Nga là bá chủ mới ở khu vực Trung Đông?

Nguồn: Shlomo Ben-Ami, “Is Russia the Middle East’s New Hegemon?”, Project Syndicate, 18/11/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Sự sụp đổ của Liên Xô ba thập niên trước có nghĩa là sự hiện diện một thời đáng gờm của họ ở Trung Đông cũng không còn. Tuy nhiên, ngày nay, khi Hoa Kỳ rút khỏi khu vực, Nga đã nhanh chóng chiếm lại vị thế đó của Liên Xô, thông qua sự kết hợp giữa lực lượng quân sự, các thỏa thuận bán vũ khí, những mối quan hệ đối tác chiến lược và việc triển khai sức mạnh mềm. Nhưng thành công của Nga đang được đánh giá quá cao.

Chắc chắn là sức mạnh mềm của Nga rất ấn tượng. Hồi đầu năm 2012, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng “sự hiện diện văn hóa và giáo dục của Nga trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia nơi có một bộ phận đáng kể dân số nói hoặc hiểu tiếng Nga”. Tại một hội nghị gần đây ở Moskva, Putin đã nói rõ Israel là một quốc gia nằm trong danh sách đó.

Nhằm thực hiện nỗ lực này, Nga đã thành lập một cơ quan liên bang phụ trách ngoại kiều được gọi là Rossotrudnichestvo. Cơ quan này đã mở các trung tâm khoa học và văn hóa ở Ai Cập, Jordan, Lebanon, Morocco, Syria và Tunisia. Hơn nữa, họ cũng đã mở rộng chương trình tiếng Ả Rập của đài RT, mạng tin tức truyền hình quốc tế do nhà nước tài trợ. Với 6,3 triệu người xem hàng tháng tại sáu quốc gia nói tiếng Ả Rập – Ai Cập, Iraq, Jordan, Morocco, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – RT Arab hiện nằm trong số các mạng truyền hình hàng đầu khu vực Trung Đông.

Trong nỗ lực lấp đầy khoảng trống được tạo ra bởi sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi khu vực, Nga đã tìm cách phân biệt mình với kẻ bá quyền lâu năm ở Trung Đông (Mỹ) bằng cách tự coi mình không phải là một nước đế quốc, mà là một người thúc đẩy tiến bộ văn hóa. “Xuất khẩu giáo dục và văn hóa sẽ giúp thúc đẩy hàng hóa, dịch vụ và các ý tưởng của Nga”, Putin tuyên bố như vậy vào năm 2012. “Súng đạn và áp đặt chế độ chính trị sẽ không làm được điều đó”.

Thông điệp này đã gây tác động. Năm ngoái, chỉ có 35% thanh niên Ả Rập (tuổi từ 18-24) xem Mỹ là đồng minh, so với 63% hai năm trước đó. Dù Nga chưa vượt qua Mỹ, 20% số người được hỏi đã coi nước này là “người bạn tốt nhất” của họ bên ngoài khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Nhưng Nga có thể sẽ làm người hâm mộ ở Trung Đông thất vọng, không chỉ trong vai trò một nhà môi giới hòa bình của khu vực. Sau khi các cuộc đàm phán hòa bình của Mỹ với lực lượng Taliban ở Afghanistan thất bại – và gần 30 năm sau khi Liên Xô chấm dứt cuộc chiếm đóng kéo dài một thập niên ở đất nước này – Điện Kremlin bước vào để làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Taliban và đại diện của các nhóm khác ở Afghanistan.

Tuy nhiên, Trung Đông – một khu vực của các cuộc xung đột chồng chéo xuất phát từ các yếu tố tôn giáo, sắc tộc, chính trị, lịch sử và chiến lược – đã hết lần này đến lần khác làm thất bại cam kết của các chủ thể bên ngoài. Có rất ít lý do để nghĩ rằng Nga, nước chưa bao giờ có khả năng xây dựng hòa bình bền vững, sẽ có thể hòa giải, chứ đừng nói đến việc đỡ đầu cho các thỏa thuận hòa bình lâu dài.

Những điểm yếu về ngoại giao của Nga đã được thể hiện rõ ràng ở Syria. Việc sử dụng sức mạnh cứng đã giúp chế độ độc tài của Tổng thống Bashar al-Assad giành chiến thắng trong cuộc nội chiến, cho thấy cách triển khai chiến lược các lực lượng quân sự một cách không bị kiềm chế – như đã thấy qua ​​sự hủy diệt hoàn toàn thành phố Aleppo – có thể là một nhân tố thay đổi cuộc chơi lớn đến mức nào.

