14/09/1812: Napoleon đưa quân tiến vào Moskva

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Napoleon enters Moscow, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1812, một tuần sau khi giành chiến thắng đẫm máu trước quân Nga trong Trận Borodino, Đại Quân (Grande Armée) của Napoléon Bonaparte đã tiến vào thành phố Moskva, chỉ để thấy dân chúng đã di tản, còn quân Nga một lần nữa rút lui. Moskva là mục tiêu của cuộc xâm lược, nhưng thành phố hoang vắng này chẳng còn quan chức Sa hoàng nào ở lại để cầu xin hòa bình, cũng chẳng có cửa hàng thực phẩm hay kho đồ tiếp tế nào để tưởng thưởng cho lính Pháp sau cuộc hành quân dài đằng đẵng. Chưa dừng lại, ngay sau nửa đêm, các đám cháy đã bùng phát khắp thành phố, nhiều khả năng do những người yêu nước Nga gây ra, khiến đội quân khổng lồ của Napoléon không còn cách nào để sống sót qua mùa đông nước Nga đang gần kề.

Năm 1812, Hoàng đế Napoléon I vẫn đang ở thời kỳ đỉnh cao của mình. Dù Chiến tranh Bán đảo (Peninsular War) chống lại Anh đang là cái gai cản trở Đế chế châu Âu vĩ đại của ông, nhưng hoàng đế tin chắc rằng các tướng lĩnh của mình sẽ sớm chiến thắng ở Tây Ban Nha. Việc cuối cùng cần làm để hoàn thành Hệ thống Lục địa (Continental System) – cuộc phong tỏa đơn phương của Pháp tại châu Âu, được thiết kế để cô lập kinh tế và buộc Anh Quốc phải khuất phục – là sự hợp tác của Nga. Sau những xung đột trước đó, quan hệ hòa bình giữa Napoléon và Alexander I đã rất mong manh; vị Sa hoàng không sẵn lòng phục tùng Hệ thống lục địa, bởi nó sẽ hủy hoại nền kinh tế Nga. Để đe dọa Alexander, Napoléon đã tập trung lực lượng của mình ở Ba Lan vào mùa xuân năm 1812, nhưng vẫn bị Sa hoàng từ chối.

Ngày 24/06, Napoléon đã ra lệnh cho Đại Quân, lực lượng quân sự lớn nhất châu Âu thời bấy giờ, tấn công Nga. Đoàn quân khổng lồ với sự tham gia của hơn 500.000 binh sĩ và nhân sự đến từ Phổ, Áo và các quốc gia khác dưới sự thống trị của Đế chế Pháp. Thành công của Napoléon là nhờ vào khả năng di chuyển quân đội linh hoạt và tấn công nhanh chóng, nhưng trong những tháng đầu xâm lược nước Nga, ông buộc phải đương đầu với một đội quân Nga lúc nào cũng thoái lui. Người Nga trên đường chạy trốn đã áp dụng chiến lược “tiêu thổ”, chiếm giữ hoặc thiêu rụi bất kỳ nguồn hỗ trợ nào mà lính Pháp có thể cướp được từ vùng nông thôn. Trong khi đó, khả năng tiếp tế của Napoléon dần trở nên cạn kiệt khi ông tiến sâu hơn vào đất Nga.

Nhiều người trong chính phủ Sa hoàng đã chỉ trích việc quân đội Nga không chịu đối đầu trực tiếp với Napoléon. Dưới áp lực công luận, Alexander đã chỉ định Tướng Mikhail Kutuzov lên làm chỉ huy tối cao vào tháng 8, nhưng người cựu binh từng bại trận trước Napoléon vẫn tiếp tục rút lui. Cuối cùng, Kutuzov đã đồng ý tham gia chốt chặn tại thị trấn Borodino, khoảng 70 dặm về phía tây Moskva, trực tiếp chiến đấu chống lại quân Pháp. Người Nga bắt đầu cho xây dựng các công sự, và vào ngày 07/09, Đại Quân đã tấn công. Napoléon đã thận trọng một cách bất thường trong hôm đó; ông không cố gắng áp đảo quân Nga và còn từ chối gửi quân tiếp viện cần thiết ra chiến trường. Kết quả là một chiến thắng đẫm máu và sít sao, cùng một cuộc rút lui khác của quân đội Nga.

