Nguồn: Michael Sallah, “The Tiger Force Atrocities”, The New York Times, 26/09/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Ký ức ấy ám ảnh Bill Carpenter tận 50 năm sau khi ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam. Chập tối, một lão nông mặc áo trắng vừa lùa đàn vịt qua sông Vệ thì bất ngờ gặp phải trung đội của Carpenter – đơn vị được biết đến với cái tên Mãnh Hổ (Tiger Force). Ông già sợ hãi la lên. Những gã lính giận dữ quát ông im miệng, nhưng ông không thể.
Phát súng khiến ông lão ngã xuống là thứ đến giờ vẫn khiến Carpenter choàng tỉnh lúc nửa đêm.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Carpenter, cựu chuyên gia Lục quân Hoa kỳ, thú nhận, “Chẳng có lý do gì để giết ông ấy cả.”
Đó chỉ là một trong hàng chục vụ tấn công của lực lượng Mãnh Hổ trong năm 1967 nhắm vào các thường dân không có vũ trang, gồm nhiều vụ hãm hiếp và tra tấn, trong chuỗi các vụ bạo lực mà Lầu Năm Góc đã cố gắng tìm cách che đậy nhưng cuối cùng cũng bị vạch trần trong loạt bài báo đăng trên The Toledo Blade năm 2003. Các hồ sơ cho thấy đơn vị trực thuộc Sư đoàn Dù 101 đã thực hiện những gì được cho là chuỗi tội ác dài nhất gây ra bởi một trung đội trong chiến tranh. Họ ném lựu đạn vào những boong ke có phụ nữ và trẻ em đang trú ẩn, bắn chết nhiều tù nhân, sau đó cắt tai và da đầu giữ làm chiến lợi phẩm, giết hại dân làng chẳng bởi lý do gì rồi bỏ lại họ trong các ngôi mộ tập thể.
Nghiên cứu trường hợp của Mãnh Hổ, các chuyên gia quân sự cho rằng động cơ khiến các binh sĩ hành động như vậy là sự giận dữ trước cái chết của đồng đội, thất vọng vì phải đối đầu với kẻ thù ma mãnh, và lo sợ cho sự an toàn của chính mình. Thế nhưng, nhiều năm sau đó, một số binh sĩ đã tiết lộ về các mệnh lệnh yêu cầu họ coi dân thường như kẻ thù, cho phép họ sử dụng vũ khí mà không cần lý do rõ ràng và đo lường thành công của họ bằng chính số lượng xác chết – con số thương vong được liệt kê của kẻ thù có lẽ bao gồm bất cứ ai bị lính Mỹ giết chết .
Như với Thảm sát Mỹ Lai năm 1968, trong đó quân Mỹ đã giết chết hàng trăm phụ nữ, trẻ em và người già ở các thôn nằm gần khu vực hoạt động của Mãnh Hổ, các chỉ huy đóng vai trò trực tiếp, hoặc trong việc kích động, hoặc trong việc che đậy những gì đã xảy ra.
Hồ sơ cho thấy các thành viên của Mãnh Hổ đã bắn hoặc đâm trọng thương ít nhất 81 thường dân một cách trái luật quân sự. Nhưng theo cuộc phỏng vấn của The Blade với các cựu quân nhân và thường dân Việt Nam, trung đội này đã giết chết hàng trăm người dân không vũ trang ở Tây Nguyên trong khoảng thời gian từ tháng 05 đến tháng 11/1967.
“Chúng tôi còn chẳng buồn đếm,” cựu binh Ken Kerney nói vào năm 2003. “Tôi biết điều đó là sai, nhưng nó là một hành động có thể chấp nhận.”
Mãi đến năm 1971, Quân đội Mỹ mới tổ chức một cuộc điều tra về Mãnh Hổ. Nó kéo dài bốn năm và kết quả là khuyến nghị buộc tội giết người, tấn công và xao nhãng nhiệm vụ đối với 18 binh sĩ. Nhưng cuối cùng vẫn không có cái tên nào bị truy tố, và vụ việc được giấu kín trong kho lưu trữ của Quân đội suốt ba thập niên tiếp theo.
“Họ đã chôn vùi mọi thứ,” trích lời cựu bác sĩ cứu thương của trung đội, Rion Causey.
Mãnh Hổ được thành lập vào năm 1965 như một đơn vị tinh nhuệ với mục tiêu đánh bại kẻ thù hoạt động trong các đường hầm dưới lòng đất, đặt các bẫy treo chết người và nhanh chóng biến mất vào rừng sâu khi bị phản công. 45 thành viên trực thuộc trung đội này được kỳ vọng đủ khả năng sống sót nhiều tuần liền trong rừng rậm khi họ tìm kiếm căn cứ của kẻ thù và yêu cầu không kích viện trợ.
