Bốn con hổ châu Á: Thành công đã qua, thách thức đang tới

Nguồn: After half a century of success, the Asian tigers must reinvent themselves”, The Economist, 05/12/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Bốn con hổ châu Á – Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan – đã từng mê hoặc thế giới kinh tế. Từ đầu những năm 1960 cho đến những năm 1990, họ thường xuyên đạt mức tăng trưởng hai con số. Một thế hệ lao động cực nhọc trong vai trò nông dân và công nhân đã chứng kiến con cháu họ trở thành những công dân có học thức thuộc loại tốt nhất trên hành tinh. Những con hổ bắt đầu bằng cách sản xuất áo sơ mi, hoa nhựa và tóc giả màu đen. Không lâu sau, họ đã sản xuất chip nhớ, máy tính xách tay và các công cụ tài chính phái sinh. Trong quá trình này họ cũng tạo ra một cuộc tranh luận học thuật sôi nổi về nguồn gốc dẫn tới thành công của họ. Một số cho rằng đó là nhờ sự chỉ đạo của chính phủ; những người khác chỉ ra vai trò của thị trường cạnh tranh.

Rồi thế giới quay lưng. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã phá hủy sự thần bí của họ. Trung Quốc trở thành ngôi sao phát triển mới, dù Trung Quốc cũng đã đi theo sự dẫn dắt của họ ở một mức độ nhất định. Các con hổ dường như mất đi tốc độ của chúng. Năm nay nước Mỹ đang trên đà đạt được mức tăng trưởng nhanh hơn cả bốn nước này.

Tất cả họ đều có những vấn đề dường như rất khó giải quyết: tiền lương trì trệ ở Đài Loan, sự thống trị của các doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc, một tầng lớp lao động nhập khẩu lương thấp ở Singapore, và, nóng bỏng nhất, chính là một chính phủ ở Hồng Kông vốn không muốn hoặc không thể lắng nghe người dân của mình.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu bỏ qua hoàn toàn những con hổ châu Á này. Nhìn kỹ hơn vào hồ sơ kinh tế của họ chúng ta sẽ thấy trái ngược với sự ảm đạm đôi khi tràn ngập các quốc gia này, họ vẫn có nhiều điều để tự hào. Quỹ đạo GDP đầu người của họ, tính theo ngang giá sức mua, vẫn rất ấn tượng (xem biểu đồ). Họ đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình từ lâu. Và Hàn Quốc sẽ sớm trở thành con hổ thứ tư vượt qua Nhật Bản, quốc gia từng là ông chủ thuộc địa và mẫu hình kinh tế của Hàn Quốc.

Họ cũng đã ngang ngửa nước Mỹ. Singapore đã vượt mức thu nhập của Mỹ vào những năm 1990; Hồng Kông đạt mức ngang bằng hồi năm 2013; và hai con hổ còn lại đã thu hẹp khoảng cách. Thật vậy, trong năm năm qua (2013-18), GDP bình quân đầu người của Singapore và Hồng Kông đã tăng nhanh hơn tất cả quốc gia khác xếp trên họ trong bảng xếp hạng thu nhập. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, điều tương tự cũng đúng với Đài Loan và Hàn Quốc.

Với sự trưởng thành kinh tế của họ, những con hổ này đáng được chú ý trở lại. Họ phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự như các vấn đề của phương Tây: làm thế nào để giảm thiểu bất bình đẳng; làm thế nào để tăng năng suất; làm thế nào để đối phó với tình trạng già hóa dân số; và làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ không có tất cả các câu trả lời, nhưng họ có những cách tiếp cận mới, dù đôi khi vẫn còn chưa chuẩn xác, mà bản thân chúng có thể mang lại cho thế giới nhiều điều có thể học hỏi.

Những con rồng nhỏ

Báo cáo đặc biệt này sẽ xem xét bản chất thay đổi trong các nền kinh tế của bốn con hổ châu Á và đưa ra bốn lập luận chính. Đầu tiên là nhiều vấn đề của bốn con hổ này bắt  nguồn từ chính thành công kinh tế chứ không phải thất bại của họ. Họ đã giữ vững thị phần xuất khẩu toàn cầu của mình trong nhiều năm mặc dù chi phí nhân công và đất đai vẫn tăng đều. Nhưng giờ đây họ sẽ phải chiến đấu để mở rộng xuất khẩu của mình nhanh hơn trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm. Họ cũng đã đạt đến biên giới công nghệ trong nhiều ngành công nghiệp. Điều đó sẽ làm cho sự cải tiến trở nên khó khăn hơn: họ không còn phải đuổi theo các công nghệ tốt nhất toàn cầu mà đang cố gắng phát minh ra những công nghệ mới.

Lee Kuan Yew, cha đẻ của Singapore, đã từng tuyên bố rằng sự hài hòa và ổn định là những yếu tố chính trong  các “giá trị Châu Á”. Bốn con hổ vẫn trân trọng những giá trị này (có nước nào mà không làm như vậy?), nhưng nhiều công dân của họ coi sự công bằng là điều kiện tiên quyết cho cả hai. Quan sát đó dẫn đến lập luận thứ hai của báo cáo này: khi một tầng lớp công dân có học thức khao khát dân chủ, việc kiềm chế khát vọng đó có thể là một điều thiếu thận trọng và bất công. Một số ý kiến ​​cho rằng nền chính trị ồn ào của Đài Loan và Hàn Quốc – với các vụ án tham nhũng cấp cao, các vụ ẩu đả trong phòng họp quốc hội và chiến tranh truyền thông dữ dội giữa các đảng phái – đã cản trở tăng trưởng kinh tế của họ. Nhưng nếu xét kỹ hồ sơ của bốn nền kinh tế này, chúng ta thấy rằng lập luận đó không có căn cứ. Thay vào đó, điều đã trở nên rõ ràng ở Hồng Kông là việc thiếu dân chủ là một hạn chế nghiêm trọng, gieo rắc sự bất mãn và mất lòng tin trong người dân.

