Nguồn: Iconic photo of Che Guevara taken, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Trong khoảnh khắc trước khi bị bắn chết bởi một người lính của chính phủ Bolivia, nhà cách mạng Ernesto “Che” Guevara đã nói với người xử tử mình “Bắn đi tên hèn nhát! Ngươi chỉ có thể giết chết một người đàn ông thôi!” Guevara qua đời một thời gian ngắn sau đó, vào ngày 09/10/1967 ở tuổi 39, nhưng ông đã đúng khi khẳng định rằng đây không phải là dấu chấm hết cho di sản của mình. Ngày nay, di sản đó gần như luôn gắn liền với một bức ảnh duy nhất, Guerrillero Heroico, mà một số người đã gọi là bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới.
Bức ảnh đó được chụp vào ngày 05/03/1960, bảy năm trước khi Guevara qua đời, tại một đám tang dành cho các công nhân thiệt mạng trong một vụ nổ ở cảng Cuba, mà chính phủ cách mạng Fidel Castro đã đổ lỗi là do người Mỹ tiến hành. Guevara, một vị tướng trong cuộc cách mạng, đồng thời là bộ não đứng sau chế độ Castro, đã đứng nhìn chăm chú khi Fidel phát biểu đầy phẫn nộ tại đám tang.
Trong khoảng ba mươi giây, ông bước tới trước một đám đông đang đứng gần bục của Castro, lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Alberto Díaz Gutiérrez, còn được gọi là Alberto Korda. Korda chụp hai bức ảnh của Guevara, ghi lại khuôn mặt kiên quyết và mái tóc dài nép dưới chiếc mũ nồi nổi tiếng, trước khi Guevara rút lui vào đám đông. Có lẽ do xuất thân là một nhiếp ảnh gia thời trang, Korda đã rất thích một trong hai bức ảnh và chỉnh nó thành một bức chân dung, mặc dù tờ La Revolución đã từ chối sử dụng nó.
Suốt nhiều năm, bức ảnh – nay đã là biểu tượng – chẳng là gì khác ngoài sở thích cá nhân của người đã chụp nó. Korda đặt tên cho bức ảnh là Guerrillero Heroico (Chiến binh Du kích Anh hùng) và treo nó trên tường của mình, thỉnh thoảng tặng lại bản sao cho các vị khách cùng sở thích. Mãi đến năm 1967, công chúng mới lần đầu tiên nhìn thấy Guerrillero Heroico xuất hiện trên tạp chí Paris Match cùng với một bài viết về các phong trào du kích Mỹ Latinh.
Guevara bị xử tử vào tháng 11 năm đó, bị bắt trong khi chiến đấu bên cạnh các nhà cách mạng Bolivia. Trong buổi lễ tưởng niệm ông tổ chức tại Havana, một bản in khổng lồ của Guerrillero Heroico đã được treo trên tiền sảnh của Bộ Nội vụ. Sự kiện này đánh dấu việc “phong thánh” cho Che – trở thành vị tử đạo của cách mạng toàn cầu, cũng như sự vinh danh bức ảnh của Korda như một biểu tượng của sự phản kháng.
Một năm sau, Guerrillero Heroico trở thành hiện tượng. Nó xuất hiện trên trang bìa của một bản hồi ký của Guevara, được xuất bản ở Ý. Nó cũng được sử dụng làm trang bìa của một tạp chí văn học được quảng cáo trên tàu điện ngầm Thành phố New York.
Cùng năm đó, nghệ sĩ người Ireland, Jim Fitzpatrick, đã tạo ra một phiên bản cách điệu của Guerrillero Heroico, đặt hình ảnh đen trắng của Guevara trên nền đỏ, sau đó phân phát rộng rãi nhất có thể để tôn vinh di sản của Guevara. Một tấm áp phích có tác phẩm Fitzpatrick đã được trưng bày tại Arts Laboratory ở London.
Năm 1968 là một năm đầy biến động trên khắp thế giới, và hình ảnh của Guevara luôn nổi bật trong các cuộc bạo loạn sinh viên quét qua nước Pháp vào tháng 5, các cuộc biểu tình dân túy trong “Mùa thu Nóng” của Ý, hay các cuộc biểu tình bất bạo động lấy cảm hứng từ chủ nghĩa siêu thực của Hà Lan – “Provos.”
Ngoài việc được giương cao trong các cuộc biểu tình hoặc treo trong nhà của những người ngưỡng mộ ông, hình ảnh của Guevara đã trở nên phổ biến như một tuyên ngôn thời trang, sử dụng như vật trang trí áo phông và áp phích ở bất cứ nơi nào mà văn hóa phản kháng hiện diện. Ban nhạc Rage Against the Machine đã sử dụng một phiên bản sửa đổi của Guerrillero Heroico làm ảnh bìa cho đĩa đơn “Bombtrack” của họ vào năm 1993; Madonna cũng sử dụng hình ảnh trên bìa album American Life năm 2003 của cô.
Korda đã thành công trong việc ngăn Smirnoff Vodka sử dụng tác phẩm của mình trong một trong các chiến dịch của hãng này, nhưng Guerrillero Heroico vẫn xuất hiện trong vô số quảng cáo khác, bao gồm quảng cáo của Nike và chiến dịch của Taco Bell trong đó có một chú chó Chihuahua trong trang phục cách mạng.