Bước sang tháng 05/1967, khi các chỉ huy Mỹ ngày càng bức bối bởi cuộc chiến nơi kẻ thù có thể lẩn trốn trong dân chúng, Mãnh Hổ đã được gửi đến tỉnh Quảng Ngãi để chuyển dân thường vào các khu tái định cư, khiến nông dân không thể trồng lúa, từ đó khiến kẻ thù mất đi một nguồn cung thực phẩm quan trọng.
Thay vì giáp mặt chiến đấu với binh sĩ kẻ thù, họ lại hủy hoại cuộc sống của thường dân, buộc những con người ấy phải rời khỏi quê nhà. Đó là một công việc đáng ghét, và có đến cả tá cựu binh Mãnh Hổ chia sẻ với The Blade rằng điều đó đã khiến họ trở nên tàn bạo hơn và bắt đầu gây hấn với cả những người mà đáng lẽ ra họ phải bảo vệ. Đầu tiên trung đội chỉ giết tù nhân, nhưng chẳng bao lâu sau, họ đã xả súng vào dân thường không được phòng vệ.
Hai cựu binh nói với các nhà điều tra Quân đội rằng nhiều thành viên trong đơn vị đã uống bia suốt buổi chiều ngày 23/07/1967, khi họ gặp ông già với đàn vịt. Ông cụ là một thợ mộc, tên Dao Hue, 68 tuổi, đang trên đường về nhà. Và khi ông còn lắp bắp vì quá kinh hoàng, một trung sĩ đã buộc ông im lặng với một khẩu M-16.
Trong khi một bác sĩ quỳ xuống cố gắng cứu chữa cho ông già tội nghiệp, trung đội trưởng, Trung úy James Hawkins, lại xốc ông dậy và bắn thẳng vào mặt ông bằng khẩu CAR-15. Carpenter đã cố gắng ngăn chặn hành động của Hawkins, nhưng chỉ huy đe dọa sẽ bắn cả ông vì dám can thiệp.
Cháu gái của Dao Hue, Tam Hau, nói với The Blade rằng bà và một dân làng khác đã kéo xác chú mình khỏi bãi cỏ vào sáng hôm sau.
“Dù 30 năm đã trôi qua, vẫn còn đau lắm,” Tam nói. “Tôi cứ tự hỏi tại sao chú tôi phải chết.”
Hawkins, 76 tuổi, người đã rời ngũ vào năm 1978 với hàm thiếu tá, đã không bị kết tội. Nhưng trong cuộc phỏng vấn với The Blade năm 2003, ông ta nói rằng mình bắn người thợ mộc cao tuổi vì ông cụ “quá ồn ào. Tôi phải loại bỏ điều đó ngay lập tức.”
Trong những tuần tiếp theo, thêm nhiều thường dân khác bị lính Mãnh Hổ hành quyết trong chuỗi tội ác tàn bạo đã mãi mãi thay đổi Thung lũng Sông Vệ, những người sống sót nói với The Blade.
Các thành viên trung đội đã bắn chết bốn nông dân lớn tuổi trên đồng lúa khi họ chạy trốn. Sau đó, toán lính còn dẫn hai người gần như mù được tìm thấy đang lang thang trong thung lũng đến khúc quanh của dòng sông và bắn họ.
Một nông dân, Nguyen Dam, nhớ lại cái mùi nồng nặc tử khí ấy. “Chúng tôi đã không thể chôn cất từng người một, mà phải chôn tất cả mọi người trong một ngôi mộ chung.”
Một số thành viên trung đội sau đó còn bắt đầu một “nghi thức” được ghi lại bởi nhóm điều tra: cắt tai người chết và biến chúng thành dây chuyền.
Chỉ huy cao nhất của trung đội, Trung tá Gerald Morse, từng đặt biệt hiệu cho ba đại đội của tiểu đoàn là A, B và C tương ứng với Assassin (Sát thủ), Barbarians (Mọi rợ) và Cutthroats (Cắt cổ), viết trên tấm bảng hiệu treo ngay tại trụ sở chỉ huy tiểu đoàn.
Lính Mãnh Hổ sẵn sàng xả súng vào dân thường kể từ khi nhận được lệnh giết bất cứ thứ gì di chuyển, nhóm cựu binh nói với các nhà điều tra, nhưng còn có một bộ luật ngầm khác. Các chỉ huy bảo tôi rằng, “Chuyện gì xảy ra ở đây, ở lại đây,” Kerney nói với The Blade.
