Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bác bỏ khả năng đàm phán với Tổng thống Donald Trump cho đến khi nào Mỹ đồng ý dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với nước này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói tại hội nghị G7 rằng ông có thể sắp xếp một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Iran và Mỹ. Ông Trump nói rằng ông sẽ đồng ý tiến hành một cuộc họp “nếu hoàn cảnh phù hợp”.
Các đảng đối lập của Vương quốc Anh đã thống nhất chiến thuật của họ nhằm ngăn chặn chính phủ Đảng Bảo thủ theo đuổi Brexit không thỏa thuận. Tại một cuộc gặp được tập hợp bởi nhà lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, các nghị sĩ từ sáu đảng đã đồng ý sử dụng các quy trình pháp lý của quốc hội để ngăn cản chính phủ, thay vì tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Phần lớn các nghị sĩ, bao gồm nhiều đảng viên đảng Bảo thủ, muốn ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết Brazil có thể “chiếu cố” nhận khoản viện trợ nhằm giúp dập tắt các đám cháy rừng Amazon từ nước ngoài trị giá 22 triệu đô la – nhưng chỉ với điều kiện Tổng thống Pháp phải xin lỗi vì đã xúc phạm ông. Ông Emmanual Macron đã gọi ông là “kẻ dối trá”. Tổng thống Brazil đã bác bỏ lời đề nghị hỗ trợ của G7, cho rằng nó thể hiện “não trạng thực dân”. Trong khi đó thì rừng vẫn cháy.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) sẽ chuyển một khoản 1,76 ngàn tỷ rupee (24,4 tỷ đô la Mỹ) “dư thừa” sang kho bạc của chính phủ, trong một động thái làm dấy lên hoài nghi về sự độc lập của ngân hàng này. Năm ngoái, áp lực bàn giao tiền đã khiến thống đốc RBI Urjit Patel phải từ chức. Số tiền này sẽ giúp bù đắp vào doanh thu thuế đang ở mức thấp của Ấn Độ.
Một tòa án ở Oklahoma đã tuyên rằng công ty dược phẩm Johnson & Johnson phải trả cho bang này 572 triệu đô la vì những thiệt hại gây ra bởi loại thuốc giảm đau kê đơn trong thảm họa opioid. Mặc dù khoản bồi thường đã giảm rất nhiều so với mức 17 tỷ đô la mà bang này muốn, song phán quyết sẽ khuyến khích các bang và thành phố khác theo đuổi các vụ kiện tương tự đối với các công ty dược phẩm lớn.
Philip Morris cho biết họ đang đàm phán để hợp nhất với Altria. Các đại gia thuốc lá này từng tách ra vào năm 2008 (Altria bán thuốc lá Marlboro ở Mỹ, Philip Morris bán ở thị trường khác). Hai công ty có tổng vốn hóa thị trường khoảng 210 tỷ đô la. Các công ty thuốc lá đang phải thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi, với khả năng bị kiện giảm xuống trong khi các công nghệ mới như thuốc lá điện tử tái định hình thị trường.
Một thẩm phán liên bang ở Missouri đã chặn một đạo luật cấm phụ nữ phá thai sau tám tuần mang thai. Đạo luật này, không miễn trừ cho các trường hợp loạn luân hoặc hiếp dâm, dự kiến sẽ có hiệu lực trong tuần này. Song cũng giống như các lệnh cấm phá thai sớm khác được thông qua ở Mỹ trong những tháng gần đây, luật này đã công khai không tôn trọng phán quyết vụ Roe v Wade, một phán quyết của Tòa án Tối cao hồi năm 1973 cho rằng phá thai là một quyền hiến định.
TIÊU ĐIỂM
Quan hệ Nhật-Hàn lại thêm căng thẳng
Mối bất hòa giữa hai nước về vấn đề lịch sử lại gia tăng hôm nay khi Nhật Bản áp đặt các hạn chế đối với hàng xuất khẩu của họ sang Hàn Quốc. Nhật quyết định loại người hàng xóm của mình khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, có nghĩa là rất nhiều các lô hàng sẽ phải được chính phủ phê duyệt. Đây là bước leo thang của Nhật từ sau động thái hạn chế xuất khẩu vào tháng trước đối với các vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản, hành động khiến Seoul phẫn nộ.
Tuần trước, Hàn Quốc đã rút khỏi hiệp ước ba bên với Mỹ về chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật, trong một động thái được coi là sự trả đũa. Những căng thẳng gần đây bùng lên từ tháng 10 năm ngoái khi Tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật phải bồi thường cho những người lao động Hàn Quốc bị cưỡng bức làm việc cho họ trong Thế chiến II. Nhật Bản phủ nhận một cách đáng ngờ rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu không phải là đòn “ăn miếng trả miếng”. Dầu đã được đổ thêm vào ngọn lửa ngoại giao vào cuối tuần qua khi Hàn Quốc tổ chức các diễn tập chiến tranh với bối cảnh là quần đảo Dokdo/Takeshima, các đảo đá nằm giữa hai nước mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền.
