Lược sử Chiến tranh Lạnh và sự tham gia của Mông Cổ

Biên dịch: Hoàng Tuấn Thịnh

Nhiều lần nghe các thầy giáo cao niên của trường đại học phàn nàn thanh niên thời nay không biết, không quan tâm đến lịch sử, không có những kiến thức sơ đẳng nhất về lịch sử thế giới. Bản thân tôi, lúc đầu là giáo viên dạy môn Lịch sử Quan hệ quốc tế nên tôi nhất trí với nhận xét này. Để sẻ chia lời phàn nàn đó, tôi quyết định trả lời câu hỏi của nhiều người thường nêu ra. Tôi muốn làm rõ về “Chiến tranh Lạnh” là gì, tại sao nó xuất hiện, diễn biến ra sao và kết thúc lúc nào. Tôi muốn tóm lược các sự kiện một cách giản đơn nhất có thể và cũng muốn điểm lại sự tham gia của Mông Cổ trong cuộc chiến này.

“Chiến tranh Lạnh” có thể phân ra một số thời kỳ. Thời kỳ đầu (1) từ năm 1947 đến năm 1953. Ngày 5 tháng Ba năm 1946 tại thành phố Fultol, Hoa Kỳ, “Chiến tranh Lạnh” được coi là bắt đầu khi nguyên Thủ tướng Anh Winston Churchill tuyên bố Bức màn sắt (ám chỉ sự ảnh hưởng của Liên Xô tại Đông Âu) chia đôi châu Âu. Thế chiến II kết thúc, Đông Âu được Hồng quân Liên Xô giải phóng, hình thành khối phương Đông thân Moskva và bắt đầu tạo ra lịch sử khá dài của chế độ cộng sản. Binh lính Đồng minh giải phóng Tây Âu, Kế hoạch Marshall, trật tự mới về kinh tế của Morgenthau (như Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng thế giới, Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch, tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng đô la Mỹ – vàng) được áp dụng để phục hồi nền kinh tế các nước Tây Âu bị kiệt quệ trong chiến tranh. Đáp lại, năm 1949, Liên Xô và Đông Âu cũng thành lập Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV). Nội chiến bùng nổ ở Hy lạp, những người cộng sản nắm quyền, quốc gia này gần như sắp gia nhập khối Liên Xô đến nơi thì Tổng thống Hoa Kỳ Truman đưa ra học thuyết, kêu gọi ngăn ngừa sự can thiệp của Liên Xô vào quốc gia này. Khối phương Đông xảy ra mâu thuẫn nội bộ, đỉnh điểm là mâu thuẫn Tito – Stalin (Nam Tư và Liên Xô), Nam Tư bị trục xuất khỏi khối cộng sản. Nhằm ngăn ngừa sự ảnh hưởng của Liên Xô, theo học thuyết của Truman, NATO được thành lập, châu Âu lại bắt đầu được vũ trang. Nếu năm 1945, Hoa Kỳ thử vũ khí hạt nhân của mình tại Nhật Bản thì năm 1949 Liên Xô cũng thử vũ khí hạt nhân, sau đó chế tạo được bom nhiệt hạch (bom H). Tại châu Á, cách mạng nhân dân Trung Quốc thắng lợi. Chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên.

Trong thời kỳ này, CHND Mông Cổ bắt đầu được công nhận trên thế giới. Nhờ Trung Hoa dân quốc công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao, Mông Cổ trở thành quy chế quốc gia – dân tộc (nation-state) và đột phá mở rộng quan hệ ngoại giao. Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên (1948), với CHND Trung Hoa (1950), cùng với Liên Xô, hai bên mở đại sứ quán tại Ulan Bato và Moskva. Ngày 06 tháng 4 năm 1950, Bộ Chính trị của Đảng NDCM Mông Cổ ra nghị quyết số 13 và số 29 quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Rumani, Bungary, Hungary và Ba Lan. Bắt đầu xây dựng đất nước sau chiến tranh. Nguyên soái Choibalsan từ trần. Quy chế lãnh đạo tập thể được thiết lập sau khi Choibalsan mất.

