tạo như là một hình ảnh phụ bị cuốn theo và phụ họa cho những giọng nói của đàn ông. Trong khi, các sử gia Nho giáo chỉ coi Dương hậu như là một bài học cho sự vi phạm đạo vợ chồng, phê phán để làm gương cho các bậc hoàng đế và vương hậu đời sau; thì các nghiên cứu trong thế kỷ 20 lại lấy bà như là một biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam biết hy sinh hạnh phúc cá nhân để giữ gìn sự thống nhất và bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Sử liệu về Dương Vân Nga
Dương hậu hay Dương Vân Nga, được biết đến nhiều vì liên quan một lúc đến cả ba họ Ngô- Đinh- Lê. Cho đến nay, người ta vẫn không hết tranh luận bà là một người hai hay người. Nhưng dù là một hay hai người thì đây vẫn gương mặt phụ nữ kỳ lạ nhất của thế kỷ X, và cũng là một/ hai người phụ nữ đáng nhớ nhất trong lịch sử Việt Nam trung đại. Nếu bà là một người, thì bà vừa là cháu của một ông Tiết độ sứ (Dương Đình Nghệ) và một ông vua (Bình Vương), là vợ của 3 vị vua (Ngô Xương Văn, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn), là mẹ của 2 ông vua nữa (An Vương Ngô Nhật Khánh, và Vệ Vương Đinh Toàn), cuối cùng bà còn là mẹ vợ của hoàng đế Lý Công Uẩn (như truyền thuyết). Nếu quả như thế thật thì sử liệu nào cho phép suy luận và vẽ ra một nhân vật tầm cỡ – thú vị đến như vậy?
Sử liệu 1: ghi chép sự kiện tháng 10 âm năm 979, sau khi Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị ám sát. “Khi ấy Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, cùng Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn rước Vệ Vương Toàn lên ngôi Hoàng đế, tôn gọi vua là Tiên Hoàng Đế, tôn mẹ đẻ [vua mới] là Dương thị làm Hoàng thái hậu. Rước linh cữu Tiên Hoàng Đế về táng ở sơn lăng Trường Yên”1.
Sử liệu 2: chép ở mục Phế Đế: “Vua nối ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn nhiếp chính, làm công việc như Chu Công, tự xưng là Phó Vương. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn cùng nhau dấy binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô giết Hoàn, nhưng không đánh nổi, bị giết. Trước đó khi Điền và Bặc cất quân, Thái hậu nghe tin, lo sợ bảo Hoàn rằng: “Bọn Bặc dấy quân khởi loạn làm kinh động nước nhà ta. Vua còn nhỏ yếu chưa kham nổi nhiều nạn, các ông nên liệu tính đi chớ để tai họa về sau”. Hoàn nói: “Thần ở chức Phó Vương nhiếp chính, dù sống chết biến họa thế nào, đều phải đảm đương trách nhiệm”.
