Trung Quốc: Người khổng lồ trên đôi chân đất sét?

Nguồn: Joseph Nye, “Does China Have Feet of Clay?”, Project Syndicate, 04/04/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang được hưởng một chuỗi thành công. Ông đã cho phóng một tên lửa lên bề tối của mặt trăng, xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, và gần đây đã lôi kéo nước Ý phá vỡ sự đồng thuận với các láng giềng châu Âu để tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trong khi đó, xu hướng đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm giảm sức mạnh mềm và ảnh hưởng của nước Mỹ.

Thành tích kinh tế của Trung Quốc trong bốn thập niên qua là thực sự ấn tượng. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại chính của hơn một trăm quốc gia so với khoảng 50 nước trong trường hợp của Hoa Kỳ. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, nhưng tỷ lệ tăng trưởng chính thức hàng năm 6% của nước này vẫn cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ của Mỹ. Nhiều người dự báo rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua nền kinh tế Hoa Kỳ về quy mô trong thập niên tới.

Có thể là như vậy. Nhưng cũng có thể ông Tập có một đôi chân bằng đất sét.

Không ai biết tương lai Trung Quốc sẽ như thế nào, và lâu nay nhiều người vẫn đưa ra những dự đoán sai lầm về khả năng Trung Quốc sụp đổ hoặc đình trệ một cách hệ thống. Dù tôi không nghĩ là hai kịch bản trên có khả năng xảy ra nhưng người  ta vẫn hay phóng đại những điểm mạnh của Trung Quốc. Người phương Tây nhìn thấy rõ sự chia rẽ và phân cực bên trong các nền dân chủ của mình, nhưng Trung Quốc dù nỗ lực thành công nhằm che giấu các vấn đề của họ cũng không thể khiến chúng biến mất. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc biết nhiều về Trung Quốc hơn tôi đã mô tả ít nhất năm vấn đề lớn mà Trung Quốc phải đối mặt về dài hạn.

Đầu tiên, đó là hồ sơ nhân khẩu học bất lợi của của nước này. Lực lượng lao động Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2015, và hiện đã vượt qua điểm dễ dàng đạt được lợi ích từ quá trình đô thị hóa. Dân số đang già đi và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với chi phí y tế tăng cao trong khi nước này chưa sẵn sàng cho tình trạng này. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng đáng kể cho nền kinh tế và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn ngày càng gia tăng.

Thứ hai, Trung Quốc cần thay đổi mô hình kinh tế. Năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã khôn ngoan chuyển Trung Quốc từ một nền kinh tế tự cung tự cấp kiểu Maoist sang một mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu kiểu Đông Á mà Nhật Bản và Đài Loan đã tiên phong thực hiện thành công. Tuy nhiên, ngày nay Trung Quốc đã vượt ra ngoài khuôn khổ mô hình này cũng như không còn có được sự chấp nhận của các chính phủ nước ngoài vốn giúp mô hình đó trở nên thành công. Ví dụ, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đang tập trung vào việc Trung Quốc không đưa ra các ưu đãi cho các nước phương Tây theo nguyên tắc có đi có lại, tình trạng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, và bắt buộc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ vốn đã cho phép Trung Quốc thao túng sân chơi theo hướng có lợi cho mình. Các nước châu Âu cũng đang phàn nàn về những vấn đề này. Hơn nữa, các chính sách về sở hữu trí tuệ và sự khiếm khuyết của nền pháp quyền ở Trung Quốc đang làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài và khiến nước này mất đi sự ủng hộ chính trị quốc tế mà các khoản đầu tư nước ngoài như vậy thường mang lại. Đồng thời, tỉ trọng cao về đầu tư công ở Trung Quốc cùng mức trợ cấp lớn dành cho các doanh nghiệp nhà nước đã làm người ta khó nhận ra sự kém hiệu quả trong việc phân bổ vốn.

Thứ ba, trong khi Trung Quốc trong hơn ba thập niên qua đã thu hoạch được những thành quả cải cách tương đối dễ dàng, thì những thay đổi cần thiết bây giờ lại khó khăn hơn rất nhiều: một nền tư pháp độc lập, hợp lý hóa các doanh nghiệp nhà nước, và tự do hóa hoặc xóa bỏ hệ thống đăng ký hộ khẩu, một hệ thống đã cản trở tính di động của dân cư và thúc đẩy tình trạng bất bình đẳng. Hơn nữa, các cách chính trị của Đặng Tiểu Bình để tách đảng ra khỏi nhà nước đã bị Tập đảo ngược.

