Nùng Trí Cao đánh Tống (P3)

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Khởi đầu đạo quân Nùng Trí Cao toàn thắng trong cuộc trường chinh từ Hoành Sơn [Ung Châu], xuôi hạ lưu các sông Hữu Giang, Uất, Tây Giang, Châu Giang; cuối cùng bị khựng lại tại thành Quảng Châu. Trên đường trở về thành Ung [Nam Ninh] bị quân Tô Giam dùng chướng ngại vật chặn tại Biên Độ Võng phải ngược sông Bắc Giang. Quả thực Trí Cao đúng như ý nghĩa tên gọi, trí óc vượt người thường, từ thế bị động chuyển sang chủ động; trên thuyền ra lệnh ca hát vui mừng, rồi tiếp tục tấn công các châu, huyện; từ Thanh Viễn [Quingyuan], ngược Thiều Châu [Shaoguan], theo sông nhỏ hướng tây sang Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây]; gây tổn thất lớn cho quân dân nhà Tống:

Trường Biên, quyển 173. Giặc vây 57 ngày, rồi biết rằng không lấy được thành, đến ngày Nhâm Tuất [16/8/1052] bèn bỏ đi, theo ngược dòng sông [Bắc Giang] đến huyện Thanh Viễn [Quảng Đông], trên thuyền chở phụ nữ vừa ca hát tiếp tục hành trình. Rồi đánh Hạ Châu [Quảng Tây] nhưng không lấy được. Gặp Đô giám Quảng Đông Trương Trung tại Bạch Điền, Trung bị thua, tự sát. Tuần kiểm Kiền Châu [Giang Tây] Đổng Ngọc, Tuần kiểm Khang Châu [Quảng Đông] Vương Ý, Tuần kiểm Liên Châu [Quảng Đông] Trương Tú, Tuần kiểm Hạ Châu Triệu Duẫn Minh, Giám Áp Trương Toàn, Ty lý tham quân Đặng Vãn đều tử trận.”[1]

Tiếp tục cuộc hành trình, Trí Cao tổ chức cuộc tập kích đêm giết viên Kiềm hạt hống hách kiêu hãnh Tưởng Giai, tại Thái Bình Trường:

Trường Biên, quyển 173. Ngày Mậu Thân  tháng 9 [1/10/1052], ngày hôm nay Nùng Trí Cao giết Quảng Nam kiềm hạt Tưởng Giai tại Thái Bình Trường [Quảng Tây], Trang Thác Phó sứ Hà Tông Cổ, Hữu thị cấm Trương Đạt, Tam ban phụng chức Đường Hiện đều tử trận.

Giai nhận mệnh đi dẹp giặc, đi đường 17 ngày đến chân thành Quảng Châu. Lúc vào thành, chưa chào hỏi xong vội bảo Tri châu Trọng Giản rằng:

Ngươi giữ binh phòng thủ, không đánh giặc, lại cho bộ binh cắt tai dân để lãnh thưởng, tội đáng chém.’

Giản cự rằng:

Làm sao có việc Đoàn luyện sứ muốn chém quan Thị tòng!

Giai nói:

Ta có kiếm chém chư hầu trong tay, Thị tòng không đáng bàn.”

Người xung quanh khuyên giải mới dừng. Đến khi giặc rời Quảng Châu, Dương Điền ban hịch ra lệnh Giai đốt lương tích trữ, rút về giữ Thiều Châu [Quảng Đông]; quân đến Hạ Châu, giặc tập kích trong đêm, giết Giai. Giai hành động khinh suất, cuối cùng bị bại.[2]

Tiếp tục cuộc xâm lăng, Trí Cao xua quân đánh phá vùng tây bắc tỉnh Quảng Tây, viên Tuần kiểm vùng Quế Lâm, Liễu Châu tử trận:

Ngày Giáp Dần [7/10/1052], Quế Nghi Liễu châu Tuần kiểm Tam ban tá chức Lý Quí đánh Nùng Trí Cao tại động Long Tụ, bị thua tử trận.”[3]

Qua mấy lần tổn thất nặng, triều đình Tống nhận được tin, bèn lập tức giáng chức 2 viên chỉ huy tổng quát Quảng Nam Đông Lộ [Quảng Đông], cùng một số tướng lãnh, tri châu dưới quyền:

Trường Biên, quyển 173. Ngày Bính Thìn [9/10/1052], giáng Quảng Nam Đông Tây Lộ Thể lượng an phủ kinh chế tặc đạo, Khởi cư xá nhân, Trực sử quán đồng tri gián viện Dương Điền làm Tri Ngạc châu lạc tri gián viện; Đồng thể lượng an phủ kinh chế tặc đạo, Tây thượng hạp môn phó sứ Tào Tu làm Đô giám Kinh Nam; Quảng Nam đông lộ kiềm hạt kiêm tróc sát man tặc doanh uyển sứ, Thiều châu Đoàn luyện sứ Tưởng Giai làm Đô giám Đàm châu.

Lúc đầu Điền và Tu nghe tin quân Trí Cao di chuyển đến sông Sa Đầu, sắp vượt sông, bèn ra lệnh Giai bỏ Anh Châu, đốt lương thảo; cùng lệnh Nội điện thừa chế Ngột Bân, Sầm Tông Mẫn, Tây đầu cung phụng quan hạp môn chi hầu Vương Tòng Chính rút lui giữ Thiều Châu; gửi văn thư cho Ngự sử đài cùng Gián Viện biết; vì vậy nên đều bị trách phạt. Lúc này Giai tử trận đã qua 9 ngày. Tòng Chí người phủ Khai Phong.

Cung bị khố phó sứ Tô Giam, Lễ tân phó sứ Tiêu Chú đều được làm Đô giám Quảng Nam Đông Lộ kiêm Quản câu tặc đạo sự hai lộ Đông Tây.”[4]

Viên Tri Quế châu Dư Tĩnh [Quế Lâm, Quảng Tây] được chỉ định kiêm luôn chức Đề cử Quảng Nam Đông Lộ [Quảng Đông] để thay thế các viên Đồng thể lượng kinh chế đạo tặc Quảng Nam Đông Tây lộ là Dương Điền, Tào Tu, đã bị giáng chức:

Trường Biên, quyển 173. Ngày Đinh Tỵ [10/10/1052], mệnh Tri Quế châu Dư Tĩnh làm Đề cử Quảng Nam Đông Lộ [Quảng Đông] binh giáp. Xét Tống Sử chép làm Đề cử Quảng Nam binh giáp, kinh chế đạo tặc.”[5]

Tiếp tục cuộc càn quét, tại Chiêu Châu [Quảng Tây], quân triều đình bị thiệt hại nặng, thành mất, một số võ quan tử trận; sau khi chiến thắng, quân Nùng làm cuộc tàn sát dã man những người dân trốn trong hang động:

Trường Biên quyển 173. Ngày Canh Thân [13/10/1052], Nùng Trí Cao đánh phá Chiêu Châu, Tri châu Liễu Ứng Thần bỏ thành. Lạc uyển sứ Quảng Tây kiềm hạt Vương Chính Luân giao chiến với giặc tại trạm dịch Quan Môn, tử trận. Đông đầu cung phụng quan, Hạp môn chi hầu Vương Tòng Chính; Tam ban phụng chức Từ Thủ Nhất; Tá chức Văn Hải đều bị giết. Núi trong châu có mấy hang động, có thể chứa vài trăm người; dân chúng thấy giặc đến bèn chui vào trốn, bị giặc đốt chết. Lúc giặc mới bắt Tòng Chính, Chính chửi giặc không ngừng, lại lấy nước sôi tạt vào, bất khuất nên bị giết.”[6]

Vào ngày 30/10/1052, đạo quân Nùng Trí Cao đánh chiếm thành Tân Châu, vị trí phía phía đông đông bắc Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] trên 60 km; viên Tri châu phải bỏ thành chạy:

Trường Biên, quyển 173. Ngày Đinh Sửu tháng 10 [30/10/1052], Nùng Trí Cao đánh Tân Châu [huyện Tân Dương, Quảng Tây]; Tri châu Quốc tử giám bác sĩ Trịnh Đông Mỹ bỏ thành trốn.”[7]

Mấy tháng trước, sau khi quân Nùng Trí Cao rời Ung Châu, xuôi dòng sông đến Quảng Châu; triều đình sai viên Tri Nghi châu Tống Khắc Long đến tái chiếm Ung Châu và ra lệnh cho viên này chiêu tập quân binh, sửa sang thành trì để phòng thủ:

Trường Biên, quyển 173. Ngày Mậu Tý [13/7/1052], Dùng Tri Nghi Châu Văn tư phó sứ Tống Khắc Long làm Lễ tân sứ Tri Ung Châu. Ban chiếu cho Khắc Long chiêu tập những người lưu vong tản mác, sửa sang lại thành trì, nhằm yên dân.”[8]

Rồi đến ngày 6/11/1052 quân Nùng Trí Cao quay trở lại tái chiếm thành Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây]; viên Tri Ung châu không dám chống cự, bỏ thành trốn. Triều đình nghiêm khắc đàn hặc y không chăm lo việc phòng thủ, lại bắt dân lành vu cho là giặc để lãnh thưởng:

Trường Biên quyển 173, Ngày Giáp Thân [6/11/1052], hôm nay Nùng Trí Cao trở lại chiếm thành Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây], Tri châu Lễ tân sứ Tống Khắc Long bỏ thành. Triều đình đàn hặc y không chịu chăm sóc việc phòng thủ.

 Khắc Long tiếp thu sau khi thành bị giặc dày xéo, không chịu sửa sang chăm lo việc phòng thủ; thả lỏng quân lính dến các sơn trại lân cận, giết những người trốn tránh, trá xưng là bắt được giặc, cứ một đầu người lãnh 1.000 đồng tiền; lại dối trá ban thiếp cho thân binh[9] để thưởng công. Đến lúc giặc tái chiếm, không chống cự, mang quân bỏ trốn.”[10]

Sau khi trở về thành Ung, Nùng Trí Cao tung tin rằng sẽ quay trở lại đánh chiếm Quảng Châu, hàng ngày cho đi tìm gỗ đóng thuyền. Triều đình lo sợ sự việc này xảy ra, bèn ra lệnh cho viên Tri Quảng Châu hoãn việc tập thủy chiến, để tu bổ thành trì và hệ thống phòng thủ vững chắc hơn:

Trường Biên, quyển 173. Ngày Canh Ngọ tháng 11[22/12/1052], chiếu ban Tri Quảng Châu Ngụy Quyền, Chuyển vận sứ Quảng Đông Nguyên Giáng:

Phàm việc phòng thủ không được cẩu thả; nếu dân không tạm thời lao khổ, không thể được an nhàn lâu dài. Thành trì tại Quảng Châu cần mộ các hộ giàu có Phiên,[11] Hán cùng đinh tráng ra sức tu bổ hoàn thành. Nếu không có kế sách cản địch, chỉ lo tập thủy chiến, giặc đến đánh không được, không phải là sách lược hoàn hảo.”[12]

Chiến dịch hành quân theo chuỗi liên hoàn của Nùng Trí Cao, khởi đầu từ trại Hoành Sơn, Ung Châu vào ngày 12/05/1052, rồi quay trở lại thành Ung [Nam Ninh] ngày 06/11/1052.  Trong vòng ngót nửa năm, đoàn quân vượt qua lưu vực hai con sông lớn Tây Giang, Bắc Giang, thuộc 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây;  chiếm hàng chục phủ huyện thành trì; gây tổn thất lớn cho nhà Tống, không thể bù đắp nổi!

——————

[1] 賊知不可拔,圍五十七日,壬戌解去,由清遠縣濟江,擁婦女作樂而行。攻賀州,不克。遇廣東都監張忠於白田,忠戰敗被殺。虔州巡檢董玉,康州巡檢王懿,連州巡檢張宿,賀州巡檢趙允明、監押張全、司理參軍鄧冕皆沒。

[2] 是日,儂智高殺廣南鈐轄蔣偕於賀州太平場,莊宅副使何宗古、右侍禁張達、三班奉職唐峴皆沒。

偕始受命討蠻賊,馳驛十七日,至廣州城下,入城,揖州官未定,數知州仲簡曰:「君留兵自守,不襲賊,又縱部兵馘平民以幸賞,可斬也!」簡曰:「安有團練使欲斬侍從官」偕曰:「斬諸侯劍在吾手,何論侍從!」左右解之,乃止。及賊去廣州,楊畋檄偕焚儲糧,退保韶州。軍次賀州,賊夜入其營,襲殺之。偕舉動輕肆,卒坐此敗。

[3] 甲寅,桂宜柳州巡檢、三班借職李貴,擊儂智高於龍岫峒,兵敗,死之。

[4] 丙辰,降廣南東西路體量安撫經制賊盜、起居舍人、直史館、同知諫院楊畋知鄂州,落知諫院;同體量安撫經制賊盜、西上閤門副使曹修為荊南都監;廣南東路鈐轄兼捉殺蠻賊、宮苑使、韶州團練使蔣偕為潭州都監。

初,畋與修聞智高徙軍沙頭,將濟江,即命偕棄英州,焚儲糧,及召內殿承制亓贇岑宗閔、西頭供奉官閤門祗候王從政退保韶州,仍移文御史臺及諫院,故并責之。時偕死既九日矣。從政,開封人也。

供備庫副使蘇緘、禮賓副使蕭注,並為廣南東路都監兼管勾東西兩路賊盜事。

[5] 丁巳,命知桂州余靖提舉廣南東路兵甲按宋史作提舉廣南兵甲。經制賊盜【一七】。

[6] 庚申,儂智高破昭州,知州柳應辰棄城,洛苑使、廣西鈐轄王正倫與賊鬥於館門驛,死之。東頭供奉官、閤門祗候王從政,三班奉職徐守一,借職文海皆被害。州之山有數穴,可容數百人,民聞賊至,走匿其中,悉為賊所焚。賊始執從政,罵賊不絕口,至以湯沃之,終不屈而死。

[7] 丁丑,儂智高入賓州,知州、國子監博士程東美棄城。

[8] 戊子,知宜州、文思副使宋克隆為禮賓使、知邕州。仍詔克隆招輯亡散,繕完城池,以慰安人民。

[9] Thân binh: quân thân cận.

[10] 是日,儂智高復入邕州,知州、禮賓使宋克隆棄城。
克隆承賊踐蹂之後【二○】,不能營葺守備,頗縱士卒下諸山寨【二一】,殺逃民,詐為獲賊,一級賞錢十千,又詐給親兵帖以為嘗有功【二二】。及智高再至,克隆無以禦賊,遂遁去。

[11] Phiên: chỉ người ngoại quốc đến Quảng Châu buôn bán.

[12] 詔知廣州魏瓘、廣東轉運使元絳:「凡守禦之備,無得苟且為之。若民不暫勞,則不能以久安。其廣州城池,當募蕃漢豪戶及丁壯併力修完。若無捍敵之計,但習水戰,寇至而鬥,乃非完策。」時儂智高還據邕州,日採木造舟,揚言復趣廣州也。