Đề Oanh: Người con gái làm thay đổi hệ thống pháp luật phong kiến TQ

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Hán Thư là một bộ sử nổi tiếng trong Nhị Thập Tứ Sử Trung Quốc, gồm 100 thiên, do 3 cha con nhà họ Ban; bố là Ban Bưu, con trai Ban Cố, con gái Ban Chiêu, cùng 1 cộng tác viên là Mã Tục; tất cả 4 sử gia  bỏ ra 40 năm trời để soạn ra. Bộ sử gồm 100 thiên, riêng thiên thứ 23 với nhan đề Hình Pháp Chí;  khảo cứu về pháp luật. Trong thiên này, chép về việc cải cách pháp luật dưới thời vua Hán Văn Đế  [TCN 202-TCN 157], vị Hoàng đế thứ 5 nhà Tây Hán.

Điểm đặc thù của cuộc cải cách này khởi nguồn từ lá thư của một người con gái gửi cho Vua Hán Văn Đế. Nàng tên là Đề Oanh, con út nhà quan, nhân cha bị tội hình có thể tổn thương đến tính mệnh, không có dịp làm lại cuộc đời. Thương xót cha vô vàn, nhưng không chỉ gạt nước mắt mà khóc; nàng quyết tâm lẽo đẻo theo đoàn áp giải tù để hầu hạ cha, từ Sơn Đông đến kinh đô Trường An  [Tây An], đường sá xa xôi hàng mấy ngàn dặm. Đến kinh đô, nàng tìm cách dâng thư lên vua Hán Văn Đế, nội dung sự việc ghi trong Hình Pháp Chí như sau:

Hán Văn Đế năm thứ 13  [TCN 167 ], viên quan Thái Thương đất Tề  [Sơn Đông] Thuần Vu công mắc vào tội hình, chiếu lệnh đem vào ngục tại kinh đô Trường An. Thuần Vu công không có con trai, chỉ có 5 cô con gái mà thôi. Lúc sắp bị bắt đem đi, công la mắng mấy cô con gái rằng:

‘Sinh con không có con trai, lúc gặp việc gấp, nào có ích gì’

Người con gái út tên là Đề Oanh, thương cảm khóc lóc, theo cha đến tận kinh đô, dâng thư lên Vua rằng:

‘Cha thiếp làm quan, người đất Tề đều khen là thanh liêm công bình; nay vướng vào pháp luật bị tội hình. Thiếp đau buồn vì cha chết không thể sống lại, nếu bị hình phạt không thể nguyên vẹn cơ thể như cũ; tuy sau đó muốn tự sửa đổi sai lầm cũng không còn đường nữa. Nay thiếp tình nguyện làm nô tỳ nhà quan, để chuộc tội hình, ngõ hầu cha có cơ hội tự đổi mới.[1]

Nội dung lá thư cùng lòng hiếu thảo dũng cảm của người con gái, rung động tấm lòng vị vua nhân từ Hán Văn đế; nhà Vua bèn ra lệnh cho các quan Thừa tướng, Ngự sử như sau:

Chế ban cho quan Ngự sử:

‘ Ta nghe rằng vào đời Ngu Thuấn  [TCN 2294 – TCN 2184]  chỉ vẽ hình tội nhân với y phục thường dân trưng lên gọi là hình lục, mà dân chúng không dám phạm pháp, văn trị đã đến nơi rồi vậy. Nay pháp luật có 3 loại nhục hình,[2] mà tội gian không ngừng; khuyết điểm này từ đâu ra? Phải chăng Trẫm thiếu đức, nên sự giáo hóa không sáng suốt, ta rất lấy làm hổ thẹn, vì sự giáo hóa không thuần thành nên dân ngu mới phạm phải tội lỗi. Kinh Thi dạy: ‘Làm vua quan vui vẻ thông cảm, coi dân như con.’ Nay dân có lỗi, giáo dục chưa thi hành, mà hình phạt thì gia tăng, có kẻ muốn sửa đổi thành người tốt cũng không còn cơ hội, ta rất lấy làm thương. Phàm tội hình xâm phạm vào chân tay thân thể, rạch khắc vào xương thịt, suốt đời không lành; hình phạt gây đau khổ, thực thiếu đức; bắt tội như vậy có xứng đáng làm cha mẹ dân không? Các loại nhục hình khác cũng phải tìm cách thay đổi; lại ra lệnh tội nhân kẻ nặng người nhẹ, nếu không bỏ trốn, bắt vài năm rồi tha; hãy ban lệnh chi tiết đầy đủ.[3]