Sử liệu 3: Chép sự kiện cuối năm 979 về Ngô Nhật Khánh: “Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước. Nhật Khánh là con cháu của Ngô Tiên chúa Quyền, trước xưng là An Vương, cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng. Tiên Hoàng dẹp yên, lấy mẹ Khánh làm hoàng hậu, lấy em gái Khánh làm vợ Nam Việt Vương Liễn, còn lo sinh biến, lại đem công chúa gả cho Khánh, ý muốn dập hết lòng oán vọng của hắn. Nhật Khánh bề ngoài cười nói như không, nhưng trong lòng vẫn bất bình, bèn đem cả vợ chạy sang Chiêm Thành, đến cửa biển Nam Giới rút đao ngắn xẻo má vợ kể tội rằng: “Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta”. Nói xong bèn đi. Đến đây nghe tin Tiên Hoàng băng, Khánh dẫn người Chiêm vào cướp.”2
Sử liệu 4: tháng 7 âm năm 980, nhà Tống nghe nói nhà Đinh có biến, bèn sai Hầu Nhân Bảo sang đánh Đại Cồ Việt. “Bấy giờ, Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cư Lạng làm Đại tướng quân. Khi [triều đình] đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng: “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho ? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”. Quân sĩ nghe vậy đều hô “vạn tuế!”. Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [980], giáng phong vua làm Vệ Vương.”3
Sử liệu 5: Sau chiến thắng Nam Hán, năm 980, Lê Hoàn được bề tôi tôn xưng là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí nhân quảng Hiếu Hoàng Đế. Năm 981, “Lập Hoàng thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ đẻ của Vệ Vương Toàn. Khi vua lấy được nước, đem vào cung, đến đây lập làm Hoàng hậu, cùng với Phụng Càn Chí Lý Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu, Trịnh Quấc Hoàng Hậu, Phạm Hoàng Hậu là 5 hoàng hậu (về sau, tục dân lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng và Đại Hành và tượng Dương hậu cùng ngồi, hồi quốc sơ [đầu thời Lê] vẫn còn như thế. Sau An Phủ Sứ Lê Thúc Hiển mới bỏ)”.4
Các sử liệu trên trình bày rõ một hiện trường phong phú về bà trong bối cảnh chính trị cung đình thế kỷ X. Chúng ta thấy, lần đầu tiên trong lịch sử thế kỷ X, một người phụ nữ đã lên tiếng và được ghi vào chính sử, hoặc ít ra lần đầu tiên các sử quan để cho phái yếu được phát ngôn.
Dương Thái Hậu bảo Hoàn mà cũng là bảo cả những người theo phe mình: vua còn nhỏ dại, các ông cứ liệu tính chớ để di họa. Hoàn tự đáp với tư cách Phó vương, đương nhiên đó là trách nhiệm của mình. Một kịch bản mà có lẽ cả hai người đã tính toán rất kĩ trước khi ra chầu trước bách quan. Rồi trước nguy cơ chiến tranh với nhà Tống, trong thế “trứng đặt đầu đẳng”, lần thứ hai, người đàn bà quyền lực lên tiếng. Toàn thư ghi, Thái Hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đánh giặc, chọn được Phạm Cự Lạng ở Nam Sách Giang5 làm Đại tướng quân. Cự Lạng về Hoa Lư chuẩn bị kế hoạch chống giặc. Nhưng trước tiên là phải ổn định triều chính. Thái Hậu và Lê Hoàn chọn Phạm Cự Lạng làm Đại Tướng Quân. Đại Tướng họ Phạm liền tấu thẳng giữa triều đình về việc tôn Hoàn làm Hoàng Đế. Ba lý do được đưa ra: Hoàng Đế thì trẻ mỏ; giặc Tống đã đến gần; xuất quận ra trận, nếu thắng thì ai biết cho mà ghi công. Hai ý cuối cùng đã đánh trúng tâm lý của tất cả những người đang ăn lộc triều đình. Điểm tinh tế ở chỗ, sử mô tả Đại Tướng Quân Phạm Cự Lạng vào triều lại “mặc nguyên giáp trụ đi thẳng vào Nội phủ” để bàn kế hoạch tôn Hoàn làm Thiên tử trước khi đánh giặc. Lạng nói xong thì quân sĩ đều hô vạn tuế. Vậy thì hiển nhiên, việc triều đình Hoa Lư đồng ý Lê Hoàn lên ngôi còn vì phải chịu dưới sức ép của lực lượng quân sự. Vở kịch diễn ra đúng như dự toán của đạo diễn Dương Thái Hậu, lúc này bà mới sai người mang áo long cổn đến khoác lên mình Lê Hoàn, mời ông lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, và giáng ông con ruột 6 tuổi xuống làm Vệ Vương.
Dương Hậu – từ tấm gương “tày liếp” của đạo đức Nho giáo
Trong suốt chiều dài lịch sử sau này, chúng ta hãy cùng xem Ngô Hậu – Dương Hậu đã được hiện lên như thế nào dưới ngòi bút của các sử thần Nho gia.