Thời kỳ tiếp theo (2) của “Chiến tranh Lạnh” từ năm 1953 đến năm 1962. Tác giả đích thực của “Chiến tranh Lạnh” là Salin từ trần. Tại Hoa Kỳ, Truman rời khỏi chính trường. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Tại Liên Xô, sau khi Stalin mất, tình hình chính trị bắt đầu nóng lên. Khrushchev và Eisenhower bắt đầu hoạch định chính sách cho thế giới. Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô phê phán Stalin, tuyên bố nguyên tắc cùng chung sống hòa bình. Nhưng khối phương Đông không bình yên. Hồng quân Liên Xô trấn áp các cuộc bạo loạn xảy ra ở Đông Đức năm 1953, ở Hungari và Ba Lan năm 1956. Nhân sự kiện Tây Đức được gia nhập NATO, khối quân sự Warsawa được thành lập năm 1955. Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez bùng phát. Cuộc chiến tranh của Pháp tại Việt Nam kết thúc. Máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắt rơi trên bầu trời Xô viết. Năm 1961, khủng hoảng Berlin nổ ra, bức tường được dựng lên để bao vây Tây Berlin. Cuộc chạy đua vào vũ trụ bắt đầu. Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo và lần đầu tiên phóng con tàu có người lái bay vòng quanh trái đất. Sau đó, Hoa Kỳ bắt đầu cạnh tranh lĩnh vực này với Liên Xô. Cách mạng nổ ra tại Cuba, việc tuyên bố xây dựng chủ nghĩa cộng sản sát nách Mỹ trở thành sự khởi đầu của thời kỳ tiếp theo của “Chiến tranh Lạnh”.

Trong thời kỳ này, hoạt động đối ngoại của CHND Mông Cổ không ngừng củng cố. Mông Cổ chính thức có ghế tại Liên Hiệp Quốc, gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế, từ năm 1960 việc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày càng mở rộng xuất phát từ nguyên tắc cùng chung sống hòa bình không phân biệt chế độ chính trị – xã hội.

Năm 1959, Liên Hiệp Quốc tuyên bố lấy năm 1960 là “năm của châu Phi”. Cũng trong năm đó, Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao với Guinea, Campuchia và Cuba, năm tiếp theo thiết lập quan hệ ngoại giao với Nepal, Mali và Angieri. Tại Đại hội lần thứ 14 của Đảng NDCM Mông Cổ (03/7/1961), báo cáo chính trị thông báo, Mông Cổ có quan hệ ngoại giao với 21 quốc gia. Mông Cổ mời Tổng thống Guinea và Mali sang thăm, mở đại sứ quán của mình tại Guinea, thể hiện sự tích cực mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại. Trong nước Mông Cổ rập khuôn bầu không khí chính trị nóng lên từ Liên Xô, phê phán sự đàn áp dưới thời Choibalsan, bắt đầu minh oan cho những người bị án oan, không chấp nhận sở hữu tư nhân tại nông thông, mọi gia đình chăn nuôi phải vào hợp tác xã nông nghiệp, triển khai công việc khai hoang, thủ đô Ulan Bato được mở rộng và xây dựng ồ ạt, nguồn viện trợ của Trung Quốc được đổ vào Mông Cổ, các công trình nhà ở, cầu đường được xây dựng theo kiểu Trung Quốc. Mông Cổ củng cố vững chắc quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa.

Thời kỳ tiếp theo (3) của “Chiến tranh Lạnh” từ năm 1962 đến năm 1979. Thời kỳ này có thể chia thành hai giai đoạn: 1962 – 1972 và 1972 – 1979. Sức mạnh của thế giới thứ ba trở thành hiện thực trên thế giới. Các chế độ thực dân sụp đổ. Các nước chủ chốt của châu Phi giành được độc lập. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân là chủ yếu nhưng luôn kèm theo sự xung đột tôn giáo, chính trị và tranh giành tài nguyên. Khủng hoảng ở Congo, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc bị thiệt mạng trong cuộc xung đột vũ trang này. Ngọn lửa cách mạng bùng phát tại Mỹ Latinh. Cuộc cách mạng ở Guatemala và Cuba, khủng hoảng vịnh Caribe, gần như đối mặt với nguy cơ Thế chiến III. Hoa Kỳ bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Tại Iran, với sự tham gia của CIA, chính phủ của Mossadegh bị lật đổ, Hoa Kỳ vững vàng thống trị vịnh Péc-xích. “Cách mạng văn hóa” bùng phát ở Trung Quốc, thiêu cháy cường quốc này. Liên Xô và Trung Quốc xảy ra mâu thuẫn lớn; đụng độ xảy ra tại biên giới. Các nước đang phát triển thành lập Phong trào không liên kết, trở thành lực lượng lớn thứ ba trên thế giới. Năm 1968, Hồng quân Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc. Tại Hoa Kỳ, Nixon nắm quyền, đưa ra học thuyết của mình. Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Năm 1972, Nixon thăm Trung Quốc; sau đó thăm Liên Xô, hai bên ký hiệp ước SALT – 1 và SALT – 2  về tên lửa và hạt nhân. Tại Trung Đông, chiến tranh nổ ra trong năm 1967 và năm 1973, cuối cùng Hoa Kỳ dùng tiền dàn xếp để đổi lấy hòa bình; cách mạng nổ ra tại Iran, triều đình Shah thân Mỹ sụp đổ. Sau cuộc xung đột Ả rập – Israel, thế giới thấm đòn cú sốc dầu mỏ đầu tiên. Tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng đô la Mỹ – vàng không còn giá trị, kinh tế phương Tây bị khủng hoảng, vì vậy năm 1975, nhóm nước G -7 được thành lập.

