Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Donald Trump đăng trên Twitter rằng nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nên bị bắt vì tội phản quốc. Những lời bình luận của tổng thống xuất hiện vài ngày sau khi ông Schiff đồng ý thỏa thuận với một người tố giác ẩn danh, người có thư tố giác về hành vi của ông Trump khiến đảng Dân chủ bắt đầu thủ tục luận tội, để đưa người này đến điều trần trước Ủy ban của ông Schiff.
Bộ trưởng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, Berat Albayrak, chính thức đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng 5% cho kế hoạch năm 2019. Mục tiêu này đã được cha vợ ông, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, công bố vào tháng trước. Động thái này bất chấp các cảnh báo rằng một sự bùng nổ nhờ tín dụng khác có nguy cơ gây bất ổn nền kinh tế; năm ngoái, đồng lira đã mất 30% giá trị so với đồng đô la Mỹ.
Muhammad bin Salman, thái tử Ả Rập Xê Út, cho biết giá dầu có thể tăng lên “mức cao không thể tưởng tượng được” nếu động thái gây hấn của Iran không bị ngăn chặn. Ả Rập Saudi đổ lỗi cho Iran về cuộc tấn công vào hai cơ sở dầu mỏ của họ hồi đầu tháng này. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Mỹ, thái tử một lần nữa phủ nhận đã ra lệnh giết Jamal Khashoggi, một nhà báo bất đồng chính kiến.
Đảng Bảo thủ Anh họp hội nghị thường niên tại Manchester, hứa hẹn sẽ giúp đất nước sẵn sàng cho Brexit. Chấm dứt nhiều năm thắt chặt chi tiêu đã qua, Đảng Bảo thu cam kết sẽ đầu tư 50 tỷ bảng (62 tỷ đô la) cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bộ, xe buýt và băng thông rộng siêu tốc. Trong khi đó, các đảng đối lập đã gặp nhau ở London để thảo luận về cách ngăn chặn ông Boris Johnson theo đuổi Brexit không thỏa thuận.
Khu vực sản xuất của Trung Quốc suy giảm tháng thứ năm liên tiếp vào tháng 9 – nhưng không giảm nhiều như nhiều người dự đoán. Chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất chính thức đứng ở mức 49,8, cao hơn so với mức 49,5 của tháng 8. Chỉ số trên 50 nghĩa là tăng trưởng; còn nhỏ hơn 50 tức là suy thoái. Các tác nhân gây ảnh hưởng bao gồm tăng trưởng nội địa chậm và cuộc thương chiến Trung-Mỹ đang diễn ra.
Một vụ kiện tập thể chống lại Volkswagen bắt đầu ở Đức, 4 năm sau khi nhà sản xuất ô tô bị phát hiện đã cài đặt các thiết bị để vượt qua các bài kiểm tra khí thải. Khoảng 446.000 nguyên đơn đang yêu cầu hoàn tiền cho chiếc xe của họ. Volkswagen nói xe của họ vẫn hoạt động hoàn hảo. Vụ bê bối khí thải diesel này cho đến nay đã khiến công ty thiệt hại khoảng 30 tỷ euro (33 tỷ USD) tiền phạt và mua lại (từ người mua xe).
WeWork, công ty cung cấp không gian văn phòng làm việc chung, cho biết họ sẽ không IPO. Tuần trước, công ty này, từng được coi là một trong các công ty khởi nghiệp giá trị nhất nước Mỹ, đã sa thải giám đốc điều hành Adam Neumann. Trước đó, công ty đã hoãn IPO trong bối cảnh lo ngại từ các nhà đầu tư – bao gồm cả cổ đông lớn nhất SoftBank – về tình hình quản lý và mức thua lỗ đang tăng của công ty.
TIÊU ĐIỂM
Trung Quốc kỉ niệm Quốc khánh
Trung Quốc bước vào lễ quốc khánh thứ 70, vốn được chuẩn bị để trở thành một trong các sự kiện đáng chú ý nhất lịch sử nước này. 70 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản sẽ được kỉ niệm tại Bắc Kinh bằng một trong những cuộc duyệt binh lớn nhất từng được tổ chức tại thành phố: 15.000 binh sĩ sẽ diễu hành qua Quảng trường Thiên An Môn cùng với tên lửa, xe tăng và máy bay. Đoàn có thể bao gồm DF-41, tên lửa di động đường bộ đầu tiên của Trung Quốc có khả năng tấn công mọi địa điểm ở Mỹ.
Lễ kỷ niệm cũng sẽ được đánh dấu bằng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Kể từ khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, cư dân của thành phố thường tổ chức các cuộc biểu tình vào ngày 1 tháng 10 để yêu cầu cải cách chính trị. Năm nay, lễ kỉ niệm trùng với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ làm náo loạn thành phố kéo dài nhiều tuần qua. Khả năng cao sẽ có đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát, cũng như lời cảnh báo cứng rắn từ nhà chức trách Bắc Kinh rằng tình trạng bất ổn đã trở nên không dung thứ được.
Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng
Người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ phải trả nhiều tiền hơn khi đi mua sắm kể từ hôm nay. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước đây đã hoãn tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% tận hai lần. Sự rụt rè của ông Abe là điều dễ hiểu. Nỗ lực áp dụng thuế mới hoặc tăng thuế đã hủy hoại nhiệm kỳ của một số người tiền nhiệm của ông. Lần tăng cuối cùng, từ 5% lên 8% hồi năm 2014, đã tác động mạnh lên nền kinh tế.
Những người chỉ trích nói chính phủ lại một lần nữa bỏ qua các cảnh báo. Tăng trưởng kinh tế chậm và xuất khẩu đang giảm. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Các nhà kinh tế dự đoán mức tăng thuế mới sẽ thêm 50.000 Yên (463 đô la) vào chi phí mua sắm hàng năm của một hộ gia đình bình thường. Etsuro Honda, cựu cố vấn kinh tế của ông Abe, nói “đây là thời điểm tồi tệ nhất (để tăng thuế)”. Tuy nhiên, vẫn chưa có cuộc “chạy đua tranh thủ mua hàng” nào trước khi mức tăng có hiệu lực – cho thấy hi vọng rằng lần này người tiêu dùng có thể làm ngơ tác động của nó.
Số liệu ngành sản xuất của Mỹ
Dữ liệu được công bố hôm nay có thể sẽ xoa dịu những người đang lo lắng vì cuộc khảo sát các nhà sản xuất của Viện Nghiên cứu Quản lý Cung ứng (ISM) hồi tháng 8. Cuộc khảo sát đó cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng và việc làm đều suy giảm. Các doanh nghiệp lo ngại về thương chiến Trung-Mỹ, song cho biết thương mại giảm nói chung là mối bận tâm lớn nhất của họ. Khả năng cao lần này các con số sẽ được cải thiện. Dữ liệu gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang về sản lượng sản xuất cho thấy sản lượng không giảm nhiều như cuộc khảo sát của ISM thể hiện.
Các nhà kinh tế tại Deutsche Bank dự đoán số liệu của ISM sẽ chỉ cải thiện đôi chút so với tháng trước. Tuy nhiên, điều này thể hiện sự đa dạng của các biện pháp đo lường hơn là sức khỏe cơ bản của nền kinh tế. Vì cuộc chiến thương mại có ít dấu hiệu xuống thang, đồng đô la mạnh và nhu cầu toàn cầu vẫn yếu, môi trường cho các nhà sản xuất Mỹ khả năng cao vẫn sẽ còn khó khăn trong thời gian tới.
Giám đốc điều hành mới của IMF nhậm chức
Hôm nay, Kristalina Georgieva bắt đầu làm giám đốc điều hành IMF. Dự kiến vài tuần đầu tiên của bà sẽ bị chi phối bởi các vấn đề tài chính của Argentina, nước đang vay 57 tỷ đô la, khoản cho vay lớn nhất trong lịch sử của quỹ. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của bà sẽ là quyết định có nên tiến hành đợt giải ngân tiếp theo trước khi nước này tổ chức bầu cử vào cuối tháng hay không. Là cựu giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới, bà Georgieva có mối quan hệ tốt với các cổ đông lớn của quỹ, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.
Điều này sẽ rất có giá trị đối với IMF, tổ chức có nguy cơ bị “kẹt” giữa cuộc chiến thương mại và tiền tệ mà nhiệm vụ của họ là ngăn chặn. Chuyên môn về kinh tế môi trường của bà Georgieva cũng sẽ giúp ích. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến sự ổn định kinh tế sẽ dần trở nên quan trọng hơn trong những năm tới. Tất cả điều này báo hiệu một nhiệm kỳ 5 năm đầy ắp những sự kiện cho bà Georgieva.
Công nghệ xe tự lái dậm chân tại chỗ
Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, số liệu bán xe hơi tháng 9 của Mỹ, dự kiến công bố trong tuần này, có thể là một điểm sáng. Ngành công nghiệp này gần đây đã tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, về lâu dài, một trong các dự án đổi mới công nghệ lớn nhất của ngành đang đi trật hướng. Các nhà sản xuất xe hơi và đại gia công nghệ đã đầu tư rất nhiều vào xe tự lái. Nhưng tiến độ đã chậm. Mặc dù Waymo đã “ra mắt” dịch vụ taxi tự hành tại Phoenix vào tháng 12, song dịch vụ này vẫn chưa sẵn sàng cho công chúng. Mặc dù đã thử nghiệm hàng triệu dặm, hệ thống này vẫn phải chịu sự giám sát liên tục từ con người.
Trong khi đó, Tesla cũng đã bỏ lỡ nhiều thời hạn sản xuất xe tự lái. Ông chủ của Ford, Jim Hackett, thì nói công nghệ này đã bị thổi phồng quá mức. Nhiều nhà nghiên cứu AI cho biết các kỹ thuật học máy được sử dụng trong hầu hết các dự án tự lái về cơ bản là không phù hợp với một hoạt động không thể dự đoán trước được như lái xe. Một chuỗi các vụ tai nạn gây thương vong đã làm tăng thêm cảm giác công nghệ này đang rơi vào bế tắc.