Về Dương Hậu thời Đinh- Lê, Ngô Sĩ Liên đã phê bình từ góc độ đạo đức rằng: “Đạo vợ chồng là đứng đầu nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sau?”6 Ngô Thì Sĩ bàn thêm: “Đại Thắng Minh là tôn hiệu của Đinh Tiên Hoàng. Đại Hành dùng tôn hiệu của vua đã mất, làm tên hiệu cho Hoàng hậu của mình, không còn kiêng kị gì nữa. Thật là quá quắt”7. Ngô Sĩ Liên đã phê bình Dương Hậu và Lê Hoàn từ một bối cảnh thời đại mà Nho giáo đậm đặc hơn rất nhiều so với 500 năm trước đó. Ông phê phán Thập đạo Tướng quân lợi dụng chức vụ (ra vào cung cấm) thông dâm với vợ vua cũ và là mẹ vua mới (lại trong lúc tang gia bối rối, mẹ góa con côi), là không biết đến liêm sỉ, rồi “dâm dật đến nỗi mất nước”, đó là truyền lại cho con cháu cái thói dâm dật ấy. Mặc dầu, đây là một lối sử bình của một ông Nho thần dành cho một ông vua Nho giáo, nhưng ta vẫn thấy, thân phận người phụ nữ họ Dương!
Những phê phán ấy, từ chính sử, đi vào trong dân gian nhiều đời, với nhiều mức độ khác nhau. Nó trở thành một diễn ngôn sống động mà các sử thần đời sau, núp bóng quyền uy của ông vua đương thời, để mắng mỏ hoàng đế vương hậu triều trước như là các “tấm gương tày liếp” cho việc lỗi đạo vợ chồng, loạn mối nhân luân, đầu têu cho con cái và bách tính làm chuyện phản loạn. Toàn thư ghi việc thờ cúng ba vị Đinh Hoàng Đế – Dương Hậu – Lê Hoàng Đế đã tồn tại từ thời Lê sơ8. Sử quan cho rằng, đó là do tục lệ dân gian tự thờ cúng nên mới có sự “ngồi chung” bất chính như thế! Việc An phủ sứ Lê Thúc Hiển9 bãi bỏ việc thờ cúng theo kiểu “dâm từ” cho thấy quyền lực “vương hóa” của triều đình.
Ở một chiều hướng ngược lại, đầu thế kỷ 17, triều đình Lê – Trịnh (chính xác là Trịnh Kiểm) đã sai Quận công Bùi Thời Tung và bộ Công dốc tiền làm lại miếu thờ và tô tượng ba vị, nhưng tác làm hai đền thờ khác nhau. Bia Tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành Hoàng đế bi ký tịnh minh (1611) ghi việc tạo 3 tượng thờ ở đền vua Lê gồm có: Lê triều Đại Hành Hoàng đế, Bảo Quang Hoàng thái hậu và Ngọa triều Hoàng đế10. Bảo Quang Hoàng Thái Hậu có lẽ chính là thụy hiệu/ miếu điều tra văn hóa từ những năm 1980, mỗi khi đến ngày kị Đinh Tiên Hoàng dân làng có làm nghi lễ rước tượng, tượng Dương Hậu được rước từ đền thờ vua Lê sang đền thờ vua Đinh rồi cúng xong lại trả “Bà” về. Nhưng có chi tiết quan trọng nhất của nghi lễ là lật đít tượng lên đánh mười roi trước khi cho về với ông chồng cũ11.