Mặc dù không bằng lòng với tiến trình của chiến dịch, Napoléon vẫn tin chắc rằng một khi chiếm được Moskva, Alexander sẽ buộc phải đầu hàng. Ngày 14/09, người Pháp đã tiến vào một Moskva vắng vẻ. Gần như toàn bộ dân số 275.000 người của thành phố đã biến mất. Napoléon đành nghỉ chân tại một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố vào đêm đó, nhưng chỉ mới hai giờ sáng, vị hoàng đế đã được thông báo rằng một đám cháy đã bùng phát trong thành phố. Ông vội đến điện Kremlin, chỉ để chứng kiến ngọn lửa ngày một lớn thêm. Những báo cáo bất thường bắt đầu xuất hiện nói rằng chính người Nga gây ra các đám cháy. Đột nhiên, một đám cháy bùng phát trong điện Kremlin, dường như thủ phạm là một cảnh sát thuộc quân đội Nga, người đã bị xử tử ngay lập tức. Bão lửa lan rộng, Napoléon và đoàn tùy tùng buộc phải chạy trốn khỏi những con đường đang cháy, rút đến vùng ngoại ô Moskva để tránh bị ngạt thở. Khi lửa tắt ba ngày sau đó, hơn hai phần ba thành phố đã bị phá hủy.

Sau tai họa ấy, Napoleon vẫn hy vọng Alexander sẽ cầu xin hòa bình. Trong một lá thư gửi đến Sa hoàng, ông viết: “Hỡi người anh em của ta. Moskva xinh đẹp, huyền diệu nay đã không còn. Cớ sao ngài có thể cho phép phá hủy thành phố đáng yêu nhất thế giới, một thành phố đã mất hàng trăm năm để xây dựng?” Đám cháy được cho là theo lệnh của Toàn quyền Moskva, Feodor Rostopchin; dù sau đó ông này đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc. Alexander nói rằng việc thiêu rụi Moskva đã “thắp sáng tâm hồn ta” và Sa hoàng đã từ chối đàm phán với Napoleon.

Sau một tháng chờ đợi sự đầu hàng sẽ chẳng bao giờ đến, Napoleon đã buộc phải dẫn dắt đoàn quân đói khát của mình ra khỏi thành phố đổ nát. Đột nhiên, quân Kutuzo xuất hiện tấn công họ vào ngày 19/10 tại Maloyaroslavets. Đại Quân tan rã đã buộc phải từ bỏ con đường trù phú phía nam mà họ chọn làm đường lui, quay trở lại con đường bị tàn phá mà trước đó họ dùng để tiến vào Moskva. Trong cuộc rút lui thảm khốc ấy, lính của Napoléon đã phải chịu sự quấy nhiễu liên tục từ quân đội Nga. Bị rình rập bởi nạn đói, cái lạnh, cùng những đòn chí mạng của người Cossacks, Đại Quân đã đến được sông Berezina vào cuối tháng 11, gần biên giới với Litva do Pháp chiếm đóng. Tuy nhiên, dòng sông bất ngờ tan băng, còn người Nga thì đã phá hủy những cây cầu ở Borisov.

Các kỹ sư của Napoléon đã xoay sở để xây dựng hai cây cầu tạm tại Studienka và ngày 26/11, và phần lớn quân đội của ông bắt đầu qua sông. Ngày 29/11, người Nga đã gây áp lực từ phía đông, và người Pháp buộc phải đốt cháy những cây cầu, để lại khoảng 10.000 tàn quân ở phía bên kia. Phía Nga gần như đã từ bỏ việc truy đuổi sau thời điểm đó, nhưng hàng ngàn lính Pháp vẫn phải hứng chịu vì đói, kiệt sức và lạnh. Tháng 12, Napoléon đã từ bỏ quân đội của mình để lên đường trở về Paris, nơi người ta đồn rằng ông đã chết và một vị tướng đã lãnh đạo một cuộc đảo chính không thành công. Ông bí mật băng qua châu Âu cùng một vài đoàn lính tùy tùng và về đến được thủ đô Paris vào ngày 18/12. Sáu ngày sau, Đại Quân cuối cùng đã thoát ra khỏi Nga, với con số thương vong là 400.000 người trong cuộc xâm lược thảm khốc ấy.

Khi người dân châu Âu được lên dây cót tinh thần vì thất bại thảm khốc của Pháp ở Nga, một lực lượng đồng minh đã trỗi dậy để đánh bại Napoléon năm 1814. Bị đày đến đảo Elba, ông trốn sang Pháp vào đầu năm 1815 và gầy dựng lại một đội quân mới. Họ đã tận hưởng những thành công thoáng qua trước khi gặp thất bại cuối cùng ở Waterloo vào tháng 06/1815. Napoleon sau đó bị đày đến hòn đảo Saint Helena xa xôi, nơi ông qua đời sáu năm sau đó.