Tổng thống Philippines thăm Trung Quốc
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay tới Bắc Kinh, nơi ông và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp thứ tám. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines bởi các yêu sách chồng chéo ở Biển Đông có nguy cơ gây ra xung đột lớn và liên lụy đến Mỹ, một đồng minh của Philippines. Mặc dù vậy, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines gần đây đã giải quyết một cách khôn khéo. Ông Tập kiềm chế sự quyết liệt của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp trong khi ông Duterte giữ im lặng về phán quyết của tòa trọng tài quốc tế rằng chỉ có các yêu sách của Philippines là hợp pháp.
Tuy nhiên, giờ đây, người Trung Quốc lại dương oai diễu võ một lần nữa, khiến ông Duterte tỏ ra yếu đuối trong mắt cử tri Philippines. Vì vậy, ông nói rằng ông sẽ cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế khi gặp ông Tập. Ông Tập sẽ chẳng quan tâm. Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài. Nhưng ông Duterte có thể cảnh báo với ông Tập rằng ông sẽ lặp lại cáo buộc đó trên toàn thế giới – làm bẽ mặt một Trung Quốc đang tuyệt vọng chứng minh sự trung thực quốc tế của mình.
IMF và nợ của Argentina
Một nhóm chuyên gia cao cấp của IMF từ Argentina sẽ trở lại Washington vào ngày hôm nay, lo lắng sau khi có cái nhìn cận cảnh về cuộc bầu cử ở đất nước Nam Mỹ này. Nhóm nghiên cứu đã gặp Alberto Fernández, ứng cử viên phe đối lập, người đang tỏ ra vượt trội so với Tổng thống Maurico Macri trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 10. Ông Fernández đã hô hào rằng cả chính phủ Macri và IMF phải chịu trách nhiệm về khoản vay kỷ lục trị giá 57 tỷ đô la được trao cho Argentina vào năm ngoái. Chỉ ra lạm phát trên 50%, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói gia tăng, ông Fernández tuyên bố rằng IMF phải “đồng chịu trách nhiệm” với chính phủ về “thảm họa xã hội đang ngày càng gây ảnh hưởng lên nhiều thành phần của xã hội Argentina”.
Ông Fernández đảm bảo rằng nếu được bầu ông sẽ không tôn trọng các nghĩa vụ nợ của đất nước mà tìm cách thương lượng lại chúng. Nhóm IMF đã đến Argentina để xem xét liệu có nên đề xuất giải ngân đợt tiếp theo trị giá 5,4 tỷ đô la theo lịch trình dự kiến giữa tháng 9 hay không. Điều đó vẫn có thể xảy ra, song những gì mà nhóm IMF đã đối diện ở Buenos Aires xem ra sẽ làm cho quyết định này không hề dễ dàng.
John Bolton đến thăm Belarus
Tuần này John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump, sẽ gặp nhà lãnh đạo chuyên chế của Belarus, Alexander Lukashenko, trở thành quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến thăm Minsk kể từ năm 2001. Từ lâu, Belarus đã “thân thiết” với Vladimir Putin, người tìm kiếm một liên minh chặt chẽ hơn với nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này. Song, lo ngại trước cuộc xâm lược của Nga ở miền đông Ukraine và sáp nhập Crimea hồi năm 2014, ông Lukashenko đã quay sang phía tây để “lách” ra khỏi vòng tay của người hàng xóm khổng lồ.
Ông đã thả các tù nhân chính trị vào năm 2015, nới lỏng các yêu cầu thị thực cho một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu từ năm 2017 và dỡ bỏ hạn mức số lượng các nhà ngoại giao Mỹ được phép lưu lại ở nước này từ đầu năm nay. Sau một cuộc tranh cãi về dầu mỏ với Nga, hồi tuần trước Belarus đã yêu cầu Mỹ chấm dứt các lệnh trừng phạt về dầu mỏ để họ có thể đa dạng hóa nguồn cung. Cuộc gặp thể hiện nỗ lực của Mỹ nhằm tái chú ý tới khu vực này, với việc ông Bolton thăm tổng thống mới của Ukraine ngày hôm qua, và dự kiến sẽ tháp tùng ông Trump thăm Ba Lan vào cuối tuần này.
Công ty trang sức Tiffany tìm kiếm khách hàng mới
Tên của hãng trang sức nổi tiếng nhất New York là một từ lóng thể hiện sự sang trọng nữ tính. Liệu Tiffany cũng có thể dụ dỗ đàn ông? Đàn ông mua nữ trang cho vợ và người yêu, nhưng hãng này còn mong muốn họ mở ví cho chính mình. Một dòng trang sức tập trung vào nam giới được công bố trong tháng này có nhiệm vụ cải thiện doanh thu, sau khi nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm. Trong các quý gần đây, Tiffany đã báo cáo doanh số sụt giảm từ các khách du lịch Trung Quốc, buộc công ty phải cắt giảm lợi nhuận dự kiến cho năm 2019 trong hai báo cáo thu nhập gần đây nhất.
Họ có thể phải làm như vậy một lần nữa khi công bố thu nhập nửa đầu năm vào hôm nay. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, được tiến hành bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã gây ra một sự sụt giảm lớn lượng du khách Trung Quốc. Điều này làm tổn thương mọi cửa hàng nơi mà các vị khách này có thể đã tiêu tiền, và thậm chí còn gây nhiều tổn thương hơn nữa cho một thương hiệu mang tính biểu tượng của nước Mỹ. Điều này đặc biệt đúng với một cửa hàng chính của hãng ở Manhattan, nằm cạnh tòa tháp Trump.