Nguồn: Russian army lends support to rebels in February Revolution, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1917, sau khi được triệu tập để dập tắt các cuộc biểu tình của công nhân trên đường phố Petrograd (nay là St. Petersburg), hàng loạt các trung đoàn đồn trú tại thành phố đã quyết định đào ngũ để tham gia phe nổi dậy, buộc chính quyền phong kiến phải tan rã và dẫn đến chiến thắng của Cách mạng Tháng Hai ở Nga.
Nguyên nhân trực tiếp nhất của sự bất bình trong nhân dân Nga là kết quả tồi tệ của việc nước này tham gia Thế chiến I. Dù thành công trong những năm đầu tiên của cuộc chiến chống lại Áo-Hung, quân đội Sa hoàng đã phải chịu nhiều thất bại dưới tay quân đội Đức ở Mặt trận phía Đông. Kết hợp với nền kinh tế lạc hậu của Nga, sự đàn áp của chính phủ, và đa phần dân số là nông dân cực kỳ đói khát và thất vọng, thất bại trên chiến trường đã đẩy đất nước vào cuộc cách mạng toàn diện năm 1917.
Các nhóm người biểu tình đã tràn xuống đường phố Petrograd, thủ đô của Nga, vào ngày 08/03/1917, đụng độ với cảnh sát nhưng kiên quyết không chịu rời đi. Đến ngày 10/03, tất cả các công nhân của Petrograd đều đã tham gia đình công; ngày hôm sau, quân đồn trú Petrograd được triệu tập để dập tắt cuộc nổi dậy.
Trong những lần đụng độ đầu tiên, binh lính từ trung đoàn đã nổ súng và giết nhiều công nhân; tổng số người thiệt mạng vào khoảng 1.500. Dù những người biểu tình đã chạy trốn khi bị bắn, họ vẫn không rút lui hoàn toàn và đã quay lại đối đầu với những người lính một lần nữa. Chẳng mấy chốc, nhiều toán lính bắt đầu dao động khi được lệnh bắn vào đoàn người biểu tình, thậm chí còn cho phép một số người vượt qua hàng rào của họ. Ngày 12/03, hàng loạt trung đoàn đào ngũ để tham gia biểu tình. Trong vòng 24 giờ, toàn bộ lính đồn trú của Petrograd, gồm khoảng 150.000 người, đã tham gia Cách mạng Tháng Hai, giúp cách mạng giành được thắng lợi.
Ba ngày sau, Sa hoàng Nicholas II thoái vị và nhường ngai vàng cho anh trai Michael, nhưng ông này đã từ chối vương miện, chấm dứt chế độ Nga hoàng và trao nước Nga vào tay một chính phủ lâm thời mới do Bộ trưởng Chiến tranh Alexander Kerensky lãnh đạo cùng Xô Viết Petrograd, một hội đồng công nhân được thành lập bởi lực lượng nổi dậy.
Kerensky hy vọng sẽ có thể cứu vãn nỗ lực chiến tranh của Nga, đồng thời chấm dứt tình trạng thiếu lương thực và nhiều cuộc khủng hoảng khác trong nước. Hy vọng này tỏ ra là một nhiệm vụ khó khăn: vào tháng Tư, Vladimir Lenin, người sáng lập nhóm xã hội chủ nghĩa cấp tiến tên gọi Bolsheviks, đã trở về Nga sau thời gian lưu đày để lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Mười (hay Cách mạng Bolshevik) và sau đó lãnh đạo đất nước.