Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Các chính trị gia đã tụ họp tại khu nghỉ mát Biarritz bên bờ biển của Pháp cho cuộc họp năm nay của các nhà lãnh đạo thế giới thuộc nhóm G7. Các bất đồng đã xuất hiện. Mỹ và Pháp đang tranh cãi về thuế dịch vụ kỹ thuật số mới của Pháp. Trong khi đó, Anh đang đe dọa sẽ rút lại phần lớn khoản thanh toán tài chính trị giá 39 tỷ bảng Anh (47 tỷ USD) mà họ đã đồng ý trả cho EU khi rời đi nếu không đạt được thỏa thuận mới trước ngày 31/10.
Sáu tiểu bang Brazil ở khu vực Amazon đã yêu cầu hỗ trợ từ các lực lượng vũ trang nhằm dập tắt các đám cháy đang tàn phá rừng nhiệt đới Amazon. Sau một hồi do dự, Tổng thống Jair Bolsonaro cam kết sẽ triển khai quân đội để dập các vụ cháy. Pháp và Ireland đã đe dọa sẽ chặn thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và các quốc gia Nam Mỹ nếu các nước này không hành động nhiều hơn nhằm dập tắt các vụ cháy.
Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông vẫn tiếp diễn, đến nay đã là tuần thứ mười hai. Cuối tuần qua, cảnh sát Hồng Kông đã bắn đạn hơi cay và dùng vòi rồng đối phó với những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Hầu hết đều tuần hành trong hòa bình, đi từ một sân vận động thể thao trong cảng container rộng lớn Kwai Chung đến Tsuen Wan gần đó. Song đã có một số vụ đụng độ dữ dội, trong đó cảnh sát bị ném gạch và các vật thể khác.
Triều Tiên đã phóng thêm hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào Biển Nhật Bản, ngoài khơi bờ biển phía đông của họ, trở thành loạt phóng mới nhất trong những tuần gần đây. Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đã rơi vào bế tắc bất chấp lời hứa sẽ hồi sinh chúng của các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên hồi tháng 6. Các vụ phóng thử gần đây càng làm cho triển vọng một cuộc đàm phán mới thêm mờ mịt.
Israel xác nhận họ đã không kích các lực lượng Iran ở Syria nhằm ngăn chặn cái mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố đã có thể trở thành “một cuộc tấn công chống lại Israel”. Ngay sau đó, hai máy bay không người lái của Israel rơi ở Beirut, thủ đô của nước láng giềng Lebanon. Một trong hai chiếc phát nổ gần một văn phòng của Hezbollah, một đảng chính trị và quân sự của Lebanon.
Theo một bản tin của Sky News, nhà cung cấp không gian làm việc chung của Anh IWG đang có kế hoạch niêm yết chi nhánh tại Mỹ trên Sàn giao dịch chứng khoán New York với giá trị 3 tỷ bảng Anh (3,7 tỷ đô la). We Company, công ty mẹ của WeWork, đối thủ cạnh tranh của IWG, cũng đang lên kế hoạch niêm yết tại New York với mức định giá 47 tỷ đô la. Song không giống như WeWork, IWG có lợi nhuận.
Jens Weidmann, chủ tịch Ngân hàng Trung Ương Đức và là một trong những người quyết định lãi suất cho Ngân hàng Trung Ương Châu Âu, nói với tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung rằng nền kinh tế Đức chưa đến lúc cần các kinh thích kinh tế lớn từ chính phủ hay ngân hàng trung ương. Kinh tế Đức, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi thương chiến Trung-Mỹ và doanh số bán xe giảm, đã suy giảm 0.1% trong Quý II.
TIÊU ĐIỂM
Căng thẳng thương mại Pháp-Mỹ
Một cuộc chiến thương mại nữa có liên quan tới Mỹ đang trong quá trình hình thành. Song lần này Tổng thống Donald Trump có thể phủ nhận rằng ông đã khởi đầu nó. Một tháng trước, Pháp áp thuế 3% đối với doanh thu được tạo ra từ người dùng Pháp trên các nền tảng trực tuyến và quảng cáo kỹ thuật số. Pháp hy vọng rằng khoản thuế này sẽ buộc các nước khác phải đồng ý về cách giải quyết sự mâu thuẫn giữa nơi mà các công ty trực tuyến tạo ra lợi nhuận và nơi mà họ thực sự đóng thuế.
Song động thái đơn phương của Pháp đã thúc đẩy Mỹ cũng hành động đơn phương. Hôm thứ Sáu, ông Trump nhắc lại đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu đối với rượu vang Pháp. Ông cho rằng Pháp nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Khoản thuế sẽ chỉ đánh vào các công ty có ít nhất 750 triệu euro doanh thu toàn cầu từ các dịch vụ kỹ thuật số và ít nhất 25 triệu euro thu được từ người dùng Pháp. Các ngưỡng này không biết vô tình hay hữu ý đã loại trừ hầu hết các công ty Pháp. Có lẽ manh mối nằm trong biệt danh tiếng Pháp của khoản thuế này, “thuế GAFA” – Google, Apple, Facebook và Amazon.
Chính trường Italia rối loạn
Các chính trị gia Italia sẽ khiến các thị trường chao đảo thêm lần nữa vào tuần này. Sau sự sụp đổ liên minh do Giuseppe Conte lãnh đạo giữa Phong trào dân túy năm sao (M5S) và Liên đoàn Phương Bắc cực hữu, Tổng thống Sergio Mattarella đã chọn thứ Ba là hạn chót để thành lập một chính phủ mới. M5S và Đảng Dân chủ trung tả đang đàm phán để buộc Liên đoàn Phương Bắc và lãnh đạo của họ Matteo Salvini phải ra khỏi chính phủ.
