Bất ổn chính trị ở Nam Mỹ và bài học cho Đông Á

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Lee Jong-Wha, “East Asia’s Political Vulnerability”, Project Syndicate, 27/11/2019.

Biên dịch: Tăng Gia Phong | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Sự bất mãn trong quần chúng đang tiếp sức thêm cho các cuộc biểu tình và tình trạng tê liệt khắp Mỹ Latinh. Nếu Đông Á không cẩn thận, nó sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo.

Tại Ecuador, các cuộc biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng, bao gồm việc giảm trợ cấp nhiên liệu, đã khiến tổng thống Lenín Moreno phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Tại Chile, việc tăng nhẹ phí tàu điện đã kích động các cuộc biểu tình quy mô lớn, sau đó sớm chuyển mục tiêu sang tình trạng bất bình đẳng cùng hệ thống giáo dục và lương hưu yếu kém.

Tại Argentina, người dân bày tỏ sự thất vọng về kinh tế của họ thông qua cuộc bỏ phiếu, bằng việc lựa chọn ứng viên tổng thống theo chủ nghĩa Peron là Alberto Fernández. Tại Bolivia, quy trình bầu cử đã bị vô hiệu hóa: tổng thống Eva Morales vi phạm hiến pháp khi đòi tranh cử nhiệm kỳ lần thứ tư và đã tuyên bố chiến thắng bất chấp các tố cáo gian lận khắp nơi, và rồi từ chức sau vài tuần biểu tình.

Dù chi tiết có khác biệt, có một chủ đề chung giữa tất cả những phong trào này: đó là niềm tin rằng chính phủ không phục vụ người dân. Như Daron Acemoglu và James A.Robinson đã quan sát, các thể chế “bòn rút” mà nhiều nền kinh tế Mỹ Latinh dựa vào đã bảo vệ lợi ích của tầng lớp giàu có và tinh hoa. Khắp khu vực, sự bất bình đẳng tăng vọt, và có rất ít lý do để kỳ vọng cấu trúc quyền lực chính trị đang ủng hộ nhóm đặc quyền sẽ giải quyết được vấn đề này. Sau nhiều năm kinh tế đình trệ và thậm chí khủng hoảng, sự kiên nhẫn của công chúng đã bị bào mòn.

Rõ ràng là trong vài thập niên gần đây, nhiều lãnh đạo Mỹ Latinh đã giành được quyền lực bằng cách hứa hẹn các cơ hội bình đẳng hơn. Và sự can thiệp của họ – bao gồm tái phân phối thu nhập, nới lỏng chính sách tài chính và tiền tệ, chủ nghĩa bảo hộ, các quy định phân biệt đối xử, và kiểm soát vốn – đã thật sự mang đến những lợi ích ngắn hạn, nhất là cho tầng lớp dân nghèo.

Nhưng những biện pháp này thường đi kèm chủ nghĩa dân túy và cuối cùng tạo ra nhiều thiệt hại hơn là lợi ích. Dựa vào nguồn thu từ hàng hóa cơ bản để tài trợ cho các chương trình xã hội, những các nhà lãnh đạo này đã thất bại trong việc đa dạng hóa nền kinh tế hoặc cải thiện nền tảng kinh tế. Việc nới lỏng tài chính và tiền tệ vô độ khiến cho những nền kinh tế này bất ổn. Thâm hụt tài khoản vãng lai tăng, dẫn đến khủng hoảng tỉ giá hối đoái thường xuyên.

Sự kết hợp của phân cực hóa xã hội, thiếu vắng thể chế hiệu quả, và nền tảng kinh tế yếu kém đã gây khó khăn cho ngay cả những chính phủ mang tư tưởng cải cách trong việc thoát khỏi cái bẫy của “chủ nghĩa ngắn hạn” và thiết lập nền tảng cho sự phát triển dài hạn. Trong bối cảnh như vậy, các cải cách “tân tự do” – như việc nhanh chóng mở cửa nền kinh tế và tự do hóa tài chính được thúc đẩy bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế – đã làm cho các nền kinh tế này thậm chí càng dễ tổn thương hơn đối với các cú sốc bên ngoài.

Venezuela là một trường hợp rõ rệt. Từ năm 1993 đến 2013, nhà dân túy Hugo Chavéz đã sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ của đất nước – càng dồi dào thêm nhờ giá hàng hóa cơ bản toàn cầu tăng – để tài trợ cho các chương trình phúc lợi quy mô lớn, hơn là đầu tư cho các ngành công nghiệp mới. Người kế nhiệm được ông ta lựa chọn, Nicolás Maduro, cố gắng đi theo con đường này. Nhưng khi giá dầu toàn cầu giảm mạnh vào năm 2014, thâm hụt tài chính tăng lên. Việc nới lỏng tiền tệ sau đó đã dẫn đến siêu lạm phát, khiến cho hàng triệu người dân Venezuela không thể chi trả cho các vật phẩm cơ bản như thực phẩm và thuốc men. Venezuela hiện đang sa lầy vào khủng hoảng nhân đạo, khiến hơn bốn triệu người dân rời bỏ đất nước.