Thừa tướng Trương Thương, Ngự sử đại phu Phùng Kính tâu rằng:

“Mục đích nhục hình để cấm gian tà, nguồn gốc có từ lâu; Bệ hạ ban chiếu anh minh, thương vạn dân có lỗi lầm bị hình phạt suốt đời không hồi phục, cùng tội nhân muốn cải theo điều lành không còn đường, cái đức lớn đó bọn bầy tôi này không theo kịp. Bọn thần kính cẩn nghị bàn về luật như sau:

Những kẻ bị cạo tóc râu, đàn ông đi làm tạp dịch, đàn bà giã gạo; nay tùy theo giới tính chỉ làm tạp dịch hoặc giã gạo mà thôi.Những kẻ bị tội khắc rạch vào người nay bị cạo tóc râu rồi tùy theo giới tính đi làm tạp dịch hoặc giã gạo. Những kẻ bị tội cắt mũi, nay đổi sang đánh 300 trượng. Những kẻ bị chặt ngón tay trái, nay đổi sang đánh 500 trượng vvv…”[4]

***

Có rất nhiều danh sĩ nước ta đề cập đến Đề Oanh trong văn chương như Nguyễn Du, Cao Bá Quát; nhưng cảm động nhất có lẽ đoạn Gia Biến trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Chúng ta hãy trở về với văn chương Việt, bằng cách trưng lên phần thơ lục bát về Gia Biến, để có dịp so sánh giữa nàng Kiều và nàng Đề Oanh. Nhắm giúp các bạn trẻ chưa làm quen với cổ văn, chúng tôi mạo muội diễn nghĩa bên cạnh, tại phần trong ngoặc  [] để tham khảo; xin các bậc tao nhân mặc khách hãy đi vào chính văn, nên vứt bỏ phần diễn nghĩa thô vụng của chúng tôi:

Nàng Kiều gặp cơn gia biến:

Tần ngần dạo gót lầu trang,  [Nàng Kiều dạo gót trên lầu, ngần ngại nghĩ ngợi liên miên đến người yêu Kim Trọng cùng cha mẹ]

Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về, [Thì vừa lúc cha mẹ và 2 em đi mừng thọ từ bên quê ngoại, vừa mới trở về]

Hàn huyên chưa kịp giãi dề,  [Cả nhà hai bên, chưa kịp hàn huyên tâm sự]

Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao. [Thì quan quân bổng đâu 4 phía ập tới xôn xao]

Người nách thước, kẻ tay đao; [Chúng trang bị bằng gậy gộc hoặc đao kiếm]

Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi. [Kẻ nào cũng thuộc loại đầu trâu mặt ngựa, dữ tợn nguy hiểm như nước sôi]

Già giang một lão một trai, [Chúng đóng gông lên cổ cha già và em trai]

Một dây vô lại buộc hai thâm tình. [Bọn vô lại lại dùng giây trói gô hai người.]

Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh, [Chúng đầy nhà quát tháo như đám ruồi xanh bay vù vù]

Rụng rời khung dệt, tan tành gối may.  [Lục soát phá tan khung cửi, cùng chăn gối]

Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,  [Những đồ trang sức, của riêng từng người trong nhà]

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.  [Chúng vơ vét hết cho mãn nguyện túi tham]

Điều đâu ai buộc ai làm ?   [Tìm hỏi ai là kẻ buộc tội, gây nên chuyện?]

Này ai đan dậm, giật giàm bỗng dưng ? [Ai là kẻ giăng bẫy, đặt mưu?]

