13/04/1919: Thảm sát Amritsar

Nguồn: British and Gurkha troops massacre hundreds of unarmed demonstrators in Amritsar Massacre, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1919, tại Amritsar, Ấn Độ, thành phố linh thiêng của đạo Sikh, quân đội Anh và Gurkha (Nepal) đã tàn sát ít nhất 379 người biểu tình không được vũ trang tại Jallianwala Bagh, một công viên trong thành phố. Hầu hết nạn nhân thiệt mạng là những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ, họp mặt để phản đối quyết định của chính phủ Anh ra lệnh bắt buộc nhập ngũ đối với binh lính Ấn Độ và áp đặt mức thuế chiến tranh nặng nề lên người dân nước này.

Vài ngày trước đó, để đáp lại tình hình biểu tình leo thang, Amritsar đã bị đặt trong tình trạng thiết quân luật và trao lại cho Chuẩn Tướng người Anh Reginald Dyer, người nhanh chóng cấm tất cả các cuộc hội họp và tụ tập trong thành phố. Ngày 13/04, ngày diễn ra lễ hội Baisakhi của người Sikh, hàng chục ngàn người đã đến Amritsar từ các ngôi làng xung quanh để tham dự hội chợ truyền thống của thành phố. Trong số này, rất nhiều người hoàn toàn chẳng hay biết về lệnh cấm hội họp nơi công cộng gần đây của Dyer, và họ đã tụ tập tại Jallianwala Bagh, nơi diễn ra một cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Lính của Dyer đã bao vây công viên và nổ súng mà không báo trước vào đám đông, giết chết hàng trăm người và làm bị thương hơn một ngàn người. Dyer, người trong một cuộc điều tra sau đó đã thừa nhận ra lệnh tấn công để tạo ra “tác động đạo đức” lên người dân trong khu vực, đã yêu cầu quân đội tiếp tục cuộc tấn công cho đến khi tất cả pháo binh của họ hết đạn. Chính quyền Anh sau đó đã cách chức Dyer.

Vụ thảm sát đã khuấy động tình cảm dân tộc chủ nghĩa trên khắp Ấn Độ và có ảnh hưởng sâu sắc đến một trong những người lãnh đạo phong trào, Mohandas Gandhi. Trong Thế chiến I, Gandhi đã tích cực ủng hộ người Anh với hy vọng giành được quyền tự trị một phần cho Ấn Độ, nhưng sau Thảm sát Amritsar, ông tin rằng Ấn Độ không nên chấp nhận điều gì ngoài độc lập hoàn toàn. Để đạt được mục đích này, Gandhi bắt đầu tổ chức chiến dịch bất tuân dân sự hàng loạt đầu tiên chống lại sự cai trị áp bức của Anh.