13/08/1521: Thủ đô Aztec rơi vào tay người Tây Ban Nha

Nguồn: Aztec capital falls to Cortés, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày năm 1521, sau một cuộc bao vây kéo dài ba tháng, lực lượng Tây Ban Nha dưới quyền của Hernán Cortés đã chiếm được Tenochtitlán, thủ đô của Đế chế Aztec. Lính của Cortés đã san bằng thành phố và bắt giữ Cuauhtemoc, Hoàng đế Aztec.

Thành Tenochtitlán được lập vào năm 1325 bởi một bộ tộc săn bắn và hái lượm lang thang trên các hòn đảo ở Hồ Texcoco, nay là khu vực gần Thành phố Mexico. Chỉ trong vòng một thế kỷ, nền văn minh này đã phát triển thành Đế chế Aztec, phần lớn là nhờ hệ thống nông nghiệp tiên tiến. Họ sớm thống trị miền trung Mexico và khi Hoàng đế Montezuma II lên ngôi vào năm 1502 thì đạt đến thời kỳ hưng thịnh nhất, mở rộng hơn về phía nam, đến tận Nicaragua ngày nay.

Vào thời điểm đó, đế chế được bảo vệ chủ yếu bởi sức mạnh quân sự của người Aztec, và Montezuma II bắt đầu thiết lập một bộ máy quan liêu, thành lập ra các tỉnh để cống nộp về thủ đô Tenochtitlán. Các bộ tộc bị chinh phục đã phẫn nộ trước những yêu cầu của người Aztec, đòi hỏi vật cống nạp cũng như các nạn nhân để hiến tế cho tôn giáo, nhưng quân đội Aztec đã dẹp yên quân nổi loạn.

Trong khi đó, Hernán Cortés, một quý tộc trẻ tuổi gốc Tây Ban Nha, đã đến Hispaniola ở Tây Ấn vào năm 1504. Năm 1511, ông giương buồm cùng Diego Velázquez đến chinh phục Cuba và hai lần được bầu làm thị trưởng của Santiago, thủ đô của Hispaniola. Năm 1518, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy một đoàn thám hiểm Tây Ban Nha mới đến lục địa Mỹ. Velázquez, thống đốc Cuba, sau đó đã hủy bỏ sứ mệnh này, và Cortés đã lên đường mà không được phép.

Ông đã đến bờ biển Yucatán và vào tháng 03/1519 thì đến Tabasco ở Vịnh Campeche của Mexico, với 500 binh sĩ, 100 thủy thủ và 16 con ngựa. Tại đây, ông đã chiến thắng người da đỏ địa phương và được trao cho một nữ nô lệ, Malinche – tên thánh là Marina –  người trở thành tình nhân của ông và sau đó sinh cho ông một đứa con trai. Cô biết cả tiếng Maya và Aztec nên đã giữ vai trò phiên dịch viên. Đoàn thám hiểm sau đó tiến lên bờ biển Mexico, nơi Cortés lập thành Veracruz, chủ yếu với mục đích giúp bản thân được dân thuộc địa bầu làm đại tướng, do đó gạt bỏ quyền lực của Velázquez và khiến Cortés chỉ còn phải chịu trách nhiệm trước vua Charles V của Tây Ban Nha.

Tại Veracruz, Cortés huấn luyện quân đội và sau đó đốt cháy tàu của mình để đảm bảo mọi người trung thành với kế hoạch chinh phục. Hay tin xung đột chính trị xảy ra ở Đế chế Aztec, Cortés liền đưa quân vào nội địa Mexico. Trên đường đến Tenochtitlán, ông đụng độ với các bộ tộc da đỏ địa phương, nhưng nhiều người trong số này, bao gồm cả xứ Tlaxcala, đã trở thành đồng minh của ông sau khi biết về kế hoạch chinh phục những kẻ thống trị Aztec đáng ghét của họ. Nghe tin Cortés đang tiến đến gần, mang theo những con ngựa đáng sợ và loạt vũ khí tinh vi, Montezuma II đã cố gắng tìm cách mua chuộc, nhưng Cortés không dễ từ bỏ. Ngày 08/11/1519, quân Tây Ban Nha cùng 1.000 chiến binh Tlaxcaltec đã được phép vào Tenochtitlán mà không bị cản trở.