Thứ ba, mức độ phát triển thấp của nhà nước phúc lợi ở các nền kinh tế này cũng trở thành một trở ngại. Các nhà lãnh đạo của họ thường lo lắng rằng việc phân phối lại thu nhập và chi tiêu cho phúc lợi xã hội sẽ làm giảm động lực làm việc của người dân. Nhưng sự bất an xã hội thay vào đó có nguy cơ khiến người dân của họ không muốn chấp nhận thay đổi công nghệ. Khi dân số các nền kinh tế này lão hóa, chính phủ của họ cũng phải đối mặt với nhiều áp lực hơn trong việc chi tiêu cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe. Và họ cũng cần giảm bớt gánh nặng kinh tế vốn ngăn cản những người dân trẻ tuổi có con. Nói cách khác, các “nhà nước phát triển” vốn luôn bị ám ảnh bởi tăng trưởng kinh tế của các nước này phải trở thành các nhà nước phúc lợi thân thiện với tăng trưởng.

Cuối cùng, những con hổ này có vai trò quan trọng trong việc dự báo tăng trưởng kinh tế cho phần còn lại của thế giới. Họ rất dễ bị tổn thương bởi các chu kỳ toàn cầu về công nghệ, tài chính và địa chính trị. Những con hổ ngành chế tạo (Hàn Quốc và Đài Loan) đã thống trị những mảng hẹp trong chuỗi cung ứng công nghệ, tập trung vào các bí quyết kỹ thuật và bộ vi xử lý rất quan trọng đối với các mạng viễn thông 5G tốc độ cao và quy trình xử lý dữ liệu lớn. Trong khi đó, Hồng Kông và Singapore đã định vị mình là cầu nối tài chính giữa Trung Quốc và thế giới, khiến họ rất nhạy cảm với cả thành công lẫn những vấp ngã của nó. Và cả bốn con hổ đều phụ thuộc vào việc duy trì sự yên bình về địa chính trị trong bối cảnh nước Mỹ, siêu cường đang đứng đầu, điều chỉnh để đối phó với một đối thủ mới.

Các chu kỳ này có thể khó quản lý ngay cả khi chúng đang ở giai đoạn đi lên. Sự bùng nổ về tài chính và công nghệ có thể tập trung của cải trong tay một số ít người, chẳng hạn như các chaebol sản xuất chip của Hàn Quốc hoặc các ông trùm bất động sản Hồng Kông. Còn khi chu kỳ đi xuống, các mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn. Hai lần trong một phần tư thế kỷ qua, những con hổ này đã bị rung chuyển bởi các cuộc khủng hoảng tài chính. Sự bùng nổ kéo dài về nhu cầu đối với chip bán dẫn trong điện thoại thông minh và máy tính gần đây đã chậm lại, làm tổn thương Hàn Quốc và Đài Loan. Nhưng chính thách thức địa chính trị mới khiến họ lo lắng nhất hiện nay: một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ làm rung chuyển các nền tảng cho sự thịnh vượng và an ninh của các con hổ châu Á.

Về phương pháp luận, báo cáo đặc biệt này đặt ra một câu hỏi rõ ràng. Liệu có hợp lý khi gộp các con hổ lại với nhau? Hai trong số đó là các thành phố; còn hai con hổ còn lại là các quốc gia có quy mô trung bình (dân số Đài Loan đã vượt quá 20 triệu người; còn Hàn Quốc là 50 triệu). Hai con hổ là thành viên có chủ quyền của Liên Hợp Quốc; một là lãnh thổ của Trung Quốc; còn con hổ còn lại không có địa vị ngoại giao. Đài Loan và Hàn Quốc là những nền dân chủ sống động; còn Hồng Kông và Singapore ít tin tưởng cử tri của họ hơn. Hai con hổ vẫn dựa vào ngành chế tạo; còn hai con hổ còn lại là các nhà cung cấp dịch vụ cao cấp.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những khác biệt này, bốn con hổ vẫn có nhiều điểm chung. Họ nằm trong số những nền kinh tế giao thương mở nhất thế giới, đi kèm với tất cả biến động mà điều đó mang lại. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì tỷ lệ việc làm và mức tiết kiệm cao, ngay cả khi mức sống của họ đã được cải thiện. Ở các mức độ khác nhau, họ cũng bị mắc kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ. Và cả bốn đều đang phải đối mặt với những vấn đề xã hội phức tạp xuất phát từ sự phát triển vượt bậc của họ trong nửa thế kỷ qua. Bốn con hổ đã đạt được sự thịnh vượng mà không tự mãn, giàu có mà không cần nghỉ ngơi. Những nỗ lực để tiếp tục dẫn đầu của họ không có gì đảm bảo sẽ thành công. Nhưng câu chuyện của họ chắc chắn vẫn còn rất hấp dẫn. ■

(Còn tiếp 6 phần)