Sự bạo tàn của Mãnh Hổ lên đến đỉnh điểm khi họ đụng độ dữ dội với quân Bắc Việt ở một tỉnh lân cận vào tháng 9. Trong vòng 18 ngày, năm thành viên trung đội đã thiệt mạng và 12 người khác bị thương.
Những người sống sót trở nên căm thù và giận dữ, Causey hồi tưởng. 33 ngày sau đó, ông cho biết, Mãnh Hổ đã càn quét khắp tỉnh.
“Ai nấy đều giận dữ,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Họ đơn giản đến đó và quét sạch dân thường.”
Các chỉ huy của trung đội đã nói với các binh sĩ, và các phóng viên của The Blade sau này, rằng những vụ xả súng là được phép bởi họ đang ở trong vùng bắn phá tự do, nơi mà quân đội Mỹ ở Việt Nam có thể dùng súng theo ý muốn mà không cần sự chấp thuận của chỉ huy, một cách tiếp cận dẫn đến thương vong của dân thường trên khắp Nam Việt Nam. Dù vậy, chính sách đó không cho phép bắn vào dân thường không vũ trang, theo lời chuyên gia quân sự.
Nhiều thành viên trung đội cho biết các cuộc tấn công vào thường dân đã kết thúc khi Mãnh Hổ buộc phải ra mặt chiến đấu với kẻ địch trong đợt Mậu Thân 1968 và sau đó được bổ sung thêm thành viên mới.
Lục quân bắt đầu điều tra Mãnh Hổ sau khi một binh sĩ từ một đơn vị khác nói với các quan chức rằng một người lính thuộc lực lượng này đã chặt đầu một đứa trẻ. Bản tóm tắt cuộc điều tra, bao gồm hàng chục lời tuyên thệ của các cựu thành viên trung đội, đã được gửi đến Nhà Trắng và Văn phòng Bộ trưởng Lục quân trong giai đoạn 1971 – 1973. Báo cáo cuối cùng được nộp vào năm 1975, nhưng không có thông báo công khai nào được đưa ra.
Trả lời các câu hỏi gần đây về Lực lượng Mãnh Hổ, Lục quân Mỹ đã ra tuyên bố cho biết họ đang triển khai các chương trình đào tạo đặc biệt để thay đổi văn hóa của quân đội và khắc phục các sự cố xảy ra ở Việt Nam.
Dov Schwartz, phát ngôn viên Lục quân Hoa Kỳ cho biết, “Quân đội hiện đại đã nhạy cảm hơn nhiều trước mức độ nghiêm trọng của những vấn đề này, cũng như có khả năng hơn và sẵn sàng giải quyết vấn đề một cách ngay lập tức và phù hợp.”
Quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan cũng gây ra tội ác chiến tranh, trong đó có các vụ lạm dụng tại nhà tù Abu Ghraib năm 2004. Chính phủ gọi đó là một sự cố đơn lẻ, không điển hình cho hành vi của nhân viên quân đội Mỹ trong chiến tranh. Nhưng một số tổ chức nhân quyền, bao gồm cả Hội Chữ thập Đỏ, nhận định đây là một phần trong quá trình tra tấn và lạm dụng còn lớn hơn nhiều, mà các nhân viên quân đội Mỹ áp dụng tại các trung tâm giam giữ ở Iraq, Afghanistan và nhiều nơi khác.
Causey, người đã lấy bằng tiến sĩ kỹ thuật hạt nhân sau Chiến tranh Việt Nam, cho biết cải cách lâu dài trong Lục quân đòi hỏi phải trả lại công bằng cho các nạn nhân của tội ác chiến tranh, ngay cả khi vụ việc đã xảy ra từ nhiều thập niên trước. Các chỉ huy của Mãnh Hổ đã chẳng bao giờ phải chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra, bất chấp việc có những bằng chứng thuyết phục, ông nói.
“Đi điều tra những sự kiện thời bấy giờ nhưng lại không buộc cấp chỉ huy phải chịu trách nhiệm, điều ấy sẽ gửi đi thông điệp sai lệch cho mọi người ngày hôm nay.”
“Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra,” ông nói. “Chúng ta phải ngăn chặn chúng tái diễn”.
Michael Sallah là phóng viên điều tra của tờ USA Today, người đã giành Giải Pulitzer năm 2004, cùng với hai phóng viên khác, cho loạt bài viết của The Toledo Blade về Lực lượng Mãnh Hổ.