Montezuma ngờ rằng đoàn quân này là sứ giả của thần Quetzalcatl, người mà theo lời tiên tri sẽ trở về từ phương đông trong năm “Một Cây Sậy”, tức năm 1519 theo lịch Aztec. Người Tây Ban Nha được chào đón trong vinh dự, và Cortés mau chóng nắm bắt cơ hội, bắt Montezuma làm con tin để có thể cai trị đế chế thông qua ông. Người tình Marina đã đóng vai trò to lớn trong nỗ lực này và đã thành công trong việc thuyết phục Montezuma hợp tác.

Mùa xuân năm 1520, Cortés biết được sự xuất hiện của một lực lượng Tây Ban Nha từ Cuba, do Pánfilo Narvez lãnh đạo, được Velázquez phái đi để tước quyền chỉ huy của Cortés. Ông dẫn quân đội của mình ra khỏi Tenochtitlán để đối đầu, bỏ lại một đơn vị đồn trú gồm 80 người Tây Ban Nha và vài trăm người Tlaxcaltecs để cai trị thành phố. Cortés đánh bại Narvez và sáp nhập lính của Narvez vào quân đội của mình.

Khi trở lại Tenochtitlán vào tháng 6, ông thấy quân đồn trú đang bị bao vây bởi người Aztec, những kẻ đã nổi dậy sau khi cấp dưới mà Cortés giao giữ quyền chỉ huy thành phố đã tàn sát một số thủ lĩnh Aztec, và dân chúng cũng trên bờ vực nổi dậy. Ngày 30/06, do áp lực và thiếu thốn lương thực, Cortés và quân đội của mình đã chiến đấu để thoát khỏi thủ đô với cái giá rất đắt. Được người Tây Ban Nha gọi là La Noche Triste, hay Đêm của Nỗi buồn, nhiều người lính đã chết đuối ở hồ Texcoco khi con tàu chở họ và kho báu của người Aztec mà Cortés thu giữ bị đắm. Montezuma đã bị giết trong cuộc chiến – theo ghi chép về Aztec của người Tây Ban Nha cũng như các ghi chép về Tây Ban Nha của một nhóm người Aztec phẫn nộ với việc Montezuma đầu hàng ngoại tộc. Người lên kế vị hoàng đế là em trai của Montezuma, Cuitláhuac.

Trên đường rút lui, người Tây Ban Nha đã đánh bại một đội quân Aztec lớn tại Otumba và sau đó gặp lại các đồng minh Tlaxcaltec của họ. Tháng 05/1521, Cortés trở lại Tenochtitlán, và sau một cuộc bao vây kéo dài ba tháng, thành phố cuối cùng cũng đầu hàng. Chiến thắng này đánh dấu sự sụp đổ của Đế chế Aztec. Cuauhtámoc, người kế vị Cuitláhuac, với tư cách là Hoàng đế, bị bắt làm tù binh và sau đó bị xử tử, và Cortés trở thành người cai trị cả một đế chế Mexico rộng lớn.

Nhà chinh phục Tây Ban Nha đã dẫn đầu một cuộc thám hiểm tới Honduras năm 1524 và năm 1528 trở về Tây Ban Nha để gặp nhà vua. Charles đã phong tước Hầu cho ông (Marqués del Valle) nhưng từ chối phong cho ông chức thống đốc vì những cuộc cãi vã của ông với Velázquez và những người khác. Năm 1530, ông trở về Mexico, bấy giờ được gọi là Tây Ban Nha Mới (New Spain), và chứng kiến đất nước trong tình trạng hỗn loạn. Sau khi khôi phục trật tự, ông quyết định nghỉ hưu, trở về khu nhà của mình ở phía nam Thành phố Mexico và tham gia các chuyến thám hiểm hàng hải từ bờ biển Thái Bình Dương. Năm 1540, ông trở lại Tây Ban Nha nhưng bị hoàng gia bỏ rơi. Cortés mất năm 1547.