Song hai đảng này lại nghi ngờ lẫn nhau. Các nhà lập pháp của M5S nghi ngờ nhà lãnh đạo mới của Đảng Dân chủ muốn tổ chức bầu cử sớm để ông có thể loại bỏ các nghị sĩ trung thành với cựu thủ tướng Matteo Renzi. Các quan chức Đảng Dân chủ thì lo lắng rằng thủ lĩnh của M5S, Luigi Di Maio, muốn tái hợp với Liên đoàn Phương Bắc: Ông Salvini đã khôn khéo mời ông Di Maio làm thủ tướng nếu đồng ý thiết lập một liên minh mới. Ngoài ra còn có sự khác biệt đáng kể trong chính sách của Đảng Dân chủ và của M5S. Nếu họ làm đồng minh, chính phủ của họ cũng sẽ mong manh như chính phủ trước.
Johnson & Johnson bị kiện về opioid
Hôm nay, một phiên tòa dân sự đầu tiên dự kiến sẽ đưa ra phán quyết nhằm buộc một nhà sản xuất thuốc tây chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng opioid ở Mỹ. Một thẩm phán ở Oklahoma dự kiến sẽ quyết định liệu Johnson & Johnson, một công ty dược phẩm, có phải chịu trách nhiệm về những rắc rối ở bang này do tình trạng nghiện opioid hay không. Cáo buộc cho rằng Janssen, công ty con của Johnson & Johnson, đã quảng cáo rầm rộ trên thị trường các loại thuốc giảm đau chứa opioid cho các bác sĩ, trong khi làm giảm nhẹ nguy cơ nghiện thuốc.
Cách bán hàng này, theo lập luận của tổng chưởng lý tiểu bang, dẫn đến tình trạng nghiện gia tăng và buộc tiểu bang phải chi tới 17 tỷ đô la để xử lý. Công ty này phủ nhận hành vi sai trái, nói rằng cách tiếp thị của họ là phù hợp và có trách nhiệm, và bang đã không trấn áp nạn kê đơn thuốc cho các mục đích phi y tế. Một phán quyết chống lại Johnson & Johnson có thể dẫn đến nhiều phán quyết tương tự trên toàn nước Mỹ. Cho đến nay, hai công ty Purdue Pharma và Teva Pharmaceutical đã lựa chọn cùng giải quyết với Oklahoma. Tính trung bình, mỗi ngày có 130 người Mỹ chết do quá liều opioid.
Kỉ niệm 100 năm thành lập British Airways
Hôm qua, hãng hàng không Anh đã tổ chức sinh nhật lần thứ 100. Vào ngày 25 tháng 8 năm 1919, công ty Aircraft Transport & Travel Limited – tiền thân lâu đời nhất của British Airways (BA), đã ra mắt tuyến bay quốc tế hàng ngày theo lịch trình định sẵn đầu tiên trên thế giới. Bay từ London đến Paris, chiếc máy bay được chuyển đổi từ phi cơ ném bom trong Thế chiến I mang theo kem Devonshire, cá mú và một hành khách (một nhà báo). Hãng hàng không này phát triển kể từ đó và đến nay vận chuyển hơn 120.000 hành khách mỗi ngày.
Nhìn chung, BA trông như thể đang “bay cao”: hồi năm ngoái, IAG, chủ sở hữu hiện tại của BA, đã kiếm được lợi nhuận kỷ lục. Song các nhà đầu tư đang lo lắng về tương lai. Các tiêu chuẩn dịch vụ đang giảm, dịch vụ IT của hãng liên tục thất bại – tháng trước họ đã bị phạt 183 triệu bảng (229 triệu đô la) vì để 500.000 chi tiết thẻ tín dụng của khách hàng bị đánh cắp – và vào tháng tới, họ sẽ đối mặt cuộc đình công ba ngày của các phi công xung quanh vấn đề lương bổng . Và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn. Cơ quan quản lý cạnh tranh của Vương quốc Anh đã đề xuất bán đấu giá các suất cất cánh và hạ cánh giá trị tại sân bay Heathrow sau Brexit; hiện tại hơn một nửa được tặng miễn phí cho IAG.
Chi phí thực phẩm ở Mỹ và châu Âu
Ai cũng biết internet băng thông rộng, truyền hình cáp, hợp đồng điện thoại, giá vé máy bay và bia ngon ở Mỹ đắt hơn ở châu Âu. Còn thực phẩm thì ở Mỹ lại rẻ hơn. Song dữ liệu được thu thập bởi The Economist tại Pret a Manger, một chuỗi cửa hàng cà phê, cho thấy người Boston phải trả nhiều tiền hơn người London cho những bữa trưa giống hệt nhau. Chẳng hạn, một chiếc bánh sandwich trứng có giá 1,79 bảng Anh (2,15 đô la) ở Anh và 4,99 đô la ở Mỹ, mặc dù có thành phần và chi phí lao động tương tự.
Phần lớn phụ thuộc vào việc định giá một thực đơn, nhưng quan trọng nhất là người ta mong muốn trả bao nhiêu. Người Boston, vốn quen với những chiếc kẹo jawbreakers giá 12 đô la tại cửa hàng đặc sản địa phương có thể coi chiếc sandwich trứng 4,99 đô la tại Pret là một món hời. Còn những người London, vốn quen với các bữa ăn £3 bao gồm bánh sandwich, khoai tây chiên và đồ uống, sẽ coi một chiếc bánh sandwich giá 4,99 bảng là quá đắt đỏ. Giống như hầu hết các ngành công nghiệp khác, người bán là bên hưởng lợi lớn nhất.