Cách bảo vệ hệ thống thương mại thế giới khỏi Trump

Nguồn: Mari Pangestu, “How to save the world trading system from Trump”, East Asia Forum, 15/10/2018.

Biên dịch: Nguyễn Minh Quân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bất chấp kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất, dòng vốn chảy vào Mỹ đã làm cho đồng đô la tăng giá so với đa số các đồng tiền chủ chốt.

Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất là Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước vốn đang gặp khó khăn về tài khóa có nguyên nhân từ bối cảnh chính trị. Brazil, Nam Phi và các quốc gia mới nổi của châu Á cũng bị ảnh hưởng – mặc dù đồng tiền của những quốc gia này giảm giá ở mức thấp hơn trong khoảng 10 đến 12 phần trăm. Và cả đồng nội tệ Australia và Trung Quốc cũng lần lượt giảm giá khoảng 8 phần trăm và 5 phần trăm.

Mức độ giảm giá đồng tiền tại các nền kinh tế khác nhau phản ánh nhận thức của các nhà đầu tư về sự khác biệt trong điều kiện kinh tế vĩ mô nền tảng của những nền kinh tế này, đặc biệt là mức độ thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách, cũng như triển vọng chính sách của các nước này.

Sự tăng giá của đồng đô la đặt ra những câu hỏi về khả năng trả những khoản nợ định giá bằng đồng đô la của các quốc gia mới nổi và những khó khăn mà điều này sẽ gây ra cho hệ thống tài chính của họ. Kể cả nếu điều kiện kinh tế hiện tại cho thấy khả năng lây lan từ Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ là thấp, Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde đã cảnh báo rằng “những điều này có thể thay đổi nhanh chóng”. Sự bất định đang hiện hữu là một mối đe dọa trước mắt và rõ ràng.

Bất trắc trong nền kinh tế thế giới đang trên đà gia tăng kể từ sau cuộc trưng cầu Brexit và việc Tổng thống Trump đắc cử hồi năm 2016, và hồi năm 2017 khi nước Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đưa ra đe dọa áp đặt rào cản thương mại. Sự bất trắc này đã tăng cao hơn từ tháng Một năm 2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện những lời đe dọa của ông ta để khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại song phương – những gì ông coi là ‘thương mại không công bằng’ đối với Mỹ – bằng cách áp đặt thuế quan lên tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt, sau đó là nhôm và thép.

Từ tháng Ba, sự bất trắc lớn nhất đến từ các xung đột thương mại kiểu ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu với việc Mỹ áp đặt mức thuế 25 phần trăm lên lượng hàng xuất khẩu trị giá 50 tỷ đô của Trung Quốc. Trung Quốc trả đũa với mức thuế quan tương  tự lên khối lượng thương mại tương tự từ Mỹ. Sau đó, Trump leo thang cuộc chiến thương mại hồi tháng Chín với thông báo áp mức thuế 10 phần trăm lên 200 tỷ đô la hàng xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ.

Xung đột thương mại Mỹ-Trung và sự bất trắc vây quanh nó được dự kiến sẽ gây ảnh hưởng tới dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu. Ảnh hưởng của sụt giảm xuất khẩu từ Trung Quốc tới Mỹ đối với tăng trưởng của Trung Quốc sẽ làm giảm nhập khẩu của Trung Quốc, sau đó sẽ tác động tới nhiều quốc gia vốn coi Trung Quốc là đối tác thương mại chính.

Điều này có nghĩa rằng Trung Quốc và các quốc gia đối mặt với rào cản thương mại từ Mỹ sẽ tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm của họ. Bối cảnh này đã khiến một số quốc gia áp đặt rào cản hoặc tiến hành các cuộc điều tra tự vệ thương mại, ví dụ như đối với mặt hàng thép. Sự bất trắc này đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư khi các doanh nghiệp đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự gia tăng rào cản thương mại đối với chuỗi cung ứng của họ.

Bây giờ vẫn còn khá sớm để có thể đánh giá được mức độ gián đoạn sẽ nghiêm trọng đến thế nào, bởi vì phân tích chuỗi cung ứng là rất khó. Nhưng tổn thất cuối cùng sẽ là rất lớn bởi vì các doanh nghiệp sẽ phải đánh giá lại các quyết định thương mại và đầu tư của họ để bảo vệ bản thân trước các hàng rào thuế quan thay vì tìm cách tối đa hóa sức cạnh tranh của mình.

Một phương diện đáng lo ngại nhất là nước Mỹ, sau 75 năm trong vai trò người ủng hộ lớn nhất, giờ đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của hệ thống thương mại dựa trên luật lệ vốn có thể dự đoán được và công bằng cho thương mại thế giới. Không có ánh sáng nào rõ ràng ở phía cuối đường hầm.

Câu hỏi mấu chốt là: Mục đích của Trump là gì? Có phải là thay đổi luật chơi để tăng lợi ích cho nước Mỹ và giải quyết vấn đề “chính sách định hướng phi thị trường” của Trung Quốc, hay là chống thương mại và Nước Mỹ trước tiên? Giả sử là điều đầu tiên thì có ít nhất ba phản ứng quan trọng cần được nhắc đến.

Đầu tiên là bảo vệ sự ổn định của Tổ chức Thương mại Thế giới trong vai trò một khuôn khổ chung dự đoán đoán được, công bằng và ổn định. Để đạt được mục tiêu này, các cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO phải tiếp tục hoạt động hiệu quả. Một bài kiểm tra là vụ kiện của Trung Quốc và châu Âu chống lại mức thuế quan của Mỹ đối với sản phẩm thép và nhôm, và vượt qua sự ngăn cản của Mỹ đối với việc bổ nhiệm hội đồng thẩm phán.

Để đảm bảo rằng Mỹ không sử dụng các công cụ đơn phương lộ liễu để giải quyết những lo ngại của mình có nghĩa là các quy tắc của WTO cần được cải cách. Nhiều việc cần phải được hoàn thành hơn để giải quyết những vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, môi trường, lao động, chính sách cạnh tranh, trợ giá, thuế, dữ liệu điện tử và đối xử đối với các quốc gia đang phát triển.

Thứ hai, quá trình hội nhập phải tiếp tục, có hoặc không có nước Mỹ. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một điểm khởi đầu tốt đẹp. Và điều tối quan trọng là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) phải được hoàn tất vào tháng 11 năm nay. Đây là những tiến trình quan trọng cho thấy sự cam kết tiếp tục của Đông Á đối với mở rộng thị trường và thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư.

Thứ ba, và là điều mà đa số đồng ý là quan trọng nhất, là cải cách đơn phương. Trong thời kỳ gia tăng bất ổn toàn cầu và không gian chính sách giới hạn cho việc kích cầu, cải cách cấu trúc là một điều bắt buộc đối với các quốc gia Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc. Các cải cách này liên quan tới thương mại và đầu tư, cũng như về chính sách cạnh tranh, tài sản trí tuệ, vai trò của doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững. Quá khứ cho thấy các cải cách đơn phương có nhiều khả năng thành công hơn khi có áp lực từ các quốc gia khác và sự đối chiếu với các cam kết quốc tế.

Nếu thiếu đi nỗ lực chung và sự đoàn kết của nhóm lãnh đạo thiện chí, bao gồm châu Âu và Đông Á, tương lai của hệ thống thương mại dựa trên luật lệ sẽ tiếp tục bị đe dọa.

Mari Pangestu là cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia và là Giáo sư tại trường Đại học Indonesia (University of Indonesia).