Nguồn: Chemical contamination prompts evacuation of Missouri town, History.com
Biên dịch: Trần Mẫn Linh
Vào ngày này năm 1982, Sở Y tế Missouri và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) liên bang đã thông báo tới cư dân của Times Beach, Missouri rằng thị trấn của họ đã bị ô nhiễm sau khi chất hóa học dioxin được phun lên những con đường đất, và rằng thị trấn này sẽ phải sơ tán và phá hủy. Đến tháng 2, chính quyền liên bang và tiểu bang đã chi 36 triệu đô la để mua toàn bộ nhà cửa trong thị trấn, chỉ trừ một nhà từ chối bán vì họ đã sống cả đời tại Times Beach. Năm 1985, thành phố chính thức bị giải thể.
Times Beach được thành lập vào năm 1925 và xuất hiện trên báo với dòng quảng cáo: Mua gói đọc báo 6 tháng của Thời báo St. Louis để nhận ngay 67,5 đô la khi mua một lô đất 6x30m tại khu định cư mới dọc theo Sông Meremec. Tuy nhiên, thị trấn đã không bao giờ trở thành một khu nghỉ mát sầm uất như tờ báo dự định mà thay vào đó là một khu dân cư hạ trung lưu của khoảng 2.000 người. Thị trấn nằm ngay gần Tuyến 66, đường cao tốc hai làn từ Chicago đến Los Angeles và từng là một trong những tuyến đường chính qua Tây Nam nước Mỹ.
Thật không may, Times Beach đã không có đủ tiền để trải thảm đường và tất cả bụi đất bay lên từ tô tô và xe tải đã trở nên thực sự phiền toái. Năm 1972, các quan chức thị trấn nghĩ là họ đã tìm ra một giải pháp hoàn hảo cho vấn đề: họ trả cho Russell Bliss – người thu gom rác thải địa phương – chỉ 6 xu/gallon để phun dầu lên đường, về lý thuyết có thể giữ bụi lại trên mặt đất.
Vào năm trước đó, Bliss có dầu miễn phí do được thuê thu dọn chất thải cho một nhà máy sản xuất hóa chất vốn kiếm tiền chủ yếu từ việc bán napalm cho quân đội. Bliss đã trộn một thùng dầu nhớt đã qua sử dụng với sáu xe tải chứa chất thải từ nhà máy, mà hóa ra là hexachlorophene nhiễm dioxin – một hóa chất nguy hiểm có thể tồn tại trong cơ thể người hơn 10 năm sau khi được hấp thụ. Sau đó, Bliss đã phun hỗn hợp gây ung thư này ra khắp thị trấn.
Những đứa trẻ ở Times Beach rất thích chơi với thứ chất nhớt màu tím của Bliss và không ai nghi ngờ gì cho đến khi động vật – đặc biệt là những con ngựa tiếp xúc với phần đường được phun bởi Bliss cùng sàn chuồng và vòng đua hằng ngày – bắt đầu lăn ra chết. Không lâu sau đó, mọi người cũng bắt đầu bị bệnh. Năm 1979, EPA đã đến thị trấn để lấy mẫu đất, và năm 1982, cơ quan này tuyên bố nồng độ dioxin – “tác nhân gây ung thư mạnh nhất do con người tạo ra” – tại Times Beach ở ngưỡng rất cao. Cơ quan đã cho sơ tán thị trấn ngay sau Giáng sinh, chi tổng cộng 250 triệu đô la và thiêu hủy 265.000 tấn đất nhiễm dioxin.
Năm 1999, Times Beach – thị trấn một thời nay đã bị san phẳng và bỏ hoang – đã mở cửa trở lại, trở thành Công viên Tiểu bang Tuyến 66.