Hỏi ra sau mới biết rằng: [Dò hỏi ra sau mới biết rằng:]

Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ. [Kẻ đầu tiên vu cáo là thằng bán tơ lụa]

Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ, [Cả nhà nàng hoảng hốt ngẩn ngơ như kẻ mất hồn]

Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây. [Tiếng kêu oan rền rĩ dậy cả đất, trước vụ án đầy nghi ngờ như mây đen bao phủ]

Hạ từ van lạy suốt ngày, [Gia đình nạn nhân phải khúm núm, xuống lời van lạy suốt ngày]

Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn. [Tiếng kêu xin thương xót điếc cả tai, nhưng bàn tay độc ác tra khảo vẫn không ngừng.]

Rường cao rút ngược dây oan  [Chúng lấy dây trói kéo ngược người bị oan lên trên xà nhà ]

Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người. [Dầu cứng như đá cũng đau nát gan, huống chi là con người]

Mặt trông đau đớn rụng rời, [Cảnh tượng trông thấy phải đau đớn rụng rời]

Oan này còn một kêu trời, nhưng xa. [Mối oan này chỉ còn cách kêu trời, nhưng trời thì quá xa!]

Một ngày lại thói sai nha, [Đây là thói quen đàn áp hàng ngày của bọn sai nha cầm quyền]

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền. [Làm cho thật khốc hại, chẳng qua muốn moi tiền ]

Sao cho cốt nhục vẹn tuyền, [Nàng Kiều có hiếu chỉ mong sao cho cha em, cốt nhục được toàn vẹn]

Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao ? [Nàng nghĩ trong khi gặp biến cố, đành phải quyền biến, chứ không còn giải pháp nào khác!]

Duyên hội ngộ, đức cù lao, [Mối tình duyên gặp được người mình yêu, và công ơn sinh thành của cha mẹ]

Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn ? [Chữ tình, và hiếu; nàng phải cân nhắc bên nào nặng hơn.]

Để lời thệ hải minh sơn, [Nàng đau khổ quyết định để lời thề nặng như sông núi với người yêu sang một bên]

Làm con trước phải đền ơn sinh thành. [ Đạo làm con trước hết phải đền ơn sinh thành]

 Quyết tình nàng mới hạ tình: [Quyết định như vậy nên nàng đành dau khổ đặt tình yêu xuống dưới, và ngầm kêu van người yêu:]

Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha !  [“Xin chàng hãy tha cho! Để em đi bán mình chuộc cha.”]

Họ Chung có kẻ lại già, [Bấy giờ trong đám quan quân này, có viên Thừa lại già họ Chung]

Cũng trong nha dịch lại là từ tâm. [Tuy nằm trong thành phần nha dịch, nhưng còn có chút lòng nhân từ]

Thấy nàng hiếu trọng tình thâm, [Thấy nàng nặng lòng với chữ hiếu, mà cũng thâm tình]

Vì nàng nghỉ cũng thương thầm xót vay. [Vì nàng nên hắn ta cũng thương xót]

Tính bài lót đó luồn đây, [Hắn ta mách nước cách luồn chỗ nọ, hối lộ chỗ kia]

Có ba trăm lạng việc này mới xuôi. [Phải cần 300 lạng vàng việc này mới ổn thỏa]

Hãy về tạm phó giam ngoài, [Rồi cho tạm giam chờ xét xử]

Dặn nàng qui liệu trong đôi ba ngày. [Dặn nàng phải lo liệu số tiền trong vài ba ngày]

Thương tình con trẻ thơ ngây, [Thương cho nàng tuổi trẻ thơ ngây]

Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ! [Gặp cơn vạ gió tai bay thình lình]

Đau lòng tử biệt sinh ly, [Đau lòng gì hơn cảnh vĩnh biệt về cõi chết, phải chia lìa lúc sống!]

Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên ! [Thân này còn không dám tiếc, nào tiếc gì đến tình duyên!]