Trong thời kỳ này, Mông Cổ không chậm chân so với các sự kiện thế giới. Theo Hiệp ước năm 1966, binh sỹ Xô viết được đưa đến Mông Cổ, trong mâu thuẫn Xô – Trung, Mông Cổ kiên định ủng hộ Liên Xô, quan hệ Mông – Trung xấu thêm, chuẩn bị cuộc chiến chống Trung Quốc, luôn có tiếng nói chung với Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn quốc tế, tham gia tích cực vào phong trào cộng sản quốc tế. Trong nước, Tsedenbal củng cố quyền lực, loại bỏ những người có quan điểm khác mình.  Nhờ lòng hảo tâm của Hội đồng tương trợ kinh tế và Liên Xô, dòng viện trợ ồ ạt chảy vào Mông Cổ. Nhờ viện trợ của Liên Xô, các thành phố hữu nghị, như Darkhan và Erdenet cũng như các khu dân cư tại thủ đô Ulan Bato đồ sộ mọc lên. Quan hệ Xô – Mông của thời kỳ Brezhnev – Tsedenbal đúng với ý nghĩa của hai từ “hữu nghị” .

Liên Xô ngày càng thực sự gắn bó với châu Á do quan hệ của mình với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng, vì vậy, việc phát triển tình hữu nghị anh em Mông – Xô đã trở thành mảnh đất địa chính trị màu mỡ. Lúc này, Mông Cổ không ngừng tiến quân trên chính sách ngoại giao. Năm 1963 được coi là năm biểu tượng của sự khởi đầu thời kỳ mới trong lịch sử ngoại giao của Mông Cổ. Trong năm đó, Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Anh, Áo, Phần Lan và Ai Cập, năm 1964 thiết lập quan hệ ngoại giao với Thụy Sỹ và Thụy Điển, năm 1965 Pháp công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ. Có 6 nước phương Tây, trong đó có 4 nước trung lập đã chìa bàn tay hữu nghị của mình ra phía Mông Cổ. Năm 1966, khi Đảng NDCM Mông Cổ tiến hành Đại hội lần thứ 15, số nước có quan hệ ngoại giao với Mông Cổ đã vượt xa con số 30. Quan hệ đối ngoại của CHND Mông Cổ mở rộng có hiệu quả, vị trí quốc tế của Mông Cổ không ngừng được củng cố, uy tín trên thế giới được nâng cao, có quan hệ ngoại giao với 33 quốc gia trên 4 châu lục, có quan hệ thương mại với trên 20 quốc gia. Đến năm 1971, theo báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ 16 của Đảng NDCM Mông Cổ, CHND Mông Cổ thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với trên 20 quốc gia, đưa tổng số nước quan hệ ngoại giao lên 53 nước. Đến năm 1976, khi Đảng NDCM Mông Cổ tiến hành Đại hội lần thứ 17, Mông Cổ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với 79 nước trên thế giới.