Một câu chuyện tương tự đang diễn ra tại Argentina, nơi chính vị tổng thống theo chủ nghĩa Peron Cristina Fernández de Kirchner khi lên nắm chức vào năm 2007 đã sử dụng nguồn thu từ hàng hóa cơ bản để mở rộng chi tiêu cho phúc lợi và việc làm của khu vực công, do đó làm tăng tính dễ tổn thương của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài. Khi Mauricio Macri tiếp quản vào năm 2015, nền kinh tế đang trong tình trạng thảm khốc, với sự tiếp cận hạn chế với thị trường vốn quốc tế. Nhưng cử tri vẫn phản đối những cải cách cần thiết vì các chi phí ngắn hạn của nó. Macri thất bại trong việc vượt qua các phản đối đó, và không rõ liệu Fernández – vị tân tống thống có cấp phó không ai khác chính là Kirchner – sẽ làm được gì tốt hơn hay không.

Các nền kinh tế Đông Á đã tránh được nhiều sai lầm trên trong nửa thế kỷ qua bằng cách triển khai các chương trình phát triển kinh tế được quy hoạch thận trọng thông qua việc theo đuổi tính cạnh tranh về xuất khẩu và tiến bộ công nghệ. Xuyên suốt tiến trình này, các thể chế mang tính “bao trùm” và vững mạnh đã đảm bảo tính hiệu quả cho các chức năng của thị trường, hỗ trợ quản lý kinh tế vĩ mô vững chắc, và duy trì nền pháp quyền.

Do đó, các nền kinh tế Đông Á đạt được “tăng trưởng đi kèm bình đẳng”, nâng họ từ nhóm thu nhập trung bình lên thu nhập cao. Vào năm 1970, thu nhập bình quân đầu người tại Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, và Đài Loan thấp hơn so với Argentina và Venezuela; ngày nay, những quốc gia này lại cao hơn.

Nhưng Đông Á không được xem thường các nguy cơ khủng hoảng chính trị. Trong các thập niên gần đây, tiềm năng tăng trưởng dài hạn của khu vực đã giảm và phân phối thu nhập trở nên tệ hơn – những xu hướng mà công chúng sẽ đổ lỗi, phần nào đó, cho các lãnh đạo chính trị của họ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chủ nghĩa dân túy đang gia tăng.

Tại Hàn Quốc, chính quyền của tổng thống Moon Jae-in đã theo đuổi các chính sách bao gồm việc tăng mạnh mức lương tối thiểu và chi tiêu phúc lợi xã hội. Như kinh nghiệm đã được chứng minh rõ ràng từ Mỹ Latinh, trong khi trợ cấp tài chính có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế chậm chạp và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, thì việc gia tăng nhanh chóng chi tiêu vào lĩnh vực phi sản xuất có thể làm suy yếu nền tảng kinh tế trong dài hạn.

Tình trạng của Hong Kong – nơi bị hỗn loạn trong gần sáu tháng qua bởi các cuộc biểu tình ngày càng bạo lực– hơi khác một chút. Nơi đây, nguyên nhân dẫn tới sự giận dữ của người biểu tình là việc chính phủ trung ương Trung Quốc bị người dân tố cáo đang vi phạm khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ” vốn xác lập mối quan hệ giữa thành phố này với đại lục. Nhưng những nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự bất mãn của người dân – như sự tăng vọt giá bất động sản, điều làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng – thì tương tự.

Để tránh các khủng hoảng chính trị theo kiểu Mỹ Latinh, các chính phủ Đông Á phải đảm bảo rằng những chính sách kinh tế của họ phải góp phần hỗ trợ tăng trưởng một cách bình đẳng. Ưu tiên của họ nên bao gồm thúc đẩy năng suất, tăng cường tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu, khuyến khich tiến bộ công nghệ, nuôi dưỡng nhu cầu nội địa và các ngành công nghiệp dịch vụ, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội vững mạnh, và triển khai các chính sách thuế và trợ cấp có tác dụng tái phân phối thu nhập.

Sự bền vững ngân sách cũng đặc biệt quan trọng. Dù sự đình trệ kinh tế đòi hỏi phải nới lỏng tài khóa, chính phủ phải chi tiêu một cách thông minh. Điều đó có nghĩa là đầu tư vào các tiềm năng tăng trưởng dài hạn bằng cách đầu tư sâu hơn cho nguồn vốn con người và tăng cường cơ sở hạ tầng xã hội, hơn là cam kết tăng chi tiêu phúc lợi không bền vững.

Cuối cùng, Đông Á cần phải buộc các nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm giải trình. Để đạt được mục tiêu đó, các quốc gia cần tiếp tục củng cố các thể chế của họ (bao gồm nền tư pháp độc lập), bảo vệ truyền thông tự do và độc lập, và nuôi dưỡng một xã hội dân sự năng động.

Đông Á có một truyền thống lâu dài về việc hoạch định chính sách với tầm nhìn xa. Tại thời điểm gia tăng nhiều thách thức kinh tế, chính trị, và xã hội, việc duy trì truyền thống này chưa bao giờ quan trọng đến thế.

Lee Jong-Wha, Giáo sư Kinh tế và Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Hàn Quốc, từng là Trưởng ban Kinh tế và Trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực tại Ngân hàng Phát triển châu Á và là cố vấn cấp cao về các vấn đề kinh tế quốc tế cho cựu Tổng thống Lee Myung-bak (Hàn Quốc).