Hạt mưa sá nghĩ phận hèn, [Ơn mưa móc của đấng sinh thành to lớn, đâu dám nghĩ đến tấm thân hèn mọn]

Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân. [Quyết đem ngọn cỏ ngắn ngủi, để báo đền mùa xuân ấm áp nuôi dưỡng]

Sự lòng ngỏ với băng nhân, [Nàng trình bày ý nguyện với các bà mối]

Tin sương đồn đại xa gần xôn xao. [Tin về việc nàng tự nguyện bán mình lan truyền xôn xao xa gần]

Gần miền có một mụ nào, [Gần vùng đó có một bà mối]

Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh. [Đưa một người khách xa đến dạm hỏi]

Hỏi tên rằng: Mã Giám sinh. [Hỏi tên khách xưng là Mã Giám Sinh]

Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần. [Hỏi quê thì bảo thuộc huyện Lâm Thanh cũng gần]

Quá niên trạc ngoại tứ tuần, [Tuổi tác trung bình, ngoài 40]

Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao. [Mày râu nhẵn nhụi, áo quần sang trọng]

Trước thầy sau tớ lao xao [Chủ đi trước, đày tớ theo sau xôn xao rầm rộ]

Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang. [Bà mối hướng dẫn đưa vào lầu trang]

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng, [Không đợi mời, họ Mã dành ngồi ghế trên một cách sỗ sàng]

Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra. [Bà mối từ trong buồng giục nàng ra tiếp khách]

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà  [Nỗi lòng nàng với mối tình riêng, kèm thêm lòng tức giận vì hoàn cảnh gia đình]

Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng! [Khiến nàng đi một bước trên thềm hoa, mấy hàng lệ hoa rơi lã chả]

Ngại ngùng gìn gió e sương, [Nàng như cành liễu ngại ngùng với trường đời đầy sương gió]

Nhìn hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày. [Thân phận nàng đẹp như vậy mà phải đem đi bán rao, nên tự cảm thấy thẹn với hoa, trông gương mày dạn mặt dày]

Mối càng vén tóc bắt tay, [Bà mối chào hàng, vén tóc bắt tay]

Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai. [Dáng dấp nàng buồn như cúc, mảnh khảnh như cành mai]

Đắn đo cân sắc cân tài, [Đắn đo cân nhắc về tài sắc]

Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ. [Ép trình diễn đàn nguyệt, thử làm bài thơ chép trên quạt]

Mặn nồng một vẻ một ưa, [Kết quả khiến khách họ Mã rất mặn nồng ưa thích]

Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu. [Bằng lòng mới tìm cách ướm lời rằng:]

Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều, [“Ta làm việc này giống như đến đất Lam Kiều nơi sản xuất ngọc quí để mua]

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường ? [Xin cho biết rõ ràng về số tiền dẫn cưới]

Mối rằng: đáng giá nghìn vàng, [Bà mối nói: “ Cô nàng đáng giá ngàn lượng vàng]

Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài. [Nhưng vì trong nhà gặp biến, nên tùy lượng người thương, đâu dám nài ép.”]

Cò kè bớt một thêm hai, [Khách bủn xỉn, cò kè bớt một thêm hai trả giá]

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm. [Cuối cùng ngã giá với 400 lạng vàng]

Một lời thuyền đã êm dằm  [Một lời chắc chắn như thuyền đã định giá xong, êm mái chèo chuẩn bị khởi hành]

Hãy đưa canh thiếp trước cầm làm ghi. [Hai bên trao đổi thiếp ghi tên tuổi để làm bằng]

Định ngày nạp thái vu qui, [Định ngày làm lễ nạp thái (lễ nạp đồ dẫn cưới), lễ cưới]

Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong!  [Một khi trong lưng có tiền, thì việc gì cũng trôi chảy]

Một lời cậy với Chung công, [Bèn gửi lời nhờ viên Thừa lại họ Chung]

Khất từ tạm lĩnh Vương ông về nhà. [Làm tờ tạm lãnh cho Vương ông về nhà.]