Thời kỳ tiếp theo (4) từ năm 1979 đến năm 1985: các sự kiện diễn ra dồn dập và mang tính cọ xát. Năm 1979, Liên Xô đưa quân vào quốc gia láng giềng nhỏ bé Afghanistan, khiến các thành tựu hòa giải của Liên Xô bị phá vỡ. Phương Tây tẩy chay Thế vận hội Olimpic Moskva năm 1980, lần đầu tiên lễ hội thể thao lớn nhất toàn cầu diễn ra không có sự tham gia của các vận động viên của Hòa Kỳ, Nhật Bản và Tây Đức. Năm 1980, tại Hoa Kỳ, ứng cử viên Tổng thống diều hâu Reagan đắc cử, tuyên bố chôn vùi chủ nghĩa cộng sản thế giới. Chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam bùng nổ, phe xã hội chủ nghĩa thế giới bị chia rẽ không thể hàn gắn. Cái gọi là chế độ cộng sản khát máu Polpot thống trị Campuchia tàn sát gần 3 triệu người dân, nhưng nhờ các binh sỹ của Việt Nam đánh đuổi, đập tan chế độ Polpot, “vấn đề Campuchia” xuất hiện trên thế giới. Sự tan rã của phong trào cộng sản quốc tế bắt đầu do khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản châu Âu. Khối cộng sản thế giới bắt đầu tan rã từ bên trong. Chế độ quân sự tại Ba Lan tạm thời lập được trật tự xã hội. Tại Hoa Kỳ, trong khi Reagan năng động thì nhà lãnh đạo Liên Xô Brezhnev được coi là kiến trúc sư hòa giải lại bị bệnh tật, tạ thế năm 1982. Sự hòa giải cũng biến mất cùng với ông. Thay thế Brezhnev là Andropov, người có thái độ cứng rắn với Hoa Kỳ, sự nóng lên của “Chiến tranh Lạnh” lại bắt đầu. Thế giới đã đứng bên bờ vực cuộc chiến tranh mới, do khủng hoảng tên lửa ở châu Âu, máy bay dân sự Hàn Quốc bị bắn rơi trong năm 1983. Thay thế Brezhnev, với bàn tay sắt nhưng Andropov cũng không thể chiến thắng được bệnh tật, ông từ trần trong năm 1984. Người thay thế ông là Chernenko lại còn ốm yếu hơn cả những người tiền nhiệm, chỉ nắm quyền được một năm. Tại Trung Quốc, lịch sử xảy ra còn kỳ quặc hơn. Mao chết và nhờ đập tan được “bè lũ bốn tên”, “cuộc cách mạng văn hóa” đã kết thúc sau 10 năm hỗn loạn. Cải cách vĩ đại của Đặng Tiểu Bình bắt đầu triển khai. Cộng sản cánh tả Trung Quốc trở thành địa bàn thực hiện sự thử nghiệm kinh tế tư bản chủ nghĩa và đã rất thành công.

Chế độ phát xít ở Bồ Đào Nha sụp đổ, các nước thuộc địa chọn con đường phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa, Mông Cổ thực hiện sự nghiệp thiêng liêng của mình trong việc truyền bá kinh nghiệm từ chế độ phong kiến tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa cho các nước châu Phi, Mỹ Latinh và Afghanistan, trở thành phương hướng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của CHND Mông Cổ. Trong nước, tệ sùng bái cá nhân của Tsedenbal đạt đến cực đỉnh, năm 1984, những người Xô viết gây áp lực buộc Tsedenbal phải từ chức, sang điều trị bệnh tại Moskva. Tsedenbal bị coi là lực cản chính của quan hệ Xô – Trung, là kẻ tâm thần thời “Chiến tranh Lạnh”, khi không còn Tsedenbal, Kremlin dễ dàng quan hệ với Trung Quốc. Chính sách đối ngoại của CHND Mông Cổ không ngừng mở rộng. Năm 1981, Đại hội lần thứ 18 của Đảng NDCM Mông Cổ nêu rõ, quan hệ đối ngoại của CHND Mông Cổ rất rộng mở, ngày càng tham gia có hiệu quả vào các hoạt động quốc tế, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 91 quốc gia, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín. Năm 1986, khi Đảng NDCM Mông Cổ tiến hành Đại hội lần thứ 19, số nước quan hệ ngoại giao với Mông Cổ là 99 nước (hiện tại Mông Cổ có quan hệ với 192 nước).