Nhân dân trước nay (trong cuối thế kỷ XX) vẫn coi tượng này là “Dương Vân Nga”. Tượng này có đặc điểm là tô mặt đỏ (một thủ pháp mới lạ so với các hệ thống tượng vương hậu thời này), mặt xoay về hướng đền thờ Đinh Tiên Hoàng, hàm ý biểu thị sự hổ thẹn vì đã thất tiết với chồng cũ12. Rõ ràng, triều đình Lê Trịnh, trong quá trình xây dựng các thần điện cho các vua triều trước (như tiền lệ cho tính chính thống của triều đại mình), đã tái sử dụng “lưỡng triều Hoàng hậu” Dương thị để tiếp dục giáo dục xã hội về đạo đức của người phụ nữ. Cùng một biểu tượng, nhưng mỗi thời có cách xử lý khác nhau. Đầu thế kỷ XV, ba vị được thờ theo kiểu “táo công” dân gian, để người đời sau giễu nhại, một bà hai ông ngồi chung một bệ: miếu đông thẹn ngắm duyên bà già (Đông miếu tu khan lão phụ duyên”13. Sau năm 1436, Lê Thúc Hiển coi Dương Hậu không đủ tư cách ngồi chung với hai ông Hoàng đế vì chuyện mất đức làm vợ, và gạt bà ra khỏi thần điện của nước Đại Việt. Đến đầu thế kỷ XVII, triều đình lại đưa bà vào thờ nhưng có “siêu chỉnh” về cách thức tô tượng và hướng thờ. Việc nêu gương thất tiết không còn chỉ nằm trong chính sử mà lại được đưa vào trong tự điển quốc gia.
Sách Đại Nam quốc sử diễn ca ghi:
Nối sau Thiếu Đế thơ ngây,
Lê Hoàn tiếp chính từ rày dọc ngang.
Tiếm xưng là Phó quốc vương,
Ra vào cùng ả họ Dương chung tình.14
Cuối thế kỷ 19, các huyền thoại đã phủ khắp dân gian, rồi lại tiếp tục đi ngược vào chính sử và quốc chí. Đại Nam nhất thống chí khi ghi về trấn cũ Vân Sàng thì có giải thích từ nguyên rằng: “tục truyền là cái giường (sàng) mây nước (vân) giao nhau vì Dương Hậu (bà phi của Đinh Tiên Hoàng) đặt giường trên sông để đón Lê Hoàn. Khi vua đến có mây ngũ sắc xuất hiện nên gọi là vân sàng”15.
… bị dân gian biếm họa
Trong khi các bộ sử quan phương và điển lễ triều đình nhấn mạnh về sự bất chính của Dương Hậu từ góc độ chính trị, thì dân gian lại xoáy thêm vào mặt tính dục của bà hoàng này. Sách Hoàn Vương ca tích sưu tầm ở đất Hà Nam mô tả vẻ đẹp của Dương Hậu như sau:
“Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn
Mắt kia sao mọc cờn cờn
Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân”…
Ðồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm.16
Các ngữ liệu văn học vừa nêu trên trình bày một hiện trường hiển minh về quyền lực kiến tạo tri thức lịch sử của triều đình Nho giáo. Các tri thức lịch sử, và tính chất của các sự kiện đã hiện rõ chính – ngụy, thông qua các lời bao biếm của các sử quan, từ đó hệ tư tưởng Nho giáo lan tỏa đến các tầng lớp khác nhau. Những người biên soạn các tác phẩm văn học có chủ đề lịch sử (từ các nhà Nho vô danh, khuyết danh, cho đến các ông đồ làng xã, các vị quan lại lịch triều, các vị thân vương, đại thần), trên một hệ tư tưởng thống nhất về đạo đức, trinh tiết của phụ nữ, đã tiếp tục lan tỏa quan điểm của mình đến nhiều tầng lớp xã hội thông qua các tác phẩm văn học Nôm diễn ca lịch sử, các tác phẩm này là để cho phụ nữ (phần lớn là mù chữ) học thuộc lòng. Dung mạo của Dương Thái Hậu được mô tả với hình ảnh đầy chất đa tình. Tức là lý giải mối quan hệ bất chính của Dương Hậu có thể xuất phát từ góc độ sinh lý. Các loại động vật cũng được huy động để mô tả hành động: chim thì kề mỏ, bướm thì xỏ mày, mây thì ngồi xổm, cá thì lượn thành đàn trên mây. Rõ ràng ở đây, một tác giả dân gian (vô danh) đã không hề có một ý niệm về sự tôn kính đối với một vị Hoàng hậu- Hoàng Thái Hậu trong quá khứ đã xa. Ông (có lẽ vẫn là đàn ông) chỉ nhìn thấy hình tượng một người đàn bà quyền lực với câu chuyện tình sống động qua lời bình của sử sách.