Điều này dẫn chúng ta đến vấn đề thứ tư. Trớ trêu thay, Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình. Mô hình Leninist do Mao áp đặt năm 1949 phù hợp với truyền thống phong kiến đế quốc của Trung Quốc, nhưng sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã thay đổi đất nước cũng như nhu cầu chính trị của người dân. Trung Quốc đã trở thành một xã hội trung lưu thành thị, nhưng giới cầm quyền vẫn bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn về lý luận chính trị. Họ tin rằng chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể giải cứu Trung Quốc và do đó bất kỳ cải cách nào cũng phải làm củng cố sự độc tôn quyền lực của Đảng.

Nhưng đây chính xác là điều mà Trung Quốc không cần. Những cải cách cơ cấu sâu sắc có thể đưa Trung Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc vào mức đầu tư công cao và các doanh nghiệp nhà nước đã bị phản đối bởi giới tinh hoa trong Đảng, những người có được sự giàu có nhờ hệ thống hiện hữu. Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình không thể vượt qua được sự kháng cự này; thay vào đó, nó chỉ làm cho sự chủ động và sáng kiến bị thui chột. Trong một chuyến thăm gần đây tới Bắc Kinh, một nhà kinh tế Trung Quốc đã nói với tôi rằng chiến dịch của ông Tập làm GDP Trung Quốc giảm 1% mỗi năm. Một doanh nhân Trung Quốc nói với tôi tăng trưởng thực tế chưa bằng một nửa con số chính thức. Có lẽ thực trạng này có thể được bù đắp bởi sự năng động của khu vực tư nhân, nhưng ngay cả khi như vậy, nỗi sợ mất kiểm soát đang làm tăng vai trò của Đảng.

Cuối cùng, quyền lực mềm của Trung Quốc vẫn còn yếu. Ông Tập đã tuyên bố theo đuổi “Giấc mộng Trung Hoa” để đưa Trung Quốc trở lại vị thế cường quốc toàn cầu. Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và các vấn đề xã hội gia tăng, tính chính danh của Đảng Cộng sản sẽ ngày càng phải dựa vào những kêu gọi dân tộc chủ nghĩa như vậy. Trong thập niên qua, Trung Quốc đã chi hàng tỷ đô la để gia tăng sức cuốn hút của mình đối với các quốc gia khác, nhưng các cuộc thăm dò dư luận quốc tế cho thấy Trung Quốc đã không thu được nhiều lợi ích từ các khoản đầu tư của mình. Đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số, bỏ tù các luật sư nhân quyền, tạo ra một nhà nước giám sát và xa lánh các thành viên giàu sức sáng tạo của xã hội dân sự như nghệ sĩ nổi tiếng Ai Weiwei (Ngãi Vị Vị) đã làm sút giảm sự hấp dẫn của Trung Quốc tại Châu Âu, Úc và Hoa Kỳ.

Những chính sách như vậy có thể không làm tổn hại đến danh tiếng của Trung Quốc tại một số quốc gia độc tài, nhưng chủ nghĩa chuyên chế hiện đại không dựa trên ý thức hệ như của chủ nghĩa cộng sản trước đây. Nhiều thập niên trước, các nhà cách mạng trẻ trên khắp thế giới đã được truyền cảm hứng từ những giáo điều của Mao. Ngày nay, mặc dù tư tưởng của Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc đã được ghi trong điều lệ Đảng, nhưng rất ít thanh niên ở các quốc gia khác bị cuốn hút bởi các tư tưởng như vậy.

Trung Quốc là một quốc gia có những điểm mạnh lớn, nhưng cũng có những điểm yếu đáng kể. Chiến lược của Mỹ nên tránh phóng đại cả hai mặt này. Tầm quan trọng của Trung Quốc ngày càng tăng và mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ vừa mang tính đối đầu, vừa mang tính hợp tác. Chúng ta không được quên nửa nào của mối quan hệ đó. Không có quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, có khả năng vượt Mỹ về sức mạnh tổng hợp trong một hoặc hai thập niên tới, nhưng Mỹ sẽ phải học cách chia sẻ quyền lực khi Trung Quốc và các nước khác có được sức mạnh lớn hơn. Bằng cách duy trì các liên minh quốc tế và các thể chế trong nước, Mỹ sẽ có một số lợi thế so sánh nhất định so với Trung Quốc.

Joseph S.Nye, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, hiện là Giáo sư Đại học Havard. Ông là tác giả của cuốn Is the American Century Over?

Copyright: Project Syndicate 2019