Thương tình con trẻ cha già,  [Khi được tạm tha trở về nhà, cha già Vương ông biết rõ sự tình]

Nhìn nàng ông những máu sa ruột dàu:  [Nhìn nàng cõi lòng ông đau như cắt ruột đổ máu]

Nuôi con những ước về sau,  [Ông nói rằng: Phận làm cha mẹ nuôi con, chỉ mong ước]

Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi. [Trong tương lai con được kết tóc xe tơ với người xứng đáng]

Trời làm chi cực bấy trời,  [Ôi! Ông trời làm chi cực khổ như vậy]

Này ai vu thác cho người hợp tan!  [Ai đã vu oan để cho gia đình ta sum họp phải tan!]

Búa rìu bao quản thân tàn, [Thôi đành cam chịu búa rìu, quản chi đến tấm thân tàn!]

Nỡ đầy đọa trẻ, càng oan khốc già. [Nỡ đày đọa trẻ nhỏ, càng oan nghiệt cho lão già!]

Một lần sau trước cũng là, [Chết đi! Trước sau cũng chỉ một lần mà thôi]

Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau!  [Chết cho khuất mắt còn hơn là phải chứng kiến cảnh đau lòng!” ]

Theo lời càng chảy dòng châu,  [Vừa nói nước mắt ông càng tuôn trào]

Liều mình ông rắp gieo đầu tường vôi.  [Liều mình ông định đâm đầu vào tường vôi để tự tử]

Vội vàng kẻ giữ người coi, [Vội vàng bà con lối xóm kẻ thì nắm tay giữ lại, người thì trông chừng]

Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can:  [Nàng nhỏ nhẹ tìm lời khuyên can cha:]

Vẻ chi một mảnh hồng nhan,  [“Cha ơi! Có đáng chỉ thân phận con gái hồng nhan của con]

Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành. [Chưa làm được chút gì để đền ơn sinh thành của cha mẹ]

Dâng thư đã thẹn nàng Oanh,  [Con cảm thấy thẹn với nàng Đề Oanh xưa, dâng thư lên Vua Hán cứu cha]

Lại thua ả Lý bán mình hay sao ?  [Lại thua cả chị Lý Kỳ bán mình chuộc cha mẹ]

Cỗi xuân tuổi hạc càng cao,  [Cha nay tuổi đã già]

Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành. [Lại mang trách nhiệm lớn với mẹ và các em;giống như một gốc cây già cỗi phải gánh vác nhiều cành lá]

Lòng tơ dù chẳng dứt tình, [Nếu cha cứ nghĩ dến con thơ, không chịu dứt tình]

Gió mưa âu hẳn tan tành nưóc non. [thì mưa bão sụp đến, tan tành cả nhà ta mà thôi!]

Thà rằng liều một thân con, [Như vậy thà liều đi một tấm thân con]

Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây. [Như một bông hoa rơi rụng, nhưng cành lá trên cây vẫn xanh]

Phận sao đành vậy cũng vầy, [Phận con đã như vậy, cũng đành chịu vậy thôi]

Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh. [Coi con như hài nhi không đậu được, tư thời tấm bé]

Cũng đừng tính quẩn lo quanh, [Xin cha đừng suy nghĩ quẫn quanh làm liều]

Tan nhà là một thiệt mình là hai. [Tai hại thứ nhất là tan nhà, tai hại tiếp phải chịu thiệt mình.”]

Phải lời ông cũng êm tai,  [Nghe lời nói phải, ông cũng xuôi tai bằng lòng]

Nhìn nhau giọt vắn giọt dài ngổn ngang. [Hai cha con nhìn nhau nước mắt dàn dụa]

Mái ngoài họ Mã vừa sang,  [Phía ngoài nhà, Mã Giám Sinh vừa đến]

Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao.  [Sau khi cẩn thận ký giấy tờ, mới chịu cân vàng trao cho]

Trăng già độc địa làm sao?  [Nguyệt lão xe tơ, sao độc địa như vậy]

Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên. [Không cho lựa dây tơ tình, buộc vào một cách độc đoán]

Trong tay đã sẵn đồng tiền,  [Một khi trong tay sẵn có đồng tiền]

Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!  [thì thay đổi pháp luật trắng đen cũng không khó]

Họ Chung ra sức giúp vì,  [Viên Thừa lại họ Chung ra sức giúp đỡ]

Lễ tâm đã đặt, tụng kỳ cũng xong.  [Lễ hậu đem ra, việc kiện tụng giải quyết xong.]