Cho đến một Dương Thái Hậu – có huân lao với quốc dân
Sang đến đầu thế kỷ XX, khi hệ hình tư tưởng thay đổi, biểu tượng Dương Thái Hậu đã bắt đầu có những chuyển biến quan trọng, nhưng không ít trường hợp vẫn bảo lưu nội hàm Nho giáo xưa cũ. Những tranh luận, đối thoại trực tiếp giữa các tác giả cho thấy sự chuyển đổi ít nhiều về tư tưởng sử ngay trong tầng lớp trí thức nửa phong kiến nửa thực dân. Đến nửa sau thế kỷ XX, cùng với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, và hệ tư tưởng mới, Dương Thái Hậu đã được cởi bỏ diễn ngôn đạo đức Nho giáo và khoác lên mình màu áo vàng son mới với các thuật ngữ mới về “quốc gia”, “dân tộc” và “chủ nghĩa yêu nước”.
Năm 1942, Tạp chí Tri Tân đã ra riêng một số chuyên đề về Đinh Tiên Hoàng, trong đó có bài của Song Cối với nhan đề “Nhân nói đến gia đình vua Đinh, tôi bào chữa cho Dương Thái hậu”, ông mở đầu như sau: “nói đến Dương thị, một vị Hoàng hậu trước đã đẹp duyên với Đinh Tiên Hoàng Đế, sau lại nối dây cầm sắt với vua Lê Đại Hành, nhiều người tin trí rằng bà là một gái phụ tình, một nàng dâm phụ; rồi vì thành kiến đã in sâu hàng nghìn năm nay, người ta vội cho ngay là một vết nhơ trên lịch sử. Cái án ấy quả có đúng không, công bằng không, ta nay cần phải lập một “tòa án công luận”, xét lại hồ sơ mà phúc xử mới được…”17. Tác giả đã giũ bỏ hoàn toàn quan niệm về Trung – Trinh, về tiết hạnh, về đạo phu phụ (nhân luân) của Nho giáo. Đàn bà (dù là Hoàng hậu) thì không nhất thiết phải thủ tiết với một đời chồng, nhất là khi chồng đã chết. Ông đã tiếp thu các tư tưởng duy vật của phương Tây để lý giải chuyện nam – nữ cũng chỉ là vấn đề sinh lý tự nhiên18, là nhu cầu tối thiểu như cơm ăn nước uống mà “thánh nhân” Nho giáo ngày xưa ai cũng có. Ông cho rằng nhu cầu tình dục (của đàn bà) cũng là “một quyền tự tồn của cá nhân”. Như thế, tác giả đã sử dụng “nhân quyền” để lên tiếng bảo vệ cho Dương Thái Hậu, với tư cách một người phụ nữ cũng có quyền tồn tại như những người đàn ông (ít nhất về thiên tính). Chẳng những thế, khi so sánh với “tình trạng hôn nhân của Đinh Tiên Hoàng”, ông cho rằng, đàn ông được đa thê, thế thì làm sao mà phụ nữ không được quyền tái giá. Ông đòi bình quyền cho nữ giới, và yêu cầu xã hội phải cải chính danh dự cho Dương Hậu.
Một biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc
Các bộ sử được viết trong nửa sau thế kỷ XX, thường chỉ nhấn mạnh đến vai trò của Lê Hoàn, và bỏ qua chi tiết Dương Thái Hậu khoác long bào cho Lê Hoàn, cũng như chuyện tình cảm cá nhân giữa hai người19. Cuốn Lịch sử Việt Nam mô tả “vận mệnh của cả dân tộc đang bị nạn ngoại xâm đe dọa nghiêm trọng. Chính quyền độc lập non trẻ đang đứng trước một thử thách lớn. Trong lúc đó, vua Đinh còn ít tuổi chưa đủ khả năng và uy tín để tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến. Vì sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, quân sĩ và một số quan lại liền suy tôn Lê Hoàn lên làm vua…”20
Sự biến mất của Dương Thái Hậu cũng là một chỉ số cho thấy, các sử gia chỉ quan tâm đến các đại tự sự, các biến cố lớn trên chính trường, và không quan tâm đến các chuyện cá nhân đan xen với chính trị, nhất là chuyện liên quan đến phụ nữ và tình cảm.
