Người hay Quỷ? Phiên tòa xét xử tên đồ tể Khmer Đỏ

Tác giả: Andrew Meritha | Biên dịch: Đinh Nho Minh

Man or Monster? The Trial of a Khmer Rouge Torturer. Tác giả: Alexander Laban Hinton. Durham and London: Duke University Press, 2016. Bìa mềm: 350 trang.

Cuốn sách mới nhất của của Alexander Laban Hinton, tựa đề Người hay Quỷ? Phiên tòa xét xử tên đồ tể Khmer Đỏ, xoay quanh Kain Guek Eav (thường được gọi là Duch), giám đốc Nhà tù S-21 của chế độ Khmer Đỏ, và có lẽ là người được viết về nhiều nhất trong chính quyền Pol Pot (trừ chính Pol Pot). Cuốn sách là một đề tài đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ngoài các cuộc phỏng vấn phần lớn mang  tính không chính thức mà Hinton thực hiện với các nhân chứng và người tham gia vụ xét xử Duch, phần lớn dữ liệu của cuốn sách này được lấy từ nguồn công khai (mối quan hệ của Hinton với Trung tâm Dữ liệu Campuchia cũng giúp Hinton được tiếp cận các tài liệu và hình ảnh của trung tâm, qua đó mang lại cho cuốn sách ảnh hưởng lớn hơn).

Vậy cuốn sách có gì mới? Câu trả lời nằm ở cách sắp xếp và trình bày các dẫn chứng. Khả năng kể chuyện của Hinton đã thổi một luồng gió mới vào một chủ đề quen thuộc. Với những độc giả lần đầu tìm hiểu về bạo lực và sự chết chóc mà Khmer Đỏ gieo rắc, đây là một nguồn hữu dụng để tìm hiểu về vai trò của Duch trong việc tra tấn và tàn sát, cũng như về các phiên xét xử y. Nhưng với những ai đã quen thuộc với chủ đề này sẽ muốn Hinton làm được hơn thế. Vậy Hinton có đáp ứng được đòi hỏi này?

Bất chấp vài thiếu sót đâu đó, tôi vẫn thấy khó mà đặt cuốn sách này xuống.

Hinton đã kết hợp giữa nghiên cứu và kể chuyện, “sử dụng các kĩ thuật văn chương, bao gồm thơ, để khơi gợi và diễn tả sự mơ hồ và nghịch lý… trong việc tự đặt mình trong câu chuyện” (trang 36). Mọi thứ trở nên hấp dẫn. Cuốn sách mở đầu với sơ yếu lí lịch cơ bản về Duch (trang 41-43),  một đoạn thơ phát triển từ những văn bản bị kiểm duyệt (trang 168) và một bức tranh ghép. Đoạn viết về sơ yếu lí lịch rất hiệu quả như nhiều phần khác, nhưng nó chỉ là một phần nhỏ trong cuốn sách được chia thành nhiều chương này với đa phần là văn xuôi bình thường này.

Các chương khác nói về quá trình xét xử và phân tích để làm rõ hơn về Duch. Cách viết của Hinton rất mạch lạc, trôi chảy, và lôi cuốn. Câu chuyện về nhân vật của ông xoay quanh cách mà Duch được đánh giá, về phiên xử Duch tại Tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC), ở Bào tàng Toul Sleng, ở trong các hồi kí,vv… Nhiều phần viết của Hinton giống như văn phong tường thuật báo chí, khiến độc giả cảm thấy như đang nói chuyện với một chuyên gia về Khmer Đỏ trong phiên xử Duch tại ECCC.

Người hay Quỷ đi theo quá trình xét xử qua lời kể của nhân chứng, các luật sư, và thẩm phán. Hinton có dành thời gian bàn về Francois Bizot – nhà nhân học người Pháp bị Duch giam giữ trong vài tháng năm 1971 và là người nước ngoài duy nhất bị Khmer Đỏ cầm tù mà còn sống sót – như một nhân chứng về Duch. Mặc dù vậy, Hinton đã bỏ lỡ một chi tiết lớn trong lời kể của Bizot: Duch có đủ khả năng để thuyết phục Ta Mok, vị tướng khét tiếng tàn bạo của Khmer Đỏ, về sự vô tội của Bizot (thậm chí thuyết phục Mok trả lại chiếc đồng hồ của Bizot mà ông ta đã tịch thu). Nếu Duch có đủ thẩm quyền để cho Bizot sống sót năm 1971, điều gì thay đổi trong bộ máy an ninh và trong bản thân Duch để đến thời điểm năm 1975 những hành động tương tự không thể tái diễn? Nếu hiểu được điều này sẽ giúp hiểu được một phần lớn về con người Duch.

Các phần khác của cuốn sách dành thời gian nói về sơ đồ, bộ máy tổ chức và cách vận hành của S-21. Phần này có ngôn ngữ sống động, gây ấn tượng mạnh và ám ảnh cho người đọc, chủ yếu khơi gợi cảm xúc người đọc thông qua phỏng vấn trao đổi của tác giả với những người sống sót từ S-21, đặc biệt là Bou Meng.

Ngoài ra, sách còn có những phần tập trung vào các quy trình và những tranh cãi như quyền và vai trò của các bên dân sự hoặc việc có nên truy tố thêm những người khác ngoài 5 bị cáo (Duch, Nuon Chea, Ieng Sary, Ieng Thirith, và Khieu Samphan). Những phần viết về xét xử này hơi khó đọc vì nó theo sát từng ngày một của quá trình xét xử, và đáng lẽ ra nên được làm cho sống động hơn với lối hành văn sinh động như kể trên.

Mặc dù tôi chưa chắc có nên gọi đây là một công trình nghiên cứu học thuật truyền thống hay không, vì nó không có dữ liệu mới nào đáng kể, nó vẫn nên được gọi là “hồi ký nghiên cứu”, giống  như các nghiên cứu trước của Hinton để giải thích động cơ đằng sau sự tàn bạo của những cán bộ Khmer Đỏ bình thường khác. Mặc dù đối với một số người một số đoạn trong cuốn sách quá mang tính cá nhân của tác giả (ví dụ như ở trang 25, “Tôi nhận ra một người ngồi hàng thứ tư của phòng xét xử… Người đó theo dõi Duch chào hỏi rồi sau đó ghi chép gì đó vào cuốn sổ tay. Đó chính là tôi”), thì đó là bởi như tác giả thừa nhận, “cuốn sách này là “cách diễn giải của riêng tôi về Duch” (trang 9). Trên hết, cuốn “hồi ký nghiên cứu” Người hay Quỷ Của Hinton vẫn là một công trình can đảm, đột phá và đáng được tìm đọc.

Andrew Meritha là Giáo sư về Quản trị Chính quyền tại Đại học Cornell và là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Khmer (CKS).

Nguồn bài điểm sách bằng tiếng Anh: Contemporary Southeast Asia, Vol. 39, No.2 (2017), pp. 396-98.