Nguồn: Alexander Graham Bell patents the telephone, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1876, Alexander Graham Bell, khi ấy mới 29 tuổi, đã nhận bằng sáng chế cho phát minh mang tính cách mạng của mình – điện thoại.
Sinh ra ở Scotland, Alexander sau đó đến London làm việc cùng với cha mình, Melville Bell, người đã phát triển Visible Speech, một hệ thống chữ viết được sử dụng để dạy nói cho người điếc. Trong thập niên 1870, gia đình Bells chuyển đến Boston, Massachusetts, nơi cậu Alexander tìm được chân giáo viên tại Trường Dành cho Người Khiếm Thính Pemberton Avenue. Sau đó, ông kết hôn với một trong những học sinh của mình, Mabel Hubbard.
Khi ở Boston, Bell trở nên hứng thú với triển vọng truyền lời nói qua dây dẫn. Việc Samuel F.B. Morse phát minh ra điện báo năm 1843 đã hiện thực hóa liên lạc gần như tức thời giữa hai điểm xa xôi. Tuy nhiên, nhược điểm của điện báo là tin nhắn vẫn phải được chuyển tay giữa các trạm điện báo và người nhận, và mỗi lần chỉ có thể truyền một tin nhắn. Bell muốn cải thiện điều này bằng cách tạo ra một máy “điện báo hòa âm” – một thiết bị kết hợp máy điện báo và máy ghi âm để cho phép các cá nhân có thể nói chuyện với nhau từ xa.
Với sự giúp đỡ của Thomas A. Watson, một nhân viên cửa hàng cơ khí ở Boston, Bell đã phát triển một nguyên mẫu. Trong chiếc điện thoại đầu tiên này, sóng âm thanh đã khiến một dòng điện thay đổi cường độ và tần số – và từ đó khiến cho một tấm sắt mỏng, mềm, gọi là màng loa, rung lên. Những rung động này được truyền theo từ tính sang một dây khác kết nối với màng loa trong một dụng cụ khác ở xa hơn. Khi màng loa đó rung, âm thanh gốc sẽ được sao chép vào “tai” của thiết bị thu. Ba ngày sau khi nộp bằng sáng chế, điện thoại đã truyền đi thông điệp đầu tiên của mình – câu nói nổi tiếng “Cậu Watson, đến đây, tôi cần cậu” (Mr. Watson, come here, I need you) – lời thông báo của Bell tới trợ lý của mình.