Cho đến năm 1971, Văn Tân là người đầu tiên trong giai đoạn mới, đã lên tiếng về Dương Thái hậu trong bài “Nhân dịp kỷ niệm 900 năm chiến thắng Chi Lăng lần thứ nhất (981), Thử tìm hiểu cống hiến của Lê Hoàn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ X”. Ông đã mô tả lại việc sử dụng lực lượng quân sự của Lê Hoàn và Phạm Cự Lạng để thực hiện cuộc chuyển ngôi từ Đinh sang Lê. Trong khi “triều đình còn đang lúng túng chưa biết xử trí ra sao, thì bà Dương Vân Nga tức Dương Thái Hậu, mẹ Đinh Toàn, lấy áo hoàng bào khoác vào Lê Hoàn và mời ông lên ngôi vua. Hành động mạnh dạn và sáng suốt của bà Dương Vân Nga mở một lối thoát cho triều đình, tạo cơ sở pháp lý cho Lê Hoàn để ông này có thể lên thay nhà Đinh mà vẫn không mang tiếng là cướp ngôi của vua nhà Đinh”21. Văn Tân đã lược bỏ các chi tiết tình ái đời tư giữa Dương Thái Hậu và Lê Hoàn, cũng như bỏ qua toàn bộ các kiểu phê phán của sử thần phong kiến. Ông cô lập hóa sự kiện để việc chuyển ngôi mang sắc thái trung tính và khách quan. Sự tái mô tả của Văn Tân là một hiện trường hiển minh cho quá trình con người chính trị (phe đàn ông) đã tái sử dụng hình ảnh của phụ nữ cho những gì mà thời đại mong muốn.
Năm 1981, Văn Tân tiếp tục phát biểu về Dương Thái Hậu với những ý vị mới. Ông viết: “tiếng nói của quân đội lúc này là tiếng nói của cả dân tộc trong lúc thế nước gặp gian nguy… Truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc Việt Nam nói chung và của phụ nữ Việt Nam nói riêng đã làm cho Dương Thái Hậu nhanh chóng tìm ra một lối đi phù hợp với lợi ích của dân tộc… Việc chủ động chuyển quyền hành của bản thân mình và của con mình cho Lê Hoàn, Dương Thái Hậu tỏ ra là một phụ nữ khôn ngoan, sáng suốt, dám lựa chọn sự hy sinh lớn khi cần phải lựa chọn. Hành động của bà rất đẹp đẽ, nó có tác dụng hàn gắn mọi rạn nứt trong lực lượng dân tộc nảy sinh ra từ cái chết đột ngột của Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Đinh Liễn.”22 Cách đánh giá về sự kiện Dương Thái Hậu như trên có một bước ngoặt quan trọng về hệ hình viết sử. Văn Tân đã đưa “dân tộc”- khái niệm quan trọng nhất của bối cảnh chính trị đương thời, vào trong hoạt động nghiên cứu lịch sử. “Dân tộc” là vấn đề trung tâm, “đoàn kết dân tộc” là hoạt động thiết thực của người làm chính trị, các “rạn nứt trong lực lượng dân tộc” là nguy cơ của việc phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, dẫn đến việc giặc xâm lược, đe dọa đến độc lập dân tộc. Mà Độc lập là lợi ích sống còn của dân tộc. Dương Thái Hậu đã được đặt vào khung lý thuyết mới, hệ tư tưởng mới. Bà được đánh giá là người đã biết hy sinh lợi ích cá nhân để hàn gắn rạn nứt dân tộc, là người đã khôn ngoan tiến hành công tác đoàn kết dân tộc, thể hiện ý chí của toàn thể dân tộc.
