29/09/1939: Đức – Xô phân chia Ba Lan

Nguồn: Nazis and communists divvy up Poland, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1939, Đức và Liên Xô đã đồng ý chia nhau quyền kiểm soát Ba Lan theo giới tuyến dọc theo sông Bug, người Đức chiếm mọi thứ ở phía tây, Liên Xô chiếm mọi thứ ở phía đông.

Theo Hiệp ước Ribbentrop-Molotov, hay Hiệp ước Hitler-Stalin, thỏa thuận bất tương xâm giữa hai cường quốc quân sự Đức – Xô, Joachim von Ribbentrop, Ngoại trưởng Đức, đã gặp người đồng cấp Liên Xô của mình, V.M. Molotov, để ký Hiệp ước Hữu nghị Biên giới Đức – Xô. Các điều khoản trong hiệp ước bất tương xâm ban đầu đã hứa hẹn dành cho Liên Xô một phần phía đông Ba Lan; giờ đây, chuyện chỉ còn đơn giản là đặt ranh giới ở đâu trên bản đồ mà thôi.

Joseph Stalin, nhà lãnh đạo độc tài của Liên Xô, đã đích thân vẽ ra đường phân chia Ba Lan. Đầu tiên ranh giới được chọn là sông Vistula, ngay phía tây Warsaw, nhưng sau đó ông đã đồng ý kéo nó lùi về phía đông thủ đô và Lublin, trao cho Đức quyền kiểm soát hầu hết các khu vực công nghiệp và dân cư đông đúc nhất của Ba Lan. Đổi lại, Stalin muốn Lvov và các giếng dầu của nó, cũng như Litva, nằm ngay phía bắc Đông Phổ. Đức giờ đây có 22 triệu người Ba Lan, “nô lệ của Đế chế Đại Đức” để tùy nghi sử dụng; còn Liên Xô thì tạo cho mình một vùng đệm phía tây.

Cũng trong ngày này, Liên Xô đã ký Hiệp ước Tương trợ với một quốc gia vùng Baltic, Estonia, trao cho Stalin quyền chiếm các căn cứ hải quân và không quân của nước này. Một hiệp ước tương tự sau đó sẽ được ký kết với Latvia. Xe tăng Liên Xô cuối cùng đã lăn qua biên giới các nước này nhân danh việc “tương trợ”, qua đó đặt các quốc gia Baltic vào tay Liên Xô suốt nhiều thập niên. Các “hiệp ước” này một lần nữa chỉ đơn thuần là nhằm hiện thực hóa các điều khoản trong Hiệp ước Ribbentrop-Molotov, mang lại cho Stalin nhiều quốc gia dọc biên giới để làm vùng đệm, đồng thời bảo vệ lãnh thổ Liên Xô nơi mà hệ tư tưởng Bolshevik không được các nước láng giềng phương Tây nhiệt tình chấp nhận, cụ thể là đối tác bất tương xâm của họ, Đức. Các quốc gia Baltic rất dễ bị tổn thương đương nhiên là không có tiếng nói trong các thỏa thuận này, đơn giản là họ đã bị thôn tính.