Thời kỳ kết thúc “Chiến tranh lạnh” (5) từ năm 1985 đến năm 1991. Sự nghiệp cải tổ diễn ra ở Liên Xô, quốc gia gần gũi nhất và rất hiểu biết Mông Cổ. Ba Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô bị bệnh lần lượt tạ thế để lại khoảng trống chính trị lớn cho Moskva. Lúc đó, Gorbachev được coi là nhà cải cách trẻ tuổi, nhà chính trị sung sức xuất hiện, tỏa sáng trên thế giới. Trong nước, Gorbachev giành được chiến thắng trong cuộc đấu tranh khốc liệt với tệ tham nhũng, chứng nghiện rượu và “đội ngũ già”. Cuộc chiến còn động chạm tới cả lãnh đạo cao nhất và tổ hợp công nghiệp – quân sự. Ngoài cải tổ còn xuất hiện thêm tính công khai và tư duy chính trị mới. Gorbachev tuyên bố nguyên tắc không sử dụng đội ngũ cán bộ cũ vào các vị trí cấp cao mới. Từng bước khôi phục sự thật lịch sử, vạch trần sự tàn bạo của Stalin, đưa Đảng Cộng sản Liên Xô quay trở về với chủ nghĩa Mác – Lenin đích thực. Từ chối việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản không tưởng được nêu ra từ Đại hội lần thứ 22 và lần thứ 27 của Đảng Cộng sản Liên Xô, nói chung Gorbachev tìm thấy sức mạnh tinh thần cho mình để vứt bỏ học thuyết về cách mạng thế giới. Lần đầu tiên trên thế giới, Gorbachev tự cho rằng, nhân loại không phải tất cả cùng đi lên chủ nghĩa cộng sản từ chủ nghĩa tư bản, không có chuyện bỏ qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, làm gì có phong trào cộng sản – công nhân, Gorbachev tự cho mình là người cộng sản duy nhất trong lịch sử. Tuyên bố trong chính sách ngoại giao của mình, tư duy chính trị mới của Gorbachev là đầu hàng Hoa Kỳ trong đàm phán về tên lửa tầm trung và tầm ngắn, rút binh lính Xô viết ra khỏi Afghanistan, đầu hàng Trung Quốc trong vấn đề “xóa bỏ ba trở ngại”, gây sức ép trong vấn đề rút binh sỹ Việt Nam ra khỏi Campuchia. Gorbachev không muốn nhìn các sự kiện xảy ra ở Đông Âu trong những năm 1953, 1956, 1968 và 1980 (tại CHDC Đức, Hungary, Tiệp Khắc và Ba Lan) bằng con mắt cũ. Gorbachev thực hiện chuyến thăm lịch sử tại CHND Trung Hoa, ấn định thời gian rút quân Xô viết ra khỏi Mông Cổ. Cuối năm 1989, cách mạng dân chủ tại Rumani, tiêu điểm cuối cùng của chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, giành được thắng lợi. Gorbachev ủng hộ tất cả các sự kiện trên. Lúc đó, phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô đối với quốc tế xã hội chủ nghĩa quá yếu kém, đối với Mông Cổ cũng không khác biệt. Sau Thế chiến II, nếu cấu trúc thế giới hai cực được hình thành trong quan hệ quốc tế và các thỏa thuận ba bên đạt được giữa Stalin, Roosevelt và Churchill tại Yalta thì tháng 12 năm 1989 chính Gorbachev và Bush đã xóa bỏ các định chế đó tại Malta. Với công thức “từ Yalta đến Malta”, “Chiến tranh Lạnh” coi như kết thúc!

Sau cuộc gặp thượng đỉnh Malta mọi việc đã rõ ràng. Tại Mông Cổ, cuộc cách mạng dân chủ “năm Canh Ngọ” (năm 1990) giành thắng lợi. Tiến hành bầu cử tự do, theo con đường nghị trường bao gồm đại diện của các đảng chính trị.

Nhưng tại Liên Xô, bầu cử có nhiều ứng cử viên được tiến hành công khai, thành lập đại hội đại biểu nhân. Gorbachev được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Liên Xô, sự kiện chưa bao giờ có trong lịch sử thời Xô viết. Tuy nhiên, vẫn không thể cản trở được sự tan rã cường quốc Liên Xô. Gorbachev đưa ra sáng kiến thành lập Liên bang của các quốc gia toàn quyền trong bối cảnh Liên bang Xô viết sắp tan rã và nhận được sự ủng hộ của một số nước cộng hòa. Người ủng hộ thân cận nhất của Gorbachev lúc đó là Yeltsin (Nga), Nazarbaev (Kazakhstan), Kravchuk (Ucraina) và Shushkevich (Belarus), nhưng sau này chính những người đó (trừ Nazarbaev) đã đọc thông cáo khai tử Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và lịch sử của “Chiến tranh Lạnh” kết thúc hoàn toàn!

Giáo sư Đ. Bayarkhuu là nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, nhà bình luận nổi tiếng ở Mông Cổ; tốt nghiệp Đại học Tổng hợp quốc gia Mông Cổ, Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao Liên Xô.

Hoàng Tuấn Thịnh dịch từ bản tiếng Mông Cổ  “Хүйтэн дайн” – ы танилцуулга.