Nhiều tác giả ở thời điểm này như Nguyễn Danh Phiệt, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huệ Chi cũng có những tiếng nói tương đồng với Văn Tân trong việc đánh giá vai trò của Dương Thái Hậu. Sau này, có những nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử nữ phân tích hình tượng Dương Thái Hậu, nhưng việc phân tích từ quan điểm, giọng nói của phụ nữ vẫn còn khá hiếm hoi. Đến Lee Seon Hee là người phụ nữ đầu tiên phân tích về hình ảnh Dương Thái Hậu góc độ “phê bình nữ quyền” (Feminist Narratology)23, từ quan điểm và giọng nói của phụ nữ. Lee Seon Hee đã sử dụng các khái niệm như “nữ tính”, “quyền tự do yêu đương”, “quyền tự do hôn nhân”,… trong lập luận của mình. Hành động Dương Thái Hậu yêu Lê Hoàn, trao ngôi cho Lê Hoàn, làm Hoàng hậu của Lê Hoàn được nhận định như là chuỗi hành động thuộc về “tính nhân bản”. Theo Lee Seon Hee, Thái hậu đã “chứng minh giá trị lớn lao của người phụ nữ không chỉ ở sự giác ngộ tự thân về quyền lợi về địa vị của mình phải gắn liền với quyền lợi và địa vị của quốc gia dân tộc mà còn ở cả trí thông minh, tầm nhìn chiến lược đồng thời lại cũng rất nữ tính nữa”24. Dương Vân Nga là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử đã nêu một tấm gương sáng về quyền tự quyết định vận mệnh của bản thân mình – quyền tự do yêu đương, tự do hôn nhân mà không bị lệ thuộc vào giáo lý phong kiến, cũng như thói thường của dư luận”25. Giá trị cuối cùng là bà đã được nhân dân thờ ở vị trí trung tâm, coi bà như một biểu tượng “của một tinh thần xả thần vì cộng đồng,…, của một trái tim phụ nữ tha thiết yêu đương, nhưng cũng vô cùng dũng cảm để tự quyết định tình yêu của mình”. Lee Seon Hee đứng hẳn về phía phụ nữ, muốn phá bỏ sự bất bình đẳng giới đối với Dương Thái Hậu, phản đối cách nhìn của đàn ông (nhất là đàn ông Nho giáo) đã áp đặt lên. Lee Seon Hee đã khước từ giọng nói của phía đàn ông bằng những biện luận về căn tính nữ của chủ thể lịch sử.
Nhìn chung, hình tượng Dương Hậu là một kết quả của cả quá trình tái tạo tri thức lịch sử bằng cả khoa học và nghệ thuật. Về cơ bản, dù bị mắng nhiếc hay minh oan, hay xuất hiện ảo mờ – khuất lấp, bà (và các bà hoàng hậu khác) vẫn chỉ là các nhân vật phụ được tạo dựng dưới nhãn quan của nhiều lớp đàn ông với hệ tư tưởng hiện dụng của thời đại. Các bà hoàng hậu hiện lên dưới ngòi bút của cánh đàn ông, không phải vì bản thân họ (với tư cách là phụ nữ) mà vì đàn ông vì các lợi ích gia tộc – phe nhóm – lợi ích chính trị xã hội của đàn ông, họ là tệp đính kèm, tệp phụ, minh họa cho hoạt động chính trị của đàn ông, và thể hiện các diễn ngôn chính trị mà đàn ông đã tạo nghĩa lên hình ảnh của họ.
—
Chú thích:
1,2,3,4,6 Ngô Sĩ Liên, 1479, Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, 1998.
5 Có lẽ là Lạng là Thứ sử châu Nam Sách Giang (xem thêm phần viết về “Có hay không loạn 12 sứ quân?”
7 Đặng Xuân Bảng, 1905, <越史綱目節要> Việt sử cương mục tiết yếu, Ký hiệu: A.1592/1 – 2: 609 tr., 31 x 20, VNCHN, Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải, Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 2000. Tr.69.
8 [Ngô Sĩ Liên, 1479, Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, 1998, tr.221-2]. Tạ Chí Đại Trường cho là việc thờ cúng này đến Lê sơ đã qua vài trăm năm.