***

Dưới thời phong kiến hoặc quân chủ, phụ nữ bị phân biệt đối xử; không được học trường công, đi thi, và ra làm quan. Nhưng sử liệu trong đề tài này đã nêu lên được các bậc nữ lưu kiệt xuất như nàng Ban Chiêu thay cha và anh hoàn thành bộ Hán Thư nỗi tiếng, lá thư nàng Đề Oanh thực sự thay đổi pháp luật hà khắc thời Tiền Hán trở về trước. Chúng ta ngày nay may mắn sống thời dân chủ, nam nữ bình quyền; trên thế giới không thiếu các phụ nữ giữ chức Thủ tướng, hoặc đoạt giải Nobel. Nước ta có phụ nữ giữ chức Chủ tịch quốc hội; hoặc các nữ lưu nỗi tiếng hoạt động cho nhân quyền; còn các nữ trí thức, văn thi sĩ thì nhiều vô kể. Riêng kẻ hèn này đã và đang cộng tác với các vị nữ Chủ nhiệm các báo, như cô Phạm Thị Hoài (Talawas); cô Đinh Kim Thu (báo Tiếng Dân), cô Phạm Thanh Vân (Dự Án Đại Ký Sự Biển Đông), cô Chu Thị Xuyến (Văn Hóa Nghệ An). Qua hàng trăm bài viết và ý kiến của những vị này, chẳng lẽ không có một lời nói phải ư? Chỉ cần người nghe, đọc, có đầu óc làm việc khoa học, biết cách sàng lọc, biện biệt được phải, trái; đúng, sai. Phải có tầm nhìn khai phóng, đừng  nên  giữ bộ óc thiên kiến, phe mình thì khen lấy khen để, phe người thì dìm xuống đất đen; hoặc chạy theo thời thượng; giống như những ông thầy đồ bảo thủ thời xưa, truyền mánh khóe cho học trò cách thi đậu, căn dặn làm bài lúc đi thi:

Tam Hoàng, Ngũ Đế thì khen,

Hán, Tần, Đường, Tống thì lèn cho đau.”

 ——————-

[1] 即位十三年,齊太倉令淳于公有罪當刑,詔獄逮繫長安。淳于公無男,有五女,當行會逮,罵其女曰:「生子不生男,緩急非有益也!」其少女緹縈,自傷悲泣,乃隨其父至長安,上書曰:「妾父為吏,齊中皆稱其廉平,今坐法當刑。妾傷夫死者不可復生,刑者不可復屬,雖後欲改過自新,其道亡繇也。妾願沒入為官婢,以贖父刑罪,使得自新。」

[2] Nhục hình: hình phạt xâm phạm vào xác thịt.

[3] 書奏天子,天子憐悲其意,遂下令曰:「制詔御史:蓋聞有虞氏之時,畫衣冠異章服以為戮,而民弗犯,何治之至也!今法有肉刑三,而姦不止,其咎安在?非乃朕德之薄,而教不明與!吾甚自愧。故夫訓道不純而愚民陷焉。《詩》曰:『愷弟君子,民之父母。』今人有過,教未施而刑已加焉,或欲改行為善,而道亡繇至,朕甚憐之。夫刑至斷支體,刻肌膚,終身不息,何其刑之痛而不德也!豈稱為民父母之意哉?其除肉刑,有以易之;及令罪人各以輕重,不亡逃,有年而免。具為令。

[4] 丞相張蒼、御史大夫馮敬奏言:「肉刑所以禁姦,所由來者久矣。陛下下明詔,憐萬民之一有過被刑者終身不息,及罪人欲改行為善而道亡繇至,於盛德,臣等所不及也。臣謹議請定律曰:諸當完者,完為城旦舂;當黥者,髡鉗為城旦舂;當劓者,笞三百;當斬左止者,笞五百…