08/05/1884: Tổng thống Harry Truman chào đời

Nguồn: Harry S. Truman is born, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan

Vào ngày này năm 1884, Harry S. Truman được sinh ra ở Lamar, Missouri. Là con trai của một nông dân, Truman không đủ khả năng tài chính để đi học đại học. Ông gia nhập quân đội khi ở độ tuổi 33 vào năm 1916 để chiến đấu trong Thế chiến I. Sau chiến tranh, ông đã mở một cửa hàng đồ xén ở thành phố Kansas. Khi công việc kinh doanh bị phá sản vào năm 1922, ông đã tham gia chính trường tại Missouri. Truman tiếp tục thăng tiến để phục vụ tại Thượng viện Hoa Kỳ từ năm 1934 cho đến khi ông được chọn làm Phó Tổng  thống thứ tư của Franklin D. Roosevelt (FDR) vào năm 1945. Chính trong các nhiệm kỳ Thượng viện sĩ của mình, ông đã gây dựng danh tiếng về sự trung thực và liêm chính.

Sau cái chết của FDR vào ngày 12 tháng 4 năm 1945, Truman trở thành tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ, đảm nhận vai trò tổng tư lệnh của một quốc gia vẫn đang tham gia Thế chiến II. Với chiến thắng sắp diễn ra ở châu Âu, Truman đã cân nhắc việc có nên sử dụng bom nguyên tử được phát triển vào thời điểm đó để buộc Nhật Bản đầu hàng hay không. Chỉ sau bốn tháng tại vị, Truman đã cho phép thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945. Ông và các cố vấn quân sự của mình lập luận rằng việc sử dụng bom rốt cuộc đã tiết kiệm mạng sống cho người Mỹ và người Nhật vì có vẻ như Nhật sẽ quyết tâm chống lại bất kỳ nỗ lực thông thường nào do quân Đồng minh thực hiện nhằm chiếm đóng Nhật Bản và chấm dứt chiến tranh.

Việc sử dụng loại vũ khí mới, được thả xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki vào đầu tháng 8, đã thành công trong việc buộc Nhật Bản đầu hàng, nhưng cũng mở ra cuộc Chiến tranh Lạnh. Từ thời điểm đó cho đến cuối những năm 1980, Hoa Kỳ và Liên Xô đã cạnh tranh nhau trong việc đầu tư và sản xuất vũ khí hạt nhân. Sau chiến tranh, những tác động lâu dài và gây chết người của bụi phóng xạ đối với con người đã được minh họa một cách ảm đạm trong những bức ảnh về những người Nhật sống sót sau vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki. Hình ảnh và thông tin được công bố sau chiến tranh liên quan đến bệnh tật và sự tàn phá môi trường do vũ khí hạt nhân đã gây chấn động thế giới và khiến Truman bị chỉ trích kéo dài vì đã mở ra khả năng hủy diệt trái đất hoàn toàn thông qua chiến tranh hạt nhân.

Mặc dù được biết đến – và bị chỉ trích bởi một số người khác – chủ yếu là vị tổng thống duy nhất đã chọn sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại thường dân vô tội trong chiến tranh, thời gian Truman phục vụ trong nhánh hành pháp cũng đáng chú ý ở các lĩnh vực khác. Năm 1941, Truman đã lái 10.000 dặm trên khắp cả nước trên chiếc Dodge của mình để điều tra hoạt động trục lợi chiến tranh tiềm ẩn trong các nhà máy quốc phòng vào thời kỳ trước Thế chiến II. Sau Thế chiến II, Truman đã giúp thúc đẩy Kế hoạch Marshall thông qua Quốc hội, một chương trình cung cấp khoản viện trợ tái thiết cực kỳ cần thiết cho các quốc gia châu Âu bị tàn phá bởi chiến tranh và đương trên bờ vực của nạn đói lan rộng. Ông cũng ủng hộ việc thành lập một nhà nước Israel vĩnh viễn.

Truman cũng được biết đến với tính khí nóng nảy và lòng trung thành mãnh liệt với gia đình mình. Vào tháng 12 năm 1950, con gái Margaret của ông đã có một buổi biểu diễn thanh nhạc bị phê bình gay gắt vào ngày hôm sau trên tờ Washington Post. Truman tức giận đến nỗi ông đã viết một lá thư cho biên tập viên, trong đó đe dọa sẽ khiến cho nhà phê bình bị bầm mắt và gãy mũi. Đây chỉ là một trong nhiều sự kiện minh họa cho phong cách nóng nảy, dứt khoát của Truman, vì điều này mà trước đó ông đã được đặt cho biệt danh là “Give ’em hell, Harry” (Cho chúng biết tay đi, Harry).

Truman phục vụ trên cương vị tổng thống trong hai nhiệm kỳ từ năm 1945 đến năm 1953, khi ông và vợ ông, Bess, vui vẻ về nghỉ hưu tại Independence, Missouri, nơi ông thường gọi đùa mình là “Ngài Công dân.” Ông qua đời ở đó vào ngày 26/12/1972.

Được biết tên đệm của Harry Truman thực sự chỉ là một chữ “S”. Theo Thư viện Truman, “S” là một tên viết tắt “thỏa hiệp” giữa tên của ông nội và ông ngoại của ông, là Anderson Shipp Truman và Solomon Young.