9 Toàn thư ghi Năm 1436, Lê Thúc Hiển được làm “An phủ sứ lộ Trường yên. Hiển người thôn Hồn, thuộc Hồng Châu, có tài về chính sự, được mọi người khâm phục”.
10 Nguyễn Lễ soạn, 1611, Tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành Hoàng đế bi ký tịnh minh, Văn bia đền thờ Vua Lê, Ninh Bình.
11 Trần Hậu Yên Thế, 2013, bđd, tr.715. Xem thêm Nhị Hà, 2009, Có nên duy trì tên đường Dương Vân Nga, Tạp chí Hồn Việt, Nguồn: http://www.honvietquochoc.com. vn/bai-viet/3068-co-nen-duy-tri-ten-duong-duong-van-nga.aspx. Ngày đăng: 06 Tháng Mười 2009.
12 Trần Hậu Yên Thế, 2013, Bảo Quang Hoàng Hậu là ai? Tại sao lại có danh hiệu này? Trong “Thông báo Hán Nôm học 2012”, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.713-718.
13 Song Cối, “Nhân nói đến gia đình vua Đinh, tôi bào chữa cho Dương Thái hậu”, Tạp chí Tri Tân, số 41, thứ 3, 7 Avril 1942, tr. 18.
14 Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, 1870, <大南国使演歌> Đại Nam quốc sử diễn ca, Trí Trung Đường in năm Tự Đức 23. VNv. 118, Lã Minh Hằng khảo cứu phiên âm chú thích, Nxb Văn học, Hà Nội, 2008. Tr.92.
15 Quốc sử quán triều Nguyễn, 1910, Đại Nam nhất thống chí, T2. Hoàng Văn Lậu dịch, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2012. Tr.1044. Nguyễn Tử Mẫn 阮 子忞, 1862, <寧平全省地誌考辨> Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện, A.922, VNCHN, Nguyễn Mạnh Duân dịch, Nguyễn Thụy Ứng hiệu đính, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.126
16 Hoàn vương ca tích, Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị, Nguyễn Văn Điềm sưu tầm, giới thiệu, Lao động, Hà Nội, 2011. Đền thờ ở đình Bách Cốc, xã Thành Lợi, Vụ Bản, Nam Định.
17 Song Cối (Hoàng Thúc Trâm), “Nhân nói đến gia đình vua Đinh, tôi bào chữa cho Dương Thái hậu”, Tạp chí Tri Tân, số 41, thứ 3, 7 Avril 1942, tr. 18.
18 Đầu thế kỷ 20, các sách về tình dục của phương Tây đã được dịch sang tiếng Hán và tiếng Việt.
19 Ví dụ Đào Duy Anh (Lịch sử Việt Nam, sđd,), hay bộ Lịch sử Việt Nam của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
20 Ủy ban Khoa học Xã hội, 1971, Lịch sử Việt Nam, T.1, Nxb.KHXH. Hà Nội, tr.145.
21 Văn Tân, Nhân dịp kỷ niệm 900 năm chiến thắng Chi Lăng lần thứ nhất (981), Thử tìm hiểu cống hiến của Lê Hoàn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ X, NCLS, 1971, số 140, tr.2.
22 Văn Tân, Vai trò của Lê Hoàn hồi thế kỷ X đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, NCLS, 1981, số 2 (197), tr.7.
23 Susan Lanser, “Toward a Feminist Narratology”, in Feminisms: An Anthology of Literary Theory and Criticism, Robyn Warhol & Diane Price Herndl, Rutgers University Press, New Brunswick & New Jersey, tr.674-693.
24 Lee Seon Hee, Thái hậu Dương Vân Nga và vai trò của người phụ nữ Việt Nam hồi thế kỷ X , NCLS, 2000, số 5 (312), tr.52.
25 Lee Seon Hee, bđd, 2000, số 5 (312), tr.53.
Hình: Nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga trong vở kịch cùng tên.
Nguồn: Tia Sáng