Nhưng Nga từ đó đã trở nên sa lầy vào các cuộc đối đầu cục bộ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, và Israel với Iran. Mặc dù chính sách trung lập đã cho phép Nga duy trì đối thoại với các bên khác nhau, nhưng Nga sẽ không làm gì để tạo ra một trật tự khu vực mới.

Như hiện tại, Syria là quốc gia vệ tinh duy nhất của Nga ở Trung Đông. Và ngay cả ở đó, Nga đã không tận dụng được vị thế của mình, nhất là vì các biện pháp trừng phạt kéo dài của phương Tây. Hơn nữa, Nga đang bất hòa với Iran, đối tác của họ ở Syria, về các mục tiêu chiến lược của mỗi bên ở nước này. Nga muốn một Syria ổn định, nơi họ có thể củng cố chỗ đứng của mình, như một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm đảo ngược thất bại thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng việc Iran muốn sử dụng đất nước này như một đấu trường cho cuộc xung đột với Israel đã làm suy yếu mục tiêu này của Nga.

Mặt khác, Nga cũng đang đối đầu với những quốc gia dao động, những nước sẵn sàng hợp tác với cường quốc nào mang lại cho họ thỏa thuận tốt nhất. Hãy xem trường hợp của Ai Cập, nước đã trở thành người mua vũ khí lớn của Nga và là một đồng minh chiến lược ở Libya, nơi cả hai nước đều hậu thuẫn cho lực lượng Quân đội Quốc gia Libya của Tướng Khalifa Haftar bất chấp một chính phủ được quốc tế công nhận ở Tripoli. Tuy nhiên, không những không coi Nga là một đồng minh hàng đầu, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đang tận dụng mối quan hệ đó để củng cố vị thế của mình trước Hoa Kỳ.

Ả Rập Saudi phải phối hợp các hoạt động dầu mỏ với Nga để đối phó với sự gia tăng sản lượng dầu mỏ của Mỹ, đồng thời chắc chắn là cảm thấy bất an bởi việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phản bội người Kurd ở Syria, những đồng minh trung thành của Mỹ tương tự như người Saudi. Nhưng quan điểm cho rằng Ả Rập Saudi sẽ quay lưng lại với Mỹ là không thực tế. Một điều làm nổi bật tầm quan trọng mà Vương quốc này dành cho sự can dự của Hoa Kỳ ở khu vực chính là việc Ả Rập Saudi đã đồng ý chi trả cho việc triển khai một đội quân Hoa Kỳ nhằm giúp dằn mặt Iran sau khi Mỹ rút khỏi miền bắc Syria.

Tương tự, Israel không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải phối hợp với Nga ở Syria, nơi nước này đang tấn công các cơ sở quân sự của Iran. Nhưng Israel không có động cơ hay khả năng từ bỏ mối quan hệ đặc biệt của mình với Mỹ.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quan chức hàng đầu ngành công nghiệp quốc phòng nước này, Ismail Demir, gần đây đã tuyên bố rằng nước này có “quan hệ đồng minh” với cả Nga và Mỹ. Nhưng sự thật là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hy sinh địa vị thành viên NATO của mình, bất chấp việc nước này có mua bao nhiêu tên lửa S-400 của Nga đi nữa.

Hoa Kỳ có thể đang rút lui khỏi Trung Đông về mặt quân sự, nhưng họ vẫn chưa thực sự rời đi. Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự khổng lồ ở khu vực vùng Vịnh và được hưởng lợi từ lịch sử lâu dài của “chủ nghĩa đế quốc văn hóa” trong lòng người dân, thứ mà cuộc tấn công quyền lực mềm sơ khai của Nga không thể cạnh tranh nổi.

Nga có thể phát huy tầm ảnh hưởng của mình trong một thời gian không xác định. Nhưng với một nền kinh tế có quy mô ngang Hàn Quốc và khả năng quân sự không thể sánh được với Hoa Kỳ, Nga thiếu các công cụ cần thiết để hành động như một bá chủ không bị kiềm chế. Khi Mỹ quyết định tiếp nhận sứ mệnh dân chủ và hòa bình một lần nữa, Nga sẽ không thể cạnh tranh nổi với đối thủ của mình.

Shlomo Ben-Ami, cựu Ngoại trưởng Israel, là phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế Toledo vì Hòa Bình. Ông là tác giả của cuốn sách nhan đề